monospace-2a3-amplifier-single-ended-amply-đèn.jpg
Là một người yêu thích amply đèn single-ended, không phải vì mấy nhưng dòng quảng cáo, bình luận hay nhận định võ đoán hay những ý kiến cho rằng single-end nói riêng và amply đèn điện tử nói chung sẽ cho chất âm ấm áp ngọt ngào gì cả, mà do mình thích thiết kế mạch đơn giản, khai thác triệt để chất âm của từng cụm khuếch đại, từ đó ta sẽ biết rõ là con bóng nào có chất âm hay/dở ra sao, một dạng “hữu xạ tự nhiên hương”. Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu một amplifier chạy bóng công suất là 2A3 với công suất ráp ra kịch kim chỉ từ 2.5W-3.5W, tiếng ấm, ngọt ngào mà không lê thê. Mặt khác, amply này không đòi hỏi linh kiện phải đạt chuẩn audiophile với giá thủng ví viêm túi gì cả. Vậy với 2.5W-3W bạn làm được gì ?

  • Chơi được mấy loa toàn dải hoặc loa kèn, miễn là cứ tầm 97dB trở lên là tốt tất
  • Quánh được headphone ngon ngon, nhất là con 2A3 có chất âm ngọt dịu mà lại không lầy nhầy, tổng thể rất sang

monospace-2a3-amplifier-single-ended-amply-đèn-3.PNG

Trong tất cả mấy con bóng 3 cực đốt tim trực tiếp công suất thấp như 2A3, 300B, PX25, 50, 45 thì 2A3 là con dễ chơi dễ trúng thưởng và cả dễ ráp, phù hợp cho bạn nào thích táy máy :D Dưới đây là một trong những mạch kinh điển và dễ làm nhất nhưng chất âm khá tốt. Ngoài ra còn có các thể loại dùng EF37A hoặc D3a, C3g qua liên tầng để thúc 2A3 nhưng hơi lằng nhằng, phức tạp và tốt kém nên từ từ mình sẽ viết sau.

Amply 2A3 này chạy mạch Loftin-White, mạch này nguyên thủy được giới thiệu vào năm 1929, dùng bóng 224 cho tầng đầu và bóng 50 cho tầng công suất. Được phát hành bởi 2 ông tên là E.H.Loftin và S.Y. White của tạp chí American Radio News, 2 ông đề xuất sử dụng phương pháp nối tầng trực tiếp (direct coupling), không sử dụng tụ nối tầng (coupling capacitor) hoặc biến thế liên tầng (interstage) trên đường đi của tín hiệu và giữa các tầng khuếch đại với nhau. Mình nghĩ mọi người chơi audio mà có thâm niên chút xíu sẽ hiểu nối tầng trực tiếp là như thế nào và nó đơn giản như thế nào vì plate đèn lái và lưới đèn công suất được nối trực tiếp với nhau chỉ bằng 1 cọng dây mà thoai :D Phương pháp nối tầng trực tiếp có ưu điểm là nó dẫn cả dòng DC và dòng AC trên đường tín hiệu, việc này tạo ra âm trường rộng rãi hơn, giàu nhạc tính, và dải tần rộng, ít suy hao nên thường sẽ trong và có chi tiết tốt.

Tuy nhiên, vấn đề của việc nối tầng trực tiếp là ù, xì, rè do nhiễu song RF, những tiếng này sẽ theo vào tầng khuếch đại cuối và làm cho âm thanh sao tự nhiên mất hay. Để giải quyết vấn đề này, bạn cần làm từng bước giữa 2 kênh và đo đạc, khảo sát thật kỹ ở từng điểm khuếch đại. Nên có trong tay 2 bóng preamplifier cân nhau và cả 2 bóng công suất cân nhau, nếu lệch, lệch 3% thôi để dễ đo đạc và kiểm soát.

Bạn sẽ cần : 

  1. 2 chân 2A3, sang thì mua Teflon socket của CMC hoặc Yamamoto, không thì đế sứ Trung Quốc cũng được nhưng nếu dùng đế sứ, hạn chế cắm rút.
  2. 2 Chân đèn 9 chân tăm cho 2 đèn 12AX7
  3. 1 chân đèn 8 chân cho 5AR4/GZ34
  4. Biến thế nguồn và Choke ( thông số bên dưới bài )
  5. Tụ, trở bên dưới bài, xem mạch sẽ thấy
  6. 2 con trimmer
  7. 2 con biến trở chỉnh hum loại tốt
  8. Biến thế xuất âm
  9. Cọc loa
  10. 2 jack RCA input
  11. Volume 100k Stereo, mình khuyên dùng ít nhất là ALPS Blue Velvet hoặc cao hơn là Elma Goldpoint
  12. Dây hook-up đi trong mạch, dùng dây jantzen đồng mạ bạc cho tốt và có được bọc Teflon cách điện nữa.
  13. Chassis : cái này cả nhà tự tính giúp mình vì có người thích to thích nhỏ, thích hầm thích hố, thích steampunk – thích elegant nên khó mà tư vấn hay viết ra đây. Chassis khung gỗ và nắp là nhôm CNC hay thép cắt cũng được vì linh kiện cho con này không phải nặng lắm đâu :D
  14. Bóng : 2A3 của Electro Harmonic là được, dư dả thì bạn mua bóng cổ hoặc đầu gấu như hình cover : 2a3 của Emission Lab :D. 12AX7 dùng Gold Lion của Nga và 5AR4 cũng dùng của Mullard mới do Nga làm.
  15. Jack headphone stereo 6.3mm ( nếu bạn dùng headphone )

Cấu trúc mạch, bóng và thiên áp cho đèn

A. Đốt tim 

Bạn sẽ xoắn dây như thế này, thứ nhất là đẹp, thứ 2 là bớt ù.

monospace-2a3-amplifier-single-ended-amply-đèn-4.jpg

B. Mạch Công Suất

monospace-2a3-amplifier-single-ended-amply-đèn-mạch-nguyên-lý.PNG

Mình chọn bóng 2A3, đây là một bóng 3 cực đốt tim trực tiếp ( DHT) có công suất khoảng 3.5W ở chế độ thuần Class A. Trong mạch này 2A3 chạy khoảng 60mA khi chưa có tín hiệu nhạc và cao áp khoảng 410V ở Plate đèn. Biến thế xuất âm (Ouput transformer) sẽ dao động từ khoảng 2.5k – 3.3k Ohms. Ở đây mình dùng 3.3k Ohms của Monolith vì có sẵn. 2A3 nói riêng và lũ đèn DHT nói chung rất cần biến thế xuất âm tốt và theo ngu ý của mình, thay vì bạn dồn hàng đống tiền vào bóng, trở, tụ thì để dành mà mua OPT tốt sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. từ 2.5k – 3.3k có kha khá lựa chọn cho bạn đó, dư dả thì Tango, Tamura, Monolith, nếu không quá dư thì tìm Lundahl, Sowter. Việc đặt quấn OPT mình không tin tưởng vì ngoài chuyện đo đáp tuyến OPT và thì phải đo cả cộng hưởng do OPT tạo ra, và quan trọng hơn nữa là chất âm. Mình vẫn tin dùng đồ hãng hơn, ít nhất có datasheet và cam kết hẳn hoi. Trong bài mình dùng Monolith Etude, dòng khá phổ thông của Monolith nhưng chất lượng thiệc tiệc zời vì không cộng hưởng, dải tần đạt 7-75kHz -3dB tại 1W.

monospace-2a3-amplifier-single-ended-amply-dèn-2.jpg

Vì 2A3 là một đèn đốt tim trực tiếp thế nên sợi đốt tim ( filament ) và Cathode là một, thiết kế mạch phải tránh được tiếng ù. Mình đề nghị nối thành phần này trực tiếp vào biến trở chỉnh hum (R7), khoảng 50 ohms/5W, sau đó nối biến trở này với 1 con trở cathode loại tốt, con trở này sẽ cố định thiên áp (bias) của bóng 2A3, trong mạch này mình dùng trở 3K3 (R6) để đạt dòng 59mA. Sau đó chúng ta sẽ bypass con trở này bằng tụ thoát cathode (C3) khoảng 100uf/250V, hoặc nếu bạn nào thích dày hơn thì tăng lên cỡ 220uf/250V là đủ. Đừng ham quá nhiều vì nó sẽ tăng gain ở low-bass nên dư quá sẽ làm tiếng đục và mờ đi rõ ràng. Mình khuyến khích bạn dùng Elna Silmic II hoặc Jensen loại nằm ngang, màu đen vì bền, ổn định, tiếng khá cân bằng và giàu nhạc tính, không lờ mờ, không đục. Bạn nào dư tiền thì cứ thử Blackgate, mình có một rổ nhưng chỉ găm đó đợi có giá thì bán chứ chả khi nào dùng :D Biến trở và trở là đủ và nên chọn loại biến trở tốt như của Dale hoặc Cosmos của Nhật, Bias mà trôi hay cái biến trở này chết thì có nguy cơ hỏng bóng cao, mà 2A3 thì không phải là quá rẻ đâu.

Nếu bạn dùng headphones như Audeze LCD-3 hoặc HD800 thì móc cọc 8 ohms của amply và nối vào headphone jack, còn nếu dùng loa thì cứ móc ra cọc loa trái phải là xong rồi.

B. Tầng đầu

Tầng đầu cho 2A3 chúng ta dùng 12ax7, một bóng 3 cực đôi thong dụng thường thấy trong rất nhiều amply tự cổ chí kim. 12ax7 sẽ chạy mạch grounded cathode amplifier. Đây là bóng 3 cực kép giống như 12au7, 6922, nghĩa là nó có 2 bóng đèn 3 cực đốt tim gián tiếp trong cùng một cái vỏ. Bạn sẽ nối 2 lưới đèn của 12ax7 thẳng vào analog signal input, dùng volume khoảng 100k ohms là đẹp, Volume này rất quan trọng mà mình thấy nhiều bạn hay bỏ qua nó, Volume tốt sẽ cho tổng thể rõ ràng, chi tiết nhuyễn hơn và không bị gắt tiếng. Mạch chạy cathode biased với một con trở (R2) tầm 1.5k Ohms và cao áp khoảng 145V. Và ngay con trở cathode, chúng ta cũng bypass nó với 1 con tụ thoát loại tốt (C1), xài Elna Silmic II hoặc Elna Cerafine đỏ khoảng 100uf / 25v là đẹp nhất. Sau đó bạn nối Plate của đèn 12ax7 thẳng vào trong lưới của 2A3. Bạn sẽ dễ dàng điểu chỉnh chất âm theo gu của mình bằng cách thay đổi giá trị của điện trở cathode của 12ax7 hoặc thay đổi trị số tụ thoát. Để làm được việc này, bạn cần một con trimmer 2.2K ohms nối vào cathode đèn 12ax7 (R2 Hình 2), điện thế plate của 12ax7 có thể được điều chỉnh thành ra áp lưới của 2A3 sẽ dao động từ 44V-45V. Bạn chỉnh trimmer đến khi áp lưới của 2A3 đạt 45V và sau đó đo trở kháng tại đó là bao nhiêu, thay một con trở có trở kháng tương đương vào, như mình thì mình dùng 2.2K ohms.

monospace-2a3-amplifier-single-ended-amply-đèn-điều-chỉnh-bias.PNG

Do mình dùng mạch nối tầng trực tiếp thế nên là mấy con đèn nên phải matched với nhau, không chỉ matched về chỉ số dẫn (Gm) mà còn phải có áp và dòng ra tương đương nhau để 2 kênh không bị lệch, bạn nên có 2 cặp 12ax7 để thử và đổi qua đổi lại vì đây là tầng gain cao thành thử ra nếu 2 con lệch nhau là nghe bên to bên nhỏ dễ lắm. 2A3 thì cần 1 cặp là đủ vì gain nó thấp, với lại 2A3 nếu mua bóng mới hiếm khi bị yếu lắm nên yên tâm nhé!

C. Mạch nguồn 

Amply đèn hay amply bán dẫn nào cũng cần một mạch nguồn tốt cả. Sau khi đầu tư vào OPT thì bạn nên đầu tư vào nguồn. Biến thế nguồn bạn dùng EI hay C-core gì cũng được, mua hang cũng được, nếu đặt quấn nhớ kêu người ta bọc chống nhiễu. Thông số như sau:

1. Sơ cấp vào 230 VAC
2. Thứ cấp ra 6.3V/3A đốt tim 12ax7
3. Thứ cấp ra 2 cuộn 2.5V/4A đốt tim cho 2A3 ở 2 kênh
4. Thứ cấp ra 5V cho đèn nắn GZ34/5AR4 ( cho anh nào khoái tiếng nó sung ) hoặc 5U4 ( cho anh nào khoái êm dịu )
5. Thứ cấp ra 350V-0-350V/200mA cho cao áp 

Biến thế nguồn sẽ sụt áp khi đèn bắt đầu ăn dòng. Hiện tượng này xảy ra không chỉ do biến thế nguồn và choke lọc mà còn vì cụm tụ lọc đầu bắt đầu nạp. Nếu thiết kế mạch lọc tốt, sẽ không còn sụt áp quá lớn nữa. Trong mạch nắn AC-DC, mình chọn đèn 5AR4/ GZ34, dùng mạch lọc “pi filter” hoặc “Capacitor input filter”. Tụ lọc C4 sau đèn nắn nên dùng 47uf/500v để an toàn cho đèn, và tụ lọc C5 sau choke thì bạn nhét 100uf-220uf/500V – dư dả thì Mundorf, không dư thì JJ Electronic hoặc Unicon của Nhật cũng tốt chán, tụ thương hiệu lớn thường có giá trị trần áp hơn là giá trị âm thanh, đối với mạch này là như thế, đương nhiên Mundorf cũng có những dòng tụ mà mình rất thích và khá đắt nhưng trong mạch này thì chưa cần đâu, he he. Choke lọc có thông số 15H/150mA (đặt quấn, rẻ lắm, chống nhiễu luôn). Cao áp B+ sau choke sẽ đạt từ 420V – 430V.

monospace-2a3-amplifier-single-ended-amply-đèn-1.jpg

Thường mà có chassis và gom đủ linh kiện rồi thì con này ráp cứ như “lời tình viết vội” vậy, đặt biến thế vào, siết ốc, kéo dây chấm mấy mối hàn là xong, mình làm khoảng 1h30p :D Chúc cả nhà may mắn

 

Nguồn: monospace.vn