HFVN – Một câu nói đã lâu của anh Viết Tân, ông chủ studio thu âm nổi tiếng, làm tôi nhớ mãi, “Mình không thích hi-end, hi-end là học đòi. Hi-tech thì được”. Câu nói đó đã gây ảnh hưởng không ít đến việc cách thức nghe nhạc của tôi.

2795204499_b9cf8a1a3d
Hai tháng sau khi bài viết này lên khuôn tạp chí, đĩa My guitar My friends của Quốc Bảo ra đời.

Tôi không sắm thiết bị hi-end. Tất cả những gì thuộc về “nghe”, tôi đều đưa hết lên dàn loa monitor dành riêng cho phòng thu. Nghe nhạc cũng đấy, check đĩa master cũng đấy, xem phim cũng đấy luôn. Dần dà, tai tôi quen với màu âm khô lạnh, trung thực, rời từng tiếng của loa monitor, không nghe được các dàn “nịnh tai” dù là hiệu đắt tiền đến mấy. Mà suy cho cùng, hi-end là gì kia chứ?

Thời gian cộng tác với tạp chí Nghe Nhìn Việt Nam, một tạp chí Audiophile (dành cho người chơi thiết bị nghe nhạc cao cấp), tôi tập tọng tìm hiểu hi-end, cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa, đến nhà ai có dàn gì hay hay thì nghe thử, xem thử, sờ thử. Không thích, không quan tâm lắm. Bạn cứ tưởng tượng xem, trong kỷ nguyên số, mà lại đi mò mẫm chơi thiết bị tương tự (analog) có phải đang đi thụt lùi không? Có phải tự mình đẩy mình vào thế… phản tiến hóa không?!

Thế mà bây giờ tôi đang rắp tâm đi lùi đấy!

2ha-Custom (2)
Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải, tay chơi hi-end có tầm cỡ ở Saigon

Mọi chuyện diễn ra sau cuộc cà phê với nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải, tay chơi hi-end có tầm cỡ ở Saigon. Hải thao thao thuyết giảng về cái hay cái đẹp cái ưu việt của âm thanh analog, về khái niệm analog vs. digital tương tự như bên nhiếp ảnh, và khuyến khích tôi – một nhà sản xuất nhạc – làm các đĩa dành riêng cho dân nghe hi-end. Sau cuộc chuyện vãn, tôi phải cất công đi tìm hiểu xem thật sự, dân hi-end muốn nghe như thế nào qua dàn âm thanh đắt tiền ngất trời kia.

Lời đáp như sau: muốn nghe âm thanh trung thực. Thế nào là trung thực?

  • Là thu thế nào, ra CD thế ấy, không có tác động thêm bớt của kỹ xảo studio.
  • Là thu vào bằng thiết bị analog, chạy băng 2-inch trên máy reel-to-reel (máy có 2 lõi băng, điều khiển bằng cơ học, trông giống như loại máy gia dụng của hãng Akai ngày xưa một số gia đình trung lưu sử dụng nghe nhạc, nhưng dùng băng tiết diện lớn hơn).
  • Là thu xong thì chuyển thẳng qua CD bằng cách thu/phát truyền thống, không phải “burn” (đốt đĩa) theo kiểu máy tính.

Theo lời dân hi-end thì dàn máy nghe của họ có đáp tuyến tần số rất rộng, đồng thời hòa quyện được các dải tần tốt nên âm thanh mềm mại, ngọt, nghe rõ từng nhạc cụ nhưng không rời, “tơi” hẳn ra như loa monitor phòng thu mà quyện chặt với nhau. Dàn hi-end phản ánh được “vị trí” âm thanh một cách hoàn hảo, nhắm mắt lại là tưởng tượng ra được chỗ đứng của từng người trong dàn nhạc, trước sau, trái phải, lớp lang rõ ràng.

Tôi nói với Hải, tôi sẽ làm một đĩa cho dân hi-end.

QuocBao
Quốc Bảo: Chờ đấy, tôi sẽ cho bạn nghe đĩa hi-end Việt. Hi-end, xét từ góc kỹ thuật, là trò chơi đi giật lùi thôi mà!

Chẳng có gì ghê gớm. Chỉ tổ chức thu một lần cả người đệm nhạc lẫn ca sĩ, khi thu không được nối ráp, chơi sai thu lại từ đầu. Bản thu mộc sẽ được đưa sang “dọn” ở một thiết bị analog trước khi được số hóa để ra đĩa thành phẩm.

Ở nước ngoài, đĩa chuyên dùng để nghe trên dàn hi-end cũng được thu như thế. Thành phẩm được dập trên đĩa mạ vàng, ghi rõ “Audiophile Collection”, trên bìa đĩa ghi chi tiết kỹ thuật của quá trình thu: chơi bằng đàn gì, dây đàn hiệu gì, microphones hiệu gì, đặt vị trí như thế nào, vân vân.

Một người bán đồ hi-end bảo tôi, “Việt Nam còn lâu mới làm được. Xem này, Trung Quốc người ta làm đây này!”

Nghe mà tự ái!

Chờ đấy, tôi sẽ cho bạn nghe đĩa hi-end Việt. Hi-end, xét từ góc kỹ thuật, là trò chơi đi giật lùi thôi mà!

NS Quốc Bảo