Để có cái nhìn tổng quan nhất về một trong những mẫu máy được xem là “đa tài” nhất hiện nay của Fujifilm, Điện tử tiêu dùng đã có cuộc trao đổi nhanh với 3 NAG, đại diện cho 3 dòng nhiếp ảnh, để cùng đưa ra những đánh giá xác thực nhất về mẫu máy ảnh này.

Chúng ta hãy cùng xem các chuyên gia nói gì.

NAG Lê Thế Thắng

Nhìn chung, một chiếc Medium Format luôn là một chiếc máy ảnh mà dân chụp ảnh luôn mơ ước, thèm muốn. Fujifilm đã đưa Medium Format đến “gần” với người chụp thông thường hơn. Bởi giá thành, trọng lượng và hệ ống kính tương đối đa dạng.

GFX50 (cho cả dòng S và dòng R series) với lợi thế của medium format chính là trọng lượng 775gram (GFX 50R) và 920gram (GFX 50S) bao gồm cả pin và thẻ nhớ, cùng kích thước 160.7mm x 96.5mm x 66.4mm (GFX 50R) và 147.5mm x 94.2mm x 91.4mm (GFX 50S), không khác gì nhiều so với những đời máy Full-Frame khác.

Bên cạnh đó, Fujifilm cũng đã cải tiến khá nhiều về thiết kế, máy có ngoại hình hiện đại hơn, bố trí khoa học hơn và hệ thống nút cộng với bánh xe sẽ giúp các thao tác trở nên thuận tiện hơn.

Đặc biệt, với cảm biến lớn, GFX cho kích thước ảnh lớn, điều này đã đáp ứng được mong muốn thiết yếu của người chụp, đặc biệt là các NAG chuyên nghiệp. Cảm biến medium không chỉ lớn, mà còn lợi khẩu hơn so với các dòng Full-Frame khác, nhờ đó mà chất lượng ảnh tốt hơn rất rõ, đặc biệt là về ánh sáng so với lens Full-Frame ở cùng khẩu độ.

Điểm gây ấn tượng nhất của GFX 50 series 2019 đó chính là màu sắc trung thực, tuyệt đẹp, chi tiết tốt. Và ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu hay phức tạp thì chất lượng hình ảnh cũng sẽ khiến bạn bất ngờ.

Tuy nhiên, tốc độ chụp và khả năng lấy nét của GFX 50 series thế hệ 2019 vẫn “mắc” những yếu điểm cố hữu của máy ảnh Fujifilm nói chung, đó là tốc độ chụp chậm và khả năng lấy nét chưa thật sự tốt.

NAG Chu Việt Hà

GFX50R với kiểu dáng Rangerfinder Vintage, trọng lượng khá nhẹ đi cùng với vật liệu cao cấp, giúp cho người sử dụng không chỉ có được một phong cách và cá tính mà còn có được những trải nghiệm hết sức thú vị.

Máy có tốc độ lấy nét tương đối ổn, là một người chụp ảnh đời thường, thì với tôi khả năng bắt khoảnh khắc của máy có thể đáp ứng đc 80% nhu cầu của mình. Tuy nhiên, khả năng buffer của máy sau khi chụp lại khá chậm, không phải là kiểu “chụp phát ăn ngay”, mà buộc người dùng phải có một thời gian làm quen, và khi sử dụng quen rồi thì việc giữ máy sau khi bấm chụp sẽ cho kết quả tốt, kể cả khi chụp với tốc độ chụp cao.

Nói về chất ảnh của GFX 50 series 2019 mà cụ thể là với GFX50R mà tôi đang sử dụng, thì nó vượt trội hoàn toàn so với các dòng máy tôi đã từng sử dụng của Fujifilm. Độ chi tiết, độ sắc nét, dải Dynamic range cực tốt. Đặc biệt, máy cũng được trang bị đầy đủ bộ lọc màu “chất” Fuji như Classic Chrome, Arcos,… để những ai quen với sắc màu Fujifilm không khỏi thất vọng. Bên cạnh đó thì chất lượng hình ảnh đi cùng với mức giá hiện nay cũng là một trong những lợi thế để anh em làm nghề có thể lựa chọn GFX như một cơ hội hiếm có. Đặc biệt là với anh em chụp ảnh thương mại, thì dung lượng ảnh lớn cùng độ chi tiết về màu sắc sẽ là một điểm cộng đáng giá.

NAG Hậu Lê

Là một người làm nghề và đang sử dụng GFX 50R thì mình thấy chất lượng file raw rất tốt. Đặc biệt ở chế độ nhận diện khuôn mặt, GFX 50 thế hệ mới đã có những cải tiến đáng kể. Việc bắt nét theo khuôn mặt, kể cả trong quá trình vừa chụp vừa di chuyển thì việc bắt nét theo khuôn mặt vẫn rất tốt, trên màn hình LCD cũng giúp chúng ta thuận tiện hơn trong việc bắt nét chỉ với một nút chạm.

Không biết mọi người có chung cảm nhận giống mình không, nhưng khi mình cầm GFX50S thì có cảm giác chắn chắn hơn so với GFX 50R, chính vì vậy mình đã dùng thêm case bên ngoài để có cảm giác cầm nắm tốt hơn.

Một cảm giác khác khi sử dụng GFX 50 series thế hệ 2019 đó chính là cho góc nhìn khác khi sử dụng các máy Full-Frame hoặc Crop. Bạn sẽ có góc nhìn rộng hơn và phẳng hơn rất nhiều, và đây chính là điểm thích nhất khi chụp với medium format.

Tất nhiên, như rất nhiều các máy ảnh KTS ngày nay, GFX 50 vẫn có nhưng hạn chế, tốc độ máy vẫn còn hơi chậm khi so với các dòng máy hiện tại trên thị trường. Và khi chụp trong studio, đôi lúc màn hình vẫn bị lag, nhất khi khi chụp tốc độ nhanh.

Nguồn: Điện Tử Tiêu Dùng