Bỏ ra khoản tiền không lớn để có được âm thanh hi-end là giấc mơ của audiophile. Giấc mơ này hiếm khi được các nhà sản xuất hiện thực hóa vì lý do lợi nhuận. Nhưng Mark O’Brian – một quái kiệt âm thanh, lập ra Rogue Audio để… chơi cho “đã” – nên chẳng nề hà chuyện làm. Ampli tích hợp Sphinx là câu trả lời thuyết phục nhất của Mark trước quan điểm: “Hi-end có rẻ được không?”

Tại Việt Nam AV Show 2013 đã xuất hiện hệ thống được nhiều người ưu ái tặng cho tên gọi “hi-end trong tầm tay”, bao gồm ampli tích hợp hybrid Class D Sphinx (Rogue Audio) giá 1.500 USD và cặp loa mành MMG của Magneplanar giá 1.000 USD. Bộ đôi này có giá trị không bằng cọng dây dẫn tên tuổi, song lại có khả năng tái hiện sân khấu âm thanh lớn cùng giọng ca ấm, mượt, dịu dàng từ dải thấp đến dải cao với cả nguồn âm digital lẫn analog. Đặc biệt, loa mành thường khó đánh ra âm bass, thì với Sphinx, MMG đã đẩy ra những âm trầm đẹp khiến người nghe hài lòng.
 
Khá ấn tượng về Sphinx, trước hết là âm thanh, tiếp đến là thiết kế (ampli lai tích hợp, có sẵn mạch phono) và cuối cùng, nhưng rất quan trọng là giá bán hợp lý (1.500 USD). Chúng tôi đã liên lạc với nhà phân phối để được trải nghiệm sản phẩm này, ngõ hầu giới thiệu đến độc giả chiếc ampli chất lượng trong tầm tiền mà nhiều người có thể “chịu đựng”.
 
Kiểu dáng thiết kế
Phân phối tại Việt Nam với hai màu đen và bạc, Sphinx có kích thước của ampli bán dẫn loại trung bình với hình thức giản dị. Mặt trước bố trí ba nút vặn cho các chế độ chọn nguồn tín hiệu, nút balance và nút chỉnh âm lượng. Bên cạnh nút ấn phụ trách đóng, ngắt nguồn điện, hãng bố trí ngõ cắm 6mm cho headphone. Là ampli có tầng công suất class D, máy không xuất hiện các tấm tản nhiệt gồ ghề. Bù lại, nắp máy bố trí nắp lưới nằm phía trên hai đèn của mạch tiền khuếch đại có tác dụng thoát hơi nóng cho cặp bóng này khi hoạt động.
 
 
Đơn giản, gọn gàng, không có những chi tiết kiểu “hi-end”, bộ cánh của Sphinx được thiết kế theo triết lý thực dụng đặc trưng của người Mỹ: “Giá trị của sản phẩm nằm trong quá trình sử dụng, không phung phí cho các chi tiết mang tính hình thức”.
 
Là một trong nhưng ampli tích hợp hiếm hoi dưới 2.000 USD, nhưng Sphinx có công suất lên đến 100 W/kênh và cả mạch phono MM/MC lắp sẵn. Có thể trên thị trường cũng tồn tại một số sản phẩm tương tự, nhưng về bản chất có nhiều khác biệt. Thứ nhất, mạch công suất class D của Sphinx là một trong những thiết kế tối tân nhất với chế độ triode trong các dòng tăng âm class D; thứ hai, Sphinx được thiết kế, lắp ráp và hoàn thiện 100% tại Mỹ, trong khi đa số sản phẩm rẻ tiền đều có xuất xứ Trung Quốc, vốn hiếm khi khiến giới audiophile yên tâm.
 
Tầng công suất class D sử dụng cặp chip UcD180HG (cùng loại được lắp trong ampli công suất Hypex) cho công suất tối đa 100 W/kênh 8Ohms hoặc 175 W/kênh 4Ohms. Ampli sử dụng biến áp nguồn xuyến có công suất 375 VA. Đặc biệt, hệ số kiểm soát loa (damping factor) rất cao, trên 1.000 có thể giúp ampli chơi tốt với nhiều cặp loa lớn, khó đánh, kiểm soát quá trình vận hành của các loa woofer một cách chặt chẽ, ổn định. Ở mạch tiền khuếch đại, Mark sử dụng cặp bóng 12AU7 với sự đảm bảo về độ méo ở mức thấp nhất, gần như không có khác biệt so với ampli bán dẫn toàn phần.
 
Lắng nghe
Đây không phải là lần đầu chúng tôi trải nghiệm ampli class D của Rogue Audio. Nhưng Spinx, với giá bán chỉ bằng 1/3 Medusa lại cộng thêm mạch tiền khuếch và nhiều tính năng khác như headphone, phono… khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, sự nghi ngờ này có phần thừa khi chúng tôi nghe Sphinx song ca cùng Magnepan MMC tại Việt Nam AV Show 2013. Song, việc nghe thẩm định tại triển lãm là điều không tưởng vì hàng nghìn lượt khách ra vào phòng nghe liên tục, cộng với phòng nghe dành cho kinh doanh khách sạn, nên không đủ tiêu chuẩn để thẩm âm.
 
Sau triển lãm, chúng tôi đã mượn Sphinx từ nhà phân phối và phối ghép trong phòng nghe quen thuộc cùng nhiều dòng loa khác nhau để có được cảm nhận xác thực nhất. Phần nguồn của hệ thống tham chiếu là đầu đọc sử dụng xuất âm bóng đèn AMR CD-77, dây dẫn của Synergistic Research cùng loa Magnepan MMG, Chario Sygnus và O’heocha Exclusive 6063. Phần lớn loa tham gia thẩm định là loa cột, từ vừa đến lớn, nên hệ thống được bố trí trong phòng nghe khá rộng, khoảng 40m2.
 
 
Khởi đầu với cặp loa O’heocha của Ireland đặt cách nhau 4,5m. Sphinx không gặp bất cứ khó khăn nào để tạo dựng sân khấu âm thanh hoành tráng trước mặt người nghe. Dòng loa độc đáo của Ireland vốn không dễ đánh. Nhưng khi gặp đối tác phù hợp, nó sẵn sàng cống hiến những màn trình diễn âm thanh như nhạc sống với kích thước sân khấu mở rộng mà không loãng, hình âm chặt chẽ. Âm thanh của cặp loa có giá 10 nghìn USD khi kết hợp cùng Sphinx cho chúng tôi cảm giác của âm thanh phát ra từ những cặp loa ở đẳng cấp 20-30 nghìn USD: dày dặn, vững, khoáng đạt và tự nhiên. Giọng loa trầm ấm và ngọt đặc trưng của O’heocha được tái tạo không lẫn vào đâu. Nó vừa có cảm xúc của những âm thanh mang hơi hướm ngọt ngào, dễ nghe của dòng loa vintage, vừa có tốc độ và không gian chính xác của công nghệ chế tạo âm thanh hiện đại. Dù hai loa để xa nhau, nhưng hệ thống vẫn xác lập âm hình chuẩn với vị trí của nhạc công, ca sĩ trong dàn nhạc được định vị đúng. Với thể loại nhạc nào, jazz, classic hay pop, rock, hệ thống vẫn tái hiện nuột nà, không có dấu hiệu của chói gắt hay méo âm. Đặc biệt, trung âm dày, không có cảm giác bị mỏng tiếng như một số ampli chạy class D theo công nghệ cũ. Nhờ có tiếng trung và trung trầm khá đầy mà giọng hát của ca sĩ được tái hiện truyền cảm, sâu lắng. Âm trầm của Sphinx khá ổn, theo hướng êm và sâu lắng chứ không mạnh mẽ, kích động như ampli bán dẫn thông thường. Tất nhiên, âm bass của Sphinx chưa thể nhanh và biến hóa như Medusa. Song chúng tôi không gặp phải trở ngại đáng kể khi thưởng thức.
 
Chuyển qua cặp loa Chario Sygnus, âm thanh của hệ thống tức thì thay đổi theo giọng khác. Sygnus có dải cao mở hơn, âm trầm gọn hơn, nhưng giọng trung không dầy dặn như O’heocha. Âm nhạc tái hiện trong trẻo, chi tiết và có phần tươi sáng hơn qua cặp loa Sygnus. Giọng ca của Nina Simon khi Sphinx phối với O’heocha mang đến người nghe cảm xúc gần với sự bi lụy, chán chường (bản My Man’s Gone Now). Cảm giác của sự mất mát và tuyệt vọng. Nhưng khi nghe qua Sygnus, nó lại thiên về sự oán giận, tủi hờn. Mỗi hệ thống khiến người nghe có những cảm xúc khác nhau, qua cùng một bài hát, một bản ghi. Sự trong trẻo, chi tiết của Sygnus khi kết hợp với Sphinx phù hợp với thể loại nhạc cổ điển.
Chuyển qua cặp loa Magnepan MMG, chúng tôi tái hiện lại hệ thống đã hớp hồn nhiều khách tham quan tại Việt Nam AV Show 2013. Lần này, chúng tôi muốn kiểm chứng Sphinx về khả năng tái tạo âm trầm. Bởi rất có thể, âm trầm tốt tại triển lãm có được, một phần do phòng nghe cộng hưởng tần số thấp. Điều đó khiến MMG chơi sung mãn mà không cần bổ sung thêm sub-woofer.
 
 
Song, ngay cả khi bố trí trong phòng nghe rất rộng, với vị trí đặt loa cách xa tường bên và tường sau, thì âm trầm của cặp loa mành nhỏ khi ghép với Sphinx vẫn khiến chúng tôi hài lòng. Âm trầm tái tạo tròn, gọn và khá bong. Tất nhiên, nó không thể mang lại những âm trầm theo kiểu rung chuyển đầy phấn khích. Muốn có âm thanh này, người chơi có thể bổ sung 1 hoặc 2 chiếc sub REL vào hệ thống. Khi chuyển sang MMG, âm thanh lại mang sắc thái mới, hoàn toàn khác biệt so với hai cặp loa cũ. Hệ thống lúc này mang màu sắc em dịu, hài hòa và khá trung tính, có thể chơi hay nhiều thể loại nhạc.
 
Với ba cặp loa, Sphinx “chơi” nhạc theo ba phong cách độc lập, song đều có điểm chung là nhạc tính cao, dễ nghe, dễ cảm. Điều đó cho thấy ampli này không áp đặt chất âm lên hệ thống, mà chỉ thực hiện đúng vai trò khuếch đại tín hiệu nguồn ra loa. Nếu các thiết bị đi cùng có âm thanh đậm đà, ngọt ngào hay tươi tắn, trong trẻo, hệ thống khi phối với Sphinx sẽ có màn trình diễn theo hướng đó. Đó cũng là mục đích mà nhiều ampli cao cấp hướng đến. Không chỉ có âm thanh tự nhiên, Sphinx còn có khả năng kiểm soát loa tốt, cho dù là loa mành hay loa cột lớn. Một trong những điểm “thân thiện” khác của Sphinx là với thể loại nhạc nào, âm thanh của hệ thống cũng dễ nghe, không có hiện tượng gắt, méo tiếng.
 
Ít người nghĩ đến ampli đầy đủ tính năng với chất lượng như vậy lại có giá tiền ở mức của Sphinx. Đó là lý do khiến Sphinx trở thành thiết bị tham chiếu phổ biến trên thị trường audio. Ngay cả những audiophile từng sở hữu các bộ dàn hàng trăm ngàn USD, vẫn không cưỡng được sức hấp dẫn của Sphinx. Quả thực, Mark O’Brian đã làm ra món đồ đáng giá đến từng đồng.

Theo Huy Anh (Nghe nhìn Việt Nam)