Thomas Edison đã tạo ra chiếc máy hát đầu tiên vào năm 1877, sử dụng tay quay để chạy kim đọc lên bản ghi (vốn là một ống trụ được bôi sáp). Với cách làm thủ công này, việc đặt ra một tốc độ chuẩn là điều không thể. Ở thời điểm ấy, tốc độ trung bình của tay quay là 80 vòng/phút và một ống trụ có thời lượng khoảng 5 phút.

Nhà phát minh Emile Berliner là người tạo ra máy hát sử dụng đĩa vinyl đầu tiên vào năm 1888 để thay thế các ống trụ. Khác với thiết bị của Edison, máy hát của Berliner không dùng tay quay thủ công mà sử dụng motor điện. Tốc độ quay của motor lúc bấy giờ là giữa 70 và 80 vòng / phút. Sự xuất hiện của máy thu âm và máy hát đã mở ra một trang mới cho ngành công nghiệp thu âm, kéo theo sự ra đời của một loạt nhà sản xuất. Ý tưởng mâm đĩa than với tốc độ 78 vòng/phút ngày càng trở nên hiện thực hơn, nguyên nhân là vì với motor có tốc độ 3600 vòng/phút người ta đã đo được rằng mâm đĩa than có hiệu năng tốt nhất với tốc độ rơi vào khoảng 78.26 vòng/phút.

tay co mam dia than

Cuối cùng, ý tưởng này trở thành sự thật vào năm 1925. Tuy nhiên, các đĩa hát đầu tiên lại khiến cho người dùng phải thất vọng, bởi không chỉ có thời lượng rất thấp, khoảng 3 phút mỗi mặt, độ bền của các đĩa này cũng không cao do làm từ shellac chứ không phải vinyl. Dần dần, vật liệu làm đĩa than bắt đầu có thay đổi, đồng thời đĩa than có đường kính 25cm cũng bắt đầu phổ biến dần.

Ở thời điểm tốc độ 78 vòng/phút trở thành tiêu chuẩn thu âm, khá nhiều phương pháp thu âm mới xuất hiện. Điều này cho phép các hãng thu âm thu lại nhiều thông tin trên đĩa có kích thước nhỏ hơn trong khi vẫn duy trì được độ trung thực của âm thanh. Đĩa than 33.3 vòng/phút trở thành nhu cầu của rất nhiều hãng thu âm bởi tính hiệu quả về mặt kinh tế mà đĩa than 78 vòng/phút không thể so sánh được.

Không chỉ sở hữu kích thước nhỏ hơn, độ bền lớn hơn, đĩa 33.3 vòng /phút còn có thời lượng sử dụng cao hơn do tốc độ quay chậm, đồng nghĩa với việc một album không cần thu trên nhiều đĩa. Tuy nhiên, thời điểm đĩa than 33.3 vòng/phút xuất hiện cũng là lúc radio trở thành phương thức giải trí chủ yếu, người dùng không cần bỏ ra nhiều tiền để mua những bản ghi âm với mức giá đắt đỏ. Do đó, đĩa 33.3 vòng/phút lúc ấy được các studio sử dụng nhiều hơn là người dùng cá nhân thông thường.

Đĩa than 33.3 vòng/phút không thực sự tác động lớn đến thị trường khi mới ra mắt. Phải mãi đến năm 1948, khi Columbia Records bắt đầu tung ra thị trường đĩa than 33.3 vòng/phút với đường kính 30.5cm, lúc ấy loại đĩa nhựa này mới bắt đầu phổ biến. Columbia Records đã giới thiệu loại đĩa này tại New York và chứng minh bằng cách cho chơi hết các đoạn nhạc kéo dài hơn 20 phút mà không cần phải lật mặt đĩa. Loại đĩa 33.3 vòng/phút nhanh chóng trở thành một tiêu chuẩn mới của ngành giải trí, đến mức phải vài chục năm sau, đĩa CD với ưu thế của nó mới đủ sức hạ bệ loại đĩa này.

dau dia than dep

Cuộc chạy đua về công nghệ vốn không phải là điều gì quá xa lạ. Sau thất bại trong việc phổ biến đĩa than 33 vòng/phút giai đoạn thập niên 30, RCA đã nảy ra một ý tưởng mới: đĩa than 45 vòng/phút.

Ưu điểm của loại đĩa này là kích thước khá nhỏ, nhỏ hơn bất cứ loại đĩa nào có mặt trên thị trường lúc bấy giờ. Cuối cùng, RCA đã có một con át chủ bài để cạnh tranh với Columbia Record. Khi mới ra mắt, đĩa 45 vòng/phút không thực sự có ưu thế vượt trội so với đĩa 78 vòng/phút, trong khi hệ thống máy hát của Columbia Records có thể chơi cả hai loại 33 và 78 vòng/phút, vì thế không nhiều nhà sản xuất cảm thấy mặn mà với đĩa 45 vòng/phút.

Vậy tại sao cuối cùng đĩa 45 vòng/phút lại có chỗ đứng trên thị trường? Câu trả lời cuối cùng vẫn là do marketing. Đĩa 45 vòng/phút có kích thước khá nhỏ, đường kính chỉ khoảng 17.8cm, lại có một hệ thống màu sắc riêng chứ không phải chỉ một màu đen đơn điệu. Thời kỳ đầu, RCA quy định đĩa nhạc pop màu đen, nhạc country màu xanh lá, nhạc thiếu nhi có màu vàng, nhạc cổ điển màu đỏ, R&B màu da cam, tân cổ điển màu xanh dương và nhãn xanh trong khi nhạc quốc tế dùng đĩa màu xanh dương nhãn đen. Ngay lập tức, loại đĩa than này thu hút được sự chú ý của lớp trẻ và rất nhanh chóng, vào thập niên 50, những chiếc máy hát hỗ trợ tốc độ 33.3 và 45 vòng/phút xuất hiện, dần dần đào thải loại đĩa 78 vòng/phút. Ngày nay, chúng ta không còn nhìn thấy hệ thống đĩa màu như thế nữa vì đến năm 1952, RCA ngừng hẳn việc này và tất cả đĩa của họ đều chuyển thành màu đen truyền thống.

Tuy nhiên, không vì thế mà đĩa 78 vòng/phút biến mất hoàn toàn. Rất nhiều bản ghi âm hiếm của thời trước được thu lại với tốc độ này và không bao giờ được ghi lại thêm lần nữa. Thêm nữa, với quan điểm đĩa càng quay nhanh, chất lượng âm thanh càng tốt, đĩa 78 vòng/phút vẫn có chỗ đứng riêng và chẳng bao giờ thực sự biến mất hoàn toàn.

Nguồn: tapchihifi.com