Nằm bên bờ Địa Trung Hải thơ mộng, nước Pháp đẹp mặn mòi mà nền nã như một người thiếu nữ trong tranh Monet. Nếu từng thả bước trong những con ngõ sâu hun hút tràn ngập hồng leo ở Paris, từng đạp xe dọc sông Seine để hít căng tràn lồng ngực những giọt ban mai tinh khôi mát rượi, từng ngồi nhâm nhi café trên quán vỉa hè ngắm hoàng hôm loang dần trên kinh đô ánh sáng để thắp lên triệu triệu đốm sáng như dải ngân hà, hẳn bạn sẽ đồng ý rằng, hiếm có thành phố, đất nước và con người ở đâu giàu chất thơ, và mộng như nơi này.

Đẹp và thơ đến vậy nên xứ sở này cũng có thể coi như cái nôi nghệ thuật với những nghệ sỹ bậc thầy như hoạ sỹ Charles-Francois Daubigny, Vincent Van Gogh (sinh tại Hà Lan), Claude Monet, đại văn hào Victor Hugo, thi sỹ Charles Baudelaire, nhà soạn nhạc Claude Debussy, Georges Bizet, Camille Saint Saens… Và khi bước vào thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ thì người Pháp cũng là một trong những quốc gia hàng đầu chế tạo nên những sản phẩm dùng để thưởng thức nghệ thuật khiến cả thế giới thán phục. Những thương hiệu hi-end audio đầu bảng Focal Jmlab, Cabasse, Devialet, Jadis, Metronome… luôn là niềm khao khát của giới nghe nhạc, chơi âm thanh trên thế giới.

Nhắc tới hi-end Pháp là nói đến vẻ đẹp của âm nhạc với sự thanh thoát, dịu dàng và giàu tinh tế. Trong số những thương hiệu loa Pháp, Triangle có lẽ là một trong những thương hiệu hội tụ tương đối đầy đủ “chất Pháp” nhất. Âm thanh của nó bay bổng và lãng mạn. Mỗi khi Triangle cất tiếng, có cảm giác như một người đẹp vừa thoáng bước qua nhưng vẫn còn để vương lại chút hương thơm khiến người ta cứ ngây ngất và vương luyến.

Cách đây chừng mươi năm, theo lời “xúi bẩy” của Stereophile mà tôi cũng đặt mua một cặp loa Triangle Celius từ nước ngoài. Đó là một trong những cặp loa cột rất hay trong tầm giá trên dưới 2.000 USD. Nó có tốc độ của loa tĩnh điện, chi tiết nhưng hoà quyện với âm thanh rất êm và thoát. Tuy nhiên ở thời điểm đó, không chỉ Triangle mà hầu hết các hãng loa khác đều hướng đến thứ âm thanh mang đậm cá tính của họ như một thứ bản sắc độc đáo. Song mã gen này đôi khi quá trội mà khiến cho người chơi loa máy chỉ trong một thời gian ngắn sẽ bị hội chứng “tương tư phần còn lại của thế giới”. Và những đôi loa như vậy thường không gắn bó lâu dài với người chơi. Thú thực, tôi cũng không phải ngoại lệ.

Tuy không còn sở hữu Triangle, nhưng tôi vẫn luôn có cảm tình với dòng loa này. Cuối năm 2014, trong một triển lãm về thiết bị audio tại khách sạn Daewoo, tình cờ tôi bắt gặp Triangle xuất hiện chính thức. Ngay khoảnh khắc đó, tôi đã khởi lên ham muốn phải được ít nhất một lần nữa nếm trải cảm xúc âm nhạc cùng thế hệ loa mới của hãng. Sau gần một thập kỷ không nghe loa Triangle, cho đến nay, âm thanh của hãng chắc hẳn phải có những thay đổi nhất định mà người yêu loa Pháp luôn mong chờ.

Cầu được, ước thấy! Trong suốt hơn một tháng qua, hằng ngày tôi có dịp trải nghiệm âm thanh từ cặp bookself nhì bảng của Triangle – Signature THETA. Tôi ghép Theta với nhiều dòng ampli khác nhau, từ ampli đèn công suất nhỏ tới ampli đèn công suất lớn, từ ampli bán dẫn công cho tới ampli class D. Với bất kỳ phối ghép nào, Theta vẫn giữ được chất lượng trình diễn ở đẳng cấp cao của một đôi loa bookshelf hi-end. Có lẽ do dòng nhạc ưa thích là classic và rock nên tôi dành nhiều thời gian trải nghiệm Theta với ampli tích hợp McIntosh MA8000.

Nguồn nhạc chủ yếu tôi dùng để nghe là streaming nhạc trực tuyến từ Tidal, kết nối thẳng tới ngõ USB trên McIntosh MA8000. Dây loa Van Del Hul 3T The Cloud Hybrid Limited Edition, dây USB Nordost Heimdall II, ổ cắm Nordost QB8 MKII. Cặp loa được đặt trên đôi chân loa của Solid Steel với mặt chống rung Symposium.

Bắt đầu với chùm tác phẩm Sonata viết cho violin và piano của Beethoven, âm nhạc toả ra từ Theta mang đầy nhạc tính và tinh tế. Loa nhỏ hai đường tiếng luôn có lợi thế trong khả năng xử lý độ tuyến tính của toàn dải tần. Nhờ vậy mà tiếng violin và piano tuôn trào một cách tự nhiên, không gò ép. Không giống như trên những dòng Triangle thế hệ trước tôi từng nghe, Theta có âm thanh ngay ngắn và cân đối hơn. Dẫu vẫn mang nét bay bổng và thanh thoát đặc trưng, nhưng hiện âm thanh của Triangle đã bớt màu sắc riêng. Nói cách khác, nó không quá đà mà say sưa chơi nhạc theo phong cách riêng của mình. Với Theta, Triangle đã tiết chế cái tôi nhiều hơn để nhường đất diễn cho âm nhạc.

Với các nhạc cụ cổ điển, Theta tái hiện âm sắc khá chính xác, đặc biệt là các nhạc cụ dây. Với lợi thế về dải cao nhờ thiết kế tweeter họng kèn, tiếng nhạc cụ dây như violin có độ thoát và bay nhưng vẫn có “chân” chứ không chới với. Đây cũng là một trong những điểm khác biệt cơ bản so với các thiết kế trước của Triangle. Ở các thế hệ loa cũ, dải cao của Triangle rất bay, nhưng trung trung cao lại hơi mảnh nên có những khi nghe tiếng đàn thiếu sinh khí. Sang thế hệ mới, series loa Signature đã cải thiện được triệt để hiện tượng này, “trả lại” độ ấm áp nhất định cho nhạc cụ.

Nghe piano, nhạc cụ khó chơi nhất với mọi dòng loa từ nhỏ tới lớn, Theta sắm tròn vai. Âm thanh từ cây piano của Ashkenazy được tái tạo với lực vừa đủ, có độ nảy, độ ngân vang hợp lý. Nó hoà quyện cùng tiếng violin của Perlman tạo nên một bức tranh âm nhạc hoàn chỉnh. Sự đối chọi giữa hai nhạc cụ với âm thanh, âm sắc, âm vực khác nhau rất thú vị. Và Theta đã thành công trong việc tái hiện những sắc thái biểu cảm đối lập này. Điểm hạn chế lớn nhất ở cặp loa trong tái hiện tiếng piano nằm ở dải trầm. Với kích thước thùng loa và số lượng loa con hạn chế, dải trầm của Theta tuy rất tốt so với loa bookshelf, nhưng vẫn chưa đủ sâu, rộng như loa cột lớn. Theta chưa cho người nghe cảm nhận được những tiếng trầm sâu lắng nhất cộng hưởng từ thùng đàn của cây grand piano. Trên thực tế, đó cũng là điều bất khả thi với loa bookshelf.

Với dàn nhạc lớn, Theta cũng có khả năng tái tạo sân khấu với các lớp tách bạch, tất nhiên, quy mô sân khấu ở mức trung bình. Vẫn có thể nghe symphony trên Theta nếu bạn không phải là người quá khó tính. Trong trường hợp muốn không gian mở hơn và hệ thống tái hiện rõ nét, chính xác hơn nữa, có thể bổ sung một đôi sub-woofer. Sử dụng giải pháp này mặt được là vẫn giữ nguyên âm chất của Theta, song chi phí sẽ đội lên tương đối. Vậy có một lời khuyên dành cho người chơi là nếu dành trên 50% thời gian để nghe giao hưởng dàn lớn thì có lẽ Theta, hoặc phần lớn loa bookshelf đều không phù hợp.

Khi chơi nhạc rock, Theta như bừng tỉnh và chuyển qua một “nhân cách” khác. Nếu như nó bay bổng, êm ái và tha thướt trong từng giai điệu acoustics bao nhiêu thì giờ đây lại cuồng nhiệt và phấn khích với rock bấy nhiêu. Khả năng xử lý âm thanh vững vàng ở tốc độ cao mà không rối vẫn duy trì rất tốt trên cặp loa này, thậm chí, còn có phần lì đòn hơn cả các thế hệ trước. Tôi nghe Joe Satriani, Steve Vai, Jimi Hendrix… gồm các tác phẩm guitar rock không lời với tốc độ xử lý từ nhanh đến cực nhanh, nhịp, phách biến đổi liên tục nhưng Theta vẫn xử lý đầy bản lĩnh. Điểm thú vị là cặp loa nhỏ tái tạo tốt dải trầm và dải cao để tiếng trầm đủ, chặt chẽ và có lực, trong khi đó dải cao tơi và dịu chứ không chói gắt. Cho dù là hard rock, alternative hay heavy metal, nu metal thì vẫn nghe tốt, không khó chịu ngay cả với âm lượng cực lớn.

Phải nói, Theta “chịu đòn” quá tốt. McIntosh MA8000 có công suất tối đa tới 300 watt/kênh, ngay cả khi xiết volume tới một nửa ở mức 12h thì âm thanh vẫn vững, không có hiện tượng vỡ tiếng/méo tiếng ở bất kỳ một chi tiết nào. Tiếng trầm của loa sâu, chắc nhưng nhanh và êm, nghe không mệt.

Thông thường, một cặp loa đã chơi tốt được với hai dòng nhạc khó nhằn là giao hưởng/acoustics và rock thì có thể chơi tốt hầu hết các dòng nhạc còn lại. Theta cũng không ngoại lệ. Với thể loại nhạc jazz hoặc nhạc trữ tình, trung âm của loa có khả năng “gây nghiện”. Đó là thứ trung âm đầy sắc sảo, ấm áp và sống động. Giọng hát của ca sỹ dầy dặn và nổi khối trong không gian tạo âm hình 3D rõ nét. Dẫu là giọng nữ hay nam thì Theta vẫn thể hiện một cách khá trung thực âm sắc đặc trưng của tiếng hát với độ luyến láy và kỹ thuật đặc thù.

Nguồn: cuong.audio/Huy Anh