Là sản phẩm mở rộng cho dòng cao cấp Diamond, Diamond 30 đã nâng cấp hiệu suất trình diễn lên một mức mới, nhưng vẫn đảm bảo được những triết lý thiết kế ban đầu của Pylon Audio.

Loa Pylon Audio Diamond 30 hay

Trước khi lý giải về thành công của Pylon Audio, một thương hiệu “đang lên” có xuất xứ từ Ba Lan, chúng ta chỉ cần biết rằng thị trường thế giới hiện nay, từ châu Âu, Bắc Mỹ cho đến châu Á đã công nhận sản phẩm từ họ, và bản thân Pylon cũng đã giành được khá nhiều giải thưởng cũng như review với điểm số “đẹp” từ báo chí quốc tế. Và đây không phải là điều khiến những ai đã từng biết về Pylon Audio cảm thấy ngạc nhiên.
Ở thời điểm hiện tại, Pylon Audio sở hữu một số lượng dòng loa khá lớn, trải dài trên mọi phân khúc giá, với chất lượng vượt qua mức giá thành của sản phẩm. Điều khiến Pylon Audio trở nên đáng kinh ngạc không chỉ nằm ở số lượng lớn các sản phẩm, từ sơ cấp như Pearl, Opal, trung cấp như Ruby, Sapphire cho đến cao cấp như Emerald, mà mấu chốt còn ở khả năng hoàn thiện sản phẩm mà Pylon Audio cung cấp. Ngay cả với những sản phẩm cấp thấp như Pearl, hãng cũng đem đến cho người dùng lựa chọn rất nhiều màu veneer hoàn thiện khác nhau.

Loa Pylon Audio Diamond 30

Sau hơn 3 năm thành công với dòng loa Diamond, Pylon Audio đã quyết định đem đến một sự bổ sung đáng giá cho dòng sản phẩm cao cấp này. Cuối năm 2018, loa Pylon Audio Diamond 30, mẫu loa sàn đứng lớn nhất của dòng chính thức xuất hiện trên thị trường. Là sản phẩm mở rộng cho dòng cao cấp Diamond, Diamond 30 đã nâng cấp hiệu suất trình diễn lên một cấp độ mới cực kỳ ấn tượng, nhưng vẫn đảm bảo được những triết lý thiết kế ban đầu của Pylon Audio.
Diamond 30 được thiết kế với kích thước khá lớn. Chiều cao, chiều rộng, chiều dài của loa là 1080 x 196 x 390 mm và mỗi chiếc nặng đến 28kg. Cặp loa này được thiết kế rất đẹp, với phong cách thiết kế giống như các mẫu loa cùng dòng như Diamond 25 hay Diamond 28. Thùng loa vẫn được làm từ gỗ MDF khá chắc chắn, đặt trên bệ gỗ dày và có đế kim loại chắn giữa loa với bệ. Dưới các bệ gỗ có lỗ để có thể lắp chân đinh nhằm tăng hiệu quả giảm rung chấn cho loa. Loa hơi ngả về sau, một phần là để tạo tính thẩm mỹ cho loa, một phần khác là để đảm bảo đồng pha về mặt thời gian giữa driver tweeter và driver woofer. Giống như nhiều mẫu loa khác cũng hàng sản xuất, lựa chọn màu sắc dành cho Diamond 30 cực kỳ đa dạng, từ màu veneer gỗ tự nhiên cho đến màu trong bảng mã màu RAL, hay thậm chí màu sơn bóng. Sử dụng ê-căng nam châm nên khi tháo ra, người dùng không phải nhìn thấy những cái lỗ ở mặt trước ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung.

Loa Pylon Audio Diamond 30 dep

Về tổng quan, Diamond 30 mang thiết kế rất khác so với Diamond 28 và Diamond 25. Nếu như hai mẫu loa cũ mang thiết kế 2.5 đường tiếng thì Diamond 30 chính thức chuyển sang thiết kế 3 đường tiếng, dẫn đến việc sử dụng tới 4 driver, trong đó có 2 woofer, 1 midrange và 1 tweeter. Cách bố trí driver không thực sự thay đổi nhiều so với Diamond 28, với các driver midrange và tweeter đặt sát nhau và ở phía trên trong khi cụm driver woofer ở phía dưới, khoảng cách giữa hai cụm driver này không lớn nhưng vẫn đủ để tạo nên sự cách biệt.
Các driver sử dụng cho Diamond 30 khá quen thuộc, đều được áp dụng cho cả Diamond 25 và Diamond 28. Driver tweeter PST 19.T có màng lụa mềm, đường kính 1.9cm, làm mát bằng dung dịch ferrofluid. Đây thực chất vốn là driver D2010 / 8513000 của hãng Scan Speak – một tên tuổi khác cũng khá nổi tiếng trên thị trường. Phía dưới, sát driver tweeter là driver woofer PSW 15.8.CA màng loa cellulose, đường kính 15cm. Driver này thực chất là sản phẩm do hãng driver Bắc Âu Seas sản xuất, có tên là CA15RLY và nằm trong dòng Prestige cao cấp. Hai driver woofer là cũng là driver của Seas, mang tên CA18RLY, đường kính 18cm với màng nón làm bằng giấy, lắp trên khung kim loại và sử dụng hệ thống nam châm khá lớn.
Cũng giống như các mẫu loa khác cùng dòng, bộ phân tần của Diamond 30 được làm từ những linh kiên khá cao cấp. Bên cạnh đó, bộ phân tần này được đấu dây theo phương pháp poin – to – point chứ không dùng bảng mạch in PCB, do đó cần khá nhiều thời gian và chi phí để hoàn thành, nhưng bù lại chất lượng sẽ cao hơn hẳn. Ngoài ra, cọc loa cũng được làm bằng kim loại chất lượng rất tốt chứ không phải loại cọc loa vỏ nhựa ở các mẫu loa bình dân của hãng.
Bên cạnh đáp tuyến tần số khá mở rộng, 32 Hz – 20 kHz, Diamond 30 này mang độ nhạy 91dB và trở kháng 4 Ohm. Yêu cầu về thiết bị phối ghép cùng loa là những ampli có công suất trong phạm vi 120 – 250 watt. Đây là mức công suất thường thấy ở nhiều ampli dao động trong nhiều tầm giá khác nhau. Tuy nhiên, để phát huy hết âm chất của Diamond 30, người sử dụng nên dùng những ampli tốt, có chất lượng cao bởi ngay từ đầu Pylon Audio đã rất nghiêm túc cho việc định vị Diamond 30 nằm ở phân khúc cao cấp, xứng đáng có mặt trong những hệ thống có thể lên đến cả trăm triệu đồng.

Loa Pylon Audio Diamond 30 tot

Hệ thống phối ghép dành cho Diamond 30 sẽ bao gồm ampli tích hợp Audia Flight FLS 10, sử dụng nguồn phát là đầu CD Lector CDP 707 cùng mâm đĩa than Technics SL-Class Reference 1000R, dùng kim Koetsu Rosewood MC. Dây loa và dây interconnect đều là sản phẩm của AudioQuest. Trước quá trình thử nghiệm, các thiết bị đều trải qua quá trình chạy rà kéo dài 100 tiếng đồng hồ.
Khi nghe thử đĩa Christmas Oratorio, BWV 248 do J.S. Bach sáng tác, cặp loa Diamond 30 khiến người nghe phải ngỡ ngàng bởi một chất âm khá đặc biệt, có tính phân tách cao, thiên vào sự chi tiết nhưng không quá sắc nét mà trong đó lại có sự hài hòa, với các dải trung âm kết hợp tốt với các dải cao phát ra từ driver tweeter Scan Speak D2010. Độ sâu âm trường được thể hiện một cách ấn tượng, nhất là ở đoạn choral cuối cùng (VI – N. 64) của bài Otaorio. Sự rộng mở, gợi cảm giác rộng lớn của tweeter Scan Speak cùng chất âm khá ngọt của driver midrange Seas đã đem đến sức sống cho các nhạc cụ bộ dây, từ đó góp phần khiến cho cặp loa này trở nên ấn tượng hơn hẳn.
Bản nhạc tiếp theo được thử là bản All by Myself do Eric Carmen thể hiện. Đây là một bản soft rock khá nhẹ nhàng tình cảm nhưng cũng không kém phần ấn tượng. Những gì có thể cảm nhận khi nghe qua hệ thống này là một dàn bộ gõ khá quy mô, với độ sâu, dày cực kỳ ấn tượng. Bộ gõ được tái hiện lại một cách chính xác, không rền, không bị kéo dài, mà rất gọn gàng, có lực, cho thấy hệ thống âm thanh đủ sức để có thể tái tạo lại một cách chính xác cả về mặt thời gian cũng như sự thay đổi độ động, kể cả là tức thời hay kéo dài đi chăng nữa. Tiếng piano cùng giọng hát của Eric Carmen khi được Diamond 30 thể hiện dễ khiến người ta liên tưởng đến một cặp loa huyền thoại – LS3 / 5A của BBC, chủ yếu là bởi nhạc tính và chất âm được thể hiện.
Sau bản này, là phần trình diễn của nhạc số, đầu tiên là đĩa CD Tutti, bản Dance of the Tumblers của Rimsky Korsakov. Với đĩa nhạc này, Diamond 30 không chỉ thể hiện được âm trường hoành tráng và phức tạp, có chiều sâu mà còn tái hiện được âm hình khá chi tiết, phân lớp nhạc cụ khá rõ ràng. Những chi tiết âm thanh tức thời cũng được thể hiện khá ấn tượng, đem đến cảm giác về một sân khấu rộng lớn trước mắt người xem.

Loa Pylon Audio Diamond 30 chat

Sau sự hoành tráng mà Dance of the Tumblers mang lại, phần trình diễn tiếp theo được thực hiện với quy mô nhỏ hơn nhiều. Nguồn phát được thay thế bằng laptop MSI cùng USB DAC Dragonfly Red của AudioQuest. Bản nhạc được thử nghiệm là khúc Allegro non Molto trong phần Mùa Đông, tổ khúc Bốn Mùa của Vivaldi. Allegro non Molto trong tiếng Ý có nghĩa là không quá nhanh, nhưng tempo của bản nhạc thường ở mức 130-160 nhịp/phút khiến người nghe luôn có ấn tượng rằng đây là một bản nhạc rất nhanh, đem đến cảm giác gấp gáp đáng sợ dù chi là đang ngồi nghe. Bản thu này do Voices of Music thực hiện với quy mô nhỏ, chỉ có 4 violin, 1 viola, 2 cello, 1 harpsichord, 1 organ, 1 archlute và 1 violone (violone có nghĩa là đàn viol cỡ lớn, hình dạng khá giống double bass nhưng không nhất thiết phải là double bass). Tất cả nhạc cụ đều theo phong cách baroque và bản thân dây A cũng được chỉnh về 415Hz. Do đó, xét tổng thể thang âm của bài này sẽ thấp hơn so với các bản Winter Allegro non Molto mà chúng ta thường thấy hiện nay. Sự ấn tượng của Diamond 30 thể hiện ở điểm cặp loa này thể hiện rất tốt sự phức tạp của nhạc cụ bộ dây Âm hình và âm trường có sự ấn tượng chi tiết, dù rằng so với harpsichord, organ có phần nhạt hơn một chút. Điểm thú vị là cặp loa này thể hiện sự khác biệt rất rõ giữa ba nhạc cụ harpsichord, archlute và organ, một điều khá phức tạp không phải cặp loa nào cũng có thể làm được. Ở bài này, có thể thấy Diamond có chất âm khá cân bằng dù hơi tập trung hơn vào trung âm so với các dải âm khác.

Loa Pylon Audio Diamond 30 hay

Sự ấn tượng mà Diamond 30 đem đến cũng giống như những gì mà Dimond 28 và Diamond 25 mang lại, đó là một chất âm cao cấp bên trong một sản phẩm với mức giá thuộc phân khúc trung – cận cao cấp. Đó là điều không phải sản phẩm nào trong tầm giá của Diamond 30 cũng có thể làm được.
Bên cạnh đó, Diamond 30 còn là một cặp loa rất đẹp. Bên cạnh thiết kế khá truyền thốn, Pylon Audio còn đem đến lựa chọn màu sắc đa dạng, từ đó biến cặp loa trở thành một món đồ nội thất đích thực. Do đó, Diamond 30 sẽ là cặp loa phù hợp với những ai muốn sở hữu một món đồ trang trí gian phòng thật đẹp và biết hát thật hay.

Nguồn: tapchihifi.com/Nguyễn Hào