Cùng với loa và micro thì mixer là thiết bi mà bạn thường bắt gặp nhất trong các dàn âm thanh. Và với những người chơi audio thì không ai là không biết đến mixer. Đây là một thiết bị chuyên dùng để xử lý tín hiệu âm thanh, nơi mà ta có thể làm mọi thứ để có được chất lượng âm thanh tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, mọi người thường quen thuộc với dạng mixer mà ta có thể cân chỉnh trực tiếp trên thiết bị (hay còn gọi là analog mixer), còn digital mixer vẫn còn là thiết bị tương đối mới mẻ với nhiều người. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt sự khác nhau giữa analog và digital mixer.
Analog và digital mixer
1. Analog mixer
Đây là dạng mixer mà chúng ta vẫn thường xuyên sử dụng từ trước đến nay, từ các dàn âm thanh sân khấu, hội trường cho đến những quán cafe chơi nhạc, dịch vụ karaoke… và đặc điểm dễ nhận ra ở analog mixer đó là luôn phải có một kỹ thuật viên đứng điều chỉnh trực tiếp trên thiết bị mỗi khi cần.
Nguyên lý hoạt động của analog mixer là Khi bạn nói vào micro, một tín hiệu sẽ phát ra từ miệng của người nói được thể hiện bằng áp suất không khí, khi áp suất này đi qua micro thì tín hiệu sẽ được tạo ra bằng cách chuyển đổi sang tín hiệu điện, đó là một tín hiệu analog (tương tự và liên tục). Tín hiệu điện này sẽ được truyền qua dây dẫn qua một jack tín hiệu và vào mixer. Những mixer này sẽ lấy tín hiệu điện trong mẫu sóng gốc và điều chỉnh tín hiệu này, nó có thể tăng lên, giảm đi, nối và xử lý chúng cho đến khi nó đạt tới âm thanh mong muốn, trong quá khứ thì chỉ có cách duy nhất xử lý các tín hiệu đó là ta phải cân chỉnh trực tiếp các nút vặn trên bàn mixer.
Mixer analog Soundking MIX16C tích hợp sẵn bộ effect
Những tín hiệu sau khi được mixer xử lý sẽ tiếp tục truyền qua các thiết bị khác như Equalizer (EQ) hoặc Compressor và sau đó sẽ được ampli khuếch đại tín hiệu này để truyền đến loa. Tín hiệu sau đó sẽ từ ampli thông qua dây dẫn tới loa, ở đó tín hiệu sẽ được chuyển đổi lại ra ngoài không khí thông qua áp suất. Cả quy trình dài dòng này đều được thực hiện một cách rất nhanh, và không hề có một độ trễ nào trong quá trình truyền tải giọng nói từ micro qua các thiết bị xử lý tín hiệu và phát ra loa.
Và cũng chính vì thế mà ưu điểm của các loại mixer analog này đó là hiệu quả xử lý tín hiệu nhanh, gọn, lẹ thông qua các thao tác vặn các cần điều chỉnh trên bàn mixer. Đây cũng là loại mixer quen thuộc của hầu hết người chơi audio hiện nay nên việc tùy chỉnh, xử lý cũng tương đói dễ dàng, quen thuộc. Tuy nhiên thì bên cạnh đó nó vẫn có một số nhược điểm mà chúng ta dễ dàng nhận ra đó là luôn cần phải có một người kỹ thuật viên đứng canh chỉnh mixer và nếu dòng điện không đáp ứng được yêu cầu, âm thanh phát ra sẽ bị méo tiếng, tự động cúp nguồn hoặc gây ảnh hưởng xấu đến các thiết bị trong dàn âm thanh.
2. Digital mixer
Tuy không được phổ biến như các loại mixer analog, nhưng digital mixer hiện nay cũng được sử dụng khá nhiều trong các dàn âm thanh sân khấu lớn, những phòng thu âm chuyên nghiệp. Điểm chung của hầu hết các dàn âm thanh sử dụng digital mixer đó là sử dụng rất nhiều loại nhạc cụ, nguồn âm khác nhau.
Cũng lấy vị dụ về micro như trên, khi bạn sử dụng một micro trong bàn mixer digital, khi tín hiệu analog từ micro truyền đến mixer, nó sẽ được chuyển đổi thành tín hiệu digital, tín hiệu này được sử dụng dạng nhị phân, là thứ ngôn ngữ mà máy tính dùng để xử lý. Và cũng chính vì là tín hiệu digital nên bạn có thể dễ dàng đứng từ xa điều khiển mixer thông qua máy tính, hoặc các thiết bị như iPad, Smartphone… chỉ cần cài vào đó phần mềm của loại mixer digital bạn sử dụng, bạn sẽ dễ dàng tùy chỉnh mixer mà không nhất thiết phải đứng cạnh và dùng tay điều khiển các nút vặn và fader như trước nữa. Tuy nhiên thì nhà sản xuất thường vẫn thiết kế những cần gạt, nút vặn như các loại mixer analog trên digital mixer, chúng ta vẫn có thể điều chỉnh trực tiếp như các loại mixer analog nếu như không quen dùng cũng như không rành về các phần mềm vi tính. Nhưng bạn cũng nên hiểu rõ rằng một tín hiệu digital thì hoàn toàn không cần dùng đến những nút vặn và fader để điều khiển nó.
Các loại digital mixer của Roland được sử dụng khá nhiều trong các dàn âm thanh
Ví dụ bạn có thể sử dụng một màn hình máy tính với hình ảnh của một bàn mixer và chỉ cần bấm, kéo và lưu những thiết lập của bạn, tín hiệu digital sẽ được xử lý đến khi những gì mà tín hiệu ra cần đạt tới đó, và phát ra với tín hiệu digital hoặc thông thường hơn là lại một lần nữa chuyển đổi ngược thành tín hiệu analog, tín hiệu sau khi đã convert bằng mixer chuyển ra ampli rồi ra loa.
Một sự khác biệt quan trọng nữa giữa mixer analog và digital đó là khi analog di chuyển không có độ trễ thì ở digital có độ trễ được tạo ra khi chuyển đổi tín hiệu từ analog sang digital và có thể đo được bằng đơn vị mili giây. Mixer digital giá rẻ thì có độ trễ lớn hơn, tuy nhiên nó không ảnh hưởng nhiều tới việc sử dụng dàn âm thanh để chơi nhạc, bạn chỉ có thể nhận biết được khi sử dụng tai nghe mà thôi.
Như vậy thì ưu điểm của các loại mixer digital đó là bạn có thể thiết lập, xử lý, cài đặt sẵn cho mixer thông qua các thiết bị laptop, ipad… bằng kết nối wifi mà không cần phải đứng trực tiếp chỉnh ngay tại dàn máy. Và đương nhiên việc ứng dụng công nghệ như thế cũng giúp các loại mixer digital cho ra chất lượng âm thanh tuyệt vời mà bạn hoàn toàn không ngờ tới. Tuy nhiên một nhược điểm nhỏ của nó đó là giá thành của các loại mixer digital này khá cao so với mixer analog có cùng số lượng kênh.
Vậy sau khi đọc bài viết này, nếu như bạn cảm thấy phân vân không biết nên chọn mua mixer analog hay digital thì lời khuyên cho bạn đó là hãy căn cứ vào nhu cầu sử dụng dàn âm thanh của bạn mà quyết định. Mixer analog hay digital đều mang lại hiệu quả xử lý tín hiệu tốt cho dàn âm thanh, tuy nhiên nếu nhu cầu sử dụng của bạn là không cao, dàn âm thanh ít thiết bị thì các loại mixer analog sẽ là lựa chọn phù hợp. Còn nếu như các dàn âm thanh hội trường, nhà thờ,sân khấu…lớn thì mixer digital sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Nguồn : Nguyễn Audio