HFVN – Tháng 3, Tokyo đang trong giai đoạn “tam hàn, tứ ôn” – 3 ngày rét, 4 ngày ấm. Trời mưa lất phất càng làm cho ánh đèn của các của hàng tại Akihabara, khu chợ điện tử lớn nhất của Nhật và thế giới trở nên lung linh, huyền ảo.

Năm năm trước, khi lần đầu đến Tokyo, mải đám chìm trong các hệ thống home theater với các màn hình plasma độ nét cao, truyền hình Hi-Vision… tôi đã bỏ qua cơ hội hiếm có để khám phá thế giới âm thanh tại Akihabara. Quyết không bỏ lỡ cơ hội, lần này, ngay từ khi ở nhà tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ thông tin về những nơi cần đến, những thứ cần xem. Mạng internet quả là một công cụ tuyệt vời cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích. Với bản tính hết sức chu đáo và cẩn thận, người Nhật đã cung cấp khá đầy đủ các thông tin trên các website của mình, từ bản đồ đến danh sách các thiết bị hiện có tại cửa hàng, thậm chí cả lịch nghe thử, phối ghép các thiết bị.

Ngay khi “đổ bộ” xuống ga Akihabara, không cưỡng lại được, tôi vẫn phải đảo qua một trong những siêu thị điện tử lớn nhất ở Nhật và thế giới  – Yodobashi, nơi đang lên cơn sốt với những máy chơi game mới được tung ra thị trường trước đó vài ngày của Nintendo. Có tận mắt chứng kiến hình ản tuyệt đẹp từ những chiếc màn hình LCD 65inch AQUOS của Sharp, plasma 65inch của panasonin (khoảng 1.500.000 Yên) và đặc biệt màn hình đời mới nhất 70inch của Sony (1.600.000 Yên) mới hiểu được tại sao dân chơi Việt Nam cứ phải cố sắm cho được một cái TV made in Japan để thưởng thức. Hình ảnh tuyệt đẹp, màu sắc tươi sáng và cực kỳ nét khiến tôi dùng dằng mãi mới bước đi được. Tại siêu thị này cũng có bày bán rất nhiều đồ âm thanh nhưng thường chỉ ở mức trung bình chứ gần như không có đồ hi-end. Tuy nhiên, phòng ốc rộng rãi, điều kiện nghe thử, phối ghép khá dễ dàng và giá cả phù hợp khiến khách hàng ở đây cũng khá đông.

Nhưng nếu audio là mục đích của bạn, đừng mất nhiều thời gian ở những nơi như vậy. Tại Nhất, các công ty chuyên về audio lớn thường có một số chi nhánh ở nhiều thành phố khác nhau và đa số chi nhánh ở Akihabara. Có thể kế đến các công ty như: AVAC, Sound 110, Fujiya Avic, Hifi do, Hino Audio… Một đặc điểm nữa là các của hàng bán đồ sưu tập audio tại Akihabara đều khá nhỏ, trong khi lượng hàng lại rất nhiều nên có cảm giác chật chội và điều kiện phòng nghe khá kém. Những cửa hàng được coi là lớn cũng chỉ có diện tích khiêm tốn khoảng 60 – 70m2. Tầng một thường bày những đồ rẻ tiền, cho người mới chơi. Đồ hi-end phần lớn tập trung ở các tầng trên. Rất nhiều “món đồ trong mơ” đối với dân chơi Việt Nam được bày la liệt trong các của hàng. Tại một góc khuất của AVAC, lần đầu tôi được nhìn tận mắt, sồ tận tay đầu CDP-R10, một trong những đầu CD vào loại đắt tiền nhất của Sony. Trải qua hơn mười năm sử dụng, giá vẫn ở mức rất cao: 630.000 Yên. Bên cạnh đó là một đầu đũa CD khác cũng thuộc vào loại quí hiếm là Esoteric-P0S, trông khá kỳ dị với cái giá cũng kỳ dị không kém: 1.198.000 Yên. Dù là đồ đã qua sử dụng nhưng hình thức thì gần như mới tinh, chứng tỏ đã được giữ rất cẩn thận.

Tại Hifido, thấy tôi cứ mê mẩn ngắm nghía bộ cơ quay đĩa Eclusive P3A (250.000 Yên) đã được bán, và cứ nằng nặc đòi xem thêm, một thành viên bán hàng đã dẫn tôi vào kho hàng. Tại đây, một bộ cơ Micro Seiki SX-777 như chú khủng long đang đợi được đánh thức. To như một cái bàn, nặng gần 50kg, đẹp như một kiệt tác, bộ cơ vintage này nếu xuất hiện tại Việt Nam chắc chắn sẽ được dân chơi giành giật dù giá không hề rẻ (300.000 Yên chưa có catridge). Ở đây, bạn cũng sẽ tìm được khá nhiều đồ hi-end đã qua sử dụng với giá khá hợp lý, không rẻ hơn ở Vệt Nam nhưng hình thức và chất lượng thì hơn hẳn.

Một trong những địa điểm được dân chơi Việt Nam truyền tụng khá nhiều, đó là Hino Audio.
Tọa lạc tại tầng trệt của 4 căn nhà gần như liền nhau, Hino Audio phân thành các cửa hàng bán đồ cũ, đồ đèn và linh kiện DIV, loa (đặc biệt là loa kèn), và một cửa hàng chuyên đóng các thùng loa từ lạo bookshel đến loại to như các tủ lạnh 500 lít cao ngang đầu người. Tại của hàng bán đồ DIY, thật ấn tượng với cơ man các biến áp của Ramura, Tango, James, Hasimoto, trong đó có những biến áp xuất âm cho đèn 845/211 nặng gần chục kg, giá một cái lên đến 65.000 Yên. Và cơ man là đèn, trong đó rất nhiều đèn qu1i hiếm như Telefunken, Mullar, RCA… Rồi trở, tụ, dây dẫn… hay các chiết áp cao cấp của ALPS, DACT mà nếu bạn không nhìn trực tiếp thì không hiểu sao chúng có giá đến 20.000 Yên, thậm chí có loại chiết áp bọc đồng, bên trong là các tiếp điểm mạ vàng của hãng ALPS giá đến 48.000 Yên.

Ở đây cũng bán nhiều bộ KIT để bạn có thể tự lắp ampli đèn, giá cũng lên tới suýt soát 100.000 Yên cho một bộ ampli chạy 2 bóng KT88. Tại của hàng bán loa của Hino Audio, tôi đã choáng ngợp khi nhìn thấy những đôi loa kèn có giá lên đến hơn 2 triệu Yên, được đóng với một sự kỳ công hiếm có. Nếu nghĩ đến loa kèn, chúng ta hay hình dung những củ loa xấu xí, sơn tróc, rỉ sét thì ở đây, rất nhiều củ loa còn gần như mới tinh, đẹp “long lanh”, và tất nhiên, rất đắt. Nếu bạn thích loa toàn dải, đừng quên đến Kuzumi-Musen, tại đây có rất nhiều loa Fostex, Jordan, TAD… cho bạn tha hồ lựa chọn. Bạn có thể tìm thấy gần như đầy đủ các loại drive của Fostex như: 206E, 207E, 168EZ, 208EZ, TĐ0A… Kèm theo đó là đầy đủ các phụ kiện như tụ, cọc dây loa, giắc cho dây tín hiệu… Nếu bạn thích Lowther, hãy quay lại Hino Audio, ở đó có đủ hết các series, từ PM2C đến PM4A.

Cách Kuzumi-Musen không xa là khu bán linh kiện rời cho những người thích DIY. Những gian hàng nhỏ bé nhưng hết sức gọn gàng, ngăn nấp, được sắp xếp khoa học, rất thuận tiện cho người mua. Bạn có thể tìm được gần như tất cả mọi thứ cho công việc DIY của bạn, đó có thể là cuộn dây bạc, thiếc hàn cao cấp, các loại tụ nối tiếng đặc chế cho audio của Nichicon, Jensen… Có thiếu chăng chỉ là tự BlackGate, loại tụ mà tôi đã cố tìm mua cho một người bạn ở nhà.

Tại của hàng Tereon, 5 tầng lầu như một bảo tàng audio thu nhỏ với rất nhiều món đồ vintage cũ, lớn có, nhỏ có xn lẫn với những món đồ hi-end mới như đầu CD Accuphase DP-78 (693.000 Yên), Luxman DP-10 (880.000 Yên), Sony SCD-R1 (1.260.000 Yên), Esoteric P-01 (2.310.000 Yên)… cho thấy sự liên tục bất tận của niềm đam mê âm thanh. Đây cũng là cửa hàng có phong cách bài trí ấn tượng với nhiều đầu đĩa than qu1i hiếm, nhiều đầu cartridge đắt tiền, chỉ tiếc là cửa hang đã không đồng ý cho chụp hình.

Qua các loại hàng phong phú được bày trong các của hàng audio, quảng cáo trên các tạp chí chuyên về audio cũng như qua trao đổi với các nhân viên bán hàng, có thể nhận thấy tất cả những sản phẩm tinh túy, cao cấp nhất về âm thanh đều có ở Nhật. Số lượng người chơi hi-end lớn, khả năng tài chính dồi dào, phong cách chơi đa dạng đã biến Nhật trở thành thị trường lớn nhất thế giới về đồ hi-end. Rõ ràng trong lĩnh vực hưởng thụ audio này, người Nhật đã không hề đề cao tinh thần ái quốc. Đó có thể là xu hướng chơi loa kèn tự đóng như củ loa cua Altec và JBL (Mỹ) lại rất được ưa chuộng. Loa của các hãng ngoại như: Tannoy, B&W (Anh), Avalon, JBL (Mỹ), Sonus Faber (Italia), JM Lab (Pháp)… có chỗ đứng khá vững vàng trên thị trường. Người Nhật sử dụng nhiều ampli và đầu đọc cao cấp của các hãng Nhật như: Accuphase, Luxman, Esoteric, nhưng cũng đánh giá rất cao các hãng khác như PassLab, Goldmund… và đặc biệt là Mclntosh. Ampli đèn cũng rất phổ biến với những tên tuổi lớn của cả Nhật và thế giới. Thú sưu tầm các đầu đĩa than quí hiếm cũng là một đặc trưng rất… Nhật Bản.

Chỉ 7 ngày ở Akihabara với thơi gian tham qua trung bình 3 tiếng mỗi ngày, tôi đã đi được khá nhiều cửa hàng audio. Đối với tôi, những người bán hàng audio ở đây có lẽ là những người bán hàng tốt nhất trên thế giới. Phong cách lịch sự, chuyên nghiệp, thái độ niềm nở đúng mực, không săn đón quá mức khiến khách hàng cảm thấy khó xử, nhưng rất nhiệt tình, chu đáo khi cần có sự giúp đỡ khiến cho khách hàng cảm thấy rất thoải mái. Nhược điểm lớn nhất có lẽ là khả năng nói tiếng Anh của người bán hàng không tốt khiến cho việc trao đổi gặp nhiều khó khăn. Một số của hàng không đồng ý giảm giá, nhưng nói chung phần lớn đều có mức giảm giá nhất định, thông thường là 10%. Và nếu bạn là người nước ngoài, sẽ dễ dàng xin được chụp ảnh trong của hàng. Ngay cả trong trường hợp không đồng ý, cách từ chối rất lịch sự và dễ chấp nhận.

Và cuối cùng, chuỗi ngày ngắn ngủi của những đam mê cũng kết thúc. Tôi trở về với tập giấy in địa chỉ của những nơi cần đến chưa vơi được bao nhiêu. Tạm biệt nước Nhật, tạm biệt Akihabara với hành trang là một chú ampli đèn Cary CAD-2A3 và rất nhiều nuối tiếc. Hy vọng sẽ còn có dịp quay trở lại nước Nhật và sẽ có cơ hội sỡ hữu nhiều món đồ âm thanh hi-end trong mơ từ miến đất của những huyến thoại: “thánh địa” Akihabara.

Theo Tạp Chí Nghe Nhìn