Sự xuất hiện và phổ biến của đĩa than từ những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX như một cột mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển của ngành công nghệ ghi âm và sản xuất đĩa hát. Tuy hiện nay, có rất nhiều sản phẩm ghi âm với công nghệ kỹ thuật số tiên tiến và tiện lợi ra đời, nhưng ngôi vị của đĩa than trong lòng người yêu nhạc vẫn còn nhờ những cung bậc cảm xúc một cách chân thật mà người ta hay gọi là: hoàn hảo.

Đĩa than – nét “mộc” trong âm nhạc

Đĩa than còn được gọi là Phonograph hay Vinyl, chính thức ra đời vào năm cuối thế kỷ XIX, được sử dụng rộng rãi vào thế kỷ XX cho đến khi các sản phẩm lưu trữ âm thanh kỹ thuật số ra đời. Đĩa than là hình thức đồng bộ và lưu trữ các tín hiệu âm thanh trên chất liệu Polyvinyl Clorua. Đây là sản phẩm được sáng tạo và hoạt động dựa trên nguyên lý của nhà khoa học người Mỹ nổi tiếng Thomas A. Edison về lưu trữ âm thanh. Theo đó, các sóng âm thanh sẽ được lưu trữ thông qua bộ phận tiếp nhận các tần số rung động trong không khí đến một chiếc kim tạo khắc lại âm thanh trên các rãnh vòng đĩa than. Khi cần nghe lại, người ta sẽ dùng chiếc kim để đọc lại và âm nhạc sẽ được khuếch qua loa.

Đĩa than là hình thức đồng bộ và lưu trữ âm thanh dưới dạng đĩa

Kỹ thuật ghi và đọc của đĩa than là kỹ thuật truyền tín hiệu Analog. Nếu xét nghĩa thuần túy, kỹ thuật Analog có nghĩa là biến thiên liên tục, đảm bảo đọc lại những tín hiệu tương tự về bản chất. Do đó, âm thanh của đĩa than có độ trung thực mà người ta thường gọi là âm “mộc” đặc trưng riêng. Đây vẫn là thứ cảm xúc gây tranh cãi khi so sánh với những sản phẩm kỹ thuật số hiện đại.

Đĩa than sở hữu một âm thanh “mộc” tuyệt vời

Âm thanh hay những tác phẩm nhạc được phát lên từ đĩa than có những sắc thái mà ta chỉ có thể hưởng thụ khi nghe trực tiếp. Điều kỳ diệu là từ một mặt đĩa đơn sơ là vậy mà ta vẫn cảm thấy từng loại nhạc cụ, giọng ca của người nghệ sĩ đậm vang lên. Người thưởng thức âm nhạc như chạm đến được những cung bậc chân thật nhất trong giọng hát, trong từng hơi thở hay cách lấy hơi của người ca sĩ. Để rồi cùng họ bồng bềnh theo những âm điệu cảm xúc, khi sôi nổi, khi hạnh phúc, khi ưu tư và khi buồn bã.

Đĩa than mang đến những âm điệu chân thật nhất trong giọng hát của người ca sĩ

Vì sao đĩa than chưa từng rơi vào quá vãng?

Trước tốc độ phát triển đến chóng mặt của nhiều hình thức lưu trữ âm thanh kỹ thuật số, tuy không còn được sử dụng rầm rộ như thời hoàng kim, song đĩa than vẫn giữ một chỗ đứng rất đặc biệt, nhất là trong lòng những người yêu thứ âm nhạc “mộc” hoàn hảo. Đĩa than phát triển mạnh vào những thập kỷ 50 của thế kỷ XX. Đến đầu thập kỷ 80, đĩa CD ra đời với dung lượng lớn hơn khiến thị trường đĩa than dần bị thu hẹp.

Thời hoàng kim của đĩa than là vào những thập kỷ 50 của thế kỷ XX

Song đến thập kỷ 90, khuynh hướng sử dụng đĩa than quay trở lại cùng với các loại Ampli điện tử. Sau bao thăng trầm, cuộc chiến giữa Analog và Digital dường như vẫn chưa đến hồi kết. Đĩa than tưởng chừng đã rơi vào thời quá vãng lại dần dần được hồi sinh. Đĩa than giờ đây trở thành một thú chơi, một niềm yêu thích âm nhạc “mộc” mang hơi hướng sang trọng rất riêng. Không chỉ ở âm thanh, mà còn ở hình thức chiếc máy phát đĩa cổ điển, từng vòng quay đĩa than cứ đều đều, nhẹ nhàng, êm ả rót một thứ âm nhạc sâu lắng, như chạm đến và khơi gợi những cảm xúc kín đáo nhất của người nghe.

Những vòng đĩa than đều đều quay như rót thứ âm nhạc sâu lắng và cảm xúc

Đĩa than phù hợp với những dòng nhạc nào?

Vẻ cổ điển cùng ưu điểm truyền tải âm nhạc chân thật, đĩa than rất phù hợp với những dòng nhạc có sự nhẹ nhàng, một chút sâu lắng, trầm ngâm, ngân nga như các dòng nhạc Jazz, Blue, Acoustic và nhạc cổ điển… Hình ảnh chiếc đĩa than thường gắn liền với nhiều album hay nhạc khúc của những nghệ sĩ huyền thoại. Một số chiếc đĩa than giá trị nhất thế giới được nhiều nhà sưu tầm và giới mộ điệu âm nhạc quan tâm như God Save The Queen của Sex Pistols, Please Please Me của ban nhạc The Beatles, một số album khác của The Beatles và Abba…

Đĩa than “Please Please Me” của ban nhạc The Beatles nổi tiếng

Hiện nay, đĩa than vẫn được sản xuất đều đặn thường niên. Mỗi năm tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung, hàng triệu đĩa than và album nhạc đĩa than được phát hành rộng rãi. Ở Việt Nam, hiện cũng rộ lên trào lưu phát hành các album bằng hình thức Analog dạng đĩa như: Vinh quang Việt Nam (Hồng Vy – Trần Mạnh Hùng – Dàn nhạc giao hưởng), Mùa thu không trở lại (Lê Dung), Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Lệ Quyên Acoustic (Lệ Quyên), Requiem (Đức Tuấn), Yêu – Những tình khúc vượt thời gian (Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Thanh Lam, Hồng Nhung)…

Dù đã bước sang thế kỷ XXI – thế kỷ của Digital, nhưng đĩa than với thứ âm nhạc chân mộc hoàn hảo vẫn luôn luôn có một vị thế riêng biệt trong làng nhạc thế giới. Và chưa bao giờ, có lẽ cũng không bao giờ đĩa than sẽ rơi vào quá vãng.

Nguồn: cuong.audio