Lắng nghe và cảm thụ âm nhạc, luôn là một điểm mà các audiophile và người yêu nhạc muốn cải thiện. Tuy nhiên khác với các nghệ sỹ hay kỹ sư âm thanh, chúng ta cũng không cần phải học đến những khả năng cảm âm tương đối và tuyệt đối (relative pitch và perfect pitch). Bởi vì thứ mà người nghe nhạc, audiophile muốn tìm đó là cảm xúc, cảm giác trầm trồ thán phục, rợn người với những dàn âm thanh hay tai nghe của mình. Những người chơi âm thanh lâu năm thường hay có những khoảng thời gian riêng tư để ‘thẩm’ nhạc, vọc về những định dạng âm thanh khác nhau, đọc review và mua các sản phẩm âm thanh mới, đắt tiền. Suy cho cùng cũng chỉ để có một cảm xúc mới, hạnh phúc hơn, bình yên hơn trong cuộc sống bộn bề lo âu điều mà nhiều người xa lạ với thú chơi âm thanh cảm thấy phi lý, tốn kém. Vậy những audiophile và những người chưa từng chơi âm thanh hay mới bước vào cuộc chơi, ‘lắng nghe’ âm nhạc khác nhau như thế nào?

Qua thời gian, nếu các bạn để ý sẽ thấy những người chơi thường hay nói chuyện với nhau hoặc miêu tả âm thanh thông qua nhiều cụm từ hoặc khái niệm khác nhau (bài này thì @AudioPsycho cũng có viết qua rồi, nếu muốn các bạn có thể đọc thêm). Khi nói về dải trầm chúng ta nói ‘chắc, nông, sâu, thiếu kiểm soát…’, dải cao lại ‘sáng, tiến, lùi, tối…’ với hi vọng có thể miêu tả được những gì mình nghe cho người khác. Tuy nhiên, tất cả khái niệm chỉ là tương đối và phụ thuộc vào chính cảm nhận khác nhau của mỗi người.

Đối với những người chưa chơi hoặc không quan tâm thì có lẽ những từ ngữ trên chẳng khác gì đàn gảy tai trâu vậy. Nhiều lần mình thấy thật khó chịu khi có người mượn tai nghe hay loa của mình, chẳng phải vì mình tiếc tiền hay tiếc của, nhưng vì họ chẳng mấy quan tâm đến chất lượng âm thanh và mình cảm thấy thật mông lung khi không biết họ có nghe giống những gì mình trải nghiệm hay không. Hay tỷ dụ như việc có một số người khi đánh giá một thiết bị âm thanh nhưng không phải bằng thể loại nhạc họ hay nghe và họ dễ dàng đánh giá thiết bị đó là không tốt và không thèm đoái hoài tới những cái tuyệt vời mà dàn âm thanh đó đang trình diễn cho họ. Thực sự cá nhân mình nghĩ thói quen và cách nghe nhạc phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của mỗi người chơi âm thanh.

Đang tải 32160745934_73673b0757_k.jpg…

Tản mạn chút về khoa học, chắc ai cũng biết ngưỡng nghe của tai người rơi vào khoảng từ 20Hz đến 20kHz, khi chúng ta già đi thì ngưỡng nghe được của tai sẽ suy giảm và khó có thể nhận ra trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên tần số không phải là thứ duy nhất mà tai người có thể cảm nhận, chúng ta có thể nghe độ lớn của âm thanh được đo bằng decibel (dB). Ngoài ra cũng có một yếu tố khác mà nhiều người ít biết đến đó là yếu tố thời gian, các bạn có thể hiểu nôm na là đặc điểm thời gian mà sóng âm truyền đến màng nhĩ tai trái và tai phải. Về yếu tố này các bạn nếu muốn tìm hiểu có thể tham khảo thêm Doppler Effect, hiệu ứng làm cho chúng ta biết sấm chớp đang ở đâu hay đi ngoài đường nghe còi xe biết ở phía nào. Chính hiệu ứng này giúp cho người dùng có thể cảm nhận được không gian và âm hình trong âm thanh mà chỉ cần có hai chiếc loa stereo hay một chiếc tai nghe.

Âm hình có lẽ là điều mà nhiều người có thể dễ dàng nhận ra nhất và cũng là điểm tách biệt giữa những dàn âm thanh cao cấp so với các dàn âm thanh thông thường. Khả năng thể hiện vị trí và “hình ảnh” các nhạc cụ trong không gian nhạc. Tất nhiên sẽ có rất nhiều những yếu tố ảnh hưởng đến âm hình như cấu trúc/ bố trí phòng, loa/tai nghe, nguồn điện, dây dẫn và quan trọng nhất là bài hát (bởi vì âm hình phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng mastering của kỹ sư âm thanh). Tuy nhiên nếu các bạn nghe nhạc nhiều và có hệ thống âm thanh tương đối tốt thì dần dần cũng có thể cải thiện cách nghe và hiểu được cách sắp xếp bố cục âm hình của từng bài hát.

Sau khi nghe các bạn cũng nên đặt ra vài câu hỏi cho bản thân để có thể tự nâng cấp khả năng cảm thụ âm nhạc của chính mình, điều mà đa số các bài review vẫn chưa nói cho các bạn. Ví dụ: các nhạc cụ trong bản thu đều có những không gian riêng tách bạch rõ ràng, các bạn có thể định vị từng bộ nhạc cụ trong bản giao hưởng đang nằm ở vị trí nào hay không? Nếu vẫn chưa các bạn có thể thử cách này đơn giản hơn: hãy nghe thử tổng thể âm thanh bao gồm nhạc cụ và giọng ca đặt ở phía trước hay sau loa, hoặc nếu nghe tai nghe thì ở phía trước hay phía sau đầu bạn. Nâng cao hơn hãy tập trung lắng nghe và cảm nhận chiều sâu trong âm hình của các nhạc cụ hay giọng hát. Về âm trường, hãy để tâm xem âm thanh phát ra xung quanh bạn – bao gồm trước mặt và cả hai bên – có cho chiều sâu rõ ràng hay chỉ là một bức màn phẳng trước mặt. Đây chỉ là một vài điểm cơ bản để các bạn có thể đánh giá được không gian nghe nhạc đối với bất kỳ dàn loa hay tai nghe nào.

Đang tải 39190863101_f17a8d6e2b_k.jpg…

Vì đây không phải là một bài review mà là một bài chia sẻ của mình với các bạn nên thay vì nói về từng dải bass, mid, treb mình sẽ đặt ra các câu hỏi mà chính bạn có thể tự hỏi mình khi nghe nhạc để có thể đánh giá âm thanh một cách chính xác hơn.
Khi nghe các bản nhạc ưa thích các bạn có thể dễ dàng nhận ra dải trầm hay không?

Các bạn có cần phải tập trung mới nghe được các tiếng nhạc cụ ở dải trầm hay các tiếng này nổi lên thành các khối rõ ràng, nổi bật và dễ nhận ra?

Một điểm nữa là các tiếng guitar bass, bass drum và các nốt trầm của piano/organ các bạn có thể dễ dàng nghe được từng tiếng khác nhau hay chỉ còn một khối?

Các bạn có thể dễ dàng phân biệt được tiếng guitar điện hay acoustic guitar không? Nâng cao hơn khi nghe các bản thu guitar điện tốt liệu các bạn có thể phân biệt sự khác biệt về âm thanh và vị trí giữa guitar lead và guitar đệm hay không?

Tiếp theo là đến phần giọng hát của ca sỹ, hãy chú ý khi chúng ta nghe nhạc có nghĩa là chúng ta đang nghe lại âm thanh được tái tạo lại, vì vậy hãy chắc chắn rằng giọng ca sỹ trong bài hát phải tương đồng và giống với giọng ca sỹ đó trong thực tế. Hãy xem xét xem vocal có cảm giác bị la, the thé hay giống như ca sỹ đang bị nghẹt mũi, vị trí của giọng hát khi nghe qua loa ở phía trước vị trí loa hay đứng phía sau loa (tai nghe thì giọng ca ở phía trước hay sau nửa đầu của bạn). Giọng ca của ca sỹ có nổi bật giữa các nhạc cụ hay không hay chìm giữa các nhạc cụ.

Khi nghe một nhạc cụ có một dải tần số hay một nốt nào nổi trội hơn không, giữa một dàn nhạc cụ có một nhạc cụ nào nổi bật hơn số còn lại hay không. Khi nghe các nhạc cụ bộ gõ thì tiếng decay (độ vang và rền của nhạc cụ), tiếng vang theo sau như các tiếng rung, ‘ting’ nghe có rõ hay không, nếu rõ thì tiếng vang trong bao lâu? Khi nghe các bộ tambourine các bạn có nghe rõ từng tiếng gõ, rung leng keng hay không? Nếu các bạn nào đã từng tham gia các buổi hòa nhạc lớn thì điều này cũng khá dễ nhận ra là các nhạc có hòa vào nhau làm một thể thống nhất, liền mạch hay có cảm giác rời rạc giữa các nhạc cụ. Về nhịp điệu (tempo) có thay đổi theo thời gian, theo các phân đoạn hay không và có tạo cho bạn một cảm xúc khác biệt nào không? Về độ động của các nhạc cụ, để giải thích cho những người mới thì cũng hơi khó nhưng các bạn cũng có thể nôm na hiểu là khả năng thể hiện được toàn bộ những nhạc cụ trong dàn nhạc từ những nhạc cụ nhỏ đến lớn.

Đang tải 1.jpg…

Theo mình khả năng nghe nhạc cũng cần có thời gian và sự rèn luyện để có được những cảm nhận tốt nhất. Tuy nhiên không phải vì thế mà những người mới chơi không thể cảm nhận được những cảm xúc mà âm nhạc và những dàn âm thanh cao cấp mang lại. Nhưng với những người đã chơi từ lâu cũng nên có một cái nhìn thiện cảm hơn về những người mới bởi vì những ngày đầu tiên bạn cũng giống họ mà thôi, họ cũng cần có thời gian và sự đầu tư để trải nghiệm được niềm vui của thú chơi âm thanh. Còn đối với những bạn chưa từng trải nghiệm, nếu có cơ hội hãy thử thả hồn vào âm nhạc như đi nghe live hay nghe ở các dàn âm thanh được đầu tư để hiểu rồi hãy phán xét audiophile nhé.

Tuy nhiên những điều trên chỉ giúp bạn nghe một thiết bị hoặc một dàn âm thanh thôi, việc nghe nhạc với những audiophile không đơn giản chỉ là nghe thiết bị mà còn phải lắng nghe cái hồn của ca khúc. Vì thế các bạn cũng không cần quá khó khăn với những tiêu chí trên và mỗi người cũng sẽ có một cách đánh giá khác nhau. Cuối cùng, thú chơi âm thanh cũng rất đơn giản “Lắng nghe là để cảm nhận”.

Nguồn: TT