HFVN – Trong thời gian gần đây, vintage audio (thiết bị âm thanh cổ) là phần khúc khá lớn trên thị trường âm thanh Việt Nam. Ampli vintage chạy bóng điện tử, đặc biệt là hai “chủng” EL84 và 7591 thuộc hàng “hot” với nhiều ưu điểm: chất âm ngọt, dễ tìm bóng và giá bán hợp lý.

fisher500c.top

Trong bài viết dưới đây, chúng tôi giới thiệu 9 thiết kế ampli tích hợp chạy đèn thập niên 60, 70 (thế kỷ XX) trong tầm giá 500-1.000 USD có khả năng mang đến màn trình diễn khiến nhiều người ngạc nhiên. Đây cũng là những “báu vật” âm thanh đáng ưu tầm.

FISHER 500C

Là một trong những dòng vintage đầu tiên du nhập vào Việt Nam, ampli Fisher nổi tiếng với các model 500C, 800C, 400B. Trong đó, Fisher 500C được ưu chuộng hơn cả.

fisher500c

Fisher 500C có thiết kế dạng receiver đèn tích hợp bộ thu sóng FM, công suất 30W (8ohm). Do tích hợp bộ thu sóng FM, nên Fisher 500C sử dụng 21 bóng đèn với phần chính gồm 7 bóng pre 12AX7 và bộ 4 bóng công suất 7591.

Fisher 500C cho phép hiệu chỉnh bass, treble và loudness, hỗ trợ các đường vào linh hoạt, gồm phono mono, phono stereo và tape head. Chất âm nổi bật ở dải trầm với đặc thù của bóng 7591. Ampli cho bass sâu, dải cao chi tiết. Tiếc là trung âm hơi thiên “ấm”, đôi khi khiến người nghe có cảm giác méo ở dải trung.

– Giá tham khảo: 500-700USD

LUXMAN SQ-38FD

Luxman SQ-38 đã trở thành “thương hiệu” vintage nổi tiếng với nhiều mẫu sản phẩm như: SQ-38, SQ-38F, SQ-38D, SQ38-FD, SQ38 Signature… Hiện tại, Luxman vẫn tiếp tục sản xuất đời 38 với model SQ-38u. Tuy nhiên, thay vì sử dụng bóng 50CA10, hãng đã thay bằng EL34. Sự khác biệt giữa các dòng SQ-38 vintage không nhiều, nhưng phiên bản FD vẫn được xem là nhỉnh hơn và có giá trị hợp lý hơn phiên bản Signature.

luxmansq38fd

SQ-38FD khiến người hâm mộ vintage mê mẩn ngay từ cái nhìn bên ngoài. Mặt máy trắng sáng. Nút máy được gia công sắc sảo kết hợp với vỏ gỗ khiến tổng thể ampli này khá hoành tráng. SQ-38FD có công suất 30 W/kênh, sử dụng 4 bóng 50CA10 (rất khó tìm). Phần pre chạy ba bóng 12AX7, ba bóng 12AU7 và hai bóng 6267. SQ-38FD nắn điện bằng diode DS-16A và DS-16C sử dụng biến thế xuất âm loại Luxamn OY15.

Luxman cho chất âm hơi khô ở trung và cao âm khi so với thiết kế củaPilot, Eico hay Scott… Tuy nhiên, dải trầm khá tốt, âm hình rõ và dày tiếng. Khi chọn SQ-38FD, người chơi nên đo và kiểm tra tình trạng 4 bóng 50CA10. Bởi nhóm bóng này dường như đã tuyệt chủng.

– Giá tham khảo: 700-1.000USD

PILOT SM-245

Hiện nay, Pilot được đánh giá rất cao ở thị trường vintage, chỉ xếp sau LEAK. Trong đó, model SM-245 là ampli tích hợp khó có đối thủ khi được set-up bóng tốt trong tầm giá 1.000USD. Pilot SM-245 kết hợp của hai “mảnh ghép” gồm poweramp huyền thoại SA-232 (chỉ sếp sau LEAK ST-20 ở dòng khuếch đại vintage chạy bóng EL84) và preamp SP-210.

pilot sm-245

Pilot SM-245 có mặt vàng sáng phay xước. Toàn bộ nút điều chỉnh đúc từ kim loại. Máy có đèn báo nguồn và các đèn báo ngõ vào ở núm Selector. Pilot SM-245 chạy 12 bóng, bao gồm 6 bóng 12AX7, một bóng 12AU7 (dùng để đảo pha), một bóng nắn GZ34 và 4 bóng công suất EL84. Bên cạnh thiết kế mạch đặc biệt, bộ biến thế nguồn và xuất âm của Chicago được đặt hàng theo tiêu chuẩn riêng, góp phần tạo nên chất âm “vàng” cho Pilot SM-245.

Khi thưởng thức SM-245, người chơi không có cảm giác nghe đó vintage cũ kỹ, âm thanh tối màu. Trái lại, chất âm của SM-245 sạch, trong và dày tiếng, đặc biệt là dải trầm chắc gọn. Đó là những đặc tính khiến đồ Pilot luôn có giá bán khá đắt trên thị trường.

– Giá tham khảo: 900-1.200USD

H.H SCOTT 222C

Những sản phẩm audio của H.H Scott (Hermon Hosmer Scott) có thiết kế hài hoà, đẹp, đậm chất “vintage”. Nổi tiếng với chất âm dịu ấm và dễ nghe, nên hầu hết nhà sưu tập thường tìm mua “xí-cốt”. Dù có nhiều nhận định khác nhau về sản phẩm hay nhất của Scott, nhưng chúng tôi cho rằng model 222C (phiên bản Scottkit LK-48) xứng đáng đứng ở vị trí số 1 trong nhóm ampli tích hợp.

h.h-scott-222c

Scott 222C sở hữu thiết kế mặt vàng phay xước, đèn power nguồn ở giữa, các nút điều khiển bố trí hai bên, nguyên thuỷ máy có vỏ gỗ. Cấu hình gồm 4 bóng 12AX7, một bóng 6AU8 (hoặc 7199), nắn điện bằng 5AR4, công suất chạy 4 bóng 7189 (tương đương EL84/6BQ5). Scott 222-C cho phép chỉnh âm sắc từng kênh riêng biệt qua 4 nút, hỗ trợ đường vào phono, có thể chạy mono.

Scott 222C dễ dàng hút hồn những người lần đầu nghe “xì-cốt” bằng trung âm ấm áp, dải cao sống động với độ chi tiết cao. Đặc biệt, ampli này thể hiện âm hình với độ sâu và rộng đáng kể.

– Giá tham khảo: 700-1.000USD

EICO ST-40

Cùng với model HF-81 luôn được dân chơi vintage ca tụng, ST-40 cũng là “báu vật” của EICO – nhà sản xuất thiết bị điện tử ra đời năm 1945 có trụ sở tại New York (Hoa Kỳ).

eico st-40

Không có nút nâu mặt vàng sáng trang nhã như HF-81, thiết kế của Eico ST-40 hơi thô. Mặt máy làm bằng nhôm mờ, có gờ lõm được sơn nâu hoặc đen (tuỳ đời). Các núm vặn đa phần là nút hai tầng bằng nhựa. Eico ST-40 chạy 4 bóng công suất 7591 ở chế độ class A, cho công suất 20 W/kênh, nắn điện bằng GZ34/5AR4. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, người chơi khó lòng hoàn tất việc bắt cọc loa. Do các ampli đèn thông thường ở cọc dương chỉ chọn cổng 4, 8 hoặc 16ohm, trong khi Eico ST40 lại chia việc chọn trở kháng cọc loa ở loa trái/phải theo hai kiểu khác nhau. Ở kênh trái đấu dây theo kiểu chọn trở kháng thích hợp, nhưng ở loa phải cần thêm đoạn dây phụ nối từ cổng C đến cổng trở kháng thích hợp. Sau đó, hai cọc của loa phải được nối vào hai cổng đánh dấu “2”.

Ưu điểm của ST-40 là khả năng kiểm soát và kéo tốt nhiều loại loa, nhưng vẫn đảm bảo độ trầm ấm của đèn. Khi ghép Eico-ST40 với Dynaudio Special 25, ampli vintage này dễ dàng điều khiển đôi “Dyn”, mang đến dải trầm rất tốt, trung âm mềm và dày, dải cao mượt.

– Giá tham khảo: 600-900USD

HEATHKIT AA-151

Heathkit có khá nhiều mẫu ampli tích hợp được với vintage săn lùng như AA-32, AA-100, AA-151 hay các poweramp W4m, W5m, W6m. Tương tự các mẫu tích hợp của Heathkit, ampli AA-151 sở hữu kiểu dáng độc đáo, mang thiết kế đặc trưng với bộ nút tròn răng cưa, nắp máy phủ lớp nhựa vinyl giả da đẹp mắt.

heathkit-aa-151

Heathkit AA-151 có công suất 14 W/kênh, sử dụng bóng công suất EL84, phần preamp chạy hai bóng 6EU7, hai bóng 6AU6, hai bóng 6AN8, nắn điện bằng GZ34. Ampli AA-151 cũng hỗ trợ kết nối phono. Ngoài khả năng hiệu chỉnh âm sắc hai dải bass và treble, máy còn có nhiều mode hoạt động như chạy mono, phát từng kênh. Nhưng người nghe thường chỉ dùng mode Stereo Norm (normal).

Hiện tại, thì trường có khá nhiều máy vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên trạng. Nếu trang bị toàn bộ bóng Mullard hoặc phối giữa Mullard và Telefunken, Heathkit AA-151 có thể cho âm trầm tốt kết hợp chất âm dịu dàng, đậm đà quyến rũ.

– Giá tham khảo: 700-1.000USD

SANSUI 1000A

Thương hiệu Sansui rất gần gũi với audiophile qua những model bán dẫn “bình dân” như: AU-607Alpha, 607 Extra hay AU-77… Tuy nhiên, những gì tinh tuý nhất lại nằm ở những model vintage chạy đèn như poweramp Q3535, AU-70, AU-111 và reciever 1000A. Ra đời năm 1964, Sansui 1000A là bản nâng cấp của model 1000, nhưng phải đền những năm đầu thập niên 70 (thế kỷ XX), receiver này mới dược sản xuất rộng rãi.

sansui1000a

So với model 1000, receiver 1000A có cấu trúc mạch phức tạp hơn rất nhiều với mong muốn mang đến độ méo hài thấp ở ngưỡng 1%. Sansui 1000A có công suất 40 W/kênh, dùng bộ tứ bóng công suất 7591. Một số audiophiles đã đổi từ bóng 7591 sang 6L6, khiến chất âm nguyên thuỷ của máy biến đổi.

Sansui 1000A thường được ghép với dòng loa Pioneer CS-99A hay AR4. Song, người chơi có thể ghéo receiver này với những dòng loa bookshelf thế hệ mới. Sansui 1000A cho chất âm tự nhiên, kiểm soát đều ba dải, phần bắt sóng FM chính xác, cho chất âm tốt.

– Giá tham khảo: 500-700USD

DYNACO SCA-35

Được biết đến với những poweramp ở dạng kit như ST-70, Dynakit Mark III, Dynakit Mark IV, Dynaco là thương hiệu mà hầu hết người mê đồ vintage đều kinh qua. Trong đó, Model SCA-35 là thiết kế ampli tích hợp đầu tay của Dynaco.

dynaco_sca-35

Máy có thế kế đơn giản, không cá tính như các sản phẩm của Heathkit, Eico, Pilot… SCA-35 là sự pha trộn của một preamp đơn giản chạy hai bóng poweramp Dynaco ST-35 dùng 4 bóng EL84, nhưng lại khác ở việc sử dụng bóng đầu. Mạch công suất trong máy chạy hai cây  7199 (tương tự power ST-70, Mark IV).

Tương tự ampli vintage chạy bóng EL84, Dynaco SCA-35 có thể ghép tốt loa bookshelf hoặc dòng loa vintage lớn có độ nhạy cao của Altec Lasing, LEAK… SCA-35 mang đến người sưu tập giọng đèn rõ, dải cao êm. Tuy nhiên, phần xử lý về độ chi tiết và dải trầm chưa thật tốt. Khi so sánh test A/B giữa bộ Dynaco preamp PAS-3/ power ST-35 và SCA-35, chúng tôi nhận thấy sự chênh lệch khá lớn, nhất là khả năng kiểm soát ở các dải.

– Giá tham khảo: 400-600USD

EICO HF81

Sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến Eico HF81 do mẫu ampli vintage này có khả năng đánh bại hầu hết thiết kế ampli đèn chạy mạch single-end có cùng công suất với điều kiện được khôi phục gần như nguyên trạng về chỉ số các linh kiện như: tụ, trở…

eico_hf81

Eico HF81 có ngoại hình hấp dẫn với mặt máy vàng, khung máy kim loại nâu, thông tin về các chức năng, nguồn phát được khắc sâu trên mặt máy. Với công suất 14 W/kênh, Eico HF-81 sử dụng cấu hình bóng khá đơn giản gồm 4 bóng 12AX7, hai bóng nắn EZ81 và 4 bóng công suất EL84.

Độ chi tiết và âm hình mà Eico HF-81 thể hiện có thể khiến người nghe nhạc nhiên. Hơn nữa, màu êm dịu bóng đèn sẽ được ampli rải từ trung âm đến dải cao, cho cảm giác dễ chịu. Đối tác của Eico HF81 thường là những đôi Altec Lansing như: Valencia 846A, Altec 604, Santana… Dù vậy, thử nghiệm với Dynaudio dòng Focus hay Reference 3A MM Decapo-I vẫn khiến người nghe hài lòng.

– Giá tham khảo: 800-1.100USD

KINH NGHIỆM CHỌN MUA VÀ SỬ DỤNG AMPLI VINTAGE

  • Biến thế nguồn và xuất âm là phần quan trọng nhất của ampli vintage. Vì thế, chúng ta cần kiểm tra các biến thế này còn nguyên thủy hay không.
  • Nếu mua từ nước ngoài với tình trạng máy đã lâu không sử dụng, nên nhờ chuyên gia kiểm tra lại toàn bộ mạch.
  • Trị giá của máy vintage phụ thuộc vào độ “zin” của các biến thế, vỏ máy và chất lượng bóng trang.
  • Nhờ chuyên gia kiểm tra mạch theo schematic, các trị số tụ nguồn, tụ nối tầng, điện trở… Bởi các linh kiện này thường bị sai số dẫn đến lệch âm…
  • Nên đầu tư các dòng bóng châu Âu như: Mullard, Telefunken, Valvo, Amperex… để khai thác tối đa khả năng trình diễn của ampli.
  • Để có chất âm hài hòa, người nghe có thể phối các bóng pre (12AX7, 12AU7…) Telefunken cùng bóng công suất Mullard hoặc ngược lại.
  • Người chơi có thể tự đóng thùng gỗ để ampli trông hấp dẫn và “cổ” hơn.

Nghe Nhìn Việt Nam

 

Bình luận: