Cùng đến từ Đan Mạch, Dynaudio – Gryphon là cặp bài trùng phối ghép với những màn trình diễn có độ động cao, sân khấu thoát, các dải tần được kiểm soát chặt, đặc biệt là tái tạo được âm trầm sâu và đẹp. Hệ thống phối ghép giữa loa Dynaudio C1 Signature, ampli Gryphon Diablo, đầu đọc Scorpio đã mang lại cho chúng tôi những trải nghiệm âm thanh giàu nhạc tính, dựng nên sân khấu hoành tráng ngay cả với diện tích phòng nghe chưa đầy 20m2.

Dynaudio C1 Signature
Nếu Plantinum là đôi loa cột tham chiếu của Dynaudio, thì C1 Signature là bản tham chiếu của dòng bookshelf. Sau thành công của dòng Confidence, phiên bản Signature đã bổ khuyết những điểm trừ của thế hệ trước, mang lại khả năng trình diễn vẹn toàn, nhẹ nhàng và tự nhiện hơn.
 
 
Dynaudio C1 Signature có thiết kế hai đường tiếng với loa woofer bố trí nằm trên loa tweeter. Kiểu xếp ngược này là một trong những công nghệ chủ chốt của dòng Confidence có tên DDC (Dynaudio Directivity Control), giúp hạn chế hơn 75% nhiễu động âm do tác động phản xạ của tường bên, trần và sàn. Loa woofer màng magie-silicat và tweeter huyền thoại Esotar 2 bố trí cố định trên tấm kim loại, cách ly với thùng loa bằng tấm gỗ dày, giúp loa con hoạt động ổn định mà không lo các tác động rung do cộng hưởng thùng ảnh hưởng đến màng loa.
 
Loa con Esotar2 phiên bản Signature được tối ưu hoá bằng lớp phủ đặc biệt trên bề mặt dome lụa. Lớp phủ này giúp C1 Signature có dải cao mượt, chi tiết và tự nhiên hơn thế hệ trước. Điểm khác biệt đáng chú ý của dòng Signature so với phiên bản C1 cũ là bộ phân tần. Dựa trên chất âm của hai thiết kế loa Sapphire (phiên bản kỷ niệm 30 năm thành lập Dynaudio) và Consequent Ultimate Edition, Dynaudio, bộ crossover của C1 Signature được tinh chỉnh tối ưu với dàn linh kiện cao cấp hơn, ngay cả dây dẫn bên trong cũng được nâng lên một bậc.
 
Về kiểu dáng bên ngoài, Dynaudio C1 Signature mang lớp áo sơn mài lacquer với các dòng veneer gỗ đắt tiền vốn chỉ sử dụng cho các mẫu loa đầu bảng.
 
Gryphon Diablo
Mẫu ampli tích hợp Gryphon Tabu đã ngừng sản xuất, nhưng vẫn là món hàng hiếm, được giới audiophile thế giới đánh giá cao và săn lùng gắt gao trên các trang bán hàng second hand. Sau Tabu, Gryphon tiếp tục duy trì ưu thế thiết kế dòng ampli tích hợp bằng việc ra mắt ampli Diablo. Là một trong số ít ampli tích hợp được xếp vào hạng tham chiếu, Gryphon Diablo có khả năng đặc biệt, kiểm soát và chinh phục nhiều đôi loa với kích thước đồ sộ, khó kéo.
 
 
Triết lý thiết kế Gryphon luôn gắn với bộ ba kỹ thuật đặc trưng: mạch thiết kế mono cân bằng, không hồi tiếp âm, nguồn xuyến lớn. Với công suất đầu ra 250W/8Ohm, Diablo sở hữu trọn vẹn các công nghệ mang tính chủ chốt của hãng. Máy có thiết kế mạch True Dual Mono cân bằng hoàn toàn với hai biến thế Holmgrem lớn, không dùng hồi tiếp âm. Dù những tên tuổi hàng đầu của Gryphon đều sử dụng mạch Class A thuần, nhưng với mức đầu tư có giới hạn cùng thiết kế chassis đơn khối, Diablo sử dụng mạch Class AB, ở 7W đầu tiên, chiếc ampli tích hợp này sẽ chạy ở Class A.
Để có độ sai biệt thấp nhất, Diablo hạn chế tối đa sử dụng điện trở trong bảng mạch, nhất là với chiết áp âm lượng. Chiết áp 50 bước của ampli này không sử dụng điện trở mà trang bị rờ le với hệ thống kiểm soát bằng vi xử lý. Ngoài chất lượng trình diễn, ngoại hình của Diablo cũng là điểm mạnh so với các đối thủ. Bên cạnh những đường nét sắc cạnh, các chi tiết ở mặt lưng, cánh tản nhiệt như một tác phẩm nghệ thuật hiện đại, Diablo còn trang bị màn hình hiển thị huỳnh quang chân không sáng xanh rất cuốn hút với hệ thống điều khiển cảm ứng hoàn toàn.
 
Gryphon Scorpio
Gryphon Scorpio thừa hưởng nhiều công nghệ từ đầu đọc tham chiếu Mikado Signature, trong đó vẫn duy trì thiết kế mạch cân bằng với khả năng xử lý tín hiệu digital 32-bit, tần số lấy mẫu 192kHz. Đầu đọc này có thiết kế nhỏ gọn. Hệ thống hiển thị sử dụng đèn huỳnh quang chân không sáng xanh với dàn nút điều khiển cảm ứng. Bộ cơ của Scorpio bố trí ở giữa. Thiết kế transport này có nguồn gốc từ châu Âu, được gia cố chống rung bằng các kỹ thuật riêng của Gryphon.
 
 
Tuy có chassis nhỏ gọn, nhưng bên trong Scorpio có đến ba biến thế nguồn của Noratel. Trong đó có một đôi biến thế nằm trên mạch analog cùng hệ thống tụ nguồn 30.000uF là bộ cấp nguồn mono cho mạch khuếch đại dual analog. Sở dĩ có bộ nguồn lớn như vậy là do mạch khuếch đại đầu ra của Scorpio hoạt động 100% Class A. Đây là thiết kế quan trọng, đảm bảo chất lượng âm thanh trình diễn có độ chính xác cao và tự nhiên. Biến thế nguồn còn lại bố trí rời ở đáy chassis, có nhiệm vụ cấp nguồn cho bộ cơ và mạch digital.
 
Hệ thống giải mã của Scorpio có cấu hình tương tự đầu đọc Mikado Signature. Sau khi tín hiệu digital đọc từ mắt laser được nâng tần số lấy mẫu lên 32-bit/192kHz, bộ tứ chip giải mã AKM AK4397 sẽ làm nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu từ digital sang analog theo mạch cân bằng hoàn toàn. Để đảm bảo hoạt động của mạch digital chính xác, Scorpio sử dụng đôi clock tạo xung chủ được Gryphon tối ưu hoá nhằm đảm bảo độ sai biệt jitter thấp nhất.
 
Sân khấu lớn, chi tiết và đĩnh đạc
Việc phối ghép giữa đầu đọc Gryphon Scorpio và Diablo mang lại ưu thế đáng kể về đường tín hiệu balance, bởi cả hai đều có thiết kế mạch dual mono, giúp nhiễu tín hiệu dạng crosstalk ở hai kênh từ nguồn vào đến đầu ra của ampli ở mức thấp nhất. Hệ thống sử dụng dây nguồn Stealth Dream V12, dây loa và dây tín hiệu Zensati No.3. Đôi loa Dynaudio C1 Signature bố trí trên bộ chân Stand4 (của Dynaudio) được set-up toe-in (mặt loa hướng vào người nghe) một góc nhỏ khoảng 15 độ với phòng nghe có diện tích dưới 20m2.
 
Café Blue – album không thể thiếu trong tủ đĩa của audiophiles – được chúng tôi chọn nghe đầu tiên. Track 11, Nardis dài hơn 9 phút, là bản test hoàn hảo, gồm đầy đủ vocal, cympal, bass và những đoạn đánh rất bốc, đủ để làm khó những hệ thống hai kênh. Hệ thống Dynaudio – Gryphon “thả” những nốt piano tròn, đầy tiếng với không gian nở rộng. Tiếng đệm contra-bass nổi lên ở giữa sân khấu với hiệu ứng trầm căng, đầy, không bị rung khiến chúng tôi phải gật gù theo giai điệu. Đến đoạn cao trào với sự pha trộn của nhiều nhạc cụ, tốc độ được đẩy cao, bộ dàn đã thuyết phục chúng tôi với khả năng chia rõ vị trí của nhạc cụ và lớp không gian một cách tài tình. Người nghe có thể cảm nhận được âm bass, tạo ra từ những cú đạp trống chạy sát nền nhà với độ dàn trải ấn tượng.
 
Một album khác cũng có từ “Blue” và “Café” là The Blue Café của Chris Rea. Track Thinking Of You không phải là bản phối đẹp, nhưng hệ thống vẫn truyền tải tốt tinh thần của bài hát, nhất là vocal đặc trưng của Christopher Anton Rea. Trung âm thoát ra khỏi màng loa và được dựng lên ở giữa hai loa một cách rõ nét chứng tỏ hệ thống có khả năng thể hiện âm hình tốt. Bởi bản phối này thường bị bóp dẹt và gần như không có âm hình ở các bộ dàn tầm trung.
 
Trình diễn linh hoạt, độ động cao, phân tách tầng lớp là những ưu điểm khó tin từ hệ thống sử dụng loa bookshelf. Tuy nhiên, khi bộ dàn có sự hoà hợp tốt, người nghe sẽ có được những đặc tính âm thanh kỳ diệu này. Plays Back – Encore là album đáng nể khác của Terlac. Bộ tam tấu Play Bach Trio dẫn đầu bởi Jacques Loussier, nghệ sĩ dương cầm kiêm nhà soạn nhạc người Pháp thể hiện những tuyệt phẩm của Bach với những màn trình diễn đầy năng lượng và phấn khích. Độ động, chi tiết và âm hình của sân khấu được hệ thống chơi thuyết phục, nhất là bộ gõ với những âm trầm sâu và lan toả.

Thái Duy/ Songmoi.vn