Trong khi máy ảnh số đang ngày càng rẻ đi thì đây đó vẫn có những mẫu máy được chào bán với giá “khủng, thậm chí siêu khủng”.

Phase One XF IQ4

Được đặt mức giá “tròn trĩnh” 50.000 USD, Phase One XF đi kèm với back đời mới nhất IQ4 đang là gương mặt “hot” trong phân khúc máy ảnh siêu cao cấp. Đương nhiên, mức giá này có thể lên xuống chút xíu tùy theo cấu hình của máy.

Nếu như các máy ảnh thông thường sẽ có body liền và ống kính rời, thì Phase One còn có ưu thế hơn nữa khi các module máy có thể thay thế. Ví dụ vẫn dùng thân máy XF, nhưng bạn có thế nâng cấp phần xử lý hình ảnh (back) lên model mới nhất IQ4 có dung lượng ảnh 150 MP, cao hơn tới 50% so với người tiền nhiệm vẫn đang thuộc hàng siêu khủng trên thị trường. Back IQ4 150 MP có tùy chọn riêng cho người chuyên chụp đen trắng (đơn sắc) hoặc màu. Ngoài ra, còn có thêm phiên bản IQ4 100 MP Trichromatic sử dụng màng bộ lọc màu đặc biệt được phát triển với sự hợp tác của Sony để thu thập dữ liệu màu với độ tinh khiết hơn nhiều so với cảm biến thông thường.

Độ phân giải của hệ thống IQ4 không phải là ưu thế duy nhất, Phase One còn chuyển công cụ xử lý hình ảnh thô cốt lõi của Capture One vào chính IQ4 để nó có thể xử lý hình ảnh với chất lượng JPEG được cải thiện và cung cấp chế độ xem trước trực tiếp nhanh hơn và tốc độ khung hình nhanh hơn. Tính năng Capture One Inside mới này sẽ thách thức các ý tưởng về phạm vi động đối với máy ảnh khác đang có mặt trên thị trường.

Hasselblad H6D-400C

Hasselblad H6D-400C có đầy đủ các chức năng của máy ảnh hiện đại siêu cao cấp, đáp ứng nguồn sáng ISO 64 – 12.800, dynamic range 15 điểm. Phía sau máy trang bị màn hình cảm ứng với độ phân giải 920.000 điểm ảnh, nhưng khung hình có dung lượng lên tới 400 MP mới chính là điều khiến người ta phải ngưỡng mộ.

Trên thực tế, cảm biến của máy có dung lượng chuẩn là 100 MP, việc dung lượng ảnh được tăng lên mức 400 MP là nhờ vào công nghệ Multi Shot (tạm gọi là chụp chồng) đã được hãng ứng dụng từ năm 2014. Hệ thống dịch chuyển cảm biến, sẽ dịch chuyển CMOS theo bốn hướng, giúp mỗi pixel có thể lưu dữ liệu đầy đủ liên quan đến các điểm sắc tố RGB tái tạo màu rất chính xác. Được ví như “mô hình ma thuật”, hệ thống này có thể dịch chuyển cảm biến, kết hợp tối đa sáu lần phơi sáng để tạo ra một bức ảnh duy nhất và có dung lượng khủng nhất.

Tất nhiên, Hasselblad H6D không phải là mẫu máy ảnh du lịch, thậm chí ngay giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng phải e dè vì… mức giá bán của nó. Phiên bản H6D-400C MS có giá chào lên tới 48.000 USD có lẽ chỉ phù hợp nhất với lĩnh vực chụp di sản văn hóa, sử dụng công nghệ để tái tạo nghệ thuật và ghi lại các siêu phẩm tại các bảo tàng trên khắp thế giới.

Mamiya Leaf Credo 80 MP

Tên tuổi của nhà sản xuất Nhật Bản chắc không hề xa lạ trong giới nhiếp ảnh Việt Nam. Các mẫu máy chụp phim, nhất là định dạng medium format với góc ngắm đặc biệt đã từng một thủa tung hoành.

Mamiya tiếp tục đi theo hướng phát triển các mẫu máy chuyên nghiệp, sử dụng cảm biến medium format. Được xây dựng theo triết lý nền tảng mở, tương tự như Phase One, mặt sau (back) kỹ thuật số không chỉ tương thích với các máy ảnh cùng thương hiệu mà còn có thể kết nối với các máy ảnh medium format khác.

Back số medium format Mamiya Leaf có mặt trên thị trường đã vài năm nay. Ưu điểm đầu tiên của máy được giới chuyên môn đánh giá đó chính là sự bền bỉ, công nghệ tiên tiến cũng như khả năng sử dụng khá rộng. Mamiya Leaf còn đượcc đánh giá cao nhờ chức năng Live View độ phân giải cao, góc nhìn siêu rộng. Phiên bản mới nhất back số Leaf Credo 80MP đi kèm với máy ảnh DSLR medium format 645DF và ống kính 80mm f / 2.8 có mức giá chào khoảng 30.000 USD.

Leica S Typ 007

Mẫu mới nhất của dòng Leica S mới được nhà sản xuất Đức chào bán ra thị trường sử dụng cảm biến mediumformat Leica CMOS dung lượng ảnh 37,5MP. Dải nhạy sáng ISO từ 100 – 12.500 và dynamic range 14 nấc.

Leica ProFormat tỷ lệ 3:2 mang lại chất lượng hình ảnh siêu cao, đáp ứng yêu cầu phóng ảnh cực lớn mà vẫn đảm bảo độ nét và sắc màu trung thực. Nếu trước đây, khi dùng bằng máy medium format thì bắt buộc phải hy sinh chuỗi hình ảnh chụp nhanh, nhưng Leica S đã “viết lại quy tắc”.

Cơ chế màn trập cực nhanh, cảm biến CMOS, bộ xử lý Maestro II, chức năng tự động lấy nét dự đoán đã kết hợp với nhau hoàn hảo khiến Leica S vừa thể hiện sức mạnh chất lượng hình ảnh của máy medium format, trong khi tốc độ chụp nhanh không kém các mẫu full frame thông thường. Điểm mạnh hình ảnh của ống kính Leica S-Lenses không chỉ qua các bức ảnh tĩnh mà còn trở nên nổi bật khi quay video 4K (4.096 x 2.160 Pixel).

Leica S typ 007 hiện đang được chào với mức giá khoảng 27.500 đô-la (khoảng trên 600 triệu đồng).

Nguồn: ĐTTD