Gắn liền với nhạc số là sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ, trong đó, mạch công suất digital (class D) là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến việc ra đời hàng loạt sản phẩm audio có kích thước nhỏ gọn hơn, bắt mắt hơn, sẵn sàng nhiều tiện ích hơn mà chất lượng âm thanh không thay đổi, thậm chí còn vượt trội hơn hẳn các thế hệ sản phẩm ra mắt trước đó.

Ngày càng nhiều hệ thống dàn âm thanh hi-fi, hi-end tích hợp ampli , thậm chí là all-in-one (tất cả trong một) xuất hiện trên thị trường, ngày càng nhiều thương hiệu lớn tham gia vào phân khúc sản phẩm rất giàu tiềm năng này. Những cái tên nổi bật có thể kể đến như Linn, Naim, Arcam, Audiovector, Mcintosh, Meridian, Denon, Marantz, Cyrus, Devialet, Bluesound, Cambridge Audio, Bang & Olufsen, Dynaudio, Q Acoustics…

 

Dàn âm thanh giờ đây, tất cả nguồn phát – bộ giải mã (DAC) – ampli đều nằm gọn trong một thiết bị

Không giống như lối chơi âm thanh cổ điển với tầng tầng lớp lớp cục lớn cục bé, đủ loại dây dẫn dài ngắn các kiểu, giờ đây, tất cả nguồn phát – bộ giải mã (DAC) – ampli đều nằm gọn trong một thiết bị, thậm chí, tất cả còn có thể nằm gọn trong thùng loa, như hệ thống Exakt trứ danh của Linn hay dòng loa Discreet của Audiovector, hoặc soundbar Solo của Arcam. Thậm chí, các hệ thống này còn sở hữu cả những tính năng hiện đại khác, như kết nối bluetooth chuẩn aptX, kết nối thời AirPlay và Play-Fi, chơi nhạc trực tiếp từ ổ NAS thông qua phần mềm điều khiển riêng cho các hệ điều hành di động. Dĩ nhiên, không thể thiếu được khả năng tương thích với các file âm thanh số độ phân giải 24bit, thậm chí là DSD.

Dàn âm thanh giờ đây không những hay mà phải còn đẹp và gọn gàng dễ sử dụng

Với những hệ thống âm thanh tích hợp gọn nhẹ như vậy, người dùng không còn phải lo lắng chuyện set-up một không gian nghe nhạc tiêu chuẩn, vốn là yếu tố thách thức nhất trong cuộc chơi âm thanh, ngay cả các audiophile cũng không ngoại lệ. Ví dụ như trong các sản phẩm của Linn đều đã tích hợp sẵn công nghệ độc quyền Space Optimisation (tối ưu hóa không gian), giúp cải thiện chất lượng âm thanh đến mức tối ưu bằng cách điều chỉnh dải tần, loại bỏ hoàn toàn các hiệu ứng tiêu cực do điều kiện phòng ốc gây ra. Tương tự vậy, Audiovector trang bị cho các sản phẩm tích hợp của mình mạch ARA – một dạng phần mềm có khả năng khắc phục mọi sai sót do phòng nghe không đạt chuẩn tạo ra để mang đến những màn trình diễn âm nhạc chính xác và lôi cuốn nhất. Arcam, Bang & Olufsen, Devialet, Bluesound cũng đều có những công nghệ tương tự, giúp người dùng không bị lệ thuộc vào phòng nghe như trước kia.

Hay giờ đây loa tivi (soundbar) cũng trở nên gọn gàng để thay cho hệ thống 5.1 nhiều loa 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc những bộ dàn âm thanh thế hệ mới có thể thoải mái hiện diện trong nhiều không gian khác nhau, phòng khách, phòng ngủ, thậm chí trong căn bếp mà không cần đến một không gian thưởng thức riêng biệt được xử lý âm học cẩn thận nữa. Cũng từ đó, các nhà sản xuất đã có thể dụng công trau chuốt cho mỗi sản phẩm của mình như một tác phẩm nghệ thuật để không chỉ chơi nhạc hay mà còn trở thành món đồ decor độc đáo, như hệ thống Linn Exakt 520 & 530, các dòng loa SR3, SR6 của Audiovector, các dòng loa Aerosphere, Model XXL của Geneva…

Mcintosh thương hiệu Hi-End lớn cũng đã tham gia vào thị trường loa tích hợp Ampli All in one

Đa năng – tiện ích – đẹp mắt – chất lượng cao, đó là những tiêu chí quyết định cho một sản phẩm dàn âm thanh trong thời đại công nghệ. Một xu hướng được quyết định bởi thị trường và không thể thay đổi.