Một tiết mục trong đêm nhạc “Dân gian trên jazz/ Dân gian trên dây”.

Dùng nhạc jazz làm cầu nối giữa nhạc truyền thống và nhạc hiện đại, đêm hòa nhạc “Dân gian trên jazz/Dân gian trên dây” tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã mang đến một không gian và ngôn ngữ âm nhạc mới lạ đầy biến hóa và cảm xúc.

Thể nghiệm bốn loại hình âm nhạc truyền thống là chèo, tuồng, cải lương và âm nhạc bản địa mang âm hưởng miền núi Tây Bắc, đêm nhạc “Dân gian trên jazz/Dân gian trên dây” hội tụ hơn 40 nghệ sĩ nhạc dân tộc và nhạc jazz, trình diễn các sáng tác mới kết hợp giữa âm nhạc truyền thống, nhạc jazz, dàn dây và dàn kèn đồng của nhạc giao hưởng. Ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ, giản dị, mộc mạc nhưng đầy ngẫu hứng, thăng hoa đã dẫn dắt khán giả qua các cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đặt nền tảng cơ bản là âm nhạc dân tộc, kết hợp nhạc jazz phóng khoáng, bay bổng, Giám đốc âm nhạc Quyền Thiện Đắc mang đến không gian âm nhạc hòa trộn giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, giữa sự chuẩn mực, tinh tế và sự phóng khoáng, tự do. Với tiết mục tuồng mở màn, NSƯT kèn bóp Nguyễn Ngọc Khánh và NSƯT trống tuồng Nguyễn Văn Quý chơi bài Chiến Hò 7 với kèn tuồng, trống tuồng cùng kèn saxo và trống jazz tạo thành tứ tấu âm thanh kết hợp với dàn kèn mang đến âm hưởng bi ai, trầm lắng. Tuy kèn saxo chơi giai điệu khác với giai điệu tuồng, nhưng vẫn giữ được chất trữ tình trong âm điệu. Ở tiết mục chèo, NSƯT trống chèo Nguyễn Minh Chí độc tấu bài Cách cú với nhịp trống sôi nổi, rộn ràng hòa quyện với nhóm nghệ sĩ chơi theo phong cách nhạc jazz. Sự giao thoa giữa âm nhạc Đông-Tây mang đến màu sắc âm thanh hài hòa để người nghe dễ hiểu, dễ tiếp cận với những giai điệu âm nhạc mới. Mỗi phần trình diễn, tuy mang giai điệu và cá tính âm nhạc khác nhau nhưng vẫn tìm được tiếng nói chung. Ở đó các nghệ sĩ có không gian riêng để biểu đạt và trình diễn một thứ âm nhạc mới mẻ, hứng khởi, có độ sâu và truyền cảm.

Tham gia biểu diễn trong đêm nhạc, NSND Đào Văn Trung – ghi-ta cải lương đã sử dụng ghi-ta phím lõm kết hợp ghi-ta của jazz tạo nên ngôn ngữ hòa âm mới khi chơi Nam Xuân – bản gốc của cải lương. Từng kết hợp cải lương với nhạc giao hưởng nhiều năm trước đây, NSND Đào Văn Trung chia sẻ: Sự kết hợp giữa chất liệu dân tộc với dòng nhạc hiện đại đã mang đến một ngôn ngữ âm nhạc mới mà ở đó người nghe cảm được âm nhạc bản địa và tinh thần của nhạc dân tộc. Thế mạnh của âm nhạc Việt Nam nằm ở giai điệu, khi kết hợp cải lương cùng giao hưởng hay jazz, tuy tăng thêm gia vị, cá tính cho âm nhạc nhưng vẫn giữ lại được hồn cốt của cải lương và định vị được âm nhạc dân tộc trong đó.

Hào hứng lắng nghe phần trình diễn sáo pí của nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh kết hợp với dàn nhạc dây, chị Nguyễn Thu Lan (Trung Kính, Hà Nội) cho biết: “Khi tiếng sáo pí vang lên cùng dàn nhạc giao hưởng, tôi cảm nhận được giai điệu âm nhạc bản địa, âm hưởng miền núi Tây Bắc Việt Nam mà không bị trộn lẫn với bất cứ thứ âm nhạc nào. Loại nhạc cụ bằng dăm tre của người Thái vùng Tây Bắc kết hợp nhạc giao hưởng không chỉ là sự gặp gỡ thú vị giữa các phong cách âm nhạc khác nhau, mà còn là phương thức để âm nhạc phương Tây và âm nhạc dân tộc Việt Nam tìm được tiếng nói chung”.

Đêm nhạc “Dân gian trên jazz/Dân gian trên dây” là sự thể nghiệm táo bạo các phong cách âm nhạc khác nhau làm nên một sân chơi để các nghệ sĩ tìm được tiếng nói chung thông qua âm nhạc. Nó thể hiện sự gắn bó, am tường các nhạc cụ truyền thống, sự tìm tòi, sáng tạo nên những nhạc cụ mới với chất liệu bản địa như tre, nứa, đất… từ đó mang đến những cách tân trong âm nhạc. Đối với nghệ sĩ ghi-ta bass Nguyễn Thế Vinh thì “cú va chạm” hai phong cách âm nhạc này là thử thách để tìm con đường phát triển trong âm nhạc, nhưng trên hết, buổi hòa nhạc mang đến cách nhìn mới về âm nhạc dân gian và âm nhạc hiện đại, là cơ hội để giới trẻ có thêm cách tiếp cận với âm nhạc truyền thống. Sự kết hợp này cho thấy việc đầu tư nghệ thuật nghiêm túc của các nghệ sĩ để mang lại cho công chúng những tác phẩm mới mang yếu tố đương đại, trong đó các yếu tố dân tộc là xu hướng sáng tác của nghệ thuật hiện nay.

Nguồn: nhandan/ Ngọc Liên