NR1609 có thể xem như là một phiên bản nâng cấp nhẹ của NR1608 từ năm 2017. Liệu đây có phải là một sản phẩm đáng để người mua đầu tư vào?

Marantz luôn khiến người nghe phải bất ngờ với những chiếc receiver kết hợp giữa khả năng trình diễn tốt cùng một loạt tính năng công nghệ tiên tiên. Nhìn chung, mỗi sản phẩm của họ đều hướng đến một nhóm khách hàng cụ thể và đội ngũ kỹ sư của Marantz hiểu rất rõ nên thêm gì vào từng thiết bị để không bị trùng lặp với cùng thông số kỹ thuật.

ampli marantz nr1609

Trong năm 2018, Marantz cho ra mắt hai sản phẩm: NR1509 và NR1609. NR1509 ghi điểm nhờ vào sự kết hợp giữa hiệu năng và tính năng, vừa đủ để bất cứ ai có một khoản ngân sách vừa phải cũng có thể tiếp cận và được thỏa mãn nhu cầu. Phiên bản cao cấp hơn – NR1609 cung cấp thêm hai kênh âm thanh, đồng thời hỗ trợ các định dạng âm thanh mới nhất như Dolby Atmos hay DTS:X, ngoài ra còn có thêm một loạt các tính năng khác. Thế nhưng, liệu những nâng cấp này có đủ để khiến người mua quyết định lựa chọn chiếc AV receiver này?

Thiết kế của dòng NR luôn được đánh giá cao vì nhiều lý do. Thứ nhất, chúng khá nhỏ gọn, có thể đặt ở những nơi chật hẹp hoặc để trên những món đồ nội thất nhỏ. Công suất của những chiếc receiver trong dòng này cũng không quá cao, đồng nghĩa với việc tỏa ra ít nhiệt, do đó nguy cơ cháy nổ cũng khó diễn ra hơn. Bên cạnh đó, chúng rất dễ “biến mất” trong không gian phòng nghe, đảm bảo ít ảnh hưởng đến bố cục hoặc nội thất bên trong nhà. Kích thước của chiếc AV receiver là 440 x 376 x 105 mm khi lắp ăng ten và chỉ nặng 8.3kg. Dựa vào số lượng kênh, kích thước và công suất, có thể thấy rằng NR1609 có thể đem đến rất nhiều lựa chọn vị trí đặt mà hầu hết những AV receiver với số lượng kênh tương ứng khó có thể làm được. Việc lắp được thêm 2 ăng-ten Wi-Fi cũng rất tiện lợi, vì người sử dụng không phải tìm cách để đặt chiếc receiver này gần router internet nữa.

ampli marantz nr1609 black

Nhìn chung, trong vòng vài năm trở lại đây, thiết kế của các AV receiver sơ nhập từ Marantz không có nhiều thay đổi. Mặt trước vẫn được làm hơi cong, nhô ra phía trước. Trên đó có một màn hình hiện thị cỡ lớn cung cấp các thông tin cần thiết. Hai bên là hai núm xoay lớn, bên trái để lựa chọn nguồn phát và bên phải là để chỉnh volume. Dưới núm chọn nguồn phát tín hiệu là nút công tắc nguồn trong khi ở phía dưới màn hình là cụm 8 nút nhỏ chia thành hai nhóm. Nhóm bên trái chứa các nút D-Max, các nút liên quan tới Zone 2 và internet radio trong khi nhóm bên phải có các nút dimmer, status, sound mode và pure direct.

Dưới cụm nút này là một loạt các cổng kết nối khá tiện lợi. Trước hết là jack headphone 6.3mm và jack micro để cân chỉnh phòng. Ngoài ra còn có cổng USB kết nối ổ cứng ngoài và cổng đầu vào HDMI HDCP 2.2 hỗ trợ 4K@60Hz, HDR và Wide Color Gamut. Điều khiển của NR1609 cũng chỉ có một vài thay đổi nhẹ so với điều khiển của NR1608, nghĩa là vẫn làm bằng nhựa, khá nhẹ, nút to dễ bấm và kiểm soát thiết bị khá tiện lợi.

Vẫn giống như NR1608 của năm 2017, Marantz NR1609 hỗ trợ các chuẩn công nghệ âm thanh mới nhất như Dolby Atmos, DTS:X hay DTS Neural:X. Với 7 kênh âm thanh mang công suất 50 watt/kênh (8 ohm, 20 Hz – 20 kHz, 0.08% THD) cùng hai cổng subwoofer, thiết bị này có thể dùng để tạo ra một hệ thống 7.2 kênh hoặc 5.2.2 kênh, với 2 kênh thêm vào cho các tầng trên cao để sử dụng cho các định dạng âm thanh Dolby Atmos và DTS:X.

Quay ra mặt sau của AV receiver, chúng ta sẽ thấy một loạt các cổng kết nối rất đa dạng, đủ để phục vụ cho bất cứ nhu cầu giải trí nào. NR1609 được trang bị 7 cổng HDMI đầu vào, 1 cổng HDMI đầu ra hỗ trợ cộng nghệ ARC. Các cổng này, cùng với cổng ở đằng trước đều là cổng HDCP 2.2. Thiết bị sở hữu 7 cặp cọc loa, được đánh dấu vạch màu khác nhau để thể hiện xem chúng sẽ được dùng cho vị trí kênh đường tiếng nào.

ampli marantz nr1609 mat sau

Đối với kết nối tín hiệu truyền thống, ta có cổng đầu vào digital coaxial và optical. Một cổng Ethernet được đặt ở góc trên bên trái để kết nối internet, tiếp theo là jack trigger 12V, cổng Remote control In và Out, ngoài ra còn có cổng để lắp ăng-ten FM và AM. Với các cổng kết nối truyền thống, ta có 3 cặp cổng đầu vào RCA line-level, 1 cặp cổng đầu vào phono, 3 cổng đầu vào video composite, 1 cổng đầu ra video composite, 2 cổng đầu vào và 1 cổng đầu ra component. Ngoài ra còn có cổng cho Zone 2 và hai cổng đầu ra pre-out cho subwoofer. Có thể thấy việc thay thế cổng 3.5mm IR bằng cổng đầu vào phono là một ý tưởng khá hợp lý, nhất là khi hiện nay xu hướng sử dụng mâm đĩa than đang ngày càng phổ biến trở lại.

Việc thiết lập NR1609 rất đơn giản vì Marantz đã trang bị cho chiếc AV receiver này phần mềm cân chỉnh Audyssey MultEQ. Chỉ cần làm theo hướng dẫn trên màn hình, kết hợp với dùng micro đo đạc, người dùng đã có thể cân chỉnh cho NR1609 một cách nhanh chóng, không mấy khó khăn. Tất nhiên, việc cân chỉnh chính xác hơn sẽ đòi hỏi phải thực hiện thủ công, nhưng đối với những ai chưa có kinh nghiệm với các thiết lập này, kết quả của chế độ tự động cũng đã rất cân bằng, gần như đủ để họ cảm thấy thỏa mãn rồi.

NR1609 sở hữu một chất âm rất cân bằng và tách bạch. Khi nghe ở mức âm lượng vừa phải, thiết bị thể hiện rất ổn định với sự tách biệt rõ ràng giữa các kênh, việc chuyển hướng âm thanh và hội thoại được tái hiện rất tốt. Tất nhiên, khi nghe ở mức âm lượng rất lớn, chiếc receiver này bắt đầu đuối hơn trong việc kiểm soát, đặc biệt là ở các trường đoạn cháy, nổ hay có những hiệu ứng âm thanh phức tạp. Với chỉ 50 watt/kênh, chắc chắn chúng ta chẳng thể hi vọng nhiều hơn, bởi lẽ khi thiết kế chiếc receiver này, chắc hẳn Marantz đã ướng lượng rằng khách hàng sẽ sử dụng nó trong những phòng nghe cỡ nhỏ hoặc vừa như phòng ngủ hay phòng khách, những nơi không cần đòi hỏi âm lượng phải quá lớn.

NR1609 thể hiện rất tốt âm thanh từ phim, nhưng tất nhiên đây cũng là một chiếc receiver tốt trong trường hợp người nghe muốn kết hợp cả hệ thống xem phim cũng như nghe nhạc làm một. Thiết bị hỗ trợ rất nhiều định dạng lossless và lossy như MP3, WMA, AAC, FLAC, ALAC, WAV, FLAC HD 192/24 bit, WAV 192/24 bit, ALAC 192/24 bit cũng như DSD streaming (cả 2.8 và 5.6MHz).

ampli marantz nr1609 ben trong

Về cơ bản, NR1609 chính là phiên bản NR1608 từ năm 2017 với một vài chỉnh sửa, nâng cấp nhỏ và điều này thực ra khá ổn. Bản thân NR1608 đã là một chiếc receiver khá tốt, với kích thước không quá to lớn đồ sộ, các thông số kỹ thuật đều rất hợp lý và chính bản thân NR1609 cũng được thiết kế theo con đường này. Kết hợp quá nhiều thứ trong một cỗ máy nhỏ như vậy vừa là điểm mạnh nhưng cũng đồng thời là điểm yếu, bởi việc sử dụng trong những trường hợp đòi hỏi công suất cực lớn là điều không thể. Nhìn chung, NR1609 phù hợp với những ai muốn một cỗ máy thuộc phân khúc tầm trung, hơi cao cấp một chút, sở hữu kích thước nhỏ nhắn để hoạt động trong một phòng nghe cỡ vừa mà không làm ảnh hưởng quá nhiều đến không gian nội thất trong nhà.

Nguồn: tapchihifi.com/Nguyễn Hào