Earsonics là một hãng âm thanh tới từ Pháp, chuyên về các sản phẩm nhét trong cao cấp. Và S-EM9 là cặp tai nghe đắt nhất của hãng, sử dụng tới 9 màng loa cho một bên tai và có giá tới gần 40 triệu đồng!

 

Khi nhắc tới nền âm thanh Pháp ta không thể bỏ qua Earsonics. Hãng nổi tiếng tại Việt Nam với dòng sản phẩm SM3, có chất âm nhẹ nhàng và ấm áp, với mức giá không quá cao. Nhưng cũng chỉ mới gần đây thôi tất cả những dòng sản phẩm của hãng mới “lên kệ” tại nước ta, người dùng mới có cơ hội thử những sản phẩm cao cấp hơn.

 

Hãng sản xuất cả những sản phẩm tai nghe đặt làm riêng (Custom Inear) cho những ca sĩ, nhà mix nhạc cao cấp. Nhưng dòng sản phẩm đại trà (Universial) cao cấp nhất của hãng là cặp tai nghe chúng ta sẽ đập hộp ngày hôm nay: Earsonics S-EM9.

 

Cặp tai nghe này không chỉ được thiết kế mà còn được làm hoàn toàn bằng tay tại Pháp.

 

Vỏ trong của sản phẩm được làm bằng nhựa phủ nhung, tuy nhìn rất đẹp nhưng lại vô cùng bám vân tay!

 

Là một sản phẩm có giá vô cùng cao cấp nên S-EM9 có nhiều phụ kiện, bao gồm một cây vệ sinh tai, dây dẫn, cổng chuyển 6.3mm, hộp khóa kéo cứng và 6 bộ mút cao su.

 

Cặp tai nghe này đang được phân phối tại Việt Nam với mức giá 38 triệu đồng! Một mức giá gần như không tưởng cho một sản phẩm nhỏ bé như vậy. Điều gì làm S-EM9 có giá bán cao tới vậy?

 

Yếu tố đầu tiên giải thích cho mức giá này đó là phần vỏ của tai nghe. Tuy là sản phẩm dạng đại trà, ai cũng có thể đeo vừa nhưng S-EM9 vẫn được làm bằng tay với chất liệu nhựa Acrylic như những cặp tai đặt riêng vậy. Trên mỗi tai nghe đều được khắc số series, nên không cặp nào giống cặp nào cả.

 

Còn yếu tố tiên quyết lại nằm ở bên trong. Các sản phẩm nhét trong trong những năm trở lại đây sử dụng loại màng loa mới được phát triển mang tên Balance Armature. Loại màng loa này nhỏ, nên các hãng âm thanh thường sử dụng theo số lượng lớn.

 

Các cặp tai nghe khác chỉ sử dụng 2,3 thậm chí 4 màng loa là cùng. Earsonics S-EM9 có tới 9 màng loa này mỗi bên, với 2 bên có tổng cộng 18 màng loa! Chính vì vậy nên phần vỏ của tai nghe này phải làm bằng tay rất tỉ mỉ và cũng rất lớn, không phải tai ai cũng đeo vừa.

 

Nếu như nhìn thật kĩ bức ảnh trên, bạn sẽ thấy được 1 cụm màng loa qua lớp nhựa. Phần vỏ S-EM9 tuy lớn nhưng vẫn khá mỏng vì bên trong có quá nhiều màng loa.

 

Vậy thì cứ có nhiều màng loa là hay hơn chăng? Có lẽ không đơn giản như vậy. Nếu như có càng nhiều thì hãng càng phải “điều phối” những màng loa này làm một việc khác nhau để tránh chồng chéo chất âm. Công việc này gọi là “phân tần”, mỗi chiếc sẽ đảm nhiệm một tần số khác nhau.

 
 

Với S-EM9 thì trong 9 màng loa này có 1 dành cho âm trầm, 4 dành cho âm trung và 4 dành cho âm cao, mỗi cụm được thoát âm bằng một lỗ riêng trước khi tới tai người nghe.

 

Khác với những sản phẩm tầm thấp như Velvet hay S-EM6, thì S-EM9 có phần trầm nhẹ nhàng và ít lượng hơn. Thay vào đó là độ kiểm soát cao hơn, tránh gây ù vang. Tốc độ trầm rất nhanh, chỉ nhấn xuống rồi nảy lên luôn. Có lẽ trước đây hãng bị người dùng “chê” là phần trầm dư lượng và chậm chạp nên ở cặp tai nghe đầu bảng hãng đã có sự điều chỉnh. Nói một cách công bằng, thì chính phần trầm này đã trở thành thương hiệu của Earsonics, tạo ra chất âm trữ tình đặc trưng, nên mình cảm thấy thích cách thể hiện của S-EM6 và Velvet hơn.

 

Phần âm trung và cao đều có tính kĩ thuật cao. Tai nghe Pháp nghe nhạc Pháp, ta thử giọng ca sĩ qua bài J’ai deux amours của ca sĩ Chantal Chamberland, giọng cô được đặt rất gần với người nghe tạo không khí trữ tình và đầm ấm. Điểm mà S-EM9 “nhảy vọt” so với các cặp tai nghe tầm thấp hơn cùng hãng là âm cao, với lượng nhiều hơn hẳn và cách chơi cũng sáng sủa hơn. Earsonics là một hãng khá biết nghe người dùng khi sửa những lỗi của các cặp tai nghe cũ ở các sản phẩm mới.

 

Độ chi tiết của S-EM9 sẽ không mang tính rạch ròi, khiến những lỗi của bản nhạc trở nên tệ hơn như những tai nghe mang tính tham chiếu như HD800, nhưng đủ làm người nghe bắt được những chi tiết nhỏ trong bản nhạc mà những chiếc tai nghe thấp cấp hơn không thể thể hiện được.

 

Sản phẩm này chắc chắn dành cho những ai “chịu chơi” nhất, vì ngoài mức giá của chính cặp tai nghe này người dùng cũng phải đầu tư thêm nguồn phát như máy nghe nhạc, hay một bộ DAC – Amp cao cấp và có giá tiền không kém để tai nghe hoạt động được hết công suất.

Nguồn: genk.vn