monospace-mod-hd700.jpg
Một trong những hiện tượng gây khó chịu cho người dùng tai nghe là các tiếng chói gắt từ high-mid lên tới treble, các vấn đề này xảy ra do cường độ âm thanh trên các dải tần đó bị đẩy lên cao, tạo ra các peak. Có nhiều cách để giảm bớt những hiện tượng này, nhưng mình vẫn thích sử dụng những phương pháp thật đơn giản, tránh tác động vào driver và cấu trúc buồng âm nguyên bản của tai nghe ( để mai mốt còn thanh khoản được chứ mod cho nhiều vào thì nhìn cái tai nghe không được đẹp ). Chúng ta sẽ cùng tham khảo qua cách đơn giản nhất sau đây. Đối tượng trong bài là HD700 của Sennheiser, cách mod này có thể áp dụng lên một vài tai nghe khác, tất nhiên là nếu bạn khéo tay

monospace-4 loai-filter-hd-700.jpg 

Đây là 4 filter dùng để test trong bài. Filter 1 và 2 rất mỏng và thoáng khí, bạn mua cái khẩu trang y tế, lấy dao lam cắt ra. Filter 3 và 4 cũng tương tự với chất liệu gần giống Tyvek, một loại giấy làm phong bì thư như EMS, Fedex, loại giấy này khá kín khí.

Trong bài này chúng ta sẽ tìm cách loại trừ peak 6kHz của Sennheiser HD700 ( tự hỏi là sao 2 con đầu bảng của Sennheiser đều có cái peak 6kHz ghê rợn này ). Phần filter được đặt ở phía trước driver có vai trò làm giảm cường độ của âm treble trên chiếc tai nghe này.

Filter HD700 2.jpg 

Cố định cái lớp này thật nhẹ nhàng thôi, một chút xíu keo học sinh để dán chúng lại với nhau, bạn dán nhiều quá thì mai mốt tháo ra có hư cái filter zin của HD700 đó.

monospace-mod-hd700-khau-trang-y-te.jpg

monospace-mod-hd700-cac-loai-filter.jpg

Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc dán từng lớp filter này lại với nhau, sau đó đặt lên trước driver. Khi bạn gắn thêm lớp filter ở mặt trước driver, treble sẽ bớt to mồm, bớt gắt, nhưng ít nhiều gì cũng sẽ xuất hiện méo (distortion). Sau đây là biểu đồ so sánh tần số đáp ứng của tai nghe khi sử dụng 4 loại filter trên. Giấy vệ sinh (các đường biểu diễn có ký hiệu TP) cũng được sử dụng để test vì nó cũng cũng kín khí như hai loại filter 3 và 4. Mình không rõ giấy vệ sinh trong khi test của Tyll là loại gì vì rõ ràng là giấy vệ sinh nó có chất lượng khác nhau, dày mỏng cũng khác nhau, và chắc chắn là nếu bạn dùng giấy vệ sinh tốt, siêu mềm siêu mịn gì đó thì chắc chắn là chất lượng âm thanh sẽ khác, chúng ta chỉ tham khảo phương án này thôi nhé. Chưa kể là nó có tính hút ẩm và dễ bị mục nên mình không khuyến khích dùng.

Filter HD700 3.jpg

Ta có thể thấy, filter càng kín thì độ méo tiếng càng tăng. Việc này rất dễ hiểu vì áp lực khí tác động ngược vào driver sẽ làm thay đổi tính chất dao động cơ học của nó, tuy nhiên mức treble cũng giảm đi rõ rệt. Theo Tyll, việc mod filter này khá khả quan khi âm thanh trong khoảng 6kHz tới 8kHz có thể bị suy hao đến 10dB, nghĩa ta có thể tinh chỉnh và gia giảm chúng để đạt được chất âm mong muốn theo từng gu nghe cá nhân. Việc mod filter, ngoài suy hao treble còn gián tiếp làm chúng ta cảm nhận âm bass sâu, lực và tròn trịa hơn. Thế nhưng, nhiều lớp filter quá sẽ dày và driver sẽ nhận xung lực phản hồi của chính nó nhiều hơn, gây méo tiếng và làm giảm chất lượng bass nặng nề. Điều này có thể xảy ra do hai lý do sau :

1. Lớp filter (nhất là loại kín khí như Tyvek) bị chuyển động khi driver hoạt động. Ví dụ khi driver đẩy ra, lớp filter sẽ bị lồi lên. Hay khi driver hút vào, lớp filter sẽ bị hút chặt lên bề mặt driver. Điều này sẽ gây ra hiện tượng méo tiếng đồng nhất trên toàn dải âm. Filter quá dày sẽ làm trễ âm bass so với tất cả những dải còn lại, nó không phải là có đuôi và ù, nó kêu rất vô duyên và lạc lỏng, không ăn nhập gì với bài nhạc cả.

2. Lớp filter dày quá thì nó nặng và lỏng lẻo. Khi bị áp lực khí từ driver tác động, chúng tạo ra các tiếng động nho nhỏ, sột soạt. Hiện tượng này xảy ra nhiều nhất với filter bằng giấy Tyvek, hoặc bằng thử nghiệm với giấy vệ sinh.

Trong hình cũng cho thấy khi sử dụng filter 1,2 và mốt lớp giấy vệ sinh ghép lại, xung phản hồi (impulse response) thấp hơn so với khi sử dụng filter 1, 2 và hai lớp giấy vệ sinh. Tuy nhiên, méo tiếng tại dải bass rất lớn khi sử dụng 2 lớp giấy vệ sinh, chứng tỏ nó làm cho xung lực phản hồi trở nên chậm hơn.

Tốt nhất là hãy bắt đầu từ việc sử dụng các khẩu trang y tế mỏng, ghép chúng lại với nhau. Theo tính toán trong bài, cứ mỗi 1 lớp thêm vào, âm bass sẽ bị giảm đi khoảng 1-2dB tại những âm trên 5kHz. Mức này là vừa đủ để nghe rồi, vì nếu thêm vào từ 3-5 lớp, méo tiếng và hiện tượng xung lực phản hồi bị trễ sẽ xãy ra và thực sự gây khó chịu cho người nghe.

Các đo đạc và bài test như trên có thể cho kết quả khác nhau đối với nhiều loại tai nghe riêng biệt. Dù sao đi nữa đây cũng là một kinh nghiệm hữu ích cho giới audio DIY khi tinh chỉnh chiếc tai nghe của mình.

Nguồn: Monospace