Sau khi ra mắt dòng sản phẩm cao cấp Mythical Creatures vào cuối năm 2018, AudioQuest lại tiếp tục mang đến một dòng dây loa mới cho phân khúc tầm trung – Folk Hero.

Dây loa là một trong những phụ kiện quan trọng, có ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của toàn hệ thống. Vai trò của dây loa cũng giống như mạch máu, có nhiệm vụ đưa tín hiệu đến với loa. Tuy nhiên, bản thân dây loa cũng là một yếu tố góp phần vào việc gây ra suy hao tín hiệu. Do đó, khi thiết kế dây loa, các kỹ sư thường tìm mọi cách để làm giảm sự suy hao mà dây loa gây ra để có thể đảm bảo tín hiệu tốt nhất đến loa.

Garth Powell, kỹ sư trưởng bộ phận thiết bị điện của AudioQuest được hơn 6 năm nay. Thành tựu mà Garth Powell đạt được không hề nhỏ, với dòng sản phẩm Niagara gồm bộ ba lọc nguồn Niagara 1000, 5000, 7000 khá nổi tiếng và tiếp đến là dòng dây nguồn Storm, với dòng Dragon cũ được sát nhập vào. Khá nhiều công nghệ từ các sản phẩm này được Garth Powell áp dụng cho dây loa thế hệ mới của hãng. Đó là cơ sở để hình thành nên hai dòng dây loa Audioquest Folk Hero và Mythical Creature của AudioQuest.

Nếu như Mythical Creatures là dòng dây cao cấp thay thế cho dòng Tree thì Folk Heroes sẽ là sản phẩm thay thế cho dòng tầm trung Flat Rock. Mythical Creatures được giới thiệu từ khá sớm, khoảng cuối tháng 9 năm 2018 trong khi dòng Folk Hero được giới thiệu muộn hơn khoảng 4 tháng, tại CES 2019. Hiện tại, Folk Hero có hai mẫu sản phẩm duy nhất là William Tell và Robin Hood.

Day loa AudioQuest Robin Hood

Tuy là mẫu dây loa trung cấp, nhưng cũng như các sản phẩm trong dòng Mythical Creatures, Robin Hood được áp dụng những công nghệ rất mới, chỉ bắt đầu được sử dụng từ cách đây hơn 3 năm khi các dòng dây nguồn và thiết bị của Garth Powell bắt đầu được tung ra thị trường. Người dùng có thể yên tâm rằng đây sẽ là một trong những mẫu dây loa có thể tồn tại được lâu nhất trong hệ thống âm thanh của họ, không chỉ bởi độ bền mà còn bởi chất lượng âm thanh cực kỳ ấn tượng, rất khó bị đánh bại bởi những mẫu dây loa khác. Bên cạnh đó, ngoại hình của Robin Hood cũng rất ấn tượng, từ đó đem đến cảm giác đây là những sản phẩm cực kỳ cao cấp, xứng đáng được sử dụng cho bất cứ sản phẩm hi-end nào. Có thể thấy đây là sự nâng cấp hoàn hảo, có thể thay thế được cho rất nhiều mẫu dây khác cho dù là của AudioQuest hay là của những hãng đối thủ cạnh tranh.

Robin Hood hiện tại có ba phiên bản: BASS, ZERO và SILVER, sự khác biệt giữa ba phiên bản này không thực sự quá rõ ràng, nhưng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cũng như cách sử dụng của từng sản phẩm.

Day loa AudioQuest Robin Hood dep

Là một mẫu dây loa mới và được áp dụng những công nghệ mới, thế nhưng Robin Hood không thực sự hoàn toàn bỏ đi những yếu tố đặc trưng làm nên một sản phẩm dây loa của AudioQuest. Robin Hood có kích thước khá lớn, khổ dây lên đến 15 AWG (tương đương với đường kính sợi dẫn 1.45mm), ít chiếm diện tích hơn so với các dây Mythical Creatures.

Bất cứ ai từng quen với “bốn yếu tố” làm nên đặc điểm của dây dẫn AudioQuest chắc chắn sẽ không lạ với những công nghệ cốt lõi nhất xuất hiện ở dây Robin Hood. Mỗi dây Robin Hood sở hữu 4 sợi dẫn nhỏ (riêng Robin Hood BASS có đến 6 sợi) chia thành hai phần. Các sợi dẫn nhỏ này đều có dạng lõi rắn đơn để đảm bảo tránh hiệu ứng bề mặt vốn xuất hiện khá phổ biến trên dây dạng bó sợi, một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng méo tiếng. Bề mặt dây cũng được xem là một yếu tố rất quan trọng. AudioQuest sử dụng một công nghệ quen thuộc là Perfect Surface để loại bỏ đi sự thô ráp trên bề mặt sợi dẫn, đem đến cảm giác rất mịn, vượt trội hơn hẳn so với kim loại thông thường. Robin Hood sử dụng loại đồng cao cấp nhất mà AudioQuest dùng cho sản phẩm của mình: Perfect-Surface Copper+, có khả năng giảm thiểu bất cứ méo tiếng nào do bề mặt kim loại bình thường không đủ độ mịn và tinh khiết gây ra. Riêng đối với Robin Hood SILVER, vật liệu sử dụng có thay đổi chút khi chỉ có 2 sợi dẫn bằng đồng PSC+, 2 sợi dẫn còn lại sẽ được làm bằng bạc PSS.

Có hai điểm làm nên đặc trưng của các dây loa thế hệ mới từ AudioQuest, đó là công nghệ Zero và khả năng loại bỏ nhiễu ồn. Garth Powell cho biết bất cứ dây cáp nào cũng sẽ có trở kháng đặc trưng (characteristic impedance). Từ cách đây hơn 160 năm, khi xây dựng đường dây liên lạc xuyên Đại Tây Dương, các kỹ sư đã cho rằng nếu như đường dây sở hữu trở kháng đặc trưng, trong đó trở kháng đầu ra của đầu phát / khuếch đại tín hiệu giống như trở kháng của đầu tiếp nhận, hiện tượng méo tiếng và nhiễu ồn sẽ giảm đi đáng kể. Nhưng lý thuyết này áp dụng thế nào cho dây loa khi mà trở kháng đầu ra của ampli chỉ bằng 1 phần của 1 Ohm, trong khi trở kháng của loa thường là 4 hoặc 8 Ohm, chưa kể trở kháng của loa sẽ còn thay đổi tuỳ theo từng dải tần số khác nhau?

Day loa AudioQuest Robin Hood tot

Garth Powell xử lý vấn đề này bằng cách bọc cách điện hoàn toàn cho toàn bộ dây âm và dây dương với nhau. Sự tương tác giữa hai loại dây này chính là nguyên nhân tạo ra trở kháng đặc trưng của dây loa, từ đó hạn chế khả năng cung cấp tín hiệu (dưới dạng dòng điện) một cách đầy đủ, vì thế khó có thể thể hiện được hết các đặc tính của âm thanh như độ động, sự chi tiết. Do đó, việc loại bỏ trở kháng đặc trưng cũng góp phần cải thiện cho tín hiệu từ ampli đến loa một cách đáng kể.

Cũng như Mythical Creature, dòng Folk Hero nói chung và Robin Hood nói riêng sử dụng các dây loa riêng để chơi Biwire, gọi là dây ZERO và dây BASS. Theo lý giải của AudioQuest, các dây ZERO và BASS là những dây khác biệt hoàn toàn, chỉ dùng cho mục đích biwire. Thông thường, khi đấu dây loa full-range, dây được sử dụng sẽ là dây ZERO. Tuy nhiên, sử dụng hai dây ZERO để đấu Biwire không thực sự lý tưởng, vì bản chất của dây ZERO vốn không có tổng trở đặc trưng nên có thể khiến nhiễu ồn từ ampli đi thẳng đến loa, nhưng nếu sử dụng kết hợp dây BASS và dây ZERO thì mọi chuyện sẽ khác hẳn.

Một trong những đặc điểm của dây BASS, khiến nó khác biệt hẳn so với dây ZERO là công nghệ Triệt tiêu nhiễu ồn tiếp địa GND (Ground-Noise Dissipation). Đây vốn là một công nghệ chỉ có trên các dây nguồn và thiết bị Niagara chứ chưa bao giờ có mặt trên dây loa. Với công nghệ này, đường tiếp địa của các dây BASS còn có khả năng loại bỏ nhiễu common-mode từ ampli, đem đến hiệu quả chống nhiễu đáng kể so với công nghệ NDS thông thường. Do đó, khi dùng dây Folk Hero để đánh Biwire, AudioQuest thường khuyến cáo người sử dụng dùng dây BASS để đánh các dải trung / trầm, trong khi các dây ZERO sẽ dùng để chơi các dải âm cao. Các dây SILVER của dòng Folk Hero trên thực tế có thể xem như là dạng nâng cấp của dây ZERO.

Day loa AudioQuest Robin Hood chat

Nếu như các dây BASS được trang bị GND thì NDS (Noise-dissipation system), một công nghệ quen thuộc của AudioQuest được sử dụng cho các dây ZERO. Hệ thống NDS thế hệ mới này có thêm đặc điểm tuyến tính hóa (Linearized). Bản chất của Linearized NDS và một loạt các lớp shield bọc chống nhiễu và mạng điện trở tuyến tính (linearized resistive network) có gốc carbon, có thể biến mọi nhiễu ồn thành nhiệt năng. Sở dĩ có yếu tố tuyến tính ở đây là vì khả năng chống nhiễu ồn của hệ thống NDS trải dài trên một dải băng thông khá lớn chứ không phải chỉ ở những tần số nhất định.

Một trong những công nghệ cao cấp nhưng không kém phần quen thuộc của AudioQuest cũng sẽ trở lại với Robin Hood, đó là thiết bị từ hoá điện môi DBS 72v. Nhiệm vụ của thiết bị DBS chính là tạo ra vùng điện trường mạnh và liên tục quanh dây dẫn để từ đó rút ngắn thời gian “break-in” cho dây. Tuy nhiên, DBS dành cho Robin Hood được gọi là DBS Carbon, có thể xem như là một phiên bản cao cấp hơn, sử dụng các bộ lọc RFI cao cấp được dùng cho Niagara 7000 để tăng cường thêm cho hiệu quả chống nhiễu của thiết bị.

Robin Hood là bằng chứng cho thấy AudioQuest nỗ lực đem đến những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng dù ở bất cứ tầm giá nào. Với mức giá thành chỉ bằng một phần so với dây Wild Wood Tree nhưng chất lượng không hề cách biệt quá xa, có thể thấy những gì mà người dùng đầu tư. Và trên hết, đây là sự nâng cấp đáng giá từ Flat Rock, dòng dây loa lâu đời có tiếng của AudioQuest.

Nguồn: tapchihifi.com/Nguyễn Hào