Liên minh Châu Âu đang có kế hoạch biến USB-C trở thành tiêu chuẩn sạc cho mọi smartphone, tablet cùng những thiết bị điện tử khác. Trong trường hợp Nghị viện Châu Âu thông qua đề xuất này, nó sẽ chính thức hiệu lực từ năm 2024. Nếu được áp dụng, các nhà sản phẩm buộc phải sử dụng USB-C trên những thiết bị được bán tại thị trường Châu Âu, bao gồm 30 quốc gia.

[​IMG]Các chuyên gia tin rằng quyết định này có thể tác động đến thị trường toàn cầu ngay lập tức, bất kể là các quốc gia khác ngoài Châu Âu có bắt buộc USB-C hay không. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, các nhà sản xuất sẽ phát triển những sản phẩm cho thị trường quốc tế dựa theo bộ quy tắc của Liên minh Châu Âu. EU tin rằng quyết định này sẽ giúp loại bỏ rác thải điện tử và mang đến “sự tiện lợi rất đáng kể cho người tiêu dùng”.

Thierry Breton, Ủy viên thị trường nội bộ của EU, cho biết: “Các bộ sạc cung cấp năng lượng cho mọi thiết bị điện tử thiết yếu nhất của chúng ta. Khi càng nhiều thiết bị xuất hiện, số lượng bộ sạc không thể thay thế hoặc không cần thiết đang ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi đang đặt dấu chấm hết cho vấn đề đó.”

Động thái này sẽ giúp người tiêu dùng tận dụng tối đa lợi thế một tiêu chuẩn duy nhất: mọi người có thể mua những sợi cáp và bộ sạc USB-C tốt nhất để sử dụng cho mọi thiết bị, thay vì phải sử dụng các sợi cáp riêng biệt cho mỗi thiết bị cụ thể.
Đây là thời điểm phù hợp để thực hiện thay đổi này

Apple lập luận rằng quyết định biến USB-C thành một tiêu chuẩn bắt buộc sẽ tổn hại đến sự đổi mới.

Trong một tuyên bố với báo chí, Apple cho biết, công ty “vẫn lo ngại rằng quy định nghiêm ngặt, bắt buộc một chuẩn kết nối sẽ cản trở sự đổi mới thay vì khuyến khích nó, điều này sẽ gây hại cho người tiêu dùng ở Châu Âu và trên toàn thế giới.”

[​IMG]Một nhà phân tích cấp cao tại Moor Insights & Strategy có tên là Anshel Sag cho biết: “Apple là công ty duy nhất không có sự đổi mới một cách tự nhiên nên họ mới nói như vậy. Tôi không mong đợi bất kỳ công ty nào sẽ sớm tạo một cổng kết nối mới.”

Thay đổi này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến Apple. Nhà Táo hiện đang sử dụng cổng sạc Lightning độc quyền cho những chiếc iPhone. Công ty đã sử dụng chuẩn này trên mọi chiếc iPhone ra mắt từ năm 2012, nhưng một số thiết bị khác của họ lại chuyển sang sử dụng USB-C, bao gồm MacBook Pro, MacBook Air, iPad Pro, iPad Air và mới đây nhất là iPad mini. Trong khi đó, gần như mọi thiết bị Android đều đã sử dụng cổng sạc USB-C.

Sag lưu ý, đây là thời điểm phù hợp để thực hiện thay đổi này. Trước đây, người tiêu dùng sẽ phải mua một bộ sạc mới cho mọi thứ. Giờ đây, nhiều sản phẩm của Apple đã có sẵn cáp và sạc USB-C, giúp đơn giản hóa quá trình thiết lập sạc của họ.

Người tiêu dùng cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn đối với các sản phẩm sạc, cáp. Nhờ đó, các sợi cáp kết nối sẽ rẻ hơn và tốt hơn. Một tiêu chuẩn sạc đồng nhất giúp mọi người có thể dùng chung các bộ sạc và không cần lo lắng đến trường hợp hết pin.”

Sag gợi ý, hành động của Liên minh Châu Âu sẽ không yêu cầu các quốc gia khác làm theo, trừ khi họ muốn. Tuy nhiên, động thái này sẽ “buộc hầu hết các nhà sản xuất phải đi theo hướng đó nếu họ muốn có một phần thị trường EU”. Và cho đến nay, điều đó sẽ bao gồm gần như mọi nhà sản xuất.

Neil Shah, Phó Chủ tịch nghiên cứu tại Counterpoint Research, cũng đồng ý với quan điểm của Sag và lưu ý rằng quyết định chính thức sẽ đặt ra một tiền lệ, “buộc các nhà sản xuất cũng phải thực hiện điều đó cho những phiên bản toàn cầu”.

Thế nên, các quốc gia khác không cần phải làm theo cách này, trừ khi họ có sức mua lớn hơn và ảnh hưởng đến họ một cách lớn lao.”

Mọi phụ kiện sẽ có sẵn cho người dùng Android, ngay cả những phụ kiện độc quyền của Apple

[​IMG]
Anshel Sag giải thích, có rất nhiều phụ kiện khác có sẵn cho người dùng Android vì sử dụng USB-C. “Tuy nhiên, một số phụ kiện chọn ưu tiên Apple vì quy mô của hệ sinh thái và sự đơn giản trong dòng sản phẩm của công ty.”

Neil Shah lưu ý, USB-C đã thâm nhập gần 75-80% thị trường smartphone toàn cầu. “Ngay cả các thiết bị ngoại vi, phụ kiện cho những thiết bị IoT giờ đây cũng đã sử dụng USB-C như cổng kết nối quan trọng cho những thiết kế mới.”

Bryan Ma, Phó Chủ tịch nghiên cứu thiết bị tại International Data Corporation, giải thích trong một cuộc phỏng vấn rằng các cổng kết nối độc quyền đã giúp những nhà sản xuất thiết bị “gắn bỏ với hệ sinh thái” bởi vì người dùng có thể không muốn từ bỏ các phụ kiện đã bỏ tiền ra mua. Điển hình là ngành công nghiệp PC.

Chẳng hạn, các nhà cung cấp như Dell và Lenovo đã từng có những cổng kết nối độc quyền cho bộ sạc laptop và đế cắm của họ. Chúng không chỉ là những phụ kiện có lợi nhuận cao mà còn thúc đẩy người dùng tiếp tục mua từ cùng một nhà cung cấp bởi chúng sẽ tương thích với các phụ kiện đã có. Nhưng ngay cả khi ngành công nghiệp PC phần lớn đã chuyển sang USB-C, các nhà cung cấp vẫn tiếp tục cho thấy mức thu nhập lớn hàng quý của họ.”

Nhưng USB chỉ là cổng kết nối, liệu nó có hoạt động với mọi thiết bị?
[​IMG]Dù USB-C xuất hiện trong nhiều thiết bị, từ laptop cho đến ổ cứng hay smartphone, thế nhưng, không phải bộ sạc USB-C nào cũng cung cấp tốc độ và chức năng sạc giống nhau.

USB là một cổng kết nối tiêu chuẩn công nghiệp, được dùng để truyền dữ liệu và nguồn điện trong một sợi cáp duy nhất. Nhưng trong USB, các cổng khác nhau mang đến những khả năng sạc khác nhau. Những biến thể của USB bao gồm microUSB, miniUSB, USB Type A, USB Type B và mới nhất là USB Type-C. USB Type-C, hay còn viết tắt là USB-C, được thiết kế hướng đến việc cung cấp năng lượng để sạc cho nhiều thiết bị, chẳng hạn như laptop và smartphone.

Mọi cổng USB-C đều có cùng kích thước và hình dạng, nhưng các thế hệ cổng khác nhau lại mang đến tốc độ truyền tải dữ liệu và sạc khác biệt. Chẳng hạn, các sợi cáp và cổng USB-C được gắn nhãn USB 3.2 Gen 1 hoặc Gen 2 hay thế hệ mới hơn thường gợi ý rằng đó sẽ là một cổng kết nối nhanh hơn. Nhưng một biến thể mới đã xuất hiện trong năm 2021, đó là USB 4.

Quan trọng hơn, USB-C hỗ trợ tích hợp Thunderbolt 3 và Thunderbolt 4, mang đến tốc độ sạc nhanh hơn nhưng lại giảm đi mức điện năng tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa rằng bạn chỉ cần một sợi cáp để sạc và truyền thông tin. Cũng cần lưu ý thêm rằng không phải tất cả USB-C đều hỗ trợ Thunderbolt, nhưng điều đó vẫn ổn vì đã có USB 4.

Bryan Ma cho biết, sẽ là một thách thức để hiểu các chuẩn bên trong như thế nào, nhưng thường chúng sẽ đề cập đến tốc độ truyền dữ liệu thay vì sạc.

Để sạc, người ta cần đảm bảo rằng nguồn của bộ sạc có công suất phù hợp với thiết bị, chẳng hạn như với các thiết bị lớn hơn như laptop thường sẽ đòi hỏi năng lượng cao hơn. Hơn nữa, một số giải pháp sạc nhanh nhất định từ các nhà cung cấp như Oppo sử dụng những bộ sạc độc quyền để đạt được khả năng sạc như vậy, kể cả cổng kết nối cũng là USB-C.”

Sag hoàn toàn nhất trí với Ma, bổ sung thêm rằng chúng ta trước đây từng thấy các phiên bản công nghệ khác nhau, như Quick Charge của Qualcomm. Theo Ủy ban EU, họ cũng đã có một đề xuất đối với công nghệ tương thích với mọi bộ sạc USB-C. Điều này sẽ giống với công nghệ Quick Charge của Qualcomm, vốn được tạo ra để trở thành một tiêu chuẩn và có thể thích nghi với USB-C để sạc điện thoại nhanh hơn.

Với Quick Charge, Qualcomm đặt mục tiêu tạo ra một tiêu chuẩn sạc nhanh để các hãng sản xuất điện thoại có thể tận dụng mà không tốn quá nhiều công sức. Dù tiêu chuẩn này là một trong những công nghệ đầu tiên có thể đạt mức 18W, thế nhưng, con số này vẫn được duy trì trong nhiều năm trước khi các nhà sản xuất tung ra những giải pháp sạc nhanh của riêng họ, chẳng hạn như 65W hay 120W.

Sag cho biết: “Tuy nhiên, khả năng của USB 4 sử dụng USB-C tiếp tục sẽ khiến những thứ này trở nên không cần thiết nhờ có các khả năng và tính năng hoàn toàn mới.”

Liệu việc chuẩn hóa USB-C có thực sự giảm thiểu rác thải điện tử?
Quyết định của EU cũng sẽ giúp giảm thiểu rác thải điện tử bằng cách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các bộ sạc hiện có của họ khi mua thiết bị mới. Theo EU, hơn 11.000 tấn bộ sạc đã bị vứt đi mỗi năm do các vấn đề không tương thích.

Shah giải thích rằng yếu tố này của việc chuyển sang USB-C sẽ mang đến lợi ích cực lớn cho nhiều nhà sản xuất.

Nhiều nhà sản xuất sẽ ngừng tặng kèm bộ sạc, giúp giảm hàng triệu tấn nhựa, bao bì cũng như lượng khí thải carbon. Ngoài ra, việc có một bộ sạc 75W phổ biến trong nhà, với khả năng sạc nhanh cho điện thoại, tablet hoặc laptop của bạn, cũng sẽ giảm hơn nữa nhu cầu có nhiều bộ sạc trong nhà của bạn.”

Dù Sag tin rằng đây sẽ là một bước đi tích cực trong việc giảm thiểu rác thải điện tử, nhưng nó sẽ mất nhiều thời gian hơn để có hiệu lực. “Ban đầu, nó sẽ không giúp giảm lượng rác thải điện tử, nhưng về lâu về dài, tôi tin nó sẽ làm được. Chúng ta cần sự bền vững hơn trong toàn ngành.”

Nguồn: vnreview