Sự nhỏ nhắn, tiện dụng cùng chất âm dễ nghe đã giúp Klipsch R-41PM dễ dàng tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Trong vòng 6-7 năm trở lại đây, chúng ta đang được chứng kiến sự xuất hiện của những hệ thống âm thanh rất đặc biệt: Tất cả trong một. Thay vì phải tìm hiểu, chọn mua loa, ampli nguồn phát rời rạc, tất cả đều có thể gói gọn lại chỉ nằm trong một thùng loa mà thôi. Trên thực tế, ý tưởng về hệ thống tất cả trong một đã có từ rất lâu, cách đây hơn 70 năm khi mà loa điện động mới ra đời chưa lâu và được tích hợp trong thùng gỗ, bên trong có cả ampli và máy thu sóng radio. Tuy nhiên, những thùng loa như vậy ngày càng ít phổ biến dần do không thể kết hợp với nguồn phát khác, đồng thời chất lượng âm thanh cũng khá kém và bản thân loa cũng rất cồng kềnh.
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ, kết hợp với xu hướng ưa thích sự nhỏ nhắn, hiệu quả đã đưa những thiết bị tất cả trong một trở lại, dưới một hình hài mới cùng một chất âm mới. Ở mặt nào, những sản phẩm này cũng đều tỏ ra xuất sắc hơn so với những chiếc loa – radio cách đây hàng chục năm. Loa Klipsch R-41PM – cặp loa bookshelf nhỏ của thương hiệu Mỹ Klipsch chính là một sản phẩm như vậy.

loa Klipsch R-41PM chat

Klipsch R-41PM là mẫu loa chủ động được chính thức ra mắt vào cuối năm 2018. Theo Klipsch, đây là mẫu sản phẩm dùng để thay thế cho R-14PM vốn đã hai năm tuổi của họ. Có thể xem R-41PM là phiên bản thu nhỏ của R-51PM, với kích thước bé hơn và driver woofer thu gọn hơn trong khi vẫn được trang bị đầy đủ các tính năng cần thiết như tích hợp ampli, module Bluetooth để kết nối không dây…
Mẫu loa này có kích thước 24.8 x 14.9 x 19.1cm và nặng 3.1kg mỗi chiếc. Tuy là một sản phẩm dành chi dành cho phân khúc sơ nhập, R-41PM vẫn được hãng chú trọng khá nhiều vào phần hoàn thiện. Thùng loa làm bằng gỗ MDF khá dày dặn và chắc chắn,bên ngoài phủ lớp vinyl màu đen để tăng độ bền cho sản phẩm, đồng thời cũng giúp cho cặp loa nhìn sang hơn. Đi kèm với cặp loa này là một chiếc điều khiển cực kỳ tiện dụng, dùng để kiểm soát hoạt động cho toàn bộ hệ thống mà không cần phải động đến đằng sau loa, một điểm cộng khá lớn cho một sản phẩm như R-41PM.

loa Klipsch R-41PM dep

Nhìn chung, R-41PM rất giống với mẫu loa thụ động R-41. Cả hai đều sử dụng cùng chung thiết kế thùng loa, cùng là loa hai đường tiếng và sở hữu các driver giống nhau. Midwoofer của R-41PM có đường kính 10cm (đường kính của riêng màng loa), làm từ một loại vật liệu có tên là Spun Copper IMG, hay có thể hiểu là đồng được tiêm Graphite để tăng cường thêm cho độ bền sản phẩm. Nhìn chung, với loại vật liệu này, cách tiếp cận với yêu cầu màng loa vừa phải nhẹ, vừa bền chắc và chắc chắn của Klipsch có phần hơi khác biệt nhưng khá hiệu quả. Và bằng chứng là hiện nay, bên cạnh vật liệu Cerametallic, đây cũng là một loại vật liệu được sử dụng rất phổ biến trong các sản phẩm của Klipsch.
Tweeter của loa cũng được thiết kế rất đặc biệt, có thể nói đây là một chi tiết mang tính biểu tượng của hãng. Bản thân driver tweeter khá bình thường, chỉ là một driver màng nhôm đường kính 2.5cm thường thấy ở các hãng loa đối thủ. Tuy nhiên, driver này được đặt trong họng kèn Tractrix Horn, một trong những thiết kế đi liền với sản phẩm của Klipsch nhiều năm qua. Điều này đã biến tweeter trở thành một driver nén, sử dụng khoang họng kèn để sửa các sai khác trong áp suất không khí giữa driver là lớp khí trước màng loa. Thiết kế này cực kỳ được ưa chuộng bởi không chỉ dễ dàng tăng độ nhạy cho driver mà còn giảm tần số cắt, từ đó dễ dàng hơn cho việc thiết kế phân tần loa.

loa Klipsch R-41PM tot

Đối với loa chủ động như R-41PM, độ nhạy không thực sự có ý nghĩa lắm, đặc biệt là khi Klipsch đã đảm bảo rằng ampli tích hợp bên trong loa đủ khoảng headroom để có thể chơi với mức âm lượng khá lớn. R-41PM được tích hợp ampli stereo với công suất 35 watt ở một bên loa, đủ sức để cạnh tranh với bất cứ đối thủ nào trong cùng tầm giá. Điểm thú vị là ampli này tương tác với phân tần của loa thay vì trực tiếp với driver. Trong phụ kiện đi kèm với loa, người dùng có thể tìm thấy cặp dây loa để kết nối hai loa lại với nhau.
Điểm đáng chú ý ở cặp loa này chính là lượng kết nối đầu vào mà nó sở hữu. Cũng giống như cặp loa cỡ lớn R-51PM, R-41PM cũng sở hữu một cổng USB Type B, một cổng optical, kết nối không dây Bluetooth, jack 3.5mm stereo và cổng RCA. Đối với cổng RCA này, người dùng có thể lựa chọn làm cổng phono hỗ trợ kim Moving Magnet hoặc cổng line thông thường thông qua một nút gạt ở đằng sau loa. Ngoài ra, thiết bị còn hỗ trợ cổng sub-out để kết nối với subwoofer, rất thuận tiện cho việc thiết kế hệ thống âm thanh 2.1.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của R-41PM nằm ở âm bass. Nhìn chung, với thiết kế này cùng kích thước driver vốn có, đây không phải là một cặp loa mạnh về dải trầm. Loa bắt đầu xuất hiện roll-off khi đánh xuống đến dải 76Hz, khó có thể xem như là âm bass quãng trung được. Tuy nhiên, khi trải nghiệm R-41PM có thể thấy cảm nhận về bass vẫn rất rõ ràng, có lực chứ không hề yếu như nhiều người tưởng. Một trong những bí quyết để làm được điều này là công nghệ Dynamic Bass EQ. Tính năng này giống như tính năng loudness ở các ampli đời trước, tăng cường cho các dải trầm và tự động hạ bớt khi người nghe tăng âm lượng lượng lên, phần nào giúp cho âm bass trở nên chắc chắn, mạnh mẽ hơn.

loa Klipsch R-41PM

Đối với các dải trung và cao, R-41PM đem đến cảm giác rất tự do nhưng không hề thiếu đi sự kiểm soát, họng kèn ở tweeter tỏ ra có rất nhiều tác dụng. Không chỉ cắt tần số ở điểm 1.76kHz, khá thấp so với loa bookshelf hai đường tiếng thông thường, họng kèn này còn giúp tweeter tái hiện lại một cách dễ dàng những âm thanh phức tạp từ các nhạc cụ như violin, piano hay tiếng ca sĩ. Đây là một cặp loa có sự hướng trước khá rõ ràng, với chất âm khá cân bằng và sống động.

Klipsch R-41PM không phải là một cặp loa hoàn hảo, thế nhưng sẽ có khá nhiều người chấp nhận sự không hoàn hảo này bởi trong tầm giá này, những gì mà bộ loa R-41PM mang lại thực sự rất tuyệt vời. Với khá nhiều tính năng hiện hữu cùng một chất âm chấp nhận được, với cặp loa R-41PM, có lẽ câu hỏi nhiều người đặt ra không phải là trong tầm giá này liệu có cặp loa nào tốt hơn, mà phải là liệu có hệ thống âm thanh nào có thể cạnh tranh được.

Nguồn: tapchihifi.com/Nguyễn Hào