Khi các ampli bán dẫn được giới thiệu lần đầu tiên, dường như thời kỳ của ampli đèn đã kết thúc. Tuy nhiên điều ngược lại đã diễn ra, khiến cho lựa chọn của người sử dụng trở nên ngày càng đa dạng.

Vào cuối thập niên 50, khi các ampli bán dẫn bắt đầu được giới thiệu, dường như đã đến lúc ampli đèn bắt đầu bị thải hồi. Các linh kiện bán dẫn khi đó nhỏ hơn, nhẹ hơn và rẻ hơn nhiều so với bóng đèn chân không, đồng thời đem đến công suất đầu ra lớn hơn nhiều. Không chỉ có vậy, ampli bán dẫn không cần sử dụng biến áp đầu ra, một linh kiện quan trọng đối với ampli đèn nhưng khiến cho kích thước, khối lượng và giá thành tăng lên rất nhiều. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các nhà sản xuất gần như đã loại bỏ ampli đèn để chuyển sang tập trung vào ampli bán dẫn.

Công bằng mà nói, những gì mà ampli bán dẫn đem đến không pjair chỉ ngày một ngày hai là có được. Thực ra, những linh kiện bán dẫn đầu tiên với mục đích thay thế bóng đèn điện tử đã được các kỹ sư ở Bell Labs ra mắt từ năm 1947, làm từ germanium. Tuy nhiên, loại bán dẫn này có chất lượng khá thấp và dễ cháy, vì thế người ta chưa thấy chúng có điểm gì vượt trội so với bóng đèn điện tử. Dù vậy, các tiến bộ về khoa học công nghệ nhanh chóng bù lấp các khuyết điểm này và cuối cùng linh kiện bán dẫn bằng silicon ra đời, thay thế cho những chiếc bán dẫn làm bằng germanium.

Ampli Dynaco ST 70 series III

Tuy nhiên, rất nhiều audiophile nhận ra rằng họ không thể dễ dàng chấp nhận chất âm của các ampli bán dẫn đời mới này. Chúng cũng không khác gì âm thanh từ chiếc radio bỏ túi phát ra, chỉ khác ở chỗ to hơn mà thôi. Điều không may là, khi nhà sản xuất đã quyết định chuyển hẳn sang ampli bán dẫn, việc tìm mua những chiếc ampli đèn mới, chưa từng qua sử dụng là điều bất khả thi.

Chiếc ampli đèn thế hệ mới được William Zane Johnson, chủ tịch của công ty Audio Research giới thiệu vào năm 1970. Cũng như nhiều người yêu âm thanh khác, Johnson nhận ra rằng chất âm từ những chiếc ampli đèn mang nhiều nhạc tính hơn. Trong một buổi triển lãm vào năm 1970, khi nhìn thấy những ampli đèn này, có người đã nhận xét rằng Johnson “Kéo cả ngành công nghiệp audio đi lùi lại 10 năm.” Tuy nhiên, thay vì kéo lùi lịch sử, những chiếc ampli này đã mở đầu cho công cuộc phục hưng các thiết bị âm thanh dùng đèn điện tử kéo dài đến tận 50 năm sau vẫn chưa chấm dứt.

Lựa chọn power-amp đèn hay power-amp bán dẫn cũng là điều không thể tránh khỏi khi quyết định xây dựng một hệ thống âm thanh. Các power-amp đèn có thể đem đến nhạc tính khiến người nghe nổi da gà, nhưng cũng có nhược điểm của riêng mình. Sau đây là một vài ưu điểm / nhược điểm thường thấy ở ampli đèn.

Ampli Dynaco ST 70 series III hay

Các power-amp đèn thường đắt hơn các power-amp sử dụng bán dẫn có cùng công suất đầu ra. Chi phí cho bóng đèn, biến áp và mạch nguồn của power-amp đèn đã khiến cho việc sở hữu thiết bị này khó khăn hơn là power-amp bán dẫn. Bên cạnh đó, bóng đèn cần phải thay khi bị hỏng đã khiến cho chi phí đầu tư bị đội thêm nhiều hơn. Một bộ 16 bóng đèn công suất EL34 có giá từ 300 cho đến 1600 đô la.

Xét về khả năng trình diễn âm bass, power-amp đèn không thể so sánh với những power-amp bán dẫn được thiết kế tốt, nhưng các mặt khác có thể sẽ ngang nhau. Bóng đèn không có khả năng kiểm soát các dải trầm được như bán dẫn, vì thế các dải trầm sẽ thiếu lực và không có mở rộng ngang bằng. Hơn nữa, do hạn chế về công suất để phối ghép với các loa có trở kháng thấp, đây thực sự không phải là lựa chọn dành cho những bộ loa tiêu hao công suất lớn. Bóng đèn cũng đòi hỏi phải chỉnh bias thường xuyên để duy trì được hiệu năng trình diễn tốt nhất. Chỉnh bias thật ra rất dễ, tuy nhiên vẫn là điều khá phiền toái đối với những ai không muốn tiến hành bảo dưỡng thường xuyên. Vì thế mà ngày nay, không ít ampli đèn còn được trang bị mạch chỉnh bias tự động.

Ampli Viva Audio Solista dep

Không chỉ vậy, bóng đèn còn có thể hỏng đột ngột, phần lớn không sáng nữa, đôi lúc còn cháy hay bị bốc khói. Những trường hợp như vậy thường khá hiếm nhưng không phải không xảy ra. Mặc dù tuổi thọ của bóng đèn ngày nay là khoảng vài nghìn giờ, đôi khi vẫn có trường hợp bóng đèn hỏng do sự cố kỹ thuật bất ngờ.

Cuối cùng, nhiệt độ của bóng đèn khi hoạt động rất cao, có thể gây bỏng khi chạm vào trực tiếp. Do đó, nếu nhà có trẻ con hay nuôi động vật, người dùng nên cân nhắc việc sử dụng những power-amp đèn có nắp che bóng công suất thay vì để lộ thiên ra bên ngoài.

(Hết phần 1)

Nguồn: tapchihifi.com/Bách Diệp