So với thế hệ trước, đầu đọc tham chiếu Red Reference MK III có cấu trúc mạch giải mã hoàn toàn mới với khả năng xử lý tín hiệu độ phân giải cao hơn nhiều.

Với mạch DAC sử dụng nền tảng FPGA do huyền thoại digital Robert Watts thiết kế, Chord Red Reference MK III đã tạo nên một phẩm cấp hoàn toàn mới trong việc tái tạo âm thanh có chất lượng trình diễn không màu, độ động cao và gần như không mang tì vết nhiễu nào của quá trình chuyển đổi digital – analog.

“Phi thuyền bay” Chord Red Reference MK III

Chord Red Reference MK III là một trong những đầu đọc cửa trên (top-loading) có thiết kế ấn tượng nhất hiện nay. Với trọng lượng 14kg, toàn bộ classis của máy được gia công tinh xảo từ hơp kim nhôm hàng không với bộ khung rất chắc chắn được treo cố định trên 4 chân trụ. Mỗi cặp chân trụ này còn được gia cố chống rung bằng hai thanh nhôm tạo nên một liên kết vững giữa khung, mặt máy và chân trụ. Các thanh nhôm ngang này còn kiêm thêm chức năng làm tay nắm khi bê vác di chuyển máy. Ngoài những đường cắt lượn sóng, chi tiết ấn tượng trên nắp máy là chiếc kính lúp quen thuộc thường được Chord thiết kế trên các thiết bị digital vừa tạo điểm nhấn vừa “khoe” mạch xử ly digital.

Điểm đắt giá và độc đáo nhất trong thiết kế của đầu đọc tham chiếu này nằm ở bộ cơ transport. Hiện nay Chord Red Reference MK III là đầu đọc digital cửa trên duy nhất bố trí bộ cơ transport theo một góc nghiêng 45 độ. Nắp đậy CD được gia công từ một tấm nhôm rất dày và bắt vào khung máy bằng một bản lề lớn được thiết kế cực bền và khoẻ, có thể cầm nắp này để nhấc bổng cả đầu đọc lên mà vẫn không hề hấn gì. Bộ trục – bản lề được chế tạo bằng hợp kim đồng thau – phốt pho. Nắp đậy ổ đĩa đã được trang bị motor kéo thay cho việc mở và đóng bằng cơ ở các thế hệ Red CD trước. Khi ấn nút “open”, nắp sẽ từ từ hạ xuống như cửa của phi thuyền rất ấn tượng. Tương tự các thiết kế đầu đọc có cơ chế đóng/mở bằng motor như Gryphon Mikado Signature, Weiss Jason hay Loit Passeri Player (Singapore) trong quá trình hoạt động, motor có phát ra tiếng ồn nhất định.


Chord Red Reference MK III dùng cơ transport Philips CD Pro-2LF, tuy nhiên toàn bộ phần khung bên ngoài được hãng thiết kế lại hoàn toàn nhằm tối ưu chuyển động quay và khử rung nhiễu. Tháo nắp máy, chúng tôi có thể tiếp cận rõ hơn chi tiết của bộ transport được Chord “custom” lại rất kỹ. Vách xung quanh transport Philips CD Pro-2LF được trang bị thêm các tấm nhôm rất dày giúp chống rung và hạn chế các nhiễu tín hiệu điện từ trường. Bên dưới, transport này còn được khử rung sử dụng đệm lò xo và các ron cao su giảm chấn. Ngoài ra ruột máy cho thấy Chord thiết kế mạch cấp nguồn riêng biệt cho các bộ phân như bộ cơ, mạch điều khiển + màn hình hiển thị, mạch xử lý digital và output giúp hạn chế đáng kể nhiễu âm. Một điểm cộng của đầu đọc này chính chiếc remote điều khiển đi kèm vừa có thiết kế chắc chắn vừa tích hợp luôn tín năng universal, cho phép học, copy lệnh từ các remote khác.

Về mặt kết nối, Red Reference MK III trang bị ngõ vào HD USB Input, đây là kết nối USB không đồng bộ cho phép nhận tín hiệu digital từ máy tính, music server… với tần số lấy mẫu tối đa 192kHz. Tuy nhiên, ở cả hai hệ máy MAC và PC, người dùng đều phải cài thêm driver của Chord. Ngoài USB, đầu đọc còn có hai đường vào Optical và AES/EBU, các cổng output digital gồm có coaxial, optical. AES/EBU x 2 và còn lại hai cặp cổng analog out RCA/XLR và ngõ clock in.


Upsampling, Buffer và mạch lọc WTA

Đầu đọc tham chiếu Red Reference MK III sử dụng hai công nghệ upsampling và buffer giúp giảm tối đa các nhiễu digital gây mất chi tiết và hạn chế độ động. Công nghệ buffer của Chord cho phép chuyển tín hiệu digital từ mắt đọc vào bộ nhớ đệm RAM nhằm tránh các nhiễu jitter trong quá trình đọc đĩa, tín hiệu digital với bit chuẩn sau đó sẽ được chuyển đến mạch giải mã D/A. Hai nút chức năng Upsampling và Buffer được bố trí ngay mặt trước máy, Red Reference MK III có 3 mode upsampling 44.1/88.2/176.4kHz và 3 mức buffer Off/Min/Mac. Như vậy, tuỳ theo gu âm thanh cũng như thể loại nhạc trình diễn, người sử dụng có thể chọn 1 trong 9 kiểu phối hợp giữa upsampling/buffer.

Tất nhiên, với đầu đọc tham chiếu Red Reference MK III, Chord không sử dụng các chip DAC mà thay vào đó ứng dụng công nghệ mạch xử lý Digital-to-Analog dựa trên nền tảng FPGA kết hợp mạch lọc WTA (Watts Transient Aligned). Đầu đọc RED Reference thế hệ trước sở hữu mạch FPGA dựa trên đầu Chord DAC64 trong khi phiên bản MK III trang bị phần cứng được nâng cấp dựa trên nền tảng của D/A QBD76, nên có thể nói đây là sự thay đổi gần như toàn diện ở mạch D/A và cả thuật toán mạch lọc digtal. Mạch FPGA mới cho phép can thiệp hiệu chỉnh sâu bên trong quá trình xử lý tín hiệu Digital-to-Analog, trong đó thiết kế mạch lọc riêng chính là vũ khí đặc biệt quan trọng của Robert Watts. Mạch lọc WTA ứng dụng trong đầu đọc Red Reference MK III có số vòng lập xử lý (taps) cao hơn hẳn so với các DAC thông thường, lên đến 18.000 taps. Số lượng xử lý vòng lập taps càng nhiều thì tín hiệu analog đầu ra sẽ thể hiện càng tuyến tính và càng gần với tín hiệu analog nguồn.


Trình diễn

Hệ thống trình diễn được chúng tôi chọn phối ghép giữa hai thương hiệu Triangle và Chord, một cặp đôi được đánh giá có độ matching cao cả về thiết kế, chất âm lẫn đặc tính trình diễn. Đôi loa Triangle Magellan Concerto set-up với bộ power monoblock Chord SPM 1400 MK II và preamp CPA 8000. Đã từng có thời gian trải nghiệm đầu đọc Chord Red Reference thế hệ MK II, nên chúng tôi khá dễ dàng làm chủ các kết nối cũng như thao tác đặt và để đĩa CD vào đầu đọc. Thực tế, với người dùng mới, sẽ khá lúng túng trong việc lấy CD ra khỏi đầu cơ của Red Reference bởi góc nghiêng 45 độ cũng như không gian xung cạnh đĩa là rất hẹp. Thủ thuật ở đây là dùng tay ấn vào cạnh dưới cùng, đĩa CD sẽ dễ dàng bật ra khỏi trục cơ.

Đối với tần số lấy mẫu, có thể tùy vào hệ thống phối ghép cũng như gu nhạc riêng, chúng ta có thể chọn các mức upsampling khác nhau. Test với một loạt các CD quen thuộc trên hệ thống Chord – Triangle, chúng tôi đặt mức upsampling tối đa theo mặc định ở 176.4kHz. Riêng đối với mức buffer, chúng tôi khuyên nên chọn mức MAX, một điều dễ nhận thấy là mức buffer đặt càng cao thì độ động cũng như tốc độ trình diễn đều cải thiện hơn lên.

Track “Tear in Heaven” trong album A Whisper of Love với phần trình bày của danh ca Ayako Hosokawa chứng minh Chord Red Reference MK III là một đầu đọc có khả năng tái tạo âm thanh có độ chính xác toàn dải rất cao, thể hiện được vocal tự nhiên, đậm, đủ độ dày và ngọt. Là một track thử nhẹ đối với hầu hết các hệ thống trình diễn bởi bản phối này chỉ gồm vocal và tiếng lướt dịu của cây keyboards, nhưng nhiều reviewer vẫn rất hay chọn bản thu này đặc biệt để test các hệ thống lớn mang tính tham chiếu. Khi bản thu càng đơn giản, hệ thống càng phải tái tạo thật chính xác nhạc cụ và giọng hát dù là ở những chi tiết nhỏ nhất và đặc biệt là hài âm sẽ được đánh giá rất sát. Red Reference MK III đáp ứng đầy đủ những gì chúng tôi mong đợi, trong đó phải kể đến sự lung linh của tiếng synthesizer keyboards với độ ngân đặc biệt rất dày, tiếng trải rất rộng, mượt mà nhưng cũng đầy chi tiết, nhất là những âm cuối đảm bảo đủ cao và đủ trầm. Đặc biệt nhất là hiệu ứng tạo nên độ ngân và độ vang của tiếng đàn được đầu đọc tái tạo có độ phủ trước mặt loa và kéo rộng đến tận tường sau. Hoàn hảo nhất ở track thử này là vocal của danh ca Ayako Hosokawa được tái tạo một cách ngọt ngào, đậm đà với độ uyển chuyển, luyến láy của từng ca từ chỉ có thể so sánh với âm thanh của nhạc live.

Tiếp tục với I Wish You Love trong cùng album, chúng tôi cảm nhận được sự màu nhiệm của bộ lọc WTA. Đây là một trong những bài mà Ayako Hosokawa thể hiện chất giọng cao khoẻ và hát một cách đầy kỹ thuật. Chất lượng tái tạo của Red Reference MK III đối với track này tốt và thật đến nỗi đã dẫn chúng tôi đến việc so sánh trực tiếp giữa cùng một bản thu trên hai định dạng CD và LP. Ngoài một chút khiếm khuyết nhỏ về độ động và xử lý trầm thì chất lượng tái tạo của đầu đọc Chord Red Reference III là hoàn hảo, nhất là ở cách xử lý nốt cao của vocal, rất chi tiết, nét, dầy dặn nhưng vẫn tạo được độ ngân và không hề chói.

Red Reference MK III là một trong những đầu đọc hiếm hoi có thể cân bằng, hay nói đúng hơn là tối ưu cả việc tái tạo màu âm analog với hài tự nhiên nhưng đồng thời có được độ động với độ chi tiết cao ở mid low và dải trầm. Track “Flight of the Cosmic Hippo” do nhóm jazz đương đại Béla Fleck and the Flecktones thể hiện trong album cùng tên phát hành năm 1991. Đây là một bản thu âm có độ động rất cao với sự phối tấu của đàn banjo, guitar bass, trống và một số nhạc khí khác. Hệ thống thể hiện tiếng guitar bass với độ chi tiết và phân giải rất cao, người nghe như có thể cảm nhận được độ rung của 4 dây đàn trước mặt, trong khi đàn banjo vẫn có độ ấm dịu. Độ động của bản thu được giữ tốt, nên có thể trải nghiệm được hài âm cũng như chi tiết của từng loại nhạc cụ trong bản thu. Trong khi đó, một số đầu đọc và một bộ cơ D/A cùng tầm giá được chúng tôi so sánh trên cùng hệ thống đều ít nhiều thể hiện sự mất cân đối trong việc kiểm soát độ động, tạo nên một số nhiễu âm và có vài đoạn tiếng bị chồng chưa tách bạch. Tượng tự, với một số bản test về độ động kết hợp độ chi tiết, đầu đọc tham chiếu của Chord luôn thể hiện ưu điểm về dynamic, nền âm sạch. Độ chi tiết các dải có thể còn một vài điểm khuyết nhưng tuyệt nhiên độ tĩnh, độ tách kênh, tách tiếng của nhạc cụ đều được tái hiện ở mức tối ưu.


Kết luận

Với ứng dụng công nghệ mạch giải mã FPGA và thiết kế bộ lọc WTA, đầu đọc kết hợp DAC – Chord Red Reference MK III là một trong số ít những thiết bị digital ở chuẩn tham chiếu có khả năng cân bằng tối ưu giữa việc tái tạo những tín hiệu analog đầu ra đạt độ động cao và tối thiểu nhiễu âm ở các dải tần, hài âm đậm và tự nhiên. Ngoài ra, chất lượng giải mã nguồn tín hiệu đầu vào USB cũng là một điểm rất mạnh ở thiết kế Chord Reference MK III, mang lại những màn trình diễn nhạc số với nhiễu jitter được xử lý cực tốt.

Nguồn: Nghe Nhìn Việt Nam