Nếu như trước đây, giới chơi audio ở Việt Nam thường phân thành hai trường phái, hoặc chỉ tập trung nghe phần mềm analog từ đĩa nhựa, băng từ, hoặc chỉ tập trung nghe phần mềm digital từ đĩa CD, nhạc số thì nay, nhiều người đã có suy nghĩ cởi mở hơn, và chấp nhận duy trì cả hai hệ thống song song, phục vụ cho nhu cầu nghe nhạc giống như nhân vật chính trong số tạp chí này.

1

Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước Chọn một dòng hay để nước trôi?!

Câu thơ này lột tả khá chính xác tâm trạng của những người mới bước chân vào cuộc chơi audio, chưa phân định được ưu, nhược của từng nguồn nhạc (nguồn nhạc số hay nguồn nhạc analog), hay thậm chí, cũng chưa xác định được mình muốn gì và thích gì. Người chơi cần có một khoảng thời gian nhất định để tìm hiểu, tham khảo bạn bè trong giới và trải nghiệm trực tiếp, thậm chí, “trả giá” để rồi xác định cho mình lối chơi phù hợp với sở nguyện.

Anh H, là một người bạn lâu năm của tôi, vốn cũng có sở thích về audio, nhưng khá “bảo thủ”. Bởi từ khi làm quen với thiết bị nghe nhạc loại tốt cho tới nay, đã hơn 10 năm, gần như anh chỉ sử dụng nguồn âm là đĩa nhựa. Vốn có sở thích nghe nhạc cổ điển, mà theo anh H, tác phẩm lưu trữ dưới định dạng analog tái tạo âm thanh trung thực, tự nhiên hơn, đặc biệt là với các nhạc cụ cổ điển acoustic. Bởi vậy mà bộ sưu tập âm nhạc của anh có tới 90% là đĩa nhựa, chỉ có chương trình nào không thể sưu tầm được đĩa nhựa, trong khi đó có bản thu CD, anh H mới phải dùng đến CD.

Như tôi được biết, trong giới audiophile, không thật nhiều người sành và mê nhạc cổ điển tới cỡ anh H. Khi có thời gian, anh có thể dành cả ngày để nghe nhạc, đặc biệt là những tác giả mà anh ưa thích như Beethoven, Tchaikovsky, Rachmaninoff, Chopin, Paganini… Anh có thể dành hàng giờ say sưa trao đổi về tác giả, tác phẩm và nghệ sỹ trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Có thể nói, vốn kiến thức của anh đã giúp nhiều người bạn bước chân vào thế giới của âm nhạc cổ điển một cách bài bản, thấu đáo.

Bộ sưu tập hàng trăm đĩa nhựa của anh có tới 99% là nhạc cổ điển, và hầu hết là những chương trình thuộc dạng “thuốc độc bảng A” – những album mà giới nghe nhạc săn lùng và có thể trả những cái giá trên trời để được sở hữu. Đây là kết quả sưu tầm của trên mười năm gộp lại, của những đêm gần như thức trắng để canh những phiên đấu giá “cân não” trên những trao mua bán, trao đổi đĩa LP của nước ngoài.

2

Có những thời điểm do đặc thù công việc, anh H không còn thời gian và không gian để nghe nhạc thường xuyên như trước, phải tới hàng năm trời, gần như toàn bộ nguồn đĩa sưu tầm được lưu kho trong điều kiện tốt để tránh bụi, ẩm. Nhưng đáng ngạc nhiên là ngay cả khi chưa thu xếp được thời gian nghe nhạc, anh vẫn tiếp tục theo đuổi, săn lùng những chương trình hay để bổ sung cho bộ sưu tập của mình. Khi bạn bè thắc mắc, anh H cho hay: “Thiết bị phần cứng có thể thay đổi dễ dàng, nhưng bộ sưu tập phần mềm là vô giá và có giới hạn. Nếu không tranh thủ gom góp thì đến lúc sở hữu bộ dàn đẳng cấp đến mấy, cũng chẳng thiết bởi không có chương trình hay mà nghe”.

Bẵng đi một thời gian dài, tôi có cảm giác như anh đã “giải nghệ” thì đột nhiên, lại tái ngộ với anh trong sự kiện về Nhạc Lossless do tạp chí Stereo tổ chức vào mùa hè vừa qua tại Hà Nội. Tôi thực sự ngạc nhiên, bởi vẫn biết nhân vật này khá bảo thủ và nhạc digital vốn không phải “khẩu vị” của anh. Và ngạc nhiên hơn, khi thấy anh không bỏ sót bất kỳ một phòng nghe, một hệ thống chơi nhạc lossless nào, say sưa thưởng thức và khám phá từng dòng thiết bị.

Như vậy là tay chơi “cực tả” này đã có những thay đổi về quan điểm chăng? Câu trả lời đã có không lâu sau sự kiện. Đó là sự xuất hiện của bộ DAC M2Tech Young bản cao cấp (sử dụng module pin rời để cấp nguồn) của Ý trong bộ dàn nhà anh, phục vụ cho việc nghe nhạc lossless chất lượng cao từ máy tính. Tay chơi này đã bỏ qua giai đoạn “quá độ” là đầu đĩa CD, mà chơi thẳng tới nguồn phát nhạc lossless.

Theo anh H thì đây không phải là sự thay đổi về quan điểm chơi. Anh vẫn dành ưu tiên số một cho nguồn phát analog với mâm đĩa than. Nhưng vẫn nên bắt kịp với xu hướng mới, sử dụng file nhạc lossless cho những album đã thất truyền trên phiên bản đĩa nhựa để “back up” cho cuộc chơi. Và với sự trợ giúp của bộ DAC M2Tech Young, âm nhạc được tái tạo vẫn rất tốt. Đặc biệt, theo phong cách nghe nhạc này, việc quản lý nội dung và lưu trữ tiện dụng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu có thời gian, cần nghe nhạc để thưởng thức có chiều sâu hơn là giải trí đơn thuần thì anh H vẫn sử dụng nguồn phát là mâm đĩa nhựa.

Trước đây, khi ở Việt Nam chưa xuất hiện nhiều thương hiệu audio được phân phối chính hãng, phần lớn vẫn là những món “second hand” của Nhật Bản, anh H sử dụng cơ đĩa nhựa của Pioneer, Micro Seiki… để làm nguồn phát. Cho tới thời gian gần đây, anh đã “lên đời” mâm Pro-Ject 9 từ một người bạn. Đây là bộ cơ rất tốt trong tầm giá khoảng 3.000 – 4.000 USD.

3

Hiện anh mới “cơ cấu” lại bộ dàn với ampli tích hợp (mạch class D ở tầng công suất, bóng đèn điện tử ở tầng xuất âm) Rogue Audio Sphinx. Đây là chiếc ampli rất tốt trong tầm giá chưa đến 2.000 USD, được chế tạo và lắp ráp hoàn toàn tại Mỹ. Sphinx có khả năng kiểm soát loa tốt, cho dải trầm vững (damping factor > 1.000). Trước đây, anh sử dụng một số dòng loa bookshelf như Totem Rainmaker, Diapason Karis N.W và hiện giờ là cặp Diapason Adamantes III – một trong những đôi loa nổi tiếng nhất của Diapason. Hệ thống dây dẫn là dòng Red Dawn của Nordost. Phono MM/MC Smart của Clearaudio dùng để khuếch tại tín hiệu khi nghe đĩa nhựa.

Nhận lời mời của anh, chúng tôi dành một buổi cuối tuần để tới thưởng thức hệ thống mới. Căn phòng nghe là phòng sinh hoạt chung, dường như chưa thực sự lý tưởng cho việc bố trí một hệ thống âm nhạc high definition. Tuy nhiên, anh H cho biết anh đã cân nhắc và chấp nhận điều này, bởi chỉ có ở đây, hệ thống mới phát huy tốt nhất vai trò của nó: phát nhạc liên tục cho cả gia đình thưởng thức. Anh muốn nuôi dưỡng tâm hồn của cậu con trai còn chưa đi học bằng âm nhạc, mà phần lớn là nhạc cổ điển.

Chúng tôi khởi động với nguồn phát bằng file nhạc lossless. Âm nhạc giàu sức quyến rũ, đúng như những gì mà một “ca sỹ nhà” Diapason cần phải có. Chất âm của cả 3 thiết bị gồm D/A, ampli, loa và dây dẫn đều thuộc loại trung tính, do đó âm thanh cân bằng và tự nhiên. Hệ thống có không gian rất rộng nếu so với những bộ dàn cùng tầm giá. Mặc dù là loa bookshelf, nhưng Adamantes III thuộc loại bookshelf “thứ dữ”, kích thước lớn và tràn đầy nội lực. Song Diapason rất biết cách chế tạo ra những cặp loa tinh tế, do đó, nội lực của Adamantes III thể hiện một cách hài hòa, biết tiết chế và bùng nổ đúng thời điểm.

Âm thanh của hệ thống nói chung, và Adamantes III nói riêng có nét đặc trưng riêng của dòng thiết bị hi-end: chi tiết, độ tương phản động cao, âm sắc tự nhiên. Tuy nhiên, Adamantes III cũng rất trữ tình, nhưng không theo lối lộ liễu phô trương, cũng không quá kiểu cách cầu kỳ, mà vừa tới, khiến người nghe dễ chấp nhận.

Với dòng nhạc tình từ file lossless, chúng tôi nhận thấy giọng hát được hệ thống tái tạo thật hấp dẫn, dẫu là giọng nam hay giọng nữ. Ở góc độ cá nhân tôi, tôi ưng cách Adamantes III xử lý giọng nữ hơn rất nhiều dòng loa khác: vừa tình tứ, vừa kiêu sa.

4

Chuyển sang nguồn phát từ mâm đĩa nhựa Pro-Ject 9, chúng tôi lần lượt thưởng thức những album LP thuộc hàng quý hiếm như bản Carmen Ballet do Shchedrin chuyển soạn lại của Bizet, viết cho 56 nhạc cụ gõ cùng dàn nhạc; hay bản Classic In The Air của Paul Mauriat do hãng thâu âm Nhật Bản xử lý lại; Tổ khúc 4 mùa (The Four Seasons) với solist Anne Sophie Mutter…

Phải thừa nhận, nguồn âm analog… dễ nghe hơn. Âm nhạc trở nên mộc mạc, tự nhiên và sống động, biểu cảm hơn. Đặc biệt, những nhạc cụ gỗ, đàn dây cho âm sắc rất đúng. Chúng tôi nghe hết LP này qua LP khác mà không biết chán. Các dải âm hài hòa, tiếng bass của bè double-bass và trống timpani xuống sâu, mềm mại và có sự lan tỏa như đang nghe từ loa lớn. Âm thanh rộng mở, khoáng đạt nhưng vẫn được tổ chức, kiểm soát tốt.

Và như vậy, dẫu rằng nguồn âm là nhạc số, hay analog thì vẫn thỏa mãn được gout nghe khá đa dạng, từ nhạc trữ tình của Việt Nam cho tới dòng nhạc classic. Điều này phản ánh lối chơi không mâu thuẫn của anh H, hiện đang dần trở nên tương đối phổ biến trong cộng đồng audiophile trong và ngoài nước.

Nguồn : Nguyễn Audio