HFVN – Nhắc đến hi-end, thạc sĩ Vũ Quốc Chinh, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, trở nên mơ màng như thể đang yêu.

Khách quí anh mời đến nhà nghe nhạc. Không có chuyện ngồi khệnh chân giơ tay lên bấm điều khiển từ xa. Phải qua hàng chục thao tác: tắt đèn, đóng kín cửa, pha ấm trà thật ngon, đến bên bộ dàn máy, kính cẩn thực hiện các động tác mở ampli, chỉnh loa… đợi một lúc cho các bóng đèn từ ampli từ từ nóng lên rồi phát đủ độ sáng cần thiết, anh mới khởi động máy quay đĩa.

Thạc sĩ Chinh với dàn máy, dàn âm thanh tuyển trong căn phòng hi-end - Ảnh: Trần Tiến Dũng
Thạc sĩ Chinh với dàn máy, dàn âm thanh hi-end tuyển chọn trong căn phòng của mình – Ảnh: Trần Tiến Dũng

Trong ánh sáng vàng mờ, từ phía hai chiếc loa kiểu dáng sang trọng, một ca sĩ da màu nổi tiếng hát nhạc blues bỗng như nảy ra trước mặt, phả cái giọng khàn trứ danh của ông ta khắp gian phòng.

Ma lực âm thanh

Để có được chất lượng âm thanh vừa ý, thạc sĩ Chinh phải bỏ ra trên 20 năm cho bộ dàn máy: cặp loa Canterbury do Hãng Tannoy nổi tiếng toàn cầu của Anh sản xuất, đầu CD chạy bằng dây curoa hiệu CEC (Nhật Bản), ampli bóng đèn Bel Canto của Ý…, tất cả đều mang tính nhà nghề và giá trị cao.

Riêng một chiếc dây dẫn từ đầu CD xuống bộ giải mã DA to bằng cổ tay, dài chưa đầy 1m anh đã mua với giá 1.000 USD. Mê hi-end đến nỗi đề tài luận văn lấy bằng thạc sĩ của anh cũng liên quan đến hi -end. Đề tài có tên “Mức độ nhà nghề của người tiêu dùng trong giới audiophile” (người chơi âm thanh).

Hi-end như một thứ ma túy khiến người chơi phải tăng liều. Người bán đồ hi-end chủ động “chích” người chơi theo kiểu cho mượn dàn máy đem về nhà nghe thử, nghe rồi nghiện, không muốn “nhả”, có nghĩa là phải sở hữu bằng được. Nếu không đủ tiền trả một lần, người chơi được trả chậm.

Mối quan hệ giữa người bán và người mua trong giới hi–end rất đặc biệt, vừa là thương mại, lại vừa mang tính bằng hữu, học hỏi lẫn nhau do cùng niềm đam mê. Người chơi hi-end ít khi hài lòng với dàn máy của mình, nên khi người bán giới thiệu một món đồ mới hay hơn và đắt hơn món đồ cũ, vậy là lại quyết định “lên đời”.

Chơi hi-end vô cùng tốn kém. Một cặp loa đem về nghe không ưng, sau đổi lại, nâng cấp phải chịu lỗ. Những dụng cụ hỗ trợ dàn máy cũng rất đa dạng và đắt tiền. Giá của ba miếng nệm cao su kê đầu đĩa cũng lên tới 370 USD. Cặp loa Concertino xinh xắn của Hãng Sonus Faber (Ý) giá 900 USD nhưng đôi chân gỗ thon nhỏ của chúng được bán kèm với giá 300 USD. Loa Kingdom cỡ đại của Hãng Tannoy (Anh) giá 29.000 USD.

“Tẩu”

Bị ám ảnh bởi hi-end, người chơi hi-end rất khe khắt trong việc thưởng thức. Trong giới người ta dùng từ “tẩu”, tức “tẩu hỏa nhập ma”.

Một doanh nhân “tẩu” đến mức sau khi sắm xong dàn máy ưng ý, ông thấy căn phòng hiện tại không đủ tiêu chuẩn để bộ dàn máy phát huy chất lượng âm thanh, bèn xây hẳn một căn nhà mới với nội thất hiện đại có phòng “xịn” nhất là phòng nghe nhạc. Giản dị hơn thì cũng cỡ như anh Bình, chủ quán cà phê Era nhỏ xíu lúc nào cũng tối om trên phố Trần Quốc Thảo. Anh hay nghe nhạc jazz, khách khứa đến quán nhất thiết phải đi nhẹ, nói khẽ, nếu không muốn bị chủ quán nhắc nhở.

Luận văn “Mức độ nhà nghề của người tiêu dùng trong giới audiophile” của thạc sĩ Chinh có khá nhiều kết luận thú vị về hi-end. Bằng cách phỏng vấn hơn 100 người chơi hi-end trên toàn nước Pháp, anh cho rằng độ chuyên nghiệp của người chơi hi-end phụ thuộc vào ba điều, đó là sự đam mê, sự đầu tư công sức, thời gian, tài chính và kiến thức về lĩnh vực mình đam mê.

Ba điều này có hệ số tương quan với trình độ văn hóa, tức trình độ càng cao thì người chơi càng chuyên nghiệp. Nhưng về sau này, anh nhận thấy trình độ văn hóa chỉ là yếu tố cần mà không đủ. Yếu tố đủ phải là khả năng cảm nhận nghệ thuật, và quan trọng hơn, là áp lực về giải tỏa stress trong cuộc sống. Bằng chứng anh Chinh đưa ra là trong số vài chục hi-end thật sự ở Sài thành, đa số là các bác sĩ, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, người làm khoa học tự nhiên, các doanh nhân…

Và có một số ít dân chơi được liệt vào hạng đặc biệt, càng chơi nhiều họ càng kín tiếng về danh tánh cũng như khả năng tài chính. Trong giới hi-end luôn tồn tại những tin đồn về những cặp loa hoặc bộ dàn máy giá từ 60.000 USD đến cả trăm ngàn USD được một vài người chơi hi-end sở hữu trong vòng bí mật, hoặc một số người đã phải lặn lội bỏ công sức ròng rã nhiều tháng trời trên mạng Internet, trao đổi với người chơi trên toàn thế giới để tìm được món đồ ưng ý.

Uyên Ly – Tuổi Trẻ