ICTnews – Nếu đã quyết định đầu tư một dàn home theater cho hệ thống giải trí của gia đình, bạn cũng cần biết các cách để có thể mua được một dàn âm có chất lượng tốt và quan trọng là hợp “gu” của mình.

1. Bạn cần “nghe” gì?

Một dàn home theater cần phù hợp với không gian gia đình

Không khắt khe như khi chọn các thiết bị âm thanh Hi end, nhưng việc cân nhắc nhu cầu sử dụng khi chọn mua một dàn home theater cũng rất quan trọng. Bạn cần xác định, dàn âm thanh này được sử dụng chủ yếu cho nhu cầu nghe nhạc hay nhu cầu xem phim với các các hiệu ứng âm thanh vòm nhiêu hơn. Nếu mua để nghe nhạc thì loại nhạc chủ yếu của bạn là gì bởi mỗi hệ thống home theater với các thiết kế amply và loa sẽ phù hợp với một thể loại khác nhau.

Thông thường các dàn home theater hiện nay thường phù hợp để xem phim với các hiệu ứng âm thanh vòm. Tất nhiên tất cả các bộ loa đêu có thể sử dụng cho các mục đích khác nhau. Nhưng hãy cân nhắc để chọn bộ loa phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sử dụng chủ yếu của mình.

Không gian set up dàn home theater

Trước khi có ý định mua một dàn home theater, điều đầu tiên bạn cần nghĩ đến là không gian để đặt dàn âm thanh này. Các hệ thống home theater hiện nay chỉ được thiết kế cho một phòng nghe dưới 16m2. Với mức công suất của hầu hết các dàn home theater hiện nay sẽ lý tưởng cho các gian phòng có diện tích từ 9-16m2.

Cần chú ý trong không gian để set up các thiết bị này không nên có quá nhiều đồ đạc. Nếu như bạn có một diện tích lớn hơn 16m2 với không gian mở, hãy nghĩ đến những bộ home theater rời gồm loa, receiver và đầu đọc để có chất lượng trình diễn tốt và ổn định hơn.

Chọn công suất hệ thống

Hiện nay trên thị trường công suất cơ bản của các hệ thống home theater thường ở mức 750W-1200W. Không phải cứ chọn công suất cao là tốt, nhưng lợi ích của một dàn home theater công suất lớn là công suất các loa vệ tinh cũng sẽ nâng lên và sẽ cải thiện đáng kể trong trình diễn âm thanh.

Công suất cúa hệ thống dưới 1000W phù hợp với các không gian dưới 16m2. Nếu diện tích trên 16m2, bạn nên chọn công suất hệ thống trên 1000W để có thể đáp ứng tốt nhu cầu.

Thiết kế của hệ thống

Thiết kế các loa vệ tinh và loa sub

Tiêu chuẩn tối thiểu của một hệ thống home theater hiện nay là 5.1 hoặc 7.1 cũng rất phổ biến. Phần lớn các hệ thống này đều có thiết kế chung bao gồm 5 loa vệ tinh và 1 loa trầm Subwoofer. Các loa vệ tinh bao gồm 1 loa trung tâm (center), 2 loa trước (front), 2 loa surround. Còn hệ thống 7.1 thì ngoài loa trầm subwoofer cố định, hệ thống 7.1 sẽ có thêm 2 loa bên hông.

Tùy vào thiết kế của từng nhà sản xuất, số loa con bố trí trên các loa center và surround sẽ khác nhau. các Các dàn home theater có công suất thấp thường giảm số lượng loa con bố trí trên loa center và surround.

Các kết nối cơ bản

Các kết nối cần chú ý đến khi mua một dàn home theater là cổng HDMI, USB, chuẩn MHL và các kết nối không dây khác được các nhà sản xuất tích hợp.

HDMI thường là cồng kết nối quan trọng nhất cần chú ý đến khi chọn một dàn âm hometheater. Thông thường đối với các hệ thống hỗ trợ chuẩn Blu-ray sẽ có trang bị ít nhất 1 cổng HDMI và 1 cổng output dành cho TV. Tuy nhiên, người dùng nên lựa chọn các dàn âm có từ 2 cổng HDMI trở lên.

Với kết nối USB, người dùng có thể phát nhạc, hình ảnh. Một số hệ thống hỗ trợ đọc các định dạng phim HD như: AVCHD, DIVX, .WMV, .MKV… từ ổ cứng gắn ngoài qua cổng USB. Một số dàn cho nén nhạc từ đĩa CD thành các tập tin MP3 và chép trực tiếp ra các thiết bị lưu trữ qua cổng USB.

Các thiết bị nghe nhìn hiện tại còn cần thêm một chuẩn kết nối nữa là MHL (Mobile High Definition Link). Chuẩn kết nối này giúp truyền âm thanh, hình ảnh từ một thiết bị phát ra một màn hình ngoài.

Nhiều hệ thống home theater còn trang bị thêm kết nối không dây như kết nối Wi-Fi tùy vào tầm giá. Ưu điểm của kết nối này là người dùng có thể truy xuất các nội dung được lưu trữ trong các máy tính nối cùng mạng mà không cần đầu tư thiết bị phát HD rời.

Ngoài ra, không bị vướng quá nhiều dây dẫn, người dùng có thể chọn các bộ dàn sử dụng loa surround và subwoofer không dây. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng chất lượng từ các thiết bị kết nối này chưa thể so sánh với loại dùng kết nối dây loa truyền thống.

Các định dạng hỗ trợ

Nếu kinh phí không quá eo hẹp, người dùng nên chọn các hệ thống hỗ trợ định dạng độ phân giải cao

Người dùng cần lưu ý đến các định dạng mà một dàn home theater có thể hỗ trợ. Các dàn home theater hỗ trợ định dạng hình ảnh Blu-ray và công nghệ 3D là các định dạng bạn nên lựa chọn trừ khi ngân sách quá eo hẹp.

Hiện tại các nguồn nội dung đều ở định dạng HD, 3D dù là từ định dạng đĩa Blu-ray hay các ổ HD rời. Vì vậy, các dàn home theater cần tương thích được với các định dạng này.

Ngoài khả năng hỗ trợ hình ảnh độ phân giải cao, hệ thống home theater Blu-ray cũng có trang bị bộ giải mã tín hiệu âm thanh tốt hơn, hỗ trợ các định dạng âm thanh vòm thế hệ mới như: Dolby True HD hay DTS HD… mang lại những hiệu ứng chính xác hơn các định dạng surround trước kia.

Thử nghiệm âm thanh

Để chọn được một dàn home theater phù hợp, việc nghe thử sẽ giúp bạn chọn được một dàn âm thanh đúng gu của mình. Với những người không chuyên, bạn nên tập trung vào thể hiện độ trung thực và nhất là âm bass của hệ thống. Bạn nên chọn khi hệ thống loa có âm lượng bas mạnh mẽ, rộng vang; không bị ù khi tang âm lượng và phải dứt khoát khi thể hiện.

Chú ý để chọn được một dàn loa thể hiện được âm thanh trung thực, nên chú ý chọn các hệ thống có thiết kế loa cột vững chắc. Nếu am hiểu hơn về loa, nên chọn các hệ thống loa có đường kính loa con lớn, trang bị các loa treble và mid/bass riêng biệt. Chất liệu màng loa thông dụng hiện nay thường từ hợp chất poly, sợi carbon, màng loa giấy hay sợi thủy tinh sẽ cho các chất âm mượt mà, trong trẻo. Các màng loa kim loại sẽ cho chất âm chói và sắc hơn, đặc biệt ở các dải cao.

Vối loa siêu trầm, ưu tiên hàng đầu nên chọn loa có thiết kế mặt loa hướng xuống phía dưới (down side firing). Loại loa sub này sẽ cho dải bass mạnh và có sức lan tỏa dù để ở bất kỳ vị trí nào trong phòng nghe. Người dùng cũng có thể chọn các loa subwoofer với mặt loa hướng ra phía trước, nhưng không nên đầu tư vào các bộ dàn có mặt loa ở cạnh bên hoặc phía sau. Những dòng loa subwoofer loại này sẽ gây nên tiếng trầm bị ù, bị cộng hưởng khi đặt ở gần tường, trong góc nhà và rất khó kiểm soát.

Nguồn: baomoi.com