Ngày 18/10, mình có cơ hội tham gia thảo luận và trải nghiệm về sản phẩm lọc điện mới của Transparent: XL PowerIsolator(XLPI). Tại đây mình có dịp gặp mặt đại diện và cũng là nhà phát triển kinh doanh của Transparent: Bob McConell và có cuộc trao đổi khá thú vị về các thiết bị của hãng. Mình cũng dành nhiều thời gia để nghe thử, sờ thử và nói chuyện khá thoải mái và thẳng thắn với ông. Transparent là thương hiệu khá có tiếng trong làng dây dẫn hi-end thế giới và được Wilson Audio tin dùng khi tất cả các sản phẩm loa của Wilson đều dùng dây dẫn của Transparent làm dây nối bên trong loa.

Đang tải tinhte_transparent_XL_powerisolator (1).JPG…

Mình: ông có thể vui lòng trình bày là tại sao chúng ta cần dùng lọc điện?
Bob: Chúng ta sẽ đi từ từ, lọc điện nghĩa là làm sạch điện nguồn trước khi cấp vào dàn âm thanh, loại bỏ đi các sóng gai, định hình lại sóng sine wave. Tác dụng đầu tiên là làm nền âm sẽ tĩnh hơn, nhạc không còn sạn nữa. Điều thứ 2 là loại bỏ được các nhiễu cao tần (RF), các sóng này xuất hiện khi bật hoặc tắt đèn neon trong nhà, hoặc các thiết bị chạy nguồn xung chạy chung trong cùng một hệ thống điện.

Mình: Vậy Transparent có những ưu tiên nào trong thiết kế lọc điện? Trước đây Transparent đã khá thành công khi giới thiệu lọc OPUS, vậy XL PowerIsolator có thêm những cải tiến gì?
Bob: Tiêu chí của Transparent khi thiết kế mạch lọc trong sản phẩm XL PowerIsolator là tạo ra các đường điện có trở kháng thấp để dòng electron chuyển động nhanh, mang lại độ động tốt hơn cho dàn âm thanh.
Các mạch lọc cho từng cụm ổ cắm được tách rời nhau để tránh can nhiễu, kỹ thuật hàn được chăm chút, mối hàn thật tốt, không gia tăng điện trở tại điểm hàn, chống rung cục bộ cho từng cụm lọc và chống rung toàn bộ cho lớp vỏ được chú trọng. Phải có mạch bảo vệ tốt, mạch bảo vệ không dùng các mạch MOV bình thường mà áp dụng Avalanche diode có tốc độ phản ứng với các điểm tăng áp đột ngột, dập các xung gai này đi thật nhanh để bảo vệ các biến áp nguồn của thiết bị, ngoài ra ở RPI còn sử dụng các CB đóng ngắt thủy lực cũng có tốc độ phản ứng rất nhanh và bền bỉ hơn CB nhiệt thông thường. 1 RPI cho hệ thống gần như cung cấp toàn bộ các tiêu chuẩn an toàn về điện, từ ổ LAN cho đến các ổ cắm trong nhà, vì bạn biết hiện giờ xu hướng sử dụng các thiết bị streaming đang phát triển mạnh, khi có sự cố gì hay sét đánh, chúng tôi muốn đảm bảo tất cả các sự cố về điện sẽ tìm đường xuống dây ground.

Mình: Hmmmm…. Các hãng khác thường có biến áp cách ly bên trong kèm mạch lọc, vì sao Transparent XL PowerIsolator không sử dụng biến áp cách ly?
Bob: Biến áp cách ly làm tăng điện trở nguồn, bên cạnh đó nó còn tạo ra dòng điện Foucalt (dòng điện xoáy – dòng điện xuất hiện khi đặt 1 vật dẫn điện vào một từ trường biến đổi theo thời gian), làm độ động giảm, tiếng bị chậm, bạn sẽ để ý rằng nhưng biến áp cách ly kèm lọc thường sẽ được khen kiểu như “Wow, tiếng bass dày thật/ Tiếng bass đã thật”, nhưng thực tế, việc tăng nội trở nguồn sẽ làm dày bass, làm tiếng có chiều hướng ấm và tối hơn thì sẽ làm dải trung âm cao và dải cao bị tổn thất khá nhiều. Điều này đi ngược lại với triết lý khi thiết kế mạch lọc của Transparent.

Hôm qua nói nhiều lắm nhưng mình sẽ tóm tắt một số ý chính sau:

Đang tải tinhte_transparent_XL_powerisolator (7).JPG…

Anh em nếu có dàn nghe nhạc tốt có thể để ý được là thời gian anh em nghe có thể ảnh hưởng đến chất âm của hệ thống, ví dụ như mình, qua nhà bạn ở một chung cư đông người nghe nhạc thì mình để ý là khi nghe buổi sáng tầm 8h 9h, khi phần lớn dân cư đều đi làm hoặc không dùng điện nhiều, âm thanh sẽ êm tai, dễ chịu hơn, cảm giác nghe thư thái hơn nhưng giờ tầm 6h 7h chiều, khi mà người ta bật nào là điều hòa, nào là nồi cơm điện, nào là máy giặt, ti vi, đèn đóm các thứ …, âm thanh lúc này trở nên khô, hơi gắt nhẹ và có thiếu chi tiết một tý, đó là do các thiết bị kể trên tạo ra các sóng ripple trên đường điện tổng, thậm chí là các nhiễu ngoại vi như RFI và EMI, chính những lúc này thì một bộ lọc điện chất lượng cao là rất cần thiết.

Không dừng lại ở đó, bộ lọc nguồn còn có thể xem như là một bộ chia điện, giúp ta gom dây nguồn (thường là to, trong dàn hi-end cao cấp thì có mấy ông xài dây to như thân con rắn ri voi :D). Hơn nữa, mạng lưới điệnnước ta được ổn định, thường xuyên có hiện tượng nhiễu điện, quá áp, hoặc sụt áp, dòng điện hay tăng giảm đột ngột, bất thường là hiện tượng thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, tần số 50Hz của dòng điện xoay chiều khi khảo sát thực tế, luôn thay đổi thất thường, đôi khi lên xuống đến 3% – 5%, không chỉ ảnh hưởng tới trình diễn mà còn làm giảm tuổi thọ của các thiết bị.

Đang tải tinhte_transparent_XL_powerisolator (5).JPG…

XL PowerIsolator là một lọc điện chủ động, tuy trong tên gọi có từ “isolator” nhưng bên trong không có cục biến áp cách ly nào cả, “isolator” ở đây, ý là nói về khả năng lọc ồn cho điện nguồn AC, đảo bảo dòng điện cấp vào hệ thống audio được sạch sẽ, không bị ripple, bên cạnh đó là khả năng bảo vệ quá dòng, quá áp, chặn dòng DC (residual DC) vốn rất có hại cho mấy cái biến áp nguồn xuyến, và…sét đánh :D

Hệ thống bảo vệ này sử dụng những linh kiện tốt, phản ứng nhanh và không cản dòng ví dụ như Hydraulic-magnetic breaker và Avalance diode. XL PowerIsolator của Transparent Audio có 4 đầu cắm nguồn được chia thành 2 cặp riêng biệt dành cho các hạng mục sản phẩm khác nhau, từ những thiết bị tiêu thụ dòng nhỏ như Phono Preamplifier hay đầu đĩa CD cho đến các khối power amplifier hay monoblock đồ sộ kéo dòng cao.

Đang tải tinhte_transparent_XL_powerisolator.jpg…

Vỏ ngoài của sản phẩm làm từ nhôm và trên nóc có một tấm nhựa polymer được uốn cong, theo như Bob cho biết thì tại khu vực này là khu vực có các cuộn cảm, khi hoạt động chúng sẽ tạo ra từ trường biến thiên, nếu sử dụng nhôm hay kim loại, từ trường sẽ tác động ngược lại vào trong mạch lọc và sinh ra nội nhiễu nên tốt nhất là sử dụng một tấm nhựa cong và mỏng.

Đang tải tinhte_transparent_audio_reference_powerisolator_rpi (5).JPG…

Trọng lượng của XL PowerIsolator khá nặng do được đổ Epoxy để chống rung cho các linh kiện bên trong. Phía dưới chân, nếu dùng với sàn có thảm thì ta sẽ gắn chân đinh đi kèm còn nếu sử dụng trên một kệ audio chắc chắn thì khỏi, dùng chân cao su có sẵn là được. Giải pháp chống rung của XL PowerIsolator cũng là một thành quả nghiên cứu của Transparent với HRS (Harmonic Resolution System), một hãng đầu gấu trong lĩnh vực phát triển các giải pháp chống rung cơ học. Về vụ rung này mốt mình sẽ nói sâu sâu hơn nữa nha!

Đang tải tinhte_transparent_XL_powerisolator (4).JPG…

Khi nghe thử trên dàn âm thanh với cấu hình rất đơn giản là một chiếc integrated amplifier của Mcintosh MCINTOSH MA9000 với DAC tích hợp và nguồn phát là từ một chiếc laptop bình thường, việc thêm RPI vào hệ thống cho nền âm tĩnh hơn, bản “Good Morning Little School Girl” của Muddy Water khi mình nghe không có XL PowerIsolator mình vẫn thấy nó hay, hay vì cái amplifier MA9000 có tiếng khá êm, khỏe với loa Sonus Faber Sonetto V có kiểu tiếng nịnh tai nên nghe vẫn thấy chất, không gian tốt. Lúc cắm lọc vào thì không gian có chiều sâu hơn, nghĩa là nhạc cụ có sự sắp xếp theo chiều sâu rõ rệt hơn, không còn cảm giác mọi thứ dàn ra trước mắt nữa.

Ngoài ra thì nếu để ý kỹ, trong các bản giao hưởng có bộ kèn clarinet, việc có và không có XL PowerIsolator rất dễ nhận ra vì khi có RPI tiếng kèn như lớn hơn, cảm giác độ lớn nhỏ của hơi thổi khá rõ ràng, tiếng được kéo hơi từ nốt thấp đến nốt cao uyển chuyển hơn, bộ shimmer long lanh, nổi khối và có mật độ dày hơn hẳn. Đối với một set-up khá nhẹ nhàng như thế này mà sự cải thiện đã như mặt trăng – mặt trời thì hẳn với một set-up ở mức hi-end và ultra hi-end thì XL PowerIsolator còn mang lại nhiều tác dụng tích cực hơn nữa. Mình đã từng xài qua nhiều thiết bị lọc nguồn nhưng tới giờ chỉ cắm vào điện tường thôi, vì bất cứ cái lọc nguồn nào mình cắm vào đều làm cho tiếng bớt động năng hơn, hơi lừ đừ vì hài âm ở dải cao bị mất đi kha khá, không gian thiếu chi chiều cao nên thành ra toàn bộ bản nhạc sẽ chậm và tối hơn. XL PowerIsolator cho ra một kế quả tối ưu hơn, độ động thậm chí còn tốt hơn do nền âm tĩnh và trong sạch hơn nên sự chênh lệch về sắc thái âm học của nhạc cụ, giọng hát trở nên nổi bật và “nạc”.

Nguồn: TT/AudioPsycho