360 Reality Audio là định dạng âm thanh có độ phân giải cao, giúp người nghe hòa mình vào bài hát với cảm nhận chân thật hơn. Tính năng này được thiết kế để người nghe cảm nhận âm thanh đến từ rất nhiều hướng khác nhau thay vì chỉ từ bên trái và bên phải như hệ thống âm thanh stereo.

360 Reality Audio của Sony là công nghệ giả lập nhằm mang lại hiệu ứng âm thanh ba chiều cho những bài hát yêu thích của bạn. Tính năng này của Sony có một lợi thế lớn so với Spatial Audio của Apple hay 360 Audio của Samsung. Đó là cả hai hệ thống của Apple và Samsung chỉ tập trung vào âm thanh của phim ảnh và chương trình TV, trong khi đó 360 Reality Audio của Sony còn có thể tạo hiệu ứng 3D cho những bản nhạc. Ngoài ra, người dùng còn có thể sử dụng tính năng này trên nhiều phần cứng âm thanh khác nhau chứ không chỉ giới hạn trên thiết bị của Sony.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận rộng rãi của 360 Reality Audio khiến nhiều người dùng bối rối. Bởi họ không biết cần những gì để sử dụng 360 Reality Audio, và chính xác thì hiệu ứng âm thanh vòm hoạt động như thế nào.

Chúng tôi sẽ giải đáp tất cả trong bài viết này.

360 Reality Audio là gì?

Tính năng 360 Reality Audio của Sony có thể tái tạo lại cảm giác âm thanh bao trùm xung quanh bạn chỉ với tai nghe hoặc một bộ loa duy nhất.

Khi bạn nghe một bài hát được xử lý qua 360 Reality Audio, bạn sẽ có cảm giác như các âm thanh phát ra độc lập từ nhiều vị trí khác nhau như phía trên, bên dưới và xung quanh bạn. Do vậy, có thể bạn sẽ nghe được tiếng kèn ở bên trái, tiếng đàn ở bên phải, và nếu đó là một bản thu âm trực tiếp, bạn còn có thể nghe tiếng vỗ tay xung quanh mình như thể bạn đang ngồi giữa khu vực khán giả vậy.

Spatial Audio của Apple hay 360 Audio của Samsung cũng tương tự, nhưng vì cả hai tính năng trên đều hoạt động dựa trên các nội dung âm thanh được hòa phối theo một quy chuẩn nhất định, do vậy, hiện chúng chỉ hoạt động với phần âm thanh của phim ảnh. Ngược lại, 360 Reality Audio là công nghệ duy nhất có thể mang lại hiệu ứng âm thanh vòm cho các bản nhạc thông thường.

Tuy nhiên, công nghệ này cũng phụ thuộc vào các thông số kỹ thuật trong hòa phối nhạc của Sony. Vì vậy không phải dịch vụ phát nhạc nào cũng tương thích với 360 Reality Audio, công nghệ này cũng chưa hoạt động với âm thanh của phim ảnh hay chương trình TV. Dù vậy, Sony đang làm việc với các hãng thu âm để mang công nghệ này đến các buổi trình diễn thu trực tiếp. Và bạn biết đấy, bản thân Sony đã là hãng thu âm lớn thứ hai trên thế giới.

Sử dụng 360 Reality Audio như thế nào?

Dù có một vài hạn chế về mặt nội dung nhưng một trong những điểm cộng lớn nhất của 360 Reality Audio là nó không yêu cầu bất cứ phần cứng đặc thù nào. Spatial Audio của Apple yêu cầu tai nghe AirPods Pro hoặc AirPods Max cùng hệ điều hành iOS 14; hay 360 Audio của Samsung chỉ hoạt động với tai nghe Galaxy Buds Pro.

Ngược lại, 360 Reality Audio có thể hoạt động với bất kỳ thiết bị nào có hỗ trợ phát âm thanh chất lượng cao và hỗ trợ cả hai hệ điều hành iOS, Android. Chắc chắn rằng tai nghe càng hiện đại thì chất lượng âm thanh càng tốt, tuy nhiên “cây đũa thần” của 360 Reality Audio lại là phần mềm chứ không phải phần cứng.

Cuối cùng, bạn cần tài khoản premium của một trong ba dịch vụ phát nhạc gồm: Tidal, Deezer hoặc Nugs.net. Dịch vụ Music HD của Amazon cũng có những nội dung tương thích với 360 Reality Audio, tuy nhiên nó chỉ hoạt động với một số loại loa nhất định.

Không có thiết lập bắt buộc để sử dụng tính năng 360 Reality Audio trên tai nghe ngoài việc trả phí cho dịch vụ phát nhạc, nhưng quy trình phát nhạc sẽ có sự khác biệt tùy vào ứng dụng bạn sử dụng:

– Với Tidal, bạn cần đăng ký tài khoản Tidal HiFi. Sau đó mở ứng dụng, vào mục Explore và tìm các nội dung hỗ trợ 360 Reality Audio.

– Với Deezer, bạn cần đăng ký tài khoản Deezer HiFi. Sau đó bạn sẽ có thể tải về và cài đặt ứng dụng 360 by Deezer, và bạn có thể sử dụng ứng dụng này để nghe các nội dung 360 như một ứng dụng phát nhạc bình thường.

– Với Nugs.net, bạn cần đăng ký tài khoản Nugs HiFi. Sau đó, tại màn hình chính trên ứng dụng Nugs, bạn hãy vuốt sang phải để tìm các nội dung hỗ trợ 360 Reality Audio.

Hiện chưa có thông tin gì về hai dịch vụ phát nhạc nổi tiếng là Apple Music và Spotify. Nhưng có thể Sony đang có những cuộc đàm phán với hai dịch vụ này và 360 Reality Audio sẽ sớm được hỗ trợ nếu các bên thỏa thuận thành công.

Nếu đang sử dụng tai nghe của Sony như WH-1000XM4 hoặc WF-1000XM3, bạn sẽ có thể tối ưu tính năng 360 Reality Audio thông qua ứng dụng Headphones Connect của Sony. Chọn mục 360 Reality Audio Setup và chọn “Analyze ear shape”, đây là tùy chọn chụp ảnh tai của bạn bằng máy ảnh của thiết bị để phân tích. Khi ứng dụng hoàn tất quá trình phân tích hình ảnh cả hai tai trái và phải, chọn Optimize Apps và tính năng 360 Reality Audio sẽ được cá nhân hóa theo hình dáng tai của bạn, chất lượng âm thanh vòm sẽ được cải thiện tốt hơn.

Đó là tất cả những thông tin cần thiết đối với tai nghe, nhưng một điều giúp 360 Reality Audio hoàn toàn khác biệt với hai công nghệ tương tự là nó cũng có thể hoạt động với loa. Trước đây, phải thừa nhận rằng chỉ duy nhất có loa thông minh Echo Studio cùng dịch vụ Music HD của Amazon có hỗ trợ tính năng này. Tuy nhiên, Sony đã cho ra mắt hai dòng loa 360 độ là RA3000 và RA5000 tại thị trường Việt Nam với các tùy chọn cho phép phát nội dung 360 Reality Audio trong không gian phòng.

Giống như các tiêu chuẩn âm thanh Hi-Res, LDAC đã được công ty Nhật Bản phổ cập rộng rãi tới nhiều nhà sản xuất, 360 Reality Audio sẽ ngày càng xuất hiện nhiều trên những sản phẩm không phải của Sony.

360 Reality Audio hoạt động như thế nào?

Bất kể nội dung được phát qua tai nghe hay loa, tính năng này hoạt động dựa trên dữ liệu từ quy trình thu âm và hòa phối. Quá trình xử lý âm thanh sử dụng kỹ thuật được gọi là object-based audio. Theo đó, trong quá trình thu âm và xử lý, tập tin âm thanh sẽ lưu thêm một cơ sở dữ liệu khác (được gọi là metadata), những dữ liệu này mô tả vị trí đặt microphone trong không gian 3D.

Nói cách khác, microphone thu lại tiếng violin được đặt tại phía trước bên trái phòng thu, microphone thu tiếng trống đặt ở phía sau bên phải, ngoài ra, vị trí đặt micphone thu tiếng trống cao hơn vị trí thu tiếng violin. Tất cả những thông tin đó, bao gồm cả độ cao chênh lệch giữa hai microphone, đều được ghi lại trong metadata. Và không chỉ có tiếng nhạc, ngay cả những âm thanh nền khác cũng được xem là một nguồn phát và có vị trí riêng của nó trong trường âm thanh.

Phần mềm sẽ xử lý bản nhạc để âm thanh của từng nhạc cụ riêng lẻ, giọng hát và bất kỳ âm thanh nào khác được mô phỏng lại đúng vị trí của nó trong một không gian 3D hình cầu. Vị trí trung tâm hình cầu này được xem là vị trí của người nghe, tại đó, tất cả các loại âm thanh khác nhau sẽ như đến từ mọi hướng. Nhờ những dữ liệu trong metadata, bạn sẽ có thể nghe bản nhạc giống như đang ở trực tiếp tại phòng thu, qua đó sẽ có cảm nhận chân thật hơn.

Quy trình thu âm này cần được áp dụng đối với mọi bản nhạc để tương thích với 360 Reality Audio, đây là lý do vì sao không phải mọi dịch vụ phát nhạc đều có sẵn nội dung tương thích. Quy trình hoàn toàn tương tự với cách sản xuất nội dung, cũng như cách truyền tải nội dung qua tai nghe đối với tính năng Spatial Audio của Apple.

360 Reality Audio sử dụng một kỹ thuật gọi là binaural rendering. Hiểu một cách đơn giản thì kỹ thuật này truyền âm thanh từ tai nghe đến tai theo cách phù hợp để đánh lừa bộ não rằng các âm thanh khác nhau đến từ các nguồn phát khác nhau. Thực tế, kỹ thuật này mô phỏng lại cách chúng ta nghe trong cuộc sống thường ngày: não bộ có thể xử lý những khác biệt rất nhỏ trong khi ghi nhận tín hiệu âm thanh từ tai, như âm thanh bên tai trái lớn hơn tai phải chẳng hạn. Phân tích những khác biệt đó, não bộ sẽ có thể xác định vị trí của nguồn phát âm thanh.

Đối với loa, 360 Reality Audio hoạt động theo một cách khác. Thật ra, cơ chế hoạt động tương tự với Dolby Atmos bằng cách cho âm thanh dội qua tường và trần nhà. Nhờ đó, nó có thể tạo ra hiệu ứng âm thanh vòm với cảm nhận về độ cao tốt hơn âm thanh hai chiều: hệ thống có thể làm cho âm thanh của một nhạc cụ hoặc giọng hát phát ra từ phía trên bạn bằng cách đưa sóng âm hướng lên trần và dội xuống tai bạn từ trên cao.

Một điểm khác biệt chính giữa 360 Reality Audio và Spatial Audio là khi sử dụng tai nghe, hệ thống của Sony không sử dụng dữ liệu chuyển động đầu của người dùng. Với Spatial Audio và cả 360 Audio của Samsung, dữ liệu này sẽ giúp cho âm thanh giả lập sống động hơn bằng việc duy trì nhất quán vị trí nguồn phát âm thanh ngay cả khi bạn nhìn xung quanh. Với 360 Reality Audio của Sony, âm thanh đến từ bên trái sẽ luôn ở bên trái dù bạn có xoay xung quanh.

Tuy nhiên, để theo dõi chuyển động đầu của người dùng, tai nghe cần được trang bị cảm biến gia tốc kế và con quay hồi chuyển. Vì 360 Reality Audio không cần chúng nên nó có thể hoạt động với số lượng thiết bị lớn hơn nhiều so với hai công nghệ còn lại.

Nguồn: vnreview.vn