NO PHOTO

Cửu Âm

Tại AV Show vừa rồi, ngoài những bộ dàn hàng trăm triệu, chúng tôi khá thú vị với hệ thống Klipsch mà trong đó đôi loa Forte III được phối ghép với Ampli Denon PMA-2500NE cùng mâm than có giá chưa đến 10 triệu là Denon DP-300F. Tổng cho hệ thống này chừng 150 triệu, nhưng những gì chúng đem lại thật đáng giá và được mọi người đánh giá cao.

Forte III chính là sự trở lại sau mấy thập niên vắng bóng, bổ sung vào dòng Heritage thêm một sức sống mới với thiết kế cải tiến và cực kỳ hiệu quả.

Triết lý của đôi loa này nhiều bass hơn nhưng hậu loa ngắn hơn. Bằng cách nào mà Klipsch có thể khắc phục sự nghịch lý này? Bí quyết đơn giản như sau. Thay vì làm thùng loa có hậu sau dài thì Klipsch chỉ làm ngắn lại. Tuy nhiên họ gắn một loa có đường kính 4 tấc phía sau loa, giúp vừa cộng hưởng tần số sâu hơn vừa có tính năng như một lực đẩy loa bass phía trước mạnh và nhanh hơn. Đó là lý do tại sao đôi loa này khi trình diễn các bản nhạc có tiết tấu nhanh cực hay.

Forte được giới thiệu lần đầu vào năm 1985 và nhanh chóng thiết lập cho mình như là đôi loa nổi tiếng được nhiều người biết nhất. Thiết kế thanh lịch đơn giản và sự trình diễn tuyệt vời, giúp Forte có một chỗ đứng vững chắc trong số các đối thủ cạnh tranh. Phiên bản Forte II ra dời năm 1989 và ngưng sản xuất vào năm 1996, trải qua 20 năm cho đến năm nay, Klipsch tái giới thiệu lại Forte như là sản phẩm mới gia nhập vào dòng heritage danh tiếng. Nó có tên mới là Forte III được nâng cấp và sử dụng những chất liệu mới, làm đôi loa này ngay lập tứ tái khẳng định vị thế của mình.

Loa có cấu hình ba đường tiếng và một loa bass thụ động phía sau. Loa treble có số hiệu K-100-T1. Loa mid loại K-70, có đường kính 445mm. Cả loa mid và treble của ForteIII đều được có màng loa được làm bằng titan và được gắn trong họng còi. Đây là đặc trưng của dòng loa Heritage, giúp nó có một chất âm và sắc thái rất riêng. Loa bass có đường kính 3 tấc, màng loa làm bằng sợi tổng hợp composite gồm nhiều thành phần sợi Kermel, sợi Nomex, sợi Kynol, sợi Apyeil. Phía sau loa được gắn một loa bass thụ động (passive) có mục đích tạo sự cộng hưởng cho âm bass tốt hơn cũng như giúp tần số thấp đáp nhanh hơn.

Những thay đổi về mặt trông số so với phiên bản II không nhiều mặc dù về thành phần củ loa bên trong được thay đổi hoàn toàn mới. Phiên bản II của Forte có các củ loa như sau: loa treble K- 75-K, loa mid K-61-K, loa bass K-25-K và loa bass thụ động KD-15.

Forte III có chiều cao 91cm nhỉnh hơn một ít so với ForteII là 89cm, chiều sâu là 33cm và chiều ngang 42cm. Loa có thiết kế vuông vức, không cầu kỳ và lưới e-căn làm bằng vải sợi lớn, trông rất cổ điển.

Độ nhạy 99dB của Forte III là quá lý tưởng trong vấn đề phối ghép. Bạn có thể phối với các Ampli công suất thấp như các dòng Ampli đèn vẫn có được chất âm hay và lớn tiếng.

Klipsch chỉ sử dụng gỗ lát mỏng làm lớp vỏ ngoài (veneer) cho dòng Heritage. Các lá veneer được xếp theo thứ tự và được cắt tỉa cẩn thận từ gỗ được bố trí một cách chính xác để chúng tạo nên hình ảnh bóng như gương tại các khớp nối. Điều này giúp loa có một vẻ ngoài thẩm mỹ và hấp dẫn hơn so với các loại gỗ khác. Hơn thế nữa, mỗi một đôi loa được sử dụng chung một lát gỗ nên chúng có vân giống nhau. Do vậy khi sản xuất các thợ đánh bóng phải cẩn thận ghi số series để tránh nhầm lẫn với các loa cùng chủng loại nhưng khác vân gỗ.

Toàn bộ loa được thiết kế và lắp ráp tại Mỹ, vùng Arkansas, đây cũng chính là nhà máy của Klipsch ngày đầu thành lập và đặt đại bản doanh.

Tất cả những gì Klipsch làm cho đôi Forte III này là phục dựng lại các giá trị truyền thống của nó, đặc biệt cho dòng Heritage này. Trải qua 70 năm từ những ngày đầu thành lập, dòng Heritage vẫn không thay đổi về thiết kế ngoài, trung thành với sự đơn giản tối đa và triết lý thiết kế loa họng kèn cho mid, treble, điều mà Klipsch cho là sẽ đem đến người nghe âm thanh trung thực và chính xác nhất.

Trong tinh thần của sự đơn giản nhưng hiệu quả nhất, chúng tối đề nghị các bạn tìm đến sự phối ghép cũng thế. Mức giá vừa phải, để sao cho rất nhiều trong chúng ta vừa thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc nhưng có thể sở hữu những bộ dàn lý tưởng với chất âm xuất sắc. 

Denon PMA-2500NE được cho là sự cải tiến vượt bậc về chất âm. Sản phẩm này khá lý tưởng để phối ghép với Forte III. Chỉ với 60 triệu, nhưng PMA-2500NE đạt đến đẳng của Ampli hiend dùng cho audiophile. Với ngõ vào dùng đươc cho mâm đĩa than cho cả MM/MC, nên nó tỏ ra khá hiệu quả. Hơn thế nữa nếu bạn có kho nhạc số đang lưu trữ trên laptop hoặc đâu đó, bạn có thể kết nối trực tiếp với Ampli này qua cổng USB-B để dùng DAC được tích hợp bên trong Ampli này.

Trong lần trải nghiệm này, chúng tôi có cấu hình như sau: “Nhân vật” chính của bài review này là Forte III, Ampli Denon PMA-2500NE và đầu phát mâm than DP-300F của Denon, đúng như cấu hình mà nhà cung cấp đã biểu diễn ở avshow 2017. Chúng tôi cũng cho kết nối với laptop qua cổng USB để đánh giá khả năng trình diễn của bộ dàn ở phần nhạc số. Khi thưởng thức bằng đĩa than, chúng tôi có được chất âm mộc mạc quyến rũ. Các bản jazz được tái hiện một cách rõ nét với độ chi tiết cao. Giọng ca trầm ấm của Thanh Long bass trong đĩa “Ngàn thu áo tím” được tái hiện với sự sâu lắng ấm áp vô cùng. Ở phần trình diễn nhạc số, có thể nói PMA-2500NE phát huy sự hữu dụng vốn có của một Ampli basn dẫn dùng MOSFET, độ động thật tuyệt vời, đáp ứng cực nhanh và chính xác các dài tần số. Chúng ta biết rằng, một bộ dàn có khả năng tái tạo lại một cách chính xác và khác biệt giữa những tiếng động lớn và những tiếng động rất nhỏ (thuật ngữ gọi là Dynamic Fidelity), thường là  những hệ thống rất đắt đỏ. Do vậy ở bộ dàn này, khi nó đạt đến khả năng này, chúng tôi cho đó là sự hiệu quả cao. Yếu tố này giúp người nghe cảm nhận được sự tương phản của âm thanh một cách rõ nét, lột tả được sự mạnh mẽ hay nhẹ nhàng tinh tế của âm nhạc.  

Tóm lại, đôi Forte III của Klipsch chẳng những thành công về mặt trình diễn âm nhạc, nó còn tỏ ra hiệu quả ở khía cạnh thương mại, khi mức giá khá tốt là 79 triệu, giúp người đam mê âm nhạc dễ dàng sở hữu hơn.

Giá tham khảo: 79 triệu

Nguồn: Anh Duy Audio