monospace-creative-outlier-one (1).jpg
Những năm gần đây thì tai nghe Bluetooth đang là hướng đi mới dành cho tất cả các hãng tai nghe trên thị trường. Nhưng thường thì bạn biết rồi đó, tai mà hay, thêm nhiều tính năng chống nước, chống mồ hôi, chống ồn, chuẩn aptX các thứ thì đắt. Đâu phải ai cũng có hầu bao rộng tay đâu. Lắm khi người ta chạy bộ, tập gym, tập cardio nên cần một chiếc tai nghe để giữ nhịp, giữ lửa cho buổi tập được thêm phần thú vị với giá vừa phải, và thiết kế trông cứng cáp. Vậy là Creative Outlier One xuất hiện như 1 “cứu cánh” nhờ vào mức giá rẻ chỉ $39.9 (~950.000 VND). Chúng ta hãy cùng xem qua những ưu điểm cũng như khuyết điểm của chiếc tai nghe này qua bài viết sau đây

monospace-creative-outlier-one (9).jpg
Phụ kiện

Trong box sản phẩm sẽ là chiếc tai nghe, hộp đựng, cable sạc microUSB, clip đeo, 2 bộ eartip kèm thêm và 1 bộ earwing bằng silicone. Vẫn sẽ có thêm các giấy tờ liên quan tuy nhiên cũng không mấy quan trọng.

Thiết kế và chất lượng gia công

monospace-creative-outlier-one (7).jpg

monospace-creative-outlier-one (8).jpg

monospace-creative-outlier-one (5).jpg

monospace-creative-outlier-one (4).jpg

Outlier ONE được thiết kế theo kiểu có dây nối 2 bên tai nghe chứ không phải true-wireless thời thượng hiện nay, đi kèm là tính năng chống nước và chống bụi IPX4, ống âm được làm xéo, hơi dài để dễ đeo và khó rơi. Mình đeo thử trong hai giờ liền thì không thấy đau tai, không nóng, nhưng mình lưu ý các bạn luôn là eartips silicone của Creative Outlier One có chất lượng rất tốt, nó mềm và lắp đầy khoang tai rất khít nên nhiều khi mới đeo, bạn cần đút nhẹ thôi để áp xuất không khí không bị nén gây đau tai. Khi mình chạy, nhảy, thì cảm giác bám vào thành ngoài tai của Outlier One khá tốt, điều này có thể là do earpiece được bọc ngoài bằng lớp vỏ cao su.

Cụm phím điều khiển của Outlier One gồm 3 phím tăng, giảm âm lượng và microphone. Mình dùng với iPhone thì nút microphone không phải nút chuyển nhạc, muốn qua bài/ lùi bài thì bạn đè phím Volume+/ Volume- trong 2s nhé. Microphone của Outlier One thì chất lượng vừa phải, dùng chạy bộ hay dùng môi trường trong nhà thì ổn, còn dùng nó để chạy xe máy mà nghe điện thoại thì nói không ai nghe đâu, người bên kia chỉ nghe tiếng ù ù của gió thôi, ơ mà con này rẻ vầy thì bạn đòi nó có Wind Noise Filter sao được?

Khả năng kết nối

Outlier ONE cho khả năng kết nối khá tốt. Ở khoảng cách từ 3~5m tai nghe làm việc rất tuyệt vời, tuy nhiên ở khoảng 8m trở lên thì hiện tượng ngắt quãng bắt đầu xảy ra. Nhìn chung, nếu bạn chỉ sử dụng chiếc tai nghe này cho nhu cầu thông thường thì sẽ chẳng bao giờ dính phải hiện tượng trên.

Thời lượng pin

Viên pin Outlier One có thời lượng sử dụng lên đến 9.5 giờ của nó. Thử nghiệm thực tế với mức âm lượng khoảng 80% cho thời gian sử dụng liên tục khoảng 8.5 giờ, gần bằng với những gì mà Creative đã quảng cáo.

Chất âm

monospace-creative-outlier-one (2).jpg

monospace-creative-outlier-one (3).jpg

monospace-creative-outlier-one (4).jpg

Dù chỉ sở hữu mức giá rẻ là $40 đồng thời còn là 1 chiếc tai nghe Bluetooth, Outlier ONE cung cấp chất âm khá ổn. Độ kín âm của tai nghe cũng rất tốt phù hợp cho nhu cầu sử dụng ở nơi ồn ào (như phòng gym chẳng hạn). Outliear One có kiểu tiếng hơi nông, tù túng, rõ bass và treble còn trung âm thì hơi mờ, dễ nghe, ít nội lực ở low-mid và không có độ thoáng và bay bổng ở high-mid, tổng thể hơi ngọt, đánh đầm. Bass line con này giữ nhịp và giữ lửa tốt nhờ kiểu âm thiên về mid-bass và upper-bass, nghe nảy, căng và có lực tốt, sub-bass ( phần bass trầm uỳnh uỳnh tầm 80Hz trở lại ấy mọi người ) thì hơi nông, không sâu và kết cấu không được gọn cho lắm. Mà yên tâm, dân tập gym thích nghe EDM hay Dance thì dải low-bass này không quan trọng lắm đâu vì mình thấy Alan Walker, Avicii, Afrojack thì beat nhạc đánh sâu lắm cũng chừng 70Hz là cùng. Phần nhiều nhạc này họ nhấn vào mid-bass và upper-bass ( 80Hz – 200Hz ) để tạo ra cảm giác đập vào màng nhĩ và kích thích.

Treble hơi có năng lượng, cũng có độ chi tiết vừa phải và được cái là không bị chói, gắt, khó nghe như đại đa số tai nghe giá rẻ – đây là lỗi âm mà hầu như tai nghe giá rẻ nào dưới 50$ cũng hay mắc phải. Đừng bắt Outlier One hát giao hưởng hay đòi nó đánh Instrumental của Yanni cho hay, em nó không làm nổi do độ decay của treble không được nhanh, khả năng tạo không gian holographic cho bản nhạc từ đó cũng không có. Nhưng nghe nhạc V-pop, K-pop, J-pop hay mấy thể loại nhạc được thu âm mới đây thì được! Vì mấy nhạc này nó hay kích dải treble lên cao nên độ “hiền” của Outlier One có tác dụng giúp cho bạn thưởng thức một cái playlist thập cẩm từ Dance, Pop, Hip-hop, Trance, House đều không bị mệt tai.

Kết

Với mức giá chỉ $40, chúng ta thực sự không có quyền đòi hỏi quá nhiều ở Outlier ONE. Chiếc tai nghe này có thể được đánh giá là nghe “tốt”, nhưng không thể nào chạm được đến ngưỡng “hay”. Điều này nói chung không quá quan trọng do bạn cũng chỉ phải bỏ ra 1 số tiền nhỏ để mang về cho mình 1 chiếc tai nghe có khả năng phục vụ tốt cho nhu cầu hàng ngày. Giá rẻ, chất âm tốt, thiết kế không dây, chống nước, pin “trâu” và cho độ thoải mái cao khi đeo, bạn còn có thể đòi hỏi gì hơn?

Nguồn: monospace.vn