Một trong những điểm hấp dẫn nhất của thế giới loa là sự đa dạng: các hãng loa sẽ mang tới nhiều lựa chọn chất âm rất khác nhau, và đôi khi một cặp loa  đắt tiền chưa chắc đã mang lại cảm giác vui sướng bằng những cặp loa giá mềm. Mỗi người nghe đều có “khẩu vị âm thanh” ưa thích của riêng mình, bởi vậy nên thế giới loa cũng không có một nguyên tắc nào quy định cặp loa  nào mới là “tốt” nhất, “hay” nhất.

Các bộ tăng âm, nguồn sống của những đôi loa, cũng vậy. Trong khi rất nhiều người ưa thích các bộ tăng âm có chất âm trung tính, không thêm thắt thì nhiều người khác lại ưa thích thứ âm thanh “nhiều màu” trên amp để bù trừ cho chiếc tai nghe của họ. Và đã nói đến âm thanh “màu”, có lẽ không gì có thể bì kịp những chiếc “amp đèn” (tube amplifier).

So với những loại âm thanh khác thì amp đèn có tính “xưa cũ” rõ rệt hơn hẳn. Điều này không chỉ đến từ tính analog trong âm thanh do bóng đèn mang lại mà còn bởi phần lớn các bóng đèn được giới mê amp đèn ưa chuộng đều đến từ thập niên 1970, 1980 hay thậm chí là lâu hơn nữa. Điều này là bởi thập niên 1980 chứng kiến các công nghệ bán dẫn trở nên nổi trội và vị thế của bóng đèn trên những chiếc âm-li cũng ngày một phai nhạt.

Little Dot mk III là một trong những mẫu amp đèn được ưa chuộng nhất tại Việt Nam.

Little Dot mk III là một trong những mẫu amp đèn được ưa chuộng nhất tại Việt Nam.

Nhưng 40 năm trôi qua, amp đèn vẫn quyến rũ được đông đảo người hâm mộ âm thanh trên toàn cầu. Trào lưu chơi tai nghe đắt tiền vốn khá nổi trội từ những năm 2000 tới nay cũng đã mang lại sức sống mới cho amp đèn khi chúng tìm được sức sống mới bên cạnh những bộ dàn dân dụng. Các tên tuổi bình dân như Little Dot, Darkvoice, Hifiman, Schitt hay các nhãn amp/DAC cấp cao như CypherLabs và Woo Audio đều tham gia sản xuất amp đèn cho tai nghe. Một số hãng tai nghe, ví dụ như AKG và Grado, thường được đánh giá rất cao khi kết hợp cùng bóng đèn. Ngay đến chiếc “siêu tai nghe” Orpheus II của Sennheiser cũng đi kèm một chiếc amp đèn do chính hãng tai nghe Đức thiết kế.

Âm thanh analog

Thế mạnh lớn nhất của amp đèn là ở chỗ chúng mang đến một thứ âm thanh tự nhiên, mượt mà và thường ấm áp, dày dặn hơn âm thanh của amp thể rắn. Thứ âm thanh “analog” đó cũng chính là chất âm được rất nhiều người tìm kiếm, đặc biệt nếu như với họ âm nhạc là một lĩnh vực để tìm hiểu chứ không phải để bóc tách phân tích. Nếu đã từng một lần được nghe đĩa than, bạn có lẽ sẽ hiểu vì sao “analog” với nhiều người lại gây nghiện tới vậy.

Những chiếc bóng Mullards nổi tiếng nhờ chất bass lừng danh.

Những chiếc bóng Mullards nổi tiếng nhờ chất bass lừng danh.

Điểm chung là vậy nhưng không phải bất cứ bóng đèn nào cũng có chất âm giống nhau. Chất âm của từng bóng đèn sẽ phụ thuộc vào loại bóng, nhà sản xuất, năm sản xuất và thậm chí là địa điểm sản xuất. Một số nhà sản xuất như Mullards nổi tiếng với chất âm trầm ấm, Siemens và Tung-Sol nổi tiếng mượt mà, thư giãn (laid-back) còn General Electric và Voskhod chinh phục các fan nhờ mức độ chi tiết vượt trội.

Nếu đào sâu tìm hiểu về các nhãn hiệu bóng, bạn có thể sẽ tìm thấy một số thông tin khá thú vị, ví dụ như Mullards, Philips và RTC thực chất đều do Philips sản xuất và do đó thường có chất âm khá giống nhau. Hoặc, những bóng đèn Voskhod được sản xuất tại Nga dù cùng một mã hiệu nhưng vẫn có thể có chất âm hết sức khác biệt nhau. “Ngon lành” nhất trong số này là các bóng có logo tên lửa, được Voskhod sản xuất cho quân đội Xô-Viết trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Không giới hạn vào một chất âm

Khả năng thay đổi chất âm bằng cách thay bóng đèn là điểm hấp dẫn nhất của amp đèn, và cũng bởi vậy mà câu hỏi thường xuyên được các audiophile “mới toe” đưa ra khi gia nhập thú chơi này là “bóng này có lắp được cho amp này hay không?”. Để trả lời câu hỏi này, thông tin cần chú ý tới là mã hiệu trên bóng đèn.

 

Mỗi bóng đèn đều có một chuỗi số/ký tự đi sau tên của nhà sản xuất, ví dụ như E88CC, 6922 hoặc WE408A. Những mã hiệu khô khan này sẽ cho bạn biết hiệu điện thế hoạt động, cường độ dòng điện hoạt động cũng như các đặc điểm khác của bóng đèn. Các nhà sản xuất thường phát hành các loại bóng đèn có đặc tính giống nhau, và do vậy chúng thường được nhóm chung vào một “nhóm bóng” (“tube family”).

Ví dụ, các mã EF95, 5654, 6AK5, 6J1, 6ZH1P, M8100 và các biến thể khác của chúng (ví dụ như “5654W”) đều cùng thuộc family 6AK5. Bạn không thể cắm tube từ family này sang một family khác (vì như vậy sẽ làm cháy đèn, cháy amp) nhưng mỗi nhóm sẽ luôn mang tới rất nhiều lựa chọn chất âm. Ví dụ trong gia đình 6AK5: bóng JAN 5654W của GE có chất âm sáng, nhấn mid và độ chi tiết rất tốt; bóng M8100 của Mullards trầm ấm và bởi vậy rất được lòng các fan nhạc Vocals nam trong khi bóng 6hm5 của EI Yugoslavia nổi tiếng nhờ âm trường rộng rãi và âm thanh “nuột nà” êm dịu.

Thực chất, bạn không cần quá quan tâm mỗi bóng đèn chạy ở bao nhiêu volt hay bao nhiêu ampe mà chỉ cần biết chúng thuộc family nào là đã có thể thoải mái thay đổi chất âm khi lựa chọn những bóng đèn khác trong cùng một nhóm. Đôi khi, một chiếc amp cũng có thể hỗ trợ nhiều tube family khác nhau. Các loại amp đèn dạng hybrid (tức là vẫn có sử dụng mạch thể rắn cùng với đèn) cũng có thể mang tới khả năng thay thế mạch opamp, tức là hỗ trợ thay thế chất âm tới 2 lần, cho phép bạn tìm ra những bộ “combo” phù hợp nhất với tai nghe của mình.

Bóng đèn tại Việt Nam

Aune T1

Aune T1

Trở ngại lớn nhất của các fan bóng đèn tại Việt Nam là nguồn bóng không dồi dào. Theo chúng tôi biết, chưa có một cửa hàng tai nghe nào tại Việt Nam đứng ra nhập bóng đèn số lượng lớn hoặc nhận đơn hàng của người tiêu dùng. Đây có lẽ là lý do duy nhất amp đèn không thể thực sự “cất cánh”, bởi các loại bóng đèn được nhà sản xuất bán kèm amp thường có chất lượng kém. Rất nhiều người đã hiểu sai về năng lực thực sự của các mẫu amp đèn khi được trải nghiệm phiên bản gốc, trong khi thực tế là phải nâng cấp đèn thì chiếc amp mới trở nên thực sự đáng giá.

May mắn là trở ngại này không ngăn được nhiều tín đồ âm thanh tại Việt Nam đến với âm thanh analog mà amp đèn mang lại. Các thương hiệu amp đèn được ưa chuộng nhất tại nước ta thường đến từ các thương hiệu phổ thông như Little Dot, Darkvoice, Hifiman và Schitt. Chiếc amp đèn phổ biến nhất tại Việt Nam có lẽ là Aune T1. Thực ra, gọi Aune T1 là “amp” đèn là không chính xác, bởi bóng đèn nằm trên mạch DAC (có cho phép bỏ qua phần amp khá kém cỏi trên T1). Nhờ thiết kế “DAC đèn” như vậy mà bạn có thể thoải mái gắn T1 vào các loại amp thể rắn mạnh mẽ mà vẫn tận hưởng được nét trầm ấm của bóng đèn.

Các thương hiệu còn lại cũng mang đến thế mạnh riêng. Amp của Little Dot thường hỗ trợ nhiều tube family, và cũng có khả năng tùy biến rất cao nhờ thiết kế mạch cho phép dễ dàng thay đổi opamp hoặc linh kiện. Amp Darkvoice được cho là tái hiện rất tốt các thể loại nhạc nhẹ và cũng được coi là lựa chọn phối ghép “chuẩn mực” với những chiếc Sennheiser HD600, HD650 được ưa chuộng, nhưng đáng tiếc là lại không đạt độ bền bỉ như Little Dot. Riêng Schitt mang triết lý amp đèn khá khác biệt khi cố gắng giảm thiểu tính analog của đèn. Cũng bởi vậy mà chiếc Lyr 2 của Schitt thường không có “mùi đèn” đặc trưng được các fan ưa thích.

Bản clone của Project Ember do một DIYer Việt Nam chế tác.

Bản clone của Project Ember do một DIYer Việt Nam chế tác.

Đáng chú ý nhất, các tay chơi DIY (đồ tự chế) tại Việt Nam còn có thể tự chế tạo amp đèn cho riêng mình. Chetprophet, một DIYer khá nổi tiếng trên các diễn đàn mạng Việt Nam, đã từng tạo ra những chiếc amp đèn theo thiết kế mở Project Ember. Chiếc Ember clone của Chetprophet có độ chi tiết tốt và đặc biệt là rất “ăn đèn”, tức là chất âm sẽ thay đổi đáng kể tùy thuộc vào loại bóng kết hợp. Đáng tiếc là DIYer này hiện nay đã không còn chế tác Ember và chuyển sang thực hiện các loại amp khác, bao gồm cả chiếc amp O2 lừng danh của nwAVguy.

Nhưng nếu như ngay cả đĩa than cũng đang tìm được đường trở về mảnh đất hình chữ S qua lòng đam mê của những audiophile trẻ tuổi thì có lẽ những chiếc amp đèn cũng sẽ sớm được đón nhận tích cực hơn ngày nay.

Nguồn: amthanhdiy.com