Một trong những yếu tố quan trọng nhất của quay phim là ánh sáng. Và việc kiểm soát chất lượng ánh sáng là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của người quay phim. Bài viết dưới đây sẽ bàn về cách làm cho ánh sáng gắt hơn hoặc dịu hơn.

Có một định lý cũ thường dùng trong lĩnh vực nghệ thuật: “Một người nghệ sĩ giỏi biết sử dụng thành thục các công cụ của họ. Một người nghệ sĩ đại tài biết sử dụng thành thục các phương tiện của họ”. Đối với một người làm phim, ánh sáng là phương tiện, và nếu ánh sáng không tốt thì shot quay cũng không tốt. Một trong những yếu tố quan trọng để chiếu sáng một shot chính xác là kiểm soát chất lượng ánh sáng một cách chính xác. Vậy thì “chất lượng” của ánh sáng là gì và làm thế nào để kiểm soát nó?

Gắt hay dịu (hard hay soft)

“Chất lượng” ánh sáng không phải là đẹp hay xấu. Chất lượng ánh sáng là một thuật ngữ kỹ thuật đề cập đến ánh sáng gắt hay dịu (hard hay soft). Một số người nghĩ rằng “dịu” và “gắt” là nói về cường độ ánh sáng – họ nghĩ ánh sáng gắt là cường độ sáng lớn, còn ánh sáng dịu thì có cường độ nhỏ hơn – nhưng thực ra thì không phải như vậy. Ánh gắt tạo ra phần bóng gắt, đường nét sắc sảo và ranh giới giữa tối và sáng rõ ràng. Ngược lại, ánh sáng dịu, vùng chuyển giữa ánh sáng và bóng tôi không rõ ràng. Không có loại ánh sáng nào tốt hơn loại nào, nhưng bạn cần hiểu khi nào và làm thế nào để sử dụng mỗi loại này.

Chân dung chú mèo được chụp dưới ánh sáng dịu, cường độ sáng cao. Dùng một tấm giấy màu trắng làm diffuser và tường cũng như trần nhà sơn trắng làm reflector.

Chân dung tay chơi bass Eliza Rector được chụp dưới ánh sáng gắt. Tôi dùng một đèn nhỏ đặt chéo căn phòng. Tôi dũng dùng thêm một cái chụp để khiến ánh sáng trông gắt hơn.

Kiểm soát chất lượng

Vậy làm thế nào để bạn kiểm soát chất lượng ánh sáng? Để có được hình ảnh mà bạn muốn, trước hết, điều quan trọng là diện tích được chiếu sáng càng nhỏ thì ánh sáng càng gắt.

Vậy nên, để kiểm soát chất lượng ánh sáng, bạn cần kiếm soát diện tích được chiếu sáng. Cách dễ nhất để làm điều này là di chuyển đèn đến gần hoặc ra xa chủ thể. Không phải lúc nào bạn cũng có thể dùng cách này bởi có lúc hiện trường không có đủ diện tích cho bạn di chuyển đèn, hoặc nếu bạn quay ngoài và dùng ánh sáng tự nhiên, bạn cũng không thể thay đổi khoảng cách với mặt trời. Nếu bạn không thể thay đổi khoảng cách, bạn phải thay đổi kích cỡ. Nhưng làm thế nào để bạn có thể thay đổi kích thước của nguồn sáng? Lúc này, các thiết bị điều chỉnh ánh sáng (light modifier) phát huy tác dụng.

Thiết bị điều chỉnh ánh sáng được dùng để thay đổi thuộc tính của nguồn sáng, một số được thiết kế để tạo ra ảo giác rằng nguồn sáng có thể trở nên lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với thực tế. Có rất nhiều loại thiết bị điều chỉnh ánh sáng hiện có trên thị trường, nhưng để điều chỉnh chất lượng ánh sáng không thôi thì bạn chỉ cần biết ba loại chính – và nếu bạn muốn tạo ra vùng bóng dịu hơn, bạn có thể hoàn toàn bỏ qua loại thứ ba.

Diffuser: Nếu bạn muốn diện tích được chiếu sáng lớn hơn, cho ánh sáng dịu hơn, bạn có thể dùng diffuser. Diffuser phổ biến nhất là softbox. Dùng softbox khiến cho nguồn sáng dường như lớn hơn so với kích thước thật của bóng đèn. Chúng dễ sử dụng, dễ mua và có nhiều kích thước cũng như hình dạng khác nhau. Nếu bạn có điều gì còn nghi ngờ, bạn cứ việc dùng softbox.

Tất nhiên, những đám mây là diffuser tự nhiên. Trong những ngày nhiều mây hoặc có sương mù, ánh sáng sẽ rất dịu và đẹp. Bạn không thể điều khiển mây theo ý mình, bạn có thể dùng diffuser panel hoặc scrim. Dùng scrim như một đám mây di động, giúp làm dịu ánh sáng từ bất kỳ nguồn nào, có thể là ánh sáng mặt trời hoặc đèn trong studio.

Reflector: Nếu diffuser không đáp ứng được nhu cầu của bạn, hãy thử phản chiếu ánh sáng bằng một bề mặt màu trắng (như bức tường sơn trắng chẳng hạn). Diện tích chiếu sáng sẽ lớn hơn khi ánh sáng phản xạ lại từ bức tường. Kiểu chiếu sáng này đôi khi được gọi là “bounce lighting”. Nếu bạn không có một bức tường trắng trên hiện trường, bạn có thể phản xạ ánh sáng từ một miếng xốp trắng (hoặc một tấm form trắng). Bạn cũng có thể mua các reflector ở nhiều hình dạng, kích thước khác nhau để phục vụ cho những tình huống khác nhau. Ví dụ, một cái đĩa sứ trắng có thể trở thành là một cái reflector giúp tạo ra ánh sáng dịu nhưng vẫn cho ánh sáng rực rỡ với độ sáng lớn, thường được dùng trong các shot cận.

Khi quay ngoại, bạn có thể mô phỏng hiệu ứng khi dùng một reflector lớn, kể cả trong những ngày nắng chói, bằng cách đặt đối tượng dưới một bóng râm lớn. Mặt đất bên ngoài bóng râm sẽ phản chiếu ánh sáng lên đối tượng, nó hoạt động như một nguồn sáng lớn, mang các đặc tính của ánh sáng mặt trời nhưng không chói loá.

Narrower: Có nhiều thiết bị điều chỉnh ánh sáng khác nhau mà bạn có thể dùng để thu hẹp diện tích chiếu sáng, như: grid, snoot và barn door. Kết hợp grid và snoot đúng cách trên một đèn bình thường có thể tạo hiệu ứng spotlight với ánh sáng gắt, và cách này rẻ hơn rất nhiều so với dúng spotlight thực. Barn door thì khá tiện dùng vị bạn có thể điều chỉnh một cách nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian, nhưng cơ bản thì chúng không hiệu quả bằng snoot và grid trong mục đích thu hẹp diện tích chiếu sáng.

Bạn có thể đọc về tất cả những thứ bạn thích, nhưng bạn sẽ không thực sự hiểu chất lượng của ánh sáng ra làm sao cho đến khi bạn hiểu được tác động của chúng lên cảm giác của bạn. Dưới đây là một số thứ mà bạn có thể tự thực hành: đi quay một cảnh ngắn, như một cảnh độc thoại dài một phút, ở ngoài trời dưới ánh mặt trời trực tiếp. Thực hiện một cảnh tương tự nhưng ở trong bóng râm. Nếu bạn có đèn, hãy thử quay nội với một nguồn sáng nhỏ như đèn flash đặt chéo trong phòng, chĩa vào chủ thể. Sau đó, vẫn dùng đèn đó, để cùng khoảng cách đó nhưng phản xạ ánh sáng lên tường, và xem bóng đổ như thế nào? Quan trọng hơn, là xem xét cách chúng tác động đến cảm xúc của bạn. Một khi bạn hiểu cảm giác và cách để tạo ra nó, bạn sẽ hiểu và dần dần làm chủ được các công cụ cũng như phương tiện của mình để chiếu sáng một shot theo cách hiệu quả.

Nguồn: pixelfactory.vn