Là lựa chọn thay thế cho các sản phẩm thuộc phân khúc sơ nhập và trung cấp của thế hệ trước, NRG-Y2 chính là sản phẩm đầu tiên cho những ai muốn đem đến sự cải thiện cho hệ thống âm thanh.

Nhiễu ồn là một trong những vấn đề mà audiophile thường xuyên gặp phải, đặc biệt là với nhiễu tần số radio (RFI) và nhiễu điện từ (EMI). Trong khi các thiết bị điện tử ngày càng tân tiến, hiện tượng can nhiễu từ các thiết bị điện tử vẫn không thể giải quyết một cách triệt để được. Bên cạnh sự có mặt của các thiết bị điện gia dụng truyền thống, sự phổ biến của các thiết bị mạng không dây như Bluetooth, Wifi cũng khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhiều giải pháp chống nhiễu đã được audiophile áp dụng và khá thành công, trong đó có thể kể đến việc sử dụng thiết bị tiếp địa tạo môi trường đất ảo, máy biến áp cách li, lọc nguồn hay máy phát lại điện (power regenerator). Các giải pháp này đều rất thành công, nhưng vấn đề nằm ở chỗ người dùng sẽ phải sử dụng thêm thiết bị hỗ trợ, khá tốn kém và cồng kềnh, có phần đi ngược lại xu thế nhỏ gọn, giản tiện của hệ thống âm thanh hiện đại.
Vấn đề có thể giải quyết đơn giản hơn nhiều, chỉ cần thông qua dây nguồn.
Và những sợi dây nguồn thế hệ mới của AudioQuest có thể đáp ứng được điều này.

day nguon AudioQuest NRG-Y2

Garth Powell – Giám đốc bộ phận thiết kế thiết bị điện giải thích về tầm quan trọng của nguồn điện như sau: “Khi sở hữu màn hình tốt hơn, ampli tốt hơn và bộ xử lý tốt hơn, người dùng chắc chắn sẽ nghe và thấy được sự khác biệt. Nhưng trải nghiệm sẽ còn tốt hơn nữa nếu như tín hiệu trở nên tốt hơn – tín hiệu bị ảnh hưởng thì trải nghiệm cũng sẽ bị ảnh hưởng, và mọi thứ đều bắt đầu từ nguồn điện. Tất cả mọi thứ có dây cắm nguồn đều bắt đầu từ đây. Một khi nhiễu xâm nhập vào nguồn điện, nếu không chỉ ra được, không loại bỏ được nhiễu và biến nó thành nhiệt, chúng ta sẽ chẳng thể có được những màn trình diễn hay nhất.”
Sau thành công của loạt thiết bị lọc nguồn Niagara và đặc biệt là loạt dây nguồn cao cấp Dragon cùng Storm, AudioQuest đã có một bước tiến mới – đi sâu vào thị trường phổ thông hơn. Loạt dây NRG là đích đến tiếp theo của họ, với NRG-Y2, NRG-Y3, NRG-Z2 và NRG-Z3.
Dây nguồn AudioQuest NRG-Y2 là sản phẩm đầu tiên trong loạt dây thế hệ mới của AudioQuest, với nhiều công nghệ từ những sợi dây nguồn cao cấp hơn như Storm và Dragon được áp dụng vào. Đây chính là sản phẩm thay thế cho loạt dây NRG-X2 và NRG-1 sau nhiều năm có mặt trên thị trường. Đồng thời, những công nghệ mới nhất cũng khiên NRG-1.5 không phải đối thủ của NRG-Y2.

Một trong những điểm đặc biệt của sợi dây NRG-Y2 là cấu trúc Semi-Solid Concentric, trên thực tế là một cấu trúc dây dẫn dạng bó sợi đúng nghĩa. Những ai đã từng quen thuộc với sản phẩm của AudioQuest sẽ biết rằng phần lớn (không phải tất cả) dây dẫn của hãng, từ dây loa, dây tín hiệu analog, digital cho đến dây nguồn đều sử dụng dây dẫn sợi rắn.

day nguon AudioQuest NRG-Y2 dep

Việc sử dụng sợi rắn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chống lại méo tín hiệu, bởi lẽ với cấu trúc bó sợi thông thường, sợi dẫn được cấu thành từ hàng chục sợi dây với kích thước vô cùng nhỏ, giúp cho sợi dây khá “mềm” và linh hoạt, dễ dàng hơn trong việc lắp đặt. Tuy nhiên, tín hiệu âm thanh tồn tại dưới dạng dòng điện xoay chiều, và dòng điện xoay chiều lại có một hiện tượng khá thú vị gọi là hiệu ứng bề mặt.
Do tác động của hiệu ứng bề mặt nên tín hiệu âm thanh sẽ luôn xuất hiện ở bề mặt của sợi dẫn, tức vị trí dây dẫn ngoài cùng. Trong khi đó, các sợi dây trong bó dây dẫn không phải lúc nào cũng chạy thành một đường thẳng mà có thể đổi vị trí liên tục, điều đó khiến tín hiệu âm thanh từ điểm xuất phát cho đến điểm cuối cùng phải thực hiện khá nhiều “bước nhảy” để luôn bám sát vị trí bề mặt. Quá nhiều lần “nhảy” như vậy sẽ khiến cho tín hiệu không còn được nguyên vẹn như ban đầu nữa, từ đó gây ra hiện tượng méo tiếng.
Thông thường, AudioQuest sẽ giải quyết vấn đề hiệu ứng bề mặt bằng cách sử dụng sợi dẫn dạng lõi rắn với kích thước khá lớn. Vậy, nếu Semi-Solid Concentric thực chất là một bó sợi, phải chăng hãng đã bỏ qua yếu tố này? Không hẳn như vậy, bởi lẽ với cấu trúc Semi-Solid Concentric, bó sợi dẫn của NRG-Y2 được cấu thành từ 7 sợi dẫn với kích thước lớn hơn hẳn so với một sợi dẫn thông thường.
Với số lượng sợi ít hơn, các kỹ sư của AudioQuest có thể dễ dàng xếp đặt để vị trí của sợi dẫn trong bó sợi không bị thay đổi. Nhờ vậy, dù tác dụng có thể không được như sợi dẫn lõi rắn, cấu trúc Semi-Solid Concentric vẫn tỏ ra khá hiệu quả trong việc giảm thiểu hiện tượng méo tiếng do hiệu ứng bề mặt gây ra.
Bên cạnh đó, kim loại để làm sợi dẫn cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì độ trung thực của tín hiệu âm thanh. Thông thường, người ta sẽ sử dụng các kim loại như đồng, bạc nguyên chất hoặc hợp kim của đồng, bạc. Trên thị trường hiện nay, các dây loa cao cấp như Nordost, Supra Cables hay Analysis Plus thường dùng đồng OFC để làm lõi dây. Tuy nhiên các dây dẫn bên trong NRG-Y2 đều được làm từ đồng LGC (Long Grain Copper), hay còn gọi là đồng hạt dài, Đây là phiên bản cao cấp của OFC với hàm lượng phân tử oxi bên trong thấp hơn hẳn. Bên cạnh đó, do đặc điểm hạt đồng dài nên mỗi foot (0.3m) chỉ có khoảng 300 hạt đồng, thấp hơn đồng siêu nguyên chất 5 lần nên hiện tượng méo tín hiệu cũng khó xảy ra hơn.

day nguon AudioQuest NRG-Y2 tot

Bên cạnh đó, các dây nguồn NRG-Y2 này còn được trang bị dây drain wire (dây dòng về đất) mạ bạc. Trước hết, cần phải hiểu rằng tác dụng ban đầu của dây drain wire vốn là để nối đất cho lớp shield chống nhiễu ồn (thông thường là dạng foil). Tuy nhiên, dây drain wire của NRG-Y2 đặc biệt ở chỗ còn được mạ bạc để có thể dẫn nhiễu tần số radio khỏi dây tín hiệu và đẩy về đất, có thể nói tác dụng giống như dây tiếp địa hay một thiết bị tiếp địa thực sự. Nhờ vậy, tín hiệu trở nên “sạch” hơn, giúp người nghe có thể cảm nhận được độ động, sự chi tiết của bản nhạc một cách rõ ràng hơn.
Một trong những đặc tính mới, xuất hiện ở các thiết bị nguồn điện của AudioQuest là đặc tính không tổng trở đặc trưng cũng có mặt trên NRG-Y2. Công nghệ này trước đây chỉ xuất hiện ở dòng Storm và Dragon, nay cũng đã được áp dụng cho dòng phổ thông NRG. Theo lý giải của Garth Powell, tổng trở đặc trưng của dây dẫn chính là yếu tố gây ra nén dòng (current compression). Cho dù trở kháng của dây có thấp đến mấy, tổng trở đặc trưng vẫn có thể khiến tín hiệu không được truyền tải đi một cách nhanh chóng, thậm chí còn tác động không nhỏ đến các dòng tức thời. Bằng cách loại bỏ tổng trở đặc trưng của dây nguồn, hiện tượng nén dòng và méo tín hiệu tức thời sẽ giảm đi một cách rõ rệt. Nhờ vậy, độ động, các tín hiệu tức thời và năng lượng của dải âm trầm có thể tái hiện một cách nhẹ nhàng hơn rất nhiều do nguồn điện cho thiết bị nay không còn bị cản trở bởi yếu tố dây nguồn nữa.
Có một sự thật là dây nguồn nếu như mua ngoài, từ các thương hiệu không tên tuổi thì rất khó có thể đem lại dòng điện tốt cho hệ thống. Bởi vậy, khi tính đến chuyện dây nguồn cho thiết bị, nhiều thương hiệu audio hi-end thường trang bị cho thiết bị những dây nguồn khá chất lượng và tương xứng với giá thành của sản phẩm.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các dây nguồn đi kèm này cũng có đủ khả năng đem đến chất lượng như ý muốn. Các yếu tố nhắc đến ở trên như tổng trở đặc trưng của dây nguồn, vật liệu làm dây, cấu trúc của sợi dẫn đóng vai trò không nhỏ trong việc đảm bảo chất lượng dòng điện, chống nhiễu ồn, từ đó mới có thể đem đến những màn trình diễn ấn tượng nhất. Việc thiếu hụt đi các chuyên gia trong lĩnh vực này khiến cho các dây nguồn đi kèm với thiết bị khó có thể so sánh được với sản phẩm của các thương hiệu chuyên sản xuất phụ kiện cho âm thanh.
Chỉ cần so sánh sợi dây NRG-Y2 với Naim Power Line, một sợi dây nguồn với giá thành lên đến gân 1000 đô la là có thể thấy rõ. Khi cắm từng dây một và chạy thử trong khoảng thời gian tầm 5-6h chiều (tầm giờ tần suất sử dụng thiết bị điện gia dụng bắt đầu tăng cao), người dùng có thể cảm thấy sự khác biệt rõ rệt.

day nguon AudioQuest NRG-Y2 chat

Ngay với chính thiết bị của Naim, người dùng có thể cảm thấy sự thay đổi khi chuyển sang dùng NRG-Y2, sự chi tiết, rõ ràng hơn hẳn, với tiếng echo trở nên vọng hơn và ngay cả những lỗi nhỏ như tiếng sibilant cũng trở nên rõ ràng hơn. NRG-Y2 không phải là một món phụ kiện có thể biến một thiết bị có giá vài trăm đô la có thể so sánh được với những đối thủ trị giá hàng ngàn đô la, nhưng đây là sự nâng cấp mà chắc chắn ai cũng muốn thử, đặc biệt là ở trong phân khúc thiết bị hifi.

Nhiễu ồn xuất hiện ở thiết bị âm thanh do hoạt động của các thiết bị thu phát sóng không dây và thiết bị điện gia dụng là điều khó tránh khỏi. Với hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực thiết bị điện, Garth Powell có thể rút ra kết luận về tầm quan trọng của dòng điện sạch như sau: “Thông qua hàng loạt bài kiểm tra mẫu và phân tích phổ, có thể thấy rằng có đến 1/3 lượng tín hiệu audio chất lượng cao có thể bị mất, bị khuất, thậm chí bị méo đi do mức độ nhiễu ồn từ dòng điện xoay chiều vào thiết bị quá lớn. Các nhiễu ồn này xuất hiện ở mạch tín hiệu dưới dạng nhiễu ồn dòng điện và có thể làm méo tín hiệu gốc.” Do đó việc trang bị các thiết bị để làm “sạch” dòng điện là điều khá quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để sở hữu thêm các thiết bị này. Do đó, AudioQuest đã đưa ra một giải pháp khá đơn giản: nâng cấp dây nguồn. Chỉ cần một khoản đầu tư nhỏ cho NRG-2, chắc chắn người dùng sẽ sở hữu được sự cải thiện mà mình mong muốn.

Nguồn: tapchihifi.com/Nguyễn Hào