Chúng ta đã quen thuộc với các quy ước trong làm phim. Nhưng liệu việc tuân thủ các quy tắc có làm bạn không tiến bộ? Trong bài viết này, Neil Oseman sẽ đưa ra những lý do mà bạn nên suy nghĩ nhiều hơn về các ống kính mà bạn đang sử dụng.

Bạn có chọn đúng lens cho mọi shot không? Bạn có dùng một ống kính zoom và nhận thấy rằng đôi khi mình không muốn di chuyển máy quay và dùng zoom để bố cục hình ảnh? Hoặc, có lẽ bạn dùng ống prime và tự hỏi liệu việc chọn ống wide cho shot master, một lens tiêu cự trung bình cho shot trung và long lens cho shot cận thì có cứng nhắc quá không? Trong bài viết này, tác giả khuyến khích bạn suy nghĩ nhiều hơn về việc chọn lens và cách nó ảnh hưởng đến người xem.

Ống kính có tiêu cự trung bình là sao?

Hãy bắt đầu tại điểm xuất phát, với các ống kính có tiêu cự trung bình. “Trung bình” là gì? Tiêu cự của một ống kính được gọi là trung bình khi nó bằng phép đo trên đường chéo của hình ảnh được ghi. Cho góc nhìn khoảng 53°, gần tương đương với mắt người, ít nhất là góc mà mắt người nhìn thấy chi tiết. Nếu bạn chụp một bức ảnh bằng một ống kính có tiêu cự trung bình và đặt trước cảnh thực, với khoảng cách từ người quan sát đến đến bản in bằng đường chéo của bản in, đối tượng trong hình sẽ có kích thước ngang với kích thước của các đối tượng thực.

Ống kính có độ dài tiêu cự lớn hơn mức tiêu cự trung bình là ống kính có tiêu cự dài (đôi khi được gọi là ống telephoto, mặc dù về mặt kỹ thuật thì không phải ống kính có tiêu cự dài nào cũng là telephoto). Các ống kính có tiêu cự ngắn hơn trung bình được gọi là ống góc rộng (wide).

Một phim âm bản 35mm có độ dài đường chéo là 43.3mm, nhưng con số này đã được làm tròn lên một chút – bởi nhà phát minh Oskar Barnack của Leica – vậy nên 50mm thường được coi là ống kính tiêu cự trung bình phổ biến nhất trong giới nhiếp ảnh.

Mọi thứ trong cinematography hơi khác một chút. SMPTE (Society of Motion Picture and Television Engineers – hiệp hội kỹ sư điện ảnh và truyền hình), trước đây là SMPE, gần một thập kỷ trước đã quyết định rằng một ống kính tiêu cự trung bình cần có độ dài tiêu cự bằng gấp đôi đường chéo hình ảnh. Họ lý luận rằng điều này sẽ tạo ra trường nhìn tự nhiên cho người xem ngồi giữa rạp chiếu (máy chiếu của rạp phim thường được trang bị ống kính có tiêu cự gấp đôi tiêu cự trung bình).

Một cảm biến máy quay điện ảnh kỹ thuật số Super-35 có độ dài đường chéo khoảng 28mm, thì tiêu cự trung bình là 56mm. Tất nhiên, ủy ban SMPE thành lập vào những năm 1920, thời điểm mà phim chỉ được chiếu trong rạp và chứ không đa dạng về thiết bị phát như ngày nay. Bây giờ, tôi đang nhìn màn hình máy tính từ khoảng cách gấp đôi độ dài đường chéo của màn hình, nhưng nếu giữ điện thoại ở khoảng cách đó thì nó sẽ rất gần mặt và gây khó chịu. Các màn hình chiếu lớn nằm cách khán giả một khoảng cách gần hơn nhiều so với độ dài đường chéo của nó, nhưng các màn hình multiplex nhỏ hơn có thể nằm ở khoảng cách xa hơn độ dài đường chéo, và các màn hình TV có nhiều kích thước và khoảng cách xem khác nhau.

Tiêu chuẩn nhiếp ảnh

Trong nhiếp ảnh, độ dài tiêu cự trung bình bằng độ dài đường chéo, vì vậy, đối với cảm biến Super-35m, tiêu cự trung bình là 28mm.

Tôi phát hiện ra rằng các ống kính có độ dài tiêu cự tương tự thường được dùng nhiều trên hiện trường. Một ống 32mm thường là lựa chọn đầu tiên khi quay handheld, steadicam hoặc bất cứ cách tiếp cận theo hướng POV. Nó phù hợp để quay wide shot bởi nó nén mọi thứ một chút và cắt bỏ những thông tin không cần thiết trong khi vẫn giữ được những thông tin quan trọng. Nó cũng phù hợp với các shot trung và shot cận, giúp cho người xem tham gia vào cuộc trò chuyện. Khi tôi cần phải dùng đến một ống kính prime để niêm phong một toàn bộ set máy để quay dưới nước cho một cảnh đại dương quan trọng trong The Little Mermaid, tôi chọn một ống 32mm, biết rằng tôi có thể quay cả shot wide và shot cận bằng cách thay đổi khoảng cách (zoom chân)

Tôi tin rằng một ống kính tiêu cự trung bình đóng một vai trò như một điểm mốc đánh dấu sự khác nhau giữa ống wide và ống kính có tiêu cự dài. Giống như việc người dựng phim cần có một lý do để cut, trong một thế giới hoàn hảo, một cinematographer cần có một lý do để chọn các ống kính có tiêu cự khác trung bình. Sử dụng một ống kính có tiêu cự ngắn hơn thông thường và cố tình mở rộng không gian, để khiến cho mọi thứ trông kỳ vĩ hơn, tăng cường phối cảnh và đẩy các mặt phẳng ra xa nhau. Chọn một ống kính có tiêu cự dài hơn thông thường là bạn đang ủ mưu chụp (quay) chân dung, nén, tạo kiểu, hoặc thậm chí tạo ra sự sợ hãi.

Có lần tôi làm việc với một DoP, anh này khăng khăng đòi dùng một ống kính cho mỗi scene và ghi mỗi shot trong scene đó với ống kính đó. Như vậy nghe có vẻ hơi cực đoan, tôi nghĩ bạn nên làm cách đó như một bài tập, nhưng đừng lạm dụng. Nó sẽ nhanh chóng giúp bạn suy nghĩ sâu sắc hơn về phối cảnh, điểm nhìn.

Tất nhiên, các giới hạn về những địa điểm có thể đặt máy quay sẽ ảnh hưởng đến việc chọn lens. Nhưng chỉ ở những vị trí chật chội nhất, bạn mới không thể sáng tạo. Do đó, điều quan trọng là phải chọn ống kính vì những lý do phù hợp.

Chúng ta đều đã trải qua những tình huống mà có vẻ như việc lựa chọn các ống kính có tiêu cự dài hơn dường như là một cách thức tốt để cải thiện các shot mờ nhạt, đúng là đôi khi mọi thứ như vậy thật. Góc nhìn hẹp và độ sâu trường ảnh nông giúp che giấu các khiếm khuyết trong hậu cảnh và có thể mang lại “cảm giác điện ảnh” nhiều hơn, nhưng nó không phải là một cứu cánh tối thượng có thể áp dụng trong mọi trường hợp.

Có phải là cứ quay bằng ống kính có tiêu cự dài hơn thì hình ảnh mang nhiều tính điện ảnh hơn không?

Trên quan điểm cá nhân, tối thấy rằng quan điểm về việc ống kính có tiêu cự dài hơn tạo ra hình ảnh mang tính điện ảnh nhiều hơn là sai lầm. Tôi từng nghe James Cameron chia sẻ về quá trình làm phim Aliens, ông nói ông thích các ống wide hơn. Bạn có thể có những ý kiến của mình về Cameron, nhưng rõ ràng ông ấy làm ra những bộ phim điện ảnh.

Các ống kính có tiêu cự dài, nếu lạm dụng, có thể làm cho bộ phim trở nên lạnh lẽo, rời rạc, thậm chí là hơi chán. Mặc dù người xem bình thường sẽ không biết các ống kính hoạt động như thế nào, nhưng họ sẽ cảm thấy xa cách với những hành động đang diễn ra trong phim.

Các ống kính có tiêu cự ngắn hơn, khi dùng để quay các shot cận, có thể trở nên hết sức hấp dẫn, nhưng nó cũng dễ mang lại cảm giác hài hước, ngốc nghếch, bóp méo khuôn mặt diễn viên và tạo cho họ một sắc thái châm biếm, mỉa mai. Các bộ phim như Amélie và Mystery Men dùng nó để tạo ra các hiệu ứng rất phù hợp với tinh thần câu chuyện, tăng cường phong cách vốn đã mang sẵn tính hoạt hình của các phim này.

Ngoài ra bạn cũng cần xem xét khuôn mặt của các đối tượng, các đặc điểm và nhu cầu của nó. Một số diễn viên có khuôn mặt phẳng, hợp với các ống kính wide. Những người có cái mũi lớn sẽ cần các ống kính có tiêu cự dài hơn để làm nó trông dễ nhìn hơn.

Trong các shot quay (hoặc chụp) nhiều người, hãy tính đến power dynamic. Ví dụ, một ống kính wide sẽ giúp một nhân vật đứng ở khoảng cách gần hơn, mang tính chi phối nhiều hơn, tạo ra một bố cục hình tháp đối với các nhân vật yếu thế hơn đứng quanh họ. Ngược lại, nếu nhân vật chính đứng trong background, một ống kính có tiêu cự dài có thể giúp họ trông to lớn hơn bằng cách nén phối cảnh – một hiệu ứng mà bạn thường thấy trong cảnh Luke đánh nhau với Darth Vader trong The Empire Strikes Back.

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc hình dung các hiệu ứng do các ống kính khác nhau gây ra, hãy đầu tư mua một ứng dụng viewfinder như Artemis. Với ứng dụng này, bạn có thể đi xung quanh địa điểm quay, thử nghiệm với các tiêu cự khác nhau cho đến khi bạn tìm ra một tiêu cự phù hợp, không chỉ về mặt khung hình mà còn về mặt cảm xúc. Nếu bạn dùng một ống kính zoom, hãy dành thời gian để thử nhiều vị trí đặt máy quay khác nhau cũng như các độ phóng đại khác nhau để tìm ra khung hình phù hợp nhất. Hãy suy nghĩ sâu hơn một chút, áp dụng sự nhất quán trong suốt bộ phim, điều này có thể ảnh hưởng tích cực đến câu chuyện.

Nguồn: pixelfactory