HFVN – Cuộc chơi audio vô cùng phong phú, đa diện. Song không phải ai cũng “làm chủ” được thú vui của mình để cảm nhận cái hay, cái đẹp của thiết bị, của âm nhạc. Tuy nhiên, nếu định rõ được cái mình muốn, đầu tư đúng thiết bị, đúng thiết bị như hai vợ chồng trong bài viết này có thể nhiều tay chơi audio đã không vướng vào sự ra đời “loanh quanh” đó.

nghenhac.1

TỪ SỞ THÍCH NGHE NHẠC

Nhận lời mời của anh bạn Hà Lan lấy vợ Việt hiện công tác tại Hà Nội, chúng tôi đến thăm gia đình họ vào dịp cuối tuần.

Do đã qua lại từ lâu, tôi biết họ đều có sở thích nghe nhạc, nhất là nhạc cổ điển và classic jazz. Sở hữu bộ sưu tập khá đồ sộ, song trước đây họ chỉ thưởng thức qua hệ thống dàn compact của sony . Tuy nhiên, hệ thống “có tuổi” mới gặp trục trặc và “càng sửa càng hỏng”. Vì thế, hai vợ chồng đã đầu tư hệ thống mới, có thể chơi tốt thể loại nhạc mà gia đình hay thưởng thức. Lần này mời chúng tôi tới chơi, họ muốn chúng tôi cùng thưởng thức âm nhạc qua bộ dàn mới của gia đình.

Căn hộ của hai vợ chồng khá yên tĩnh, nằm trên tầng 5 của khu chung cư dành riêng cho người nước ngoài. Trên diện tích khá rộng và thoáng, chủ nhân dành không gian sinh hoạt chung để kê bộ dàn mới : hệ thống cùa Rotel và B&W. Tạo ấn tượng lớn trong phòng là chiếc piano lớn khá đẹp của Kawai liền kề bộ dàn. Nữ chủ nhân của cây đàn cho biết: trước đây, khi chưa quá bận việc gia đình, chị chơi đàn thường xuyên vừa để xả stress, vừa để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc.Nhưng hiện nay, do thời gian không cho phép, gia đình chủ yếu nghe nhạc từ hệ thống audio. Anh chị chia sẽ: “Âm nhạc là  nhân tố không thể thiếu để tạo không khí nhẹ nhàng, ấm áp trong mỗi gia đình. Không có âm nhạc, ngay cả ở nhà, chúng tôi thấy không khí quá nghiêm trang, ngột ngạt như trong phòng họp cơ quan”.

nghenhac.2

ĐẾN HỆ THỐNG TÁI TẠO ÂM THANH

Căn phòng sinh hoạt chung khoảng hơn 30m2 với các không gian liên thông được bài trí theo lối kiến trúc đậm chất Á Đông. Ngoài đàn piano, món đồ mang dáng dấp châu Âu là hệ thống nghe nhạc của gia chủ. Bộ dàn có kết cấu khá đơn giản với ampli Rotel RA 1520, đầu lọc CD RCD 1520 và cặp loa bookshelf B&W 685. Cặp loa nhỏ này được kê đặt đúng với tên gọi của nó: trên giá sách. Đây là cách sắp đặt kinh điển dành cho các cặp loa nhỏ mà người yêu nhạc thế giới thường tận dụng. Đó cũng là nguồn gốc của tên gọi chung: ‘giá sách” cho dòng loa này. Đầu đọc và ampli cũng được đặt trên hệ thống kệ nhỏ gọn, tích hợp với hệ thống giá sách trong phòng, tạo nên tổng thể hài hòa về nội thất. Nhìn thoáng qua cũng thấy được lối chơi audio khá “ngẫu hứng”, nhưng bộ sưu tập đĩa nhạc phong phú và có “gu” lại cho thấy sự bài bản của gia chủ.

nghenhac.3

Theo lời kể của anh chị, để có được hệ thống như hiện nay, hai vợ chồng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu trên sách báo, tạp chí và các trang web về nghe nhìn trong và ngoài nước. Với tiêu chí chọn lựa hệ thống có thể chơi tốt thể loại nhạc cổ điển và jazz cổ, dễ dàng kê đặt và trình diễn tốt trong không gian trung bình với mức đầu tư hợp lý, Rotel và B&W là hai nhãn  hiệu mà họ hướng đến. Đôi loa booshelf B&W được họ chọn mua. Tuy là sản phảm mới của  hãng, nhưng đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người dùng. Đặc biệt nó được tạp chí danh tiếng What Hifi liệt vào dòng sản phẩm 5 sao. Để đánh cặp với cặp loa này, họ sử dụng cặp đôi thiết bị ampli RA 1520 và đầu lọc CD RCD 1520. Đây là các sản phẩm mới nhất của hãng sản xuất đồ âm thanh giàu truyền thống Rotel (Anh quốc). Cặp đôi sản phẩm được người nghe đánh giá khá cao này vừa mang giá trị truyền thống của Rotel, vừa ứng dụng những nghiên cứu mới của hãng trong công nghệ tái tạo âm thanh.

Lần đầu tiên đầu tư nghiêm túc cho hệ thống nghe nhạc, nên họ khá cầu kỳ trong việc lựa chọn dây dẫn khi dùng dây loa và dây tín hiệu của hãng Nordost. Hai vợ chồng chia sẻ: “Thật ngạc nhiên! Chúng tôi không nghĩ dây dẫn lại tốn tiền đến vậy, chiếm 1/3 giá trị của bộ dàn. Nhưng quả thực phụ kiện cỡ này, hệ thống khó mà trình diễn thuyết phục”.

nghenhac.4

NGHE NHẠC VÀ SUY NGẪM 

Sau khi bật máy khoảng 15 phút, để hệ thống ổn định phần điện nguồn, chúng tôi bậc đĩa nhạc jazz của Ella Fizgerald.

Thật tình, tôi đã khá chủ quan khi “định trước” chất lượng trình diễn cùa bộ dàn. Nói cách khác, hệ thống mang lại màn trình diễn tốt hơn sức tưởng tượng của chúng tôi. Trước đây, chúng tôi từng có định kiến về các sản phẩm Hifi của Rotel và những dòng loa cấp thấp của B&W. Tuy nhiên, hệ thống này khiến chúng tôi có cái nhìn hoàn toàn khác về các sản phẩm audio bình dân: không nhất thiết phải đầu tư thật nhiều tiền, người ta vẫn có thể được nghe thứ âm rất khả quan.

nghenhac.5

Ấn tượng đầu tiên mà bộ dàn tạo ra là độ ấm và nhạc tính. Thông thường, các bản nhạc jazz cổ điển ghi âm từ những năm 1960 có chất lượng không cao: thiếu độ chi tiết, tiếng trung và tiếng cao khá “gắt” và âm hình không thật rõ ràng. Tuy nhiên, hệ thống Rotel đã chứng minh điều ngược lại với tiếng contrabass khá gọn gàng, tiếng cymbal tơi dịu, đặc biệt giọng hát căng tràn sức sống của Ella được thể hiện truyền cảm, chi tiết khiến người nghe cảm nhận được từng tiếng lấy hơi, nhả chữ cùa ca sĩ.

Một trong những ưu điểm của hệ thống là khả năng xác lập trường âm khá rộng và cân bằng, ngay cả khi chơi với âm lượng vừa phải.

Chúng tôi còn cho rằng: nếu kê trên bộ chân đế vững chắc và đặt cách tường khoảng cách phù hợp, độ sâu của âm hình sẽ còn ấn tượng hơn. Chất âm ấm áp- đặc điểm mang tính truyền thống trên các sản phẩm của Rotel-khiến những bản ghi cổ trở nên dễ nghe hơn. Hệ thống thể hiện CD nhạc voice khá thành công. Giọng hát của ca sĩ có độ ‘dày” và độ ngân vang nhất định, tạo sự gần gũi, truyền cảm cho người nghe.

nghenhac.6

Chuyển sang thể loại nhạc cổ điển, với bản Phiên chợ Ba Tư của Ketelbey, chúng tôi đẩy âm lượng lên hơi cao với hy vọng có thể cảm nhận rõ ràng hơn không khí tưng bừng, huyền hoặc đầy chất cổ tích của bản nhạc nổi tiếng này. Tuy nhiên, chỉ những đoạn pianissimo, hệ thống mới thể hiện được sức mạnh. Với những đoạn nhạc nhẹ nhàng – trữ tình, cặp đôi Rotel – B&W có thể tái tạo âm thanh khá tinh tế. Tiếng đàn dây ấm, dịu. Âm thanh của bộ đồng dày  dặn, chừng mực, không gây khó chịu cho người nghe. Ngược lại, đến đoạn fortissimo, hệ thống có phần hơi rối, nhất là khi vặn âm lượng lớn. Điều này không mấy khó hiểu bởi với giá tiền khoảng 1.000 USD, ampli và đầu lọc cỡ này chưa được trang bị linh kiện nguồn cao cấp có thể chịu dòng lớn, khai thác ở công xuất cao với các cặp loa khó đánh. Dù thừa nhận nhược điểm này của hệ thống, nhưng họ cũng cho rằng: Điều này không quá quan trọng do phần lớn thời gian, chúng tôi chỉ nghe những bản hòa tấu cổ điển nhẹ nhàng với số lượng nhạc cụ hạn chế và ít khi nghe với âm lượng lớn.

nghenhac.8

Sau thời gian nghe thử, chúng tôi đều thống nhất rằng: Đây là phối ghép khá tốt và toàn diện, đặc biệt so với tương quan của giá tiển (khoảng 3.000 USD). Hệ thống này mang lại chất âm ấm áp, dày dặn, giàu nhạc tính. Bộ dàn có thể chơi tốt nhiều loại nhạc: từ jazz, vocal đến thính phòng. Tuy nhiên, chính chất âm ấm, ngọt có thể khiến người nghe cảm thấy nhàm chán sau thời gian dài thưởng thức. Song, liệu có bộ dàn nào không gây “nhàm chán”? Vấn đề chỉ là thời gian và phong cách chơi của người nghe. Khi được hỏi, liệu anh chị có  ý định nâng cấp dàn máy nếu dành hẳn phòng riêng để nghe nhạc, họ nhún vai: “ Chúng tôi có nhu cầu nhge nhạc tư nhiên như cuộc sống. Nếu bố trí phòng riêng để nghe nhạc, sợ rằng hai vợ chồng không đủ thời gian dành cho nó. Ngược lai, với dàn máy được đặt ở không gian nghe nhạc chung như hiện nay, chúng tôi có thể nghe nhạc bất cứ lúc nào”.

Trước khi ra về, chúng tôi được gia chủ ưu ái chơi tặng bản Nocturne quen thuộc của Chopin. Khỏi cần phải nói, tiếng đàn piano thánh thót, ngân vang ngập tràn căn phòng. Bỗng chốc, mọi khái niệm vể thiết bị, về âm thanh dường như biến mất, thay vào đó là cảm xúc âm nhạc.

nghenhac.7

Đây cũng là yếu tố mà không hệ thống âm thanh nào, dù cao cấp đến mấy cũng có thể tái tạo được một cách đầy đủ. Đến đây, tôi chợt nhớ đến  câu kệ của thiền sư Tử Đạo Hạnh:

“ Có thì có thảy trần sa
Không thì vạn tượng ta bà cũng không
Kìa trông bóng nguyệt lòng sông
Chớ nên chấp chước có không mà lần”

Dịch nôm
Nếu coi là có thì một hạt cát cũng kể
Nếu coi như không thì vũ trụ cũng không
Hãy nhìn bóng trăng soi dưới nước
Chớ nên chấp nhặt sự có – không

Quả vậy, với những người yêu nhạc, việc xây dựng hệ thống audio xuất phát từ niềm đam mê âm nhạc nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc của bản thân. Với triết lí đó, quá trình tìm kiếm và phối ghép thiết bị trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.

Huy Anh – Nghe Nhìn Việt Nam