Nghe có vẻ khá lạ lẫm, thế nhưng việc sử dụng nhạc số để phối hợp với các dàn âm thanh hi-end đẳng cấp đang tạo thành phong cách chơi nhạc mới.

Nhạc số dần có chỗ đứng bên cạnh việc chơi nhạc bằng CD, đĩa than…, nó cũng đang khiến dân “audiophile” điên đảo khi các định dạng nhạc số chất lượng liên tục ra đời.

Chơi nhạc kiểu mới

Với dân chơi âm thanh đích thực, một bộ dàn không thể thiếu gồm đầy đủ các thiết bị như nguồn phát (CD, đĩa than, băng cối…), bên cạnh đó là hệ thống khuếch đại như amply, loa. Thế nhưng hiện nay dân chơi đang ngày càng tìm tòi mọi góc của công nghệ bằng cách thay nguồn phát với CD và đĩa than thành nhạc số được lưu thành file trong máy tính, điện thoại, máy tính bảng…

Không thể phủ nhận, tiếng nhạc phát ra từ những CD, đĩa than, băng cối đã làm mê hoặc dân hi-end bấy lâu nay. Tuy nhiên, nhạc số đang dần trở thành xu hướng mới trong việc thưởng thức âm thanh. Thử tưởng tượng, bạn về nhà, ngồi trước máy tính làm việc, lướt web, đồng thời chọn một bản nhạc yêu thích thưởng thức qua dàn âm thanh của mình. Quá trình này thú vị hơn nhiều với thao tác đứng lên, rời khỏi chỗ ngồi và thay CD liên tục để thưởng thức các bản nhạc yêu thích.


 Nhạc số lossless đang trở thành lựa chọn của nhiều dân chơi mê hi-end. Ảnh: THANH NHẬT

 

Cũng chính vì sự tiện lợi đó, nghe nhạc từ máy tính đang dần hình thành và hàng loạt các hãng âm thanh danh tiếng đang cùng nhau tham gia thị trường này. Có người còn cho nhạc số là tương lai của âm thanh, cũng có những ý kiến phản biện cho rằng file nhạc nén lưu không thể bằng âm chuẩn từ CD, đĩa than.

“Với nhạc lossless (nhạc số chất lượng cao), bạn dễ dàng nhận thấy sự tiện lợi, nếu nhà có 3-4 phòng nghe nhạc thì cũng chỉ cần một nguồn phát từ máy tính, tiết kiệm so với mỗi phòng một nguồn phát dùng CD, đĩa than. Nói chung đây là một xu hướng phù hợp với công nghệ” –  anh Tín Đình, một dân chơi audio, cho biết.

Cũng lắm công phu

Dẫu vậy, việc chơi nhạc số phong cách mới cũng không hề đơn giản, các file nhạc có chất âm tốt đòi hỏi phải có dung lượng lớn. Hiện có nhiều định dạng như WAV, FLAC, APE… được phát từ laptop qua các phần mềm trình phát hoặc bạn cũng có thể chọn cho mình một music server (dùng để lưu trữ, rip CD thành file nhạc, phát với chất lượng cao). Bên cạnh đó là giá thành music server khá cao, có khi lên đến cả trăm triệu đồng. Tìm kiếm file nhạc cũng là một vấn đề, có thể tải về trên mạng hoặc mua từ các trang mua bán như Hdtrack.com, itrack.com… hay trên iTunes của Apple.

Khi bạn quyết định chơi nhạc số và đòi hỏi chất lượng cao, bạn nên mua các file nhạc, nếu nhạc rip từ CD chỉ có 16bit/44,1kHz thì nhạc mua trên website có thể lên đến 24bit/96kHz và có thể còn cao hơn nữa gọi là nhạc HD.

“Nếu đúng chơi lossless phải chơi loại chất lượng cao, các file này được mua có khi một file 1-2 USD nhưng cũng có khi cả mấy chục USD. Dân chơi thường chung tiền nhau mua rồi chia sẻ lại cho anh em” – anh Hoàng Phúc, một dân hi-end ở quận Tân Bình, nói.

Xong với phần chọn file, giờ là phát nhạc, điều dân audio e ngại nhất chính là việc can nhiễu và tiếng ồn của nhạc lossless, chỉ khi nào khắc phục được các nhược điểm này thì người nghe mới trải nghiệm một cách đúng đắn về nhạc số.

Có nhiều cách được tư vấn, thay vì dùng sound card, bạn có thể mua một USB convert, một đầu cắm vào cổng USB máy tính, đầu còn lại là các cổng âm thanh chất lượng coxial, optical. Bộ chuyển đổi này có giá từ 5 triệu đồng trở lên trên thị trường. Sau khi qua USB convert, bạn kết nối tiếp với bộ giải mã tín hiệu là DAC để giải mã tín hiệu từ digital sang analog, tiếp đến mới kết nối với amply và loa.

“Anh em diễn đàn cũng đã tổ chức nhiều buổi offline về nhạc lossless, so sánh cả với CD. Về cơ bản, USB convert giống một thiết bị ổn định “nhịp tim” khi xuất ra khỏi nguồn phát, DAC giải mã là điều không thể thiếu” – anh Lâm Nhựt Hùng, admin VNAV, giải thích.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hi-end, cũng giống máy ảnh phim và máy ảnh số thời nay. Nhạc lossless và nhạc CD là mô thức tương tự, có người thích chơi kiểu này, người kiểu khác, trong chừng mực nào đấy lossless vẫn thua kém CD một chút nhưng tương lai thì mọi thứ sẽ được cải thiện.

 Chơi nhạc DJ trên đám mâyKhông chỉ với dòng nhạc hi-end truyền thống, nhiều dân chơi DJ cũng bắt đầu hướng đến dòng nhạc số chất lượng cao lưu trữ trên đám mây. Theo nữ DJ trẻ Silk Bùi, một trong những gương mặt quen thuộc tại những sân chơi âm nhạc, truyền thông như Zing, XoneFM, Yeah1… Để giảm thiểu gánh nặng phải đem theo ổ cứng hay nhiều băng đĩa, hiện cô chọn giải pháp lưu trữ nhạc trên mạng My Cloud. Mỗi khi cần chơi nhạc, Silk Bùi lên mạng lấy các bài hát về máy, sau đó bắt đầu chơi nhạc thay vì phải đem theo nhiều băng đĩa như trước đây.

Nguồn: kynguyenso.plo.vn/THANH NHẬT