Các công nghệ âm thanh đa kênh hiện nay chủ yếu do Dolby Laboratories và DTS cung cấp, đem đến nhiều sự lựa chọn cho người sử dụng, nhưng cũng đòi hỏi nhiều hơn về mặt công nghệ.

Công nghệ đầu tiên, cũng là cơ bản nhất, chính là Dolby Pro Logic. Xuất hiện từ năm 1987, đây được xem như là phiên bản nâng cấp của công nghệ Dolby Surround từ trước đó 5 năm. Dolby Pro Logic là một trong những công nghệ âm thanh làm nên thương hiệu cho Dolby với khả năng xác định, làm nổi bật được phương hướng của âm thanh trong từng đoạn phim, bằng cách tăng biên độ của các âm này ở các kênh loa (trái, phải, trung tâm, đằng trước, đằng sau) tương ứng. Âm thanh có sự phân biệt rõ ràng giữa các kênh. Thêm vào đó, Dolby Pro Logic còn đặt ra một kênh là kênh Center, cho phép đưa các đoạn hội thoại vào vị trí giữa, giúp người xem nghe được lời thoại của mỗi nhân vật trong bộ phim một cách rõ ràng mà không phải bỏ sót bất cứ chi tiết nào.

he thong 5.1

Giữa năm 2001, Dolby Labs lại đưa ra thị trường một phiên bản công nghệ giải mã tinh vi hơn dựa trên nền tảng Pro Logic và gọi nó là Pro Logic II. Ý tưởng đằng sau Pro Logic II là tạo ra trải nghiệm từ nguồn phát hai kênh giống với những gì mà công nghệ digital 5.1 có thể đem lại. Với ngày càng nhiều khách hàng đang sở hữu hệ thống 5.1 mong muốn có thể sử dụng chúng để chơi nhạc, Pro Logic II là cách để đem đến trải nghiệm đa kênh từ các nguồn phát hai kênh, ngay cả khi những nguồn phát đó không được mã hóa thành công nghệ đa kênh.

Xuất hiện trên hầu hết các AV receiver và bộ xử lý đa kênh được sản xuất sau năm 2011, Pro Logic II đem đến sự cải thiện rõ rệt về hiệu năng trình diễn so với Pro Logic. Trước hết, Pro Logic II tái hiện một cách hoàn thiện các kênh surround dưới dạng stereo với băng thông đầy đủ thay vì chỉ tạo ra các kênh surround dưới dạng mono bị hạn chế về mặt băng thông. Điều này góp phần làm nên âm trường rộng lớn, với độ chính xác cao về mặt vị trí cũng như chuyển động của âm thanh ở đằng sau người nghe, âm sắc được tạo ra từ các kênh surround cũng trở nên trung tính hơn. Về điểm này, Pro Logic II cũng đã tiệm cận với trải nghiệm khi nghe nhạc từ một nguồn phát mang công nghệ 5.1 đúng nghĩa.

Pro Logic II cũng sử dụng hệ thống mạch chỉ đạo phức tạp hơn nhằm kiểm soát âm lượng ở mỗi kênh, áp dụng có chọn lọc các suy hao (giảm âm lương) để ngăn không cho âm thanh từ một kênh lấn sang kênh khác. Pro Logic IIx xuất hiện vào năm 2003, đem đến trải nghiệm 7.1 từ các nguồn phát 2 kênh và nguồn phát 5.1. 6 năm sau, Dolby lại tiếp tục giới thiệu công nghệ Pro Logic IIz, với việc bổ sung thêm hai kênh loa ở vị trí trên cao, phía trước phòng, ngay trên vị trí của loa trái và loa phải. Pro Logic IIz trích xuất các thông tin ở tầng trên cao từ các nguồn phát 5.1- hoặc 7.1 rồi đưa về các loa ở tầng này. Ý tưởng của họ khi ấy là tạo nên một âm trường 3D hoàn chỉnh bằng cách mở rộng âm trường theo chiều dọc.

Không để đối thủ vượt mặt, DTS cũng phát triển một loạt công nghệ âm thanh surround, hoặc để nâng tầm trải nghiệm của các công nghệ DTS có từ trước, hoặc để giải mã các nguồn phát không phải DTS, chẳng hạn các nguồn phát stereo thông thường.

DTS Neo:6 Music và Neo:6 Cinema là các thuật toán có chức năng chuyenr đổi các nguồn phát stereo hoặc các nguồn phát Dolby Surround được mã hóa hai kênh thành tín hiệu âm thanh đa kênh. Neo6: Music sẽ bỏ qua, không xử lý tín hiệu từ kênh bên trái và kênh bên phải để đảm bảo chất âm trung thực nhất, đồng thời trích xuất tín hiệu từ nguồn phát hai kênh để đưa vào kênh trung tâm và kênh surround. Các thuật toán này có thể áp dụng cho bất cứ nguồn phát hai kênh nào, kể cả CD hay thiết bị phát thanh FM.

System Setup 1

Neo:6 Cinema cũng tương tự như phương thức mã hóa Dolby Pro Logic II, đồng thời sử dụng được với cả nguồn phát được mã hóa Dolby Surround. Neo:6 Cinema có ảnh hưởng rộng hơn đến tín hiệu, nó sẽ sắp xếp lại việc phân phối tín hiệu cho ba kênh đằng trước. Cả Neo:6 Music và Neo:6 Cinema đều mô phỏng được tín hiệu 7.1 từ nguồn phát 2 kênh.

Các thuật toán này là giải pháp cần thiết đối với những ai muốn trải nghiệm các màn trình diễn trên đĩa DVD và Blu-ray. Đối với những đĩa DVD thế hệ cũ vốn chỉ cung cấp lựa chọn nghe nhạc với công nghệ Dolby Digital hoặc LPCM được mã hóa thành hai kênh, người dùng thường sử dụng lựa chọn thứ hai. Mặc dù lựa chọn này làm mất hết những lợi thế mà Dolby Digital mang lại như sự tách bạch giữa các kênh, ưu điểm của LPCM là đem đến âm treble mượt hơn, tiếng nhạc cụ và giọng hát tự nhiên hơn, đồng thời cảm nhận về không gian rộng lớn hơn. Đó là vì Dolby Digital sử dụng 384,000 hoặc 448,000 bit/s để mã hóa toàn bộ 5.1 kênh, trong khi LPCM sử dụng 1.536 triệu bit/s chỉ để mã hóa cho hai kênh. Tuy nhiên, khi sử dụng Pro Logic II và DTS Neo:6 để giải mã các DVD này, chúng ta vẫn cảm nhận được sự hoàn hảo về mặt không gian, nhưng kết hợp với đó là chất âm trung tính mà bitrate cực cao của công nghệ LPCM mang lại. Trong khi đó, các công nghệ mới hơn như Dolby TrueHD và DTS HD Master Audio thậm chí còn làm tốt hơn khi không buộc chúng ta phải lựa chọn đánh đổi như vậy, bởi chúng có thể đem đến những trải nghiệm âm thanh cao cấp cực kỳ tuyệt vời, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ yếu tố nào.

Nguồn: tapchihifi.com