Các quy tắc bố cục từ lâu đã là một chuẩn mực để đánh giá một bức ảnh. Tuy nhiên, trải qua rất nhiều thời gian, chúng dần được các nhiếp ảnh gia ngày nay sáng tạo và phá cách chúng một cách độ đáo. Hãy cùng tìm hiểu các loại bố cục cổ điển và phá cách chúng như thế nào nhé!

Rất nhiều nhiếp ảnh gia ngày nay ủng hộ việc sáng tạo, nhằm đưa ra một môi trường rộng lớn hơn để cho những thế hệ nhiếp ảnh gia tiếp theo thõa sức vẫy vùng. Tuân theo các quy luật về bố cục đến khi thuần thục và sau đó hãy thử nghiệm việc phá bố cục. Khi đã hiểu rõ về bố cục, việc phá bố cục sẽ tạo nên được tấm ảnh độc đáo và duyên dáng hơn.

Những quy tắc bố cục cổ điển

-Mỗi khuôn hình chỉ có một điểm mạnh
-Điểm mạnh này không đặt giữa ảnh mà phải ở toạ độ 1/3 rộng x 1/3 cao
-Tận dụng nét lượn chữ S nếu có trong bối cảnh
-Đường chân trời ở 1/3 hoặc 2/3 chiều cao bức ảnh
-Hướng ánh mắt người xem từ ngoài vào trong bức ảnh

Tỷ lệ vàng trong nhiếp ảnh đã thống trị suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nó trở thành mục đích của nhiếp ảnh gia để giành điểm hay đoạt giải.

Cũng như vấn đề đúng sáng, độ nét, chi tiết, đó cũng là những cái đầu tiên những ai học về nhiếp ảnh được học. Nhưng thực tế một tấm ảnh có đủ những cái trên chưa chắc đã đẹp, và một tấm ảnh đẹp chưa chắc đã cần tuân thủ nhưng nguyên tắc trên. Học, hiểu và vận dụng, biết bố cục, chụp đúng theo quy tắc về bố cục đã khó, chụp theo kiểu phá bố cục mà đẹp được mới là khó hơn.

Sáng tạo hơn với những loại bố cục mới

Nếu mỗi tấm ảnh đều tuân theo một cách triệt để quy luật về bố cục thì các tác phẩm sẽ trở nên máy móc và nhàm chán vì người xem có thể đoán biết trước được ý tác giả. Cần học và cân nhắc các quy luật về bố cục nhưng không nhất thiết phải tuân theo các quy luật này trong mọi tấm ảnh chụp.

Phá “Quy tắc 1/3”
Khi muốn đặt chủ đề vào giữa tấm ảnh để tạo ra sự mạnh mẽ và sự đối nghịch. Hoặc khi muốn nói đến sự đối xứng (symmetry) trong tấm ảnh.

Phá quy luật “Chủ đề phải rõ ràng”
Khi cố ý làm cho chủ đề (hoặc toàn cảnh) out of focus để tạo ra những cảnh tượng mơ màng. Cần lưu ý là không nên làm cho toàn cảnh out of focus nhiều quá khiến cho người xem hoàn tòan không còn nhận ra chủ đề.

Phá quy luật “Không nên có nhiều trọng điểm”
Khi có một cảnh với nhiều yếu tố đáng chú ý và muốn cho mắt người xem hướng về toàn cảnh. Ví dụ như khi cần có thêm một chủ đề thứ 2 vào ảnh để bổ túc thêm cho chủ đề chính và tạo ra một bố cục cân đối và đẹp mắt hơn.

Khi thêm chủ đề thứ 2, cần lưu ý đặt vị trí của chủ đề này sao cho đừng làm xao lãng chủ đề chính. Không nên chụp hai chủ đề chính và phụ với kích thước bằng nhau vì sẽ làm cho bố cục trở nên cứng nhắc và mất đẹp.

Phá quy luật “Chụp ngang tầm với chủ đề”
Thay vì chụp ngang tầm mắt với chủ đề thì nên chụp trên cao xuống, dưới đất chụp lên, từ bên cạnh, từ phía sau, từ xa, hay cận cảnh, v.v…

Người mẫu được chụp từ trên cao xuống và chụp chéo góc, cảnh vật đặt theo đường chéo làm tăng thêm sự mạnh mẽ trong cái nhìn.

Phá quy luật “Tránh đặt chủ đề vào giữa ảnh”
Khi chủ đề mạnh mẽ và chiếm gần trọn khung ảnh thì nên đặt vào giữa tấm ảnh. Hoặc chủ đề được đặt ở giữa khung ảnh khi có sự cân đối ở hai bên.

Phá quy luật “Tránh hậu cảnh rối rắm”
Khi chụp ảnh dùng trong tư liệu hay báo chí, phần hậu cảnh rất quan trọng vì tạo ra bối cảnh cho chủ đề. Khi chụp có hậu cảnh thì hậu cảnh cần bổ túc cho chủ đề, nếu không sẽ bị quên lãng.

Phá quy luật “Dành khoảng không gian trống phía trước cho vật chuyển động”
Khi muốn tạo cho người xem sự liên tưởng đến nơi chốn chủ đề đã đi qua hơn là đang hướng tới thì không cần dành khoảng không gian trống phía trước.

Một người đang chạy, đặt vị trí ở gần phí rìa của khuôn hình theo hướng chạy của anh ta, sẽ mang lại cảm giác sắp chạm tới đích. Điều này khá quan trọng khi chụp các sự kiện thể thao.

Hoặc khi tạo cho người xem cảm giác về tốc độ. Muốn nhấn mạnh về tốc độ của chủ đề gây cho người xem ấn tượng là chủ đề di chuyển quá nhanh.

Chìa khóa cho sự thành công của bức ảnh này là không gian ánh sáng ở phía trên bên phải của khung tương phản nhẹ nhàng với bóng tối của của phần còn lại tạo một không gian mở rộng trí tưởng tượng cho người xem.

Phá quy luật “Dành khoảng không gian phía trước mặt cho ảnh chân dung”
Khi chủ đề nhìn ra phía xa sẽ khiến mắt người xem hướng về góc tấm ảnh và lãng quên đi chủ đề. Phá quy luật này bằng cách thu hẹp khoảng không gian trước mặt chủ đề sẽ gợi cho người xem chú ý đến cảm xúc của chủ đề hơn.

Khi chụp ảnh chân dung, người chụp nên để chừa một khoảng trống nhiều hơn ở phía mà chủ thể đang nhìn tới. Cũng đúng nhưng vẫn có thể phá vỡ qui tắc này bằng cách hạn chế khoảng trống phía trước hướng nhìn của chủ thể nhằm thể tạo một bức ảnh có hiệu ứng căng thẳng hơn.

Phá quy luật “Chủ đề nên chiếm trọn khung hình”
Khi toàn cảnh cũng quan trọng như chủ đề, cần thu nhỏ chủ đề lại để có thể thấy toàn bộ môi trường chung quanh chủ đề. Hoặc muốn dùng chủ đề thu gọn như một tỷ lệ đo lường giúp cho người xem nhận ra được khoảng không gian rộng lớn bao quanh.

 

Nguồn: tincongnghe.net.vn- by Nguyễn Đình Quý.