Cùng nằm trong dòng sản phẩm Rocket – dòng dây loa lâu đời của AudioQuest, Rocket 22 cũng chung đặc điểm đem lại những màn trình diễn ấn tượng giống như các dây loa khác của hãng.

Trừ dây loa Q2 mới xuất hiện trong năm 2018, những sợi dây loa của AudioQuest luôn sở hữu một đặc điểm chung, đó là có kích thước khá lớn, lớn hơn rất nhiều so với phần lớn dây loa khác trên thị trường. Nếu như phần lớn đều chỉ sử dụng dây dẫn làm bằng đồng, kết cấu dạng bó sợi, bên ngoài chỉ có một lớp vỏ bọc PVC khá đơn giản thì các dây loa của AudioQuest cầu kỳ hơn rất nhiều. Không chỉ bọc cách điện cho từng sợi dẫn bên trong, những sợi dây này còn phải được bọc chống nhiễu khá nhiều lớp rồi mới đến lớp vỏ nhựa, và sau đó còn được bện một lớp vải bên ngoài rất chắc chắn.
Tuy hiệu quả thẩm mỹ cũng như chất lượng của những dây loa do AudioQuest rất cao, không thể phủ nhận rằng các dây loa của họ rất cứng chắc, thiếu đi độ linh hoạt cần thiết để có thể sử dụng ở những nơi không gian hẹp. Rocket 11 và dây loa Audioquest Rocket 22 chính là câu trả lời của AudioQuest sau nhiều năm đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: làm thế nào để có được một dây loa thành phẩm linh hoạt, có thể sử dụng ở nhiều loại điều kiện phòng nghe khác nhau.

Giới thiệu về Rocket 22

Day loa AudioQuest Rocket 22

Dòng dây loa AudioQuest Rocket Series là một trong những dòng phụ kiện được ưa chuộng và yêu thích của thương hiệu phụ kiện âm thanh đến từ Mỹ mang tên AudioQuest. Trải qua gần 20 năm phát triển, bộ dây loa AudioQuest Rocket Series hiện tại có 5 mẫu tất cả: Rocket 11, Rocket 22, Rocket 33, Rocket 44 và Rocket 88. Tất cả đều được ứng dụng những công nghệ chế tạo độc đáo cùng nhiều tính năng ưu việt, chinh phục được người yêu nhạc lẫn giới đánh giá chuyên môn. Bên cạnh đó, giá thành thấp hơn hẳn so với các mẫu dây như Tree Series hay Flat Rock Series cũng giúp dòng dây này dễ tiếp cận với đại đa số người sử dụng hơn.
Sở dĩ Rocket 11 và Rocket 22 khác biệt so với các mẫu sản phẩm trong dòng Rocket là bởi thiết kế của dây đã thay đổi đi rất nhiều nếu đặt cạnh những mẫu dây loa tiền nhiệm như Rocket 33. Có thể xem Rocket 22 là sự kết hợp giữa dây loa âm tường cao cấp SLiP XTRM 14/4 với Rocket 33. Cũng giống Rocket 11, Rocket 22 khá mềm dẻo linh hoạt, không sở hữu lớp vỏ bện vải ấn tượng như các dây loa tiền nhiệm nhưng vẫn có tính thẩm mỹ nhất định. Chưa kể, do linh hoạt nên Rocket 22 có thể phù hợp sử dụng ở bất cứ phòng nghe nào.

Chi tiết kỹ thuật

Rocket 22 là sự kết hợp giữa dây loa âm tường SliP XTRM 14/4 với Rocket 33, đó là vì mẫu dây loa này tuy nằm trong dòng Rocket nhưng vẫn sở hữu khá nhiều công nghệ của dòng SliP. Trước hết chúng ta cần kể đến cấu trúc của sợi dẫn. Hầu hết các mẫu dây, dù là dây loa, dây tín hiệu hay dây nguồn của AudioQuest cũng đều sở hữu sợi dẫn dạng lõi rắn đơn chứ không phải dạng bó sợi. Tuy không thể linh hoạt, mềm dẻo như sợi dẫn dạng bó sợi, dây dẫn dạng lõi rắn đơn có ưu điểm là hạn chế các tác động tiêu cực của hiệu ứng bề mặt, từ đó giảm hiệu tượng méo tiếng, giúp cho âm thanh trở nên trung thực hơn.

Day loa AudioQuest Rocket 22 dep

Thế nhưng, với Rocket 22, hãng áp dụng cấu trúc Semi-Solid True Concentric, vốn là một biến thể của cấu trúc Semi Concentric. Trong cấu trúc Semi-Concentric, lõi dây vẫn là bó sợi, nhưng sử dụng số lượng sợi ít hơn và các sợi dẫn cũng lớn hơn, đồng thời vị trí của dây so với toàn thể bố cục bó sợi không thay đổi. Cấu trúc True Concentric còn phức tạp hơn nữa, với sợi dẫn được xếp thành các lớp dây xoắn vào nhau, với lớp ở ngoài xoắn ngược chiều với lớp ở bên trong. Do đó hiệu quả giảm méo tiếng, đảm bảo chất lượng tín hiệu âm thanh vẫn cao hơn so với dây dẫn bó sợi thông thường. Đây cũng là lý do Rocket 11 và Rocket 22 linh hoạt hơn rất nhiều so với Rocket 33, Rocket 44 và Rocket 88.
Cũng giống như các dây loa âm tường SliP, Rocket 22 không có lớp vỏ bện bằng chất liệu vải bên ngoài mà chỉ có một lớp vỏ PVC trơn. Lớp vỏ này được xếp hạng CL3/FT4. CL3 là ký hiệu viết tắt của Class 3 theo phân loại của NEC (National Electric Code), có khả năng truyền tải dòng điện với điện áp lên tới 300 volt. Trong khi đó, FT4 là viết tắt của cụm từ Flame Test 4. Đây là tiêu chuẩn an toàn tối thiểu nhất đối với dây dẫn hiện nay. Ký hiệu này đồng nghĩa với việc khi bị đốt cháy, lớp vỏ điện môi của dây vẫn bị ảnh hưởng nhưng không góp phần phát sinh thêm cháy. Để đạt chuẩn này, dây dẫn phải trải qua bài thử nghiệm đốt cháy trong vòng 20 phút với công suất nhiệt 70000 BTU/h. Sau khi kết thúc bài kiểm tra, nếu vùng bị cháy không lan rộng quá 1.5m thì được xem như là đạt.

Day loa AudioQuest Rocket 22 tot

Cấu trúc dây cũng đóng vai trò đáng kể trong việc đảm bảo chất lượng tín hiệu. Mỗi dây loa Rocket 22 được tách đôi thành hai phần, mỗi phần lại có một dây dẫn dương màu đỏ và dây dẫn âm màu đen. Dây đỏ sẽ quấn xoắn vào dây đen nhằm làm giảm độ tự cảm của dây, từ đó đảm bảo chất lượng tín hiệu nguyên vẹn hơn. Đây là một cách thường được áp dụng bởi rất dễ thực hiện, chi phí rẻ hơn hẳn khi so sánh với cấu trúc Star Quad dùng đến 8 sợi dẫn ở các mẫu Rocket 33, Rocket 44 và Rocket 88. Việc chi dây thành hai nửa cũng giúp cách sử dụng trở nên đa dạng hơn. Rocket 22 có thể làm dây full-range chơi tất cả các dải, hoặc làm dây Biwire.
Yếu tố đầu tiên làm nên khác biệt giữa Rocket 11 và Rocket 22 nằm ở vật liệu làm sợi dẫn. Nếu như Rocket 11 sở hữu sợi dẫn 100% là đồng LGC thì ở Rocket 22, vật liệu làm sợi dẫn được kết hợp giữa đồng LGC với đồng PSC. Đồng LGC (Long Grain Copper), hay còn gọi là đồng hạt dài, là phiên bản cao cấp của OFC với hàm lượng phân tử oxi bên trong thấp hơn hẳn. Bên cạnh đó, do đặc điểm hạt đồng dài nên mỗi foot (0.3m) chỉ có khoảng 300 hạt đồng, thấp hơn đồng siêu nguyên chất 5 lần nên hiện tượng méo tín hiệu cũng khó xảy ra hơn.
Đồng PSC (Perfect-Surface Copper) là loại vật liệu được sản xuất dựa theo công nghệ Perfect Surface để loại bỏ đi sự thô ráp trên bề mặt sợi dẫn, đem đến cảm giác rất mịn, vượt trội hơn hẳn so với kim loại thông thường. Theo AudioQuest, đồng PSC có khả năng giảm thiểu bất cứ méo tiếng nào do bề mặt kim loại bình thường không đủ độ mịn và tinh khiết gây ra. Đồng thời, với việc kết hợp giữa đồng PSC và đồng LGC, trở kháng của dây loa Rocket 22 cũng giảm đi 20% so với Rocket 11. Các bó sợi dẫn bên trong được bọc cách điện bằng nhựa PVC. Vì không phải dạng lõi rắn đơn giống như các dây loa cao cấp hơn nên việc bọc cách điện cho từng sợi là điều bất khả thi. Do đó công nghệ ZERO (công nghệ không trở kháng đặc trưng ở các dây loa xuất hiện cuối năm 2018 cùng các dây nguồn thế hệ mới) sẽ không xuất hiện trên Rocket 22.

Day loa AudioQuest Rocket 22 chat

Khác biệt cuối cùng giữa Rocket 11 và Rocket 22 nằm ở công nghệ NDS (Noise-Dissipation System). AudioQuest sử dụng công nghệ này để giải quyết triệt để nhiễu ồn. Phía dưới lớp vỏ bọc bằng nhựa PVC bên ngoài còn là một loạt các lớp bọc chống nhiễu khác. Lớp bọc này thực chất là sự kết hợp của khá nhiều lớp kim loại hoặc vật liệu tổng hợp chứa carbon. Nếu như vật liệu tổng hợp chứa carbon có thể biến nhiễu sóng radio thành nhiệt năng, một cách rất hiệu quả để tiêu hao năng lượng thì kim loại đóng vai trò là tác nhân triệt tiêu và giảm thiểu các đợt nhiễu sóng radio tiếp theo.

Kết luận

Những thay đổi mà Rocket 22 mang lại đủ để đảm bảo rằng đây là một sự nâng cấp đáng giá từ mẫu dây sơ nhập của dòng Rocket – Rocket 11. Có thể thấy bằng việc kết hợp giữa dây loa âm tường Slip XTRM 14/4 với Rocket 33, AudioQuest đã đem đến một trải nghiệm khác biệt hoàn toàn và phù hợp hơn với túi tiền của khách hàng. Không chỉ được bán dưới dạng dây được làm sẵn, Rocket 22 còn có phiên bản dây loa cuộn dành cho những ai muốn sở hữu sản phẩm với giá thành hấp dẫn hơn hay cần có độ dài dây hợp lý hơn.

Nguồn: tapchihifi.com/Thanh Tùng