Nhiếp ảnh đã trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nhiếp ảnh không phức tạp giống như âm nhạc, hội họa nhưng lại làm cho người mới bắt đầu bối rối bởi rất nhiều người thực sự đam mê nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bài viết sau xin chia sẽ kinh nghiệm đến bạn đọc những vấn đề mấu chốt để có thể theo đuổi đam mê của mình.


Đừng quá đặt nặng vấn đề thiết bị
Thiết bị nhiếp ảnh nói chung, hay máy ảnh, ống kính nói riêng rất quan trọng, nhưng đó là đối với những dân chuyên nghiệp hay ít ra đó là công cụ kiếm tiền của các studio, các nhiếp ảnh gia. Những người cần đến sự chuyên nghiệp, thương hiệu hay những chức năng đặc biệt của những chiếc máy ảnh đắt tiền để hỗ trợ trong những điều kiện phức tạp, khó khăn mà ít khi dân nghiệp dư cần đến.


Hãy luôn nhớ rằng, nhiếp ảnh là đam mê, là nguồn vui, do đó đừng quá bận tâm đến thiết bị. Hãy gạt đi những căng thẳng suy nghĩ về một combo khủng, thay vào đó, cố gắng trau dồi kiến thức cho mình hơn nữa nhé!

Đọc và học hỏi thật nhiều
Những lí thuyết về nhiếp ảnh luôn chứa đựng một kinh nghiệm xương máu mà những người đi trước đã đúc kết lại. Bạn phải luôn luôn trau dồi thêm cho mình những kiến thức về kỹ thuật, ánh sáng, màu sắc, bố cục, tương phản ,…và tác động của chúng đến bức hình ra sao sẽ giúp bạn dễ dàng thiết lập được các thông số một cách đơn giản hơn.


-Lưu ý:
Bạn phải tiếp nhận những kiến thức mình nhận được bằng một cái đầu tỉnh táo, không phải những người có kinh nghiệm hơn hay sách báo, internet luôn đúng. Những kiến thức và kinh nghiệm nó chỉ đúng trong một số trường hợp chụp nhất định và không phải lúc nào cũng áp dụng được cho mọi tình huống chụp. Suy nghĩ, nghiên cứu thêm nhiều nguồn thông tin khác nhau, thử nghiệm trực tiếp với bản thân để tự tìm ra một cách làm việc hiệu quả nhất.

Đừng vội học Photoshop
Học chụp ảnh trước tiên là phải học từ những kỹ thuật như bố cục, đường nét, tương phản, phối màu, ánh sáng, góc chụp… cho đến rèn luyện con mắt mỹ học và gu thẩm mỹ… Đừng quá nóng lòng học chỉnh ảnh để che đậy đi những khuyết điểm của bức hình. Đây là một tính xấu dẫn đến những hệ lụy về sau mà bạn không thể lường trước được về lâu về dài. Những thói xấu như ỷ lại việc hậu kỳ, lấy bố cục ẩu và cũng như thiết lập các thông số sai sẽ không thể giúp cho bạn lên tay.

Đừng dậm chân tại chỗ
Những bức hình với những góc chụp ngang tầm mắt sẽ làm cho người nhìn trở nên nhàm chán. Thay vào đó, hãy thử nghiệm các góc chụp mới lạ như di chuyển lại gần, ra xa, từ dưới lên hay từ trên xuống… Máy ảnh số là phương tiện hữu hiệu nhất để cho bạn có thể thỏa sức để thử nghiệm. Đừng để mình giậm chân tại chỗ.

Đừng sợ sai lầm và phê bình
Không có vĩ nhân nào thành danh chỉ trong một đêm. Kể cả đối với những người có khả năng thiên bẩm hay chăng nữa cũng phải trải qua quá trình khổ luyện. Chỉ khi đặt mình vào những thử thách mới đưa chúng ta lên một tầm cao mới. Và từ thất bại, chúng ta mới có thể rút ra cho mình những kinh nghiệm xương máu nhất. Hãy cố gắng lặng nghe những lời phê bình, nhận xét hay những góp ý chân thật để có thể trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Hãy xem và học theo
Việc học hỏi và làm theo sẽ không bao giờ là thừa. Miễn là đừng nấp sau cái bóng của nhiếp ảnh gia mà bạn yêu thích quá lâu. Một người có một cái gu, một phong cách mà bạn đang cố định hình.

 

Nguồn: tincongnghe.net.vn- by  Nguyễn Đình Quý.