Khi nói về màn hình trên các thiết bị hi-fi, dễ dàng nhận thấy đây là phương tiện hữu dụng để hiển thị các thông tin về bài hát hoặc nghệ sĩ đang phát, album, độ phân giải tín hiệu, tiến trình bài hát và mức âm lượng…

Màn hình mang đến cho người nghe một điểm tập trung khi nghe nhạc streaming phát qua mạng, thay vì cầm nắm một chiếc bìa đĩa hiện diện vật lý trong tay.

Music Server Aurender A20. Ảnh: Aurender.
Music Server Aurender A20 có màn hình lớn và tỷ lệ vừa phải.

Vậy rõ ràng, màn hình là thứ tối cần thiết giúp người dùng có cảm giác tốt hơn khi thưởng thức nhạc số trong môi trường hiện nay. Câu hỏi tiếp theo là, liệu màn hình này có thật sự cần tính năng điều khiển cảm ứng?

Màn hình không cảm ứng

Trong thập kỷ qua, màn hình màu LED/OLED đã trở nên phổ biến trên các DAC và bộ khuếch đại streaming. Tuy nhiên, không phải tất cả các màn hình đều giống nhau. Một số là loại cảm ứng và một số thì không. Ví dụ như 3 sản phẩm dưới dây, đều là những thiết bị có màn hình bình thường không thể tương tác cảm ứng:

Naim Uniti Atom sử dụng màn hình chỉ để hiển thị thông tin. Ảnh: Naim.
Naim Uniti Atom sử dụng màn hình chỉ để hiển thị thông tin.
  • Naim Uniti Atom: Có màn hình màu nhưng không cảm ứng. Điều khiển âm lượng qua núm xoay lớn và các nút trên bảng điều khiển để chọn ngõ vào và chơi/tạm dừng.
  • Cambridge EVO 150: Dùng nút vật lý cho chơi/tạm dừng, núm xoay để thay đổi âm lượng và chọn ngõ vào. Màn hình chỉ để hiển thị các phản hồi bằng hình ảnh.
  • Audiolab 9000A và 9000N: Màn hình màu không cảm ứng, dùng núm xoay để điều khiển.
Audiolab 9000A và 9000CDT cũng chỉ sử dụng màn hình để hiển thị thông tin.
Audiolab 9000A và 9000CDT cũng chỉ sử dụng màn hình để hiển thị thông tin.

Xu hướng màn hình cảm ứng

Tuy nhiên, năm năm trở lại đây, nhiều màn hình trên sản phẩm hi-fi đã xuất hiện với tính năng cảm ứng như NAD M10, M33, M66, Eversolo DMP-A6, DMP-A8FiiO R7, R9. Tại Munich High-End 2024, nhiều nhà sản xuất cũng đã chọn hướng đi này tiêu biểu như: WiiM Ultra, Shanling M1.3, Volumio Motivo, Arcam SA45

NAD M66, sử dụng màn hình vừa để hiển thị, vừa là nơi thực hiện các thao tác điều khiển cảm ứng.
NAD M66, sử dụng màn hình vừa để hiển thị, vừa là nơi thực hiện các thao tác điều khiển cảm ứng.

Lợi ích của màn hình cảm ứng

Màn hình cảm ứng mang lại yếu tố ‘wow’ cho sản phẩm hi-fi, tạo cảm giác tiên tiến công nghệ. Chúng cũng giúp giảm thiểu các nút điều khiển vật lý, mang lại vẻ ngoài tối giản. Một ví dụ là NAD M10, hiện ở phiên bản V2, chỉ sử dụng điều khiển cảm ứng mà không hề có núm xoay hay nút bấm.

Kết hợp với hệ điều hành Android, màn hình cảm ứng mở rộng khả năng truy cập trực tiếp vào nhiều ứng dụng streaming hơn, đặc biệt là Apple Music.

FiiO R9 có màn hình cảm ứng, hiển thị dọc tương tự như điện thoại.
FiiO R9 có màn hình điều khiển cảm ứng, hiển thị dọc tương tự như điện thoại.

Trước khi có music server Eversolo DMP-A6 hay FiiO R7, người dùng khi muốn nghe nhạc từ Apple Music bắt phải stream tín hiệu thông qua Google Chromecast hoặc Apple AirPlay, tuy nhiên, cả hai đều có những hạn chế về chất lượng âm thanh và tính liền mạch.

Vấn đề của màn hình

Mặc dù màn hình có nhiều lợi ích, nhưng cũng có một số vấn đề cần xem xét:

  • Kích thước màn hình: Nếu màn hình quá nhỏ, người dùng phải căng mắt để đọc từ vị trí ngồi. Hầu hết các màn hình chỉ rộng vài inch, khiến việc đọc thông tin từ xa trở nên khó khăn. Ví dụ, màn hình của Grimm MU2 chỉ có 3,5 inch, quá nhỏ để đọc từ khoảng cách xa.
  • Hướng màn hình: Một số thiết bị như Hifi Rose RS130 có màn hình cảm ứng rộng về bề ngang nhưng lại hạn chế và chiều cao, khiến giao diện và trải nghiệm người dùng bị giới hạn. Eversolo DMP-A6 có tỷ lệ màn hình hợp lý hơn, và có doanh số bán rất chạy trong năm 2023. Riêng chỉ có FiiO R7 và R9 đi theo một hướng hoàn toàn khác: họ dùng màn hình cảm ứng ở dạng dọc, tương tự như giao diện điện thoại, khá phù hợp hơn cho việc sử dụng trên bàn làm việc.
Ứng dụng Cast của Eversolo giúp khắc phục bằng cách ánh xạ hoàn toàn những gì đang hiển thị trên màn hình thiết bị lên điện thoại.
Chức năng Cast của Eversolo giúp ánh xạ hoàn toàn những gì đang hiển thị trên màn hình thiết bị lên điện thoại điều khiển.
  • Vị trí màn hình: Nếu thiết bị nằm trong kệ hi-fi hoặc đặt trên kệ thấp, màn hình sẽ không ở tầm mắt khi đứng trước thiết bị. Điều này gây khó khăn cho việc tương tác với giao diện người dùng, đặc biệt khi duyệt Apple Music. Có một cách rất thông minh để giải quyết vấn đề này là Ứng dụng Cast của Eversolo giúp khắc phục bằng cách ánh xạ hoàn toàn những gì đang hiển thị trên màn hình thiết bị lên điện thoại của bạn. Điều này giúp Apple Music vẫn chạy trực tiếp trên thiết bị streaming với chất lượng âm thanh cao nhất đồng thời người dùng vẫn có thể tương tác dễ dàng.

Giải pháp thay thế

Thay vì tập trung vào màn hình nhỏ, tại sao không sử dụng HDMI để kết nối với TV hoặc màn hình máy tính lớn hơn? Điều này sẽ mang lại trải nghiệm xem tốt hơn từ xa. Ví dụ, FiiO R9 đã tích hợp chức năng này. Điều này cho thấy một hướng đi mới cho các nhà phát triển sản phẩm hi-fi: chuyển hướng đầu tư từ màn hình cảm ứng nhỏ sang giải pháp HDMI để cung cấp thông tin trực tiếp trên màn hình lớn hơn.

Kết luận

Theo các khảo sát của Darko.Audio, phần lớn người dùng không quá quan tâm đến tính năng cảm ứng. Thay vào đó, họ ưa thích sử dụng thiết bị hiện tại như điện thoại thông minh hoặc TV để quản lý và xem thông tin album nhạc. Có lẽ đã đến lúc các nhà sản xuất hi-fi nên cân nhắc lại về sự cần thiết của màn hình cảm ứng và tìm kiếm các giải pháp thay thế hiệu quả hơn.