Dpreview đã có một cuộc trò chuyện phỏng vấn trực tuyến với Fujifilm để cùng giải đáp một số câu hỏi cũng như về những kế hoạch sắp tới của họ.

Nhóm người dùng GFX 100S và làm cách nào mà Fujifilm có thể thu nhỏ GFX 100S xuống nhưng vẫn mạnh mẽ đến như vậy?

GFX 100S là chiếc máy ảnh mới nhất và thú vị nhất từ Fujifilm, không chỉ sở hữu cấu hình khủng như phiên bản gốc mà còn được nhà sản xuất thu nhỏ kích thước lại chỉ ngang hoặc lớn hơn một chút so với các máy ảnh full frame hiện tại. Khi được hỏi nhóm người dùng với GFX 100S thì nhà sản xuất cho biết họ đã nhắm tới đối tượng khách hàng rộng hơn không chỉ với khách hàng chuyên nghiệp như trước đây.

Bên cạnh đó, khi được hỏi làm cách nào mà Fujifilm có thể thu nhỏ GFX 100S xuống nhưng vẫn mạnh mẽ đến như vậy thì câu trả lời cũng rất thú vị. Fujifilm cho biết ngay từ khi triển khai ý tưởng về máy, họ đã đặt ra tiêu chí là phải có kích thước tương đương với máy ảnh full frame. Thế nên Fujifilm đã thiết kế lại tất cả các thành phần bên trong mà không phải chỉ với hệ thống IBIS, sắp xếp lại các vị trí đặt nhưng đồng thời là vẫn đảm bảo khả năng bền bỉ của máy. Quan trọng nhất là chiều rộng của màn trập và viên pin là hai yếu tố góp phần giảm đi kích thước của máy vì trong khoảng 2 năm kể từ GFX 100 thì họ đã có những công nghệ mới được phát triển.

Liệu IBIS có trở thành tiêu chuẩn cho các máy dòng GFX?

Tuỳ thuộc vào thiết kế và kích thước, nhưng có! đặc biệt là đối với các máy ảnh 100MP vì đây là thứ cần có để duy trì chất lượng ảnh.

Ưu tiên hàng đầu cho các ống kính dòng APS-C ngàm X mới là gì?

Về tiêu cự, Fujifilm đang thiếu đi các ống siêu tele. Họ cho biết hiện tại xa nhất chỉ có 400mm mà thôi và vẫn còn thiếu 500mm, 600mm,… Ngoài ra nhà sản xuất cũng đang cân nhắc việc thay đổi thiết kế vì các ống kính cũng đã có tuổi đời, hệ thống lấy nét chậm và thiếu đi chống chịu thời tiết.

XF 35mm F1.4 MK II

Chiếc X-T4 là máy ảnh quay video mạnh mẽ nhưng vẫn có người mua chúng vì hầu hết là khả năng chụp. Liệu có khả thi cho một sản phẩm đáp ứng hai nhu cầu hay đây là cơ hội để Fujifilm cho ra một dòng máy ảnh chuyên quay video dòng X?

Fujifilm cho biết X-T4 đạt chất lượng ảnh tốt cho quay video, nhưng nếu đưa ra so sánh giữa người dùng quay video và người dùng chụp ảnh thì sẽ là một khái niệm khác. X-T4 được thiết kế cho chụp ảnh, ví dụ như màn hình nhưng một số người dùng (đặc biệt là người dùng thuần tuý của Fujifilm) lại không thích màn hình xoay lật này cho lắm. Chính vì thế mà Fujifilm vẫn luôn nghiên cứu, nhưng đồng thời cũng vẫn cân nhắc về thị trường vì mọi thứ tưởng chừng dành cho nhu cầu này đôi khi lại hấp dẫn hơn với nhu cầu kia.

Hiện tại công nghệ cảm biến đã phát triển mạnh, liệu Fujifilm có quan tâm với việc phát triển các tính năng nhiếp ảnh điện toán trong máy ảnh mới?

Trong buổi phỏng vấn, Fujifilm khi được hỏi đã nói rằng đây là một câu hỏi khó, vì về mặt công nghệ nếu tốc độ và tốc độ xử lý của cảm biến đều nhanh sẽ đem đến nhiều khả năng mới. Họ luôn suy nghĩ về thế hệ mới thậm chí là đi trước 4-5 năm. Thế nên trong tương lai thì về mặt lí thuyết là có thể, nhưng để tích hợp công nghệ này vào hệ thống máy ảnh vẫn còn là vấn đề. Nhưng Fujifilm cũng rất quan tâm thế nên mới có dòng máy Instax và có thể sẽ còn có nhiều dòng máy khác nữa áp dụng nhiếp ảnh điện toán.

 

Thách thức lớn nhất mà Fujifilm đang đối mặt với tư cách là một nhà sản xuất máy ảnh trong năm 2021 này?

Theo Masato ‘Mark’ Yamamoto – Giám đốc kế hoạch sản phẩm cho biết việc phát triển luôn là thách thức đối với họ, không chỉ trong năm 2021 mà luôn là như vậy. Nhưng bên cạnh đó còn có thiết kế và việc đưa các giao diện sử dụng dễ dàng hơn nữa. Phát triển những thứ mới mẻ, đột phá và tiến bộ cũng là những thử thách nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Fujifilm.

Fujifilm nổi bật về khả năng tái tạo màu sắc, nhờ vào các giả lập màu film nên về mặt tiếp thị, một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để khách hàng biết chất lượng hình ảnh của Fujifilm khác với các đối thủ cạnh tranh như thế nào. Và cũng giải thích những lợi ích của những chiếc máy ảnh định dạng lớn hơn đối với họ. Nhưng với GFX 100S, bằng cách cung cấp một chiếc máy ảnh nhỏ gọn với các tính năng tốt và thiết kế dễ sử dụng với mức giá thấp hơn thì nhà sản xuất nghĩ rằng nó sẽ mở ra cánh cửa tiếp cận rất nhiều khách hàng hơn nữa.

Về lâu dài, Fujifilm có muốn dòng GFX và ống kính GF cạnh tranh với các sản phẩm full frame về giá bán hay không?

Về câu hỏi này, Fujifilm nói rằng họ đã luôn nghĩ về cách làm sao để cho khách hàng cơ hội trải nghiệm các sản phẩm của mình. Giá bán cũng là một yếu tố nhưng không phải duy nhất mà còn có các tính năng, kích thước và nhu cầu dùng. Mỗi yếu tố đều đem đến cho Fujifilm cơ hội nhưng giá bán là rất quan trọng. Tuy nhiên đó không phải là mục tiêu của dòng GFX mà là đem đến chất lượng ảnh cao cần thiết hơn, đem đến IBIS chính xác hơn, đem đến cảm biến lớn hơn.

Fujifilm trả lời trong buổi phỏng vấn rằng những thứ này khi xây dựng một sản phẩm sẽ khá cao nên để duy trì chất lượng của dòng GFX, giá bán có thể sẽ cao hơn một chút so với full frame. Nhưng để kích cầu trên thị trường, Fujifilm cho biết là họ cố gắng giảm thiểu khoảng cách giá bán đó và đó là chiến lược của của họ.

Nguồn: Công Nghệ Việt