Những người đã trót đam mê âm thanh hi-end (âm thanh từ các bộ dàn thượng hạng) đều có một đặc điểm chung: bị ám ảnh bởi những sản phẩm mới. Không ít người đã tán gia bại sản vì thú vui này…

Dàn loa trị giá 50.000 đô.

Giới chơi hi-end ở thành phố kể rằng hồi còn sống, bác sĩ Vinh ở bệnh viện Chợ Rẫy vừa mới nghe tin có một người ở thành phố này vừa tậu về một dàn loa Tannoy, Anh, thùng bằng gỗ sồi 100 tuổi, giá 50.000 USD. Đang trực, ông lập tức nhờ đồng nghiệp thay ca để được tận mắt chứng kiến món hàng hiếm này. Vị bác sĩ “nghiện” hi-end hạng nặng này đủ nhẫn nại chờ đến lúc khổ chủ và bạn bè nghe chán, mới xin bỏ “đĩa thuốc” (mỗi người chơi hi-end có một đĩa ruột, dân trong cõi hi-end gọi là đĩa thuốc) của mình vào, để được nghe mấy bài thuốc qua cặp loa này cho nổi da gà.

Nhưng không phải ông nghe tất cả mọi thứ giọng, mà chỉ nghe một tiếng middle thôi. Sành điệu mà!

Một “con nghiện” hi-end khác bình luận: “Loa Mỹ cho âm thanh mạnh và thô. Loa Pháp âm thanh mềm đến nhu nhược, kiểu như rượu vang bỏ thêm đường, khiến những người có cá tính nghe rất là khó chịu. Loa Italy gỗ thường rất đặc biệt, chắc và cứng như sắt, nên phát ra âm thanh bị đanh. Loa Anh được đánh giá cao nhất vì cho âm thanh quý phái. Tannoy hớp hồn nhiều người là vì vậy”.

Sài Gòn còn có bà Phi, Việt kiều Đức, chủ một quán cà phê trên đường Đồng Khởi, có đến mấy cặp loa Italy thứ dữ. Phái nữ nghiện hi-end thuộc dạng hiếm thấy, nên bà Phi càng sáng giá trong cõi này.

Nhiều người nghĩ rằng xây nhà rồi mới mua vật dụng cho ngôi nhà. Nhưng đã nghiện hi-end thì chuyện xây nhà phục vụ cho hi-end cũng không phải là xa lạ. Một dân chơi hi-end ở Bình Chánh vừa cất nhà mới, thiết kế một phòng nghe, tậu một dàn hi-end về. Lỡ tậu được một dàn mà căn phòng như chiếc áo không xứng với dàn hi-end, vị này bèn xây căn nhà mới đặng “ngôi thánh đường” ngang tầm với “ông thần” của mình.

Cái máu “văn mình, máy người” khiến nhiều người chơi hi-end không bao giờ bằng lòng với những gì mình đang có, mặc dầu loại hàng này có đời sống dài đến 40-50 năm. Nếu kiếm được một dàn xịn rồi suốt đời chung thuỷã hoá ra thị trường này chẳng sống nổi, mà thực tế thì mấy tay mua bán hi-end thường giàu sụ.

Một con nghiện “đã hơi cai” thố lộ: “Mình đóng góp một phần tư cái nhà của tay “phù thuỷ” bán hi-end. Mình nuôi ổng từ năm 1981 đến 1985, mới bắt đầu khôn ra, không bị thuốc nữa. Mà thực ra ổng chỉ nuôi con bệnh đến một mức nào đó, vì không thuốc nổi họ nữa. Hiện nay người chơi hi-end cũng đã tiếp cận thông tin nhiều hơn, nên càng khó thuốc”.

Trong giới chơi hi-end, theo SGTT những tay bán máy thường ra chiêu bằng cách sẵn sàng cho mượn dàn máy về nhà nghe thử. Mà càng nghe càng không dứt ra được, thì phải mua, thiếu tiền thì người bán cho mượn sáu tháng trả… Rồi con nghiện lại thấy bộ khác hay hơn, lại đem đổi, chịu lỗ 10%.

Kiểu bán cho mượn, rồi cho trả chậm 6 tháng, một năm khiến các tín đồ hi-end hầu như rơi vào nợ nần. Nhiều tay suốt ngày la cà chỗ mấy gã bán, nghe của ở nhà không thoả mãn, gặp ai cũng hỏi thăm, nên bị giới buôn nổ lếu láo, đem về nghe, có khi còn tệ hơn dàn cũ.

Chung quy lại giới chơi âm thanh đã liệt kê được 4 dạng nghiện hi-end:

– Chơi nhạc đĩa: họ thiên về giai điệu, thiết bị chỉ là phương tiện, nên dàn máy chỉ ở mức nào đó, họ không bị ám ảnh về dàn máy.

– Chơi máy: chủ yếu đam mê máy, đổi liên tục, trong nhà chỉ có vài đĩa thuốc. Có khi mua xong, dư, trùm mền để đấy không xài đến, ai đến hé cho xem.

– Chơi âm thanh: bị ám ảnh bởi âm thanh. Có người sưu tập đĩa toàn những âm thanh độc, lạ.

– Chơi tổng hợp: đủ các mặt trên gộp lại.

(Theo Ngoisao)