Đối với những “tay chơi âm thanh” có phần “hardcore” này, dòng điện, giống như dòng máu, quyết định quan trọng đến chất lượng âm thanh tại nhà.

Đối với các “tay chơi” âm thanh tầm cỡ, chẳng có điều gì là quá đắt đỏ để nâng cao trải nghiệm nghe nhạc của họ cả. Và mới đây, tại Nhật Bản, một số người sành âm thanh đã quyết định… dựng luôn cả cột điện cùng với bộ biến áp riêng, để đảm bảo dàn âm thanh của họ có được nguồn điện chất lượng nhất có thể.

Tạp chí Wall Street Journal đã tìm đến cụ ông Takeo Morita, 82 tuổi, là luật sư đã về hưu tại xứ sở hoa anh đào. Dàn âm thanh của ông bao gồm một chiếc amplifier từ Mỹ trị giá 60.000 USD, một dàn loa từng được sử dụng trong nhà hát của Đức vào những năm 60, bộ cáp âm thanh chất lượng cao, cùng hàng loạt các trang thiết bị đắt tiền khác. Thế nhưng, đối với những người “cuồng âm thanh” thì nhiêu đó có lẽ vẫn là chưa đủ – lúc nào cũng có cách để nâng tầm trải nghiệm nghe nhạc của họ lên nhiều lần. Và, ông Morita nhận ra rằng, các thiết bị điện từ các hộ gia đình xung quanh ông gây ra tình trạng nhiễu trong dòng điện – khiến chất lượng âm thanh của ông bị giảm đi rõ rệt.

Cựu luật sư Takeo Morita tại nhà riêng
Cựu luật sư Takeo Morita tại nhà riêng

Theo như lời ông Morita: “Dòng điện, cũng giống như dòng máu vậy. Nếu máu không trong sạch, thì cơ thể sẽ yếu đi rất nhiều. Vậy nên, dù cho dàn âm thanh chất lượng có tốt đến đâu, nếu dòng điện có nhiễu, thì chất lượng cũng sẽ bị giảm đi nhiều mà thôi”.

Và “giải pháp” cho vấn đề này là dựng hẳn một cột điện cá nhân để có thể đưa dòng điện đi trực tiếp từ trạm phát đến thẳng nhà của ông Morita, cùng với đường dây riêng, và một bộ biến áp chất lượng tốt hơn. Chi phí cho quá trình này rơi vào khoảng 40.000 USD – đó là còn chưa kể đến việc ông sẽ bị công ty điện lực địa phương tính thêm phí để duy trì nguồn điện cá nhân.

Các thợ điện trong quá trình lắp đặt hệ thống cột điện tại gia cho ông Yoshihara
Các thợ điện trong quá trình lắp đặt hệ thống cột điện “tại gia” cho ông Yoshihara

Ông Yukio Yoshihara, năm nay 62 tuổi, luôn tin rằng dàn âm thanh của ông cho ra chất lượng âm thanh tốt hơn hẳn về đêm – thời điểm mà những hộ gia đình xung quanh ông không còn sử dụng nhiều các thiết bị điện nữa. Cựu nhân viên ngân hàng này, sau đó, đã nhờ các chuyên gia về điện kiểm định lại chất lượng nguồn điện tại nhà mình.

“Lúc đó, tôi phát hiện ra rằng, nguồn điện tại nhà mình bị ‘ô nhiễm’ nặng nề” – ông Yoshihara cho biết. Một số thiết bị điện có biến tần để có thể tự bật/tắt nhằm tiết kiệm điện, gây ra nhiễu và ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của ông Yoshihara.

Do đó, 5 năm trước, ông Yoshihara đã quyết định dựng riêng một cột điện cá nhân, cùng với hệ thống dây điện và bảng mạch riêng – với chi phí lên tới 40.000 USD.

Ông Yoshihara, cùng với dàn âm thanh siêu khủng tại nhà

Ông Yoshihara, cùng với dàn âm thanh “siêu khủng” tại nhà

Sau khi lắp đặt hệ thống điện mới, ông Yoshihara thử nghiệm dàn âm thanh bằng một bản violin sonata của Mozart do nghệ sĩ vĩ cầm Arthur Grumiaux thể hiện – và chất lượng lúc này khiến ông không thể cầm được nước mắt: “Chất lượng âm thanh thật là trong trẻo và sống động, giống như các nghệ sĩ đang biểu diễn ngay trước mắt tôi vậy”.

“Tôi chẳng thể nào hiểu nổi ông ấy nghĩ gì nữa” – bà Reiko, vợ ông Yoshihara, chia sẻ. “Nhưng giờ mà cấm cản ông ấy thì chắc ông chả thiết sống nữa luôn”.

Ông Morita, để lắp đặt cột điện riêng cho nhà mình, đã đập bỏ hẳn cái cổng trước sân nhà, để xe tải có thể đưa cột điện vào trong sân nhà ông.

“Ban đầu, có một cái cột bê tông to tướng giữa sân có vẻ khá lạ lùng. Tuy nhiên bây giờ, nó đã trở thành một phần không thể thiếu của ngôi nhà này, và tôi thậm chí còn cảm thấy gắn bó với nó nữa” – ông Morita chia sẻ.

Nguồn: genk.vn