Xem nhanh nội dung

Khi nâng cấp từng thiết bị trong hệ thống, bạn sẽ nhận ra có những mắt xích vốn hoạt động rất ổn, nhưng thật ra vẫn có những lỗi mà bạn không hề hay biết.
Lý do căn bản làm cho một số bộ dàn đắt tiền nghe kém các bộ dàn rẻ hơn chính là ở vấn đề phối ghép.
Phối ghép là nghệ thuật lựa chọn và kết nối các thiết bị sao cho chúng phù hợp nhất, bù đắp được cho nhau những khiếm khuyết về mặt âm thanh để tạo ra kết quả tổng quát cao nhất. Sự hỗ trợ, tương tác giữa các mắt xích có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một hệ thống âm thanh thành công với chi phí hợp lý nhất.
Muốn biết những thiết bị nào đi với nhau phù hợp, tốt nhất bạn hãy nghe một loạt các sản phẩm với các kiểu phối ghép khác nhau. Để nghe thử, bạn phải dành một khoảng thời gian đáng kể. Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bạn bè, các chuyên gia, những người nghe giàu kinh nghiệm… để có được những chỉ dẫn tổng quát. Và quan trọng hơn cả là dựa vào chính đôi tai của mình để tìm ra cách phối ghép tốt nhất.
Về nguyên tắc, bạn có thể tham khảo rất nhiều thông tin hữu ích từ những người bán hàng tại các cửa hàng điện tử – điện máy. Tiếc thay, hiện nay số người bán hàng có kiến thức, kinh nghiệm và sự trung thực không nhiều. Một số người bán thường chỉ ca ngợi những sản phẩm mà cửa hàng họ có, do đó các thông tin đưa ra có thể mang tính định kiến hoặc thiên lệch. Với những người bán hàng trung thực và có uy tín, những lời khuyên của họ thực sự rất có giá trị.
Ngoài ra, có thể tham khảo thông tin trên tạp chí. Các bài bình luận về sản phẩm trong những tạp chí này đôi khi cũng nêu tên của những thiết bị đi kèm để kiểm tra. Chẳng hạn bài viết về loa có thể cung cấp cả thông tin về khả năng trình diễn của nó khi phối ghép với ba hoặc bốn loại ampli khác nhau. Người viết bài sẽ mô tả đặc trưng âm thanh của từng cách phối ghép, giúp người đọc biết ampli nào sẽ hợp tác tốt với chiếc loa đó. Quan trọng hơn là những mô tả và đánh giá về chất lượng âm thanh còn có thể gợi ý cho bạn biết loại ampli nào (bán dẫn, điện tử, kết cấu mạch điện, đặc điểm âm thanh…) hợp với chiếc loa đó nhất.
Nếu có bạn bè cùng đam mê như mình, một cách thử nghiệm rất hiệu quả là đề nghị họ cho bạn ghép thử thiết bị của mình vào bộ dàn của họ. Ví dụ, bạn định mua một chiếc ampli second-hand, bạn có thể mang đến nhà vài người bạn, ghép vào các hệ thống sẵn có khác nhau. Chỉ qua một vài lần thử nghiệm như thế, chắc chắn bạn sẽ có được những kết luận bổ ích.
Việc lắp đặt, sắp xếp hệ thống hi-fi trong phòng nghe có ý nghĩa rất lớn đối với chất lượng trình diễn âm thanh của hệ thống.
Nó đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng nghe thật tốt, có sự kiên trì thử nghiệm để khai thác tối đa khả năng âm thanh của mỗi bộ dàn. Bạn sẽ thấy rất thú vị khi có thể biến đổi âm thanh của hệ thống chỉ bằng vài thao tác di chuyển vị trí của loa mà chẳng mất thêm đồng nào.
Tất cả công việc “set up” dựa vào loa, thành phần căn bản nhất của bộ dàn, mà cụ thể là vị trí đặt loa. Khi bạn đã tìm được chỗ đứng thích hợp cho nó, bạn có thể tinh chỉnh các thiết bị khác để đạt được kết quả tối ưu.
Dưới đây là một số điều lưu ý khi lắp đặt hệ thống:
Chỉnh cho loa và ghế ngồi nghe nhạc ở vị trí lý tưởng (2 loa hơi quay vào trong, vị trí ngồi cân đối trên trục giữa 2 loa) để cảm nhận được chất lượng trình diễn tối ưu của hệ thống.
Xử lý tốt âm học phòng nghe – công việc này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho khả năng trình diễn của bộ dàn.
Không bao giờ để dây tín hiệu gần dây nguồn – nếu bắt buộc phải vậy, nên đặt chúng vuông góc nhau, tránh đi song song.
Tách biệt dây tín hiệu digital (giữa CD transport và bộ DAC) và dây tín hiệu analog.
Tắt hết các thiết bị digital khi nghe đĩa than (LP).
Dây tín hiệu và dây loa càng ngắn càng tốt, nhưng khoảng cách giữa dây bên trái và bên phải nhất thiết phải bằng nhau.
Đặt các thiết bị ở nơi thông thoáng, nhiệt độ cao sẽ làm giảm tuổi thọ của chúng.
Đảm bảo mối liên kết giữa dây loa và chốt tiếp xúc luôn chắc chắn.
Vệ sinh các ổ cắm, tiếp điểm định kỳ.
Giữ khoảng cách hợp lý giữa pre-ampli và ampli công suất. Các bộ biến áp lớn trong ampli công xuất có thể gây âm nhiễm với tần số 50Hz. Với preampli có tầng phono bên trong hoặc tách rời ra ngoài, hiệu ứng này còn nghiêm trọng hơn.
Để thiết bị trên chân hoặc giá đỡ chắc chắn, nếu không sự rung động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh, đặc biệt là đầu đĩa than. Bạn hãy mua một vài tấm đá xẻ, dày 2-3 cm rộng bằng nắp máy, đặt bên dưới và trên nắp đầu CD, preampli, ampli… để tăng cường độ ổn định cho các thiết bị này.
Không nên dùng đèn neon hay các thiết bị chỉnh độ sáng cho đèn dây tóc loại chất lượng thấp trong phòng nghe nhạc. Thiết bị này gây ra rất nhiều tạp âm trong dây điện xoay chiều, và nó sẽ theo dây nguồn đi vào các thiết bị nếu bạn không có bộ lọc nguồn.
Hãy thử nghiệm với bộ lọc điện, có bộ mang đến cải thiện lớn cho bộ dàn này, nhưng lại chẳng cải thiện gì cho bộ dàn khác. Bạn hãy nghe cẩn thận trước khi mua.
Thử dùng các thiết bị phụ trợ như chân đỡ, dây nguồn cao cấp.
Khi đã mua đồ về, lắp đặt xong và thưởng thức âm thanh của hệ thống một thời gian dài, đến một lúc nào đó, có thể bạn lại không bằng lòng với chất lượng hiện có của dàn. Đây là lúc nên nghiên cứu đến chuyện nâng cấp nó.
Nhiều người “ghiền” âm thanh thường nâng cấp hệ thống bằng cách nâng đời thiết bị.
Bí quyết để cải thiện chất lượng một cách hiệu quả, tiết kiệm là thay thế thiết bị “yếu” nhất trong dàn. Ví dụ, bạn sẽ không thể đánh giá được khả năng của bộ DAC mới mua nếu đầu lọc và ampli nối với nó trình diễn quá nghèo nàn. Và ngược lại, một chiếc ampli tiếng sạch và trong trẻo khi dùng với một thiết bị nguồn digital chơi vừa cứng, vừa thô thì nó sẽ thể hiện đúng chất âm thanh như vậy của thiết bị nguồn. Tóm lại, chất lượng của các mắt xích trong hệ thống cần được cân đối ở mức tương đương nhau, tránh sự đầu tư chênh lệch thái quá.
Quyết định thiết bị nào cần được nâng cấp trước là việc rất khó. Đây là lúc cần sự tư vấn của những người nghe thực sự có kinh nghiệm, các chuyên gia đồ hi-end. Họ sẽ chỉ cho bạn thiết bị nào cần được nâng cấp. Còn một cách khác là mượn thiết bị của bạn bè về nghe thử xem chất lượng của nó ở nhà mình ra sao. Bạn hãy chú ý xem thiết bị nào tạo ra nhưng biến chuyển lớn nhất cho âm thanh. Ngoài ra, cũng nên tham khảo các tạp chí âm thanh… để biết được chất lượng của các thiết bị mình đang sử dụng. Chất lượng âm thanh tổng thể được quyết định bởi thiết bị “yếu” nhất trong cả bộ dàn. Vì thế, điểm mấu chốt trong việc nâng cấp một hệ thống hi-fi là loại bỏ những thiết bị làm suy giảm mạnh nhất chất lượng trình diễn của hệ thống và thay thế nó bằng những thiết bị tốt hơn, có khả năng thể hiện âm thanh trung thực hơn.
Khi nâng cấp từng bộ phận trong hệ thống của mình, bạn sẽ dần dần nhận ra có những mắt xích trước kia bạn nghĩ là hoạt động rất ổn, nhưng thật ra nó vẫn có lỗi mà bạn không hề hay biết. Bước nâng cấp tiếp theo sẽ là xác định khâu yếu nhất trong hệ thống, để rồi thay thế nó. Và công việc này sẽ dễ dàng trở thành một quá trình khám phá – thưởng thức liên tục không ngừng…
Khi nâng cấp thiết bị, ngoài việc đến các cửa hàng mua đồ mới, nhiều người chơi âm thanh không riêng gì ở Việt Nam, mà ngay tại các nước có kinh tế phát triển có một phương án khác – trưng dụng đồ second-hand. Công việc này đòi hỏi sự khôn khéo và hiểu biết nhất định của người chơi. Các thiết bị đã qua sử dụng khi bán đi, thường giảm giá nhiều so với giá ban đầu của nó. Và đây cũng chính là sức hút của đồ cũ với nhiều người chơi đồ âm thanh. Vì giá thấp, nên họ có cơ hội mua được các thiết bị chất lượng cao với chi phí rẻ. Hơn nữa, người bán đồ second- hand còn cho phép bạn nghe thử sản phẩm trong một thời gian. Một lợi thế của đồ cũ cao cấp là không bị mất giá nhiều lắm khi bán lại. Sau thời gian sử dụng, cần nâng cấp, bạn vẫn có thể bán lại mà không bị “chiết khấu” quá nhiều như hàng mới.
Có hai cách mua đồ cũ: Một là tại các cửa hàng kinh doanh đồ hi-end cũ, hai là từ những cá nhân nào đó. Bên cạnh cái lợi về giá, đồ second-hand cũng có rủi ro. Thứ nhất, chẳng có gì đảm bảo là máy mua về sẽ hoạt động tốt. Thứ hai, sản phẩm có thể đã quá cũ, nếu không có nhiều kinh nghiệm, bạn sẽ rất khó biết nó cũ đến độ nào, nhất là sau khi hàng đã được qua bàn tay “chăm sóc” của những “chuyên viên thẩm mỹ” điêu luyện. Thứ ba, các sản phẩm mua qua con đường này phần lớn không có bảo hành. Cuối cùng, nếu mua của cá nhân, bạn phải hỏi người bán vì sao không muốn dùng sản phẩm đó nữa. Thông thường, người yêu nhạc sẽ bán những thiết bị khiến họ không hài lòng khi nghe hoặc khi nó không phối hợp được với hệ thống của họ. Nếu bạn thấy có nhiều người cùng bán đi một loại sản phẩm, hãy dè chừng. Đó là dấu hiệu sản phẩm đó có nhược điểm căn bản về âm thanh. Ngoài ra, nếu mua đồ second-hand, bạn sẽ không có cơ hội để hưởng các chế độ từ chính hãng bão hành, dịch vụ hậu mãi…
Nguồn: sweetaudio