HFVN – Henry Rollins là một audiophile, ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, DJ nổi tiếng người Mỹ. Ông sinh năm 1961 ở Washington trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc và được tiếp xúc với nghệ thuật âm thanh từ rất sớm. Dưới đây là câu chuyện được đăng tải trên trang Stereophile về cuộc đời và những triết lý sống của một audiophile theo quan điểm của Henry Rollins.

Henry Rollins cùng một phần bộ sưu tập của mình. Ảnh: artistdirect.
Henry Rollins cùng một phần bộ sưu tập của mình. Ảnh: artistdirect.

“Thật may mắn cho tôi khi được lớn lên trong một môi trường nơi mọi người thưởng thức âm nhạc thuộc mọi thể loại. Tôi sống với mẹ trong một căn hộ nhỏ ở Washington DC, trong những năm 1960 – 1970, và trong suốt quãng thời gian đó, âm nhạc là phương thức giải trí được ưa chuộng nhất. Có Chopin, Wagner, Beethoven, Coltrane, Miles, Sonny Rollins, Streisand, Baez, Dylan, Miriam Makeba và thậm chí cả Doors, Hendrix, và Janis Joplin…

Chúng tôi đến một cửa hàng âm thanh gần Dupont Circle thường xuyên. Tôi không rõ bằng cách nào mẹ tôi biết về những bản thu mới, nhưng bà luôn có một thứ âm nhạc mới mẻ nào đó để nghe. Riêng tôi có một máy phát nhạc trong phòng, nghe mọi thứ từ những bản nhạc cho trẻ em đến Strauss, từ the Beatles đến Isaac Hayes…

Trong nhiều năm, tôi không bao giờ để chất lượng âm thanh vướng bận đến đôi tai của mình. Chỉ cần được nghe nhạc và nghe rõ đã là quá đủ. Có lẽ vì cách đây đã quá lâu, vào thời điểm tôi còn trẻ, đang làm một công việc với mức lương tối thiểu, và rõ ràng âm thanh hi-end không phải là mục tiêu hàng đầu.

Ngày ấy, tôi mua những bản thu với tiền thưởng mà tôi nhận được. Thời đó, việc có được một bản nhạc đôi khi vô cùng khó khăn. Tuy vậy, tôi không bao giờ hối tiếc vì việc đó. Nhiều bản thu ngày ấy tôi mua với giá chỉ vài đôla, nhưng giờ đây có mặt trên Ebay và nhiều trang mạng khác với mức giá không tưởng.

Đến những năm 80 của thế kỷ trước, tôi có một hệ thống stereo đơn giản và rẻ tiền. Đó thực sự là quãng thời gian đáng nhớ với tôi. Dù phần lớn các bộ phận được lấy từ mỗi nơi một ít, có thể chúng không hợp nhau, nhưng một lần nữa, chỉ cần được nghe nhạc, tôi đã cảm thấy ổn rồi.

Việc này bắt đầu thay đổi khi tôi bỏ nhiều thời gian hơn trong studio nơi tôi làm việc và nghe nhạc từ đôi loa Altec Lansing lớn. Tôi bắt đầu nghĩ sẽ tuyệt vời thế nào nếu có một thứ như thế này trong phòng mình. Ngày ấy, tôi thậm chí còn chưa có phòng, nhưng mơ mộng về một môi trường nghe nhạc hoàn hảo vẫn luôn trong khắc khoải trong tôi.

Năm 1991, tôi quen Dan, một nhà xuất bản nhỏ ở đây. Tôi nói với anh rằng ban nhạc của chúng tôi có một ít vốn và đã đến lúc để bắt đầu. Từ đây, tôi có một hệ thống hi-fi khá tốt, không hẳn tuyệt hảo, nhưng nó cùng tôi làm việc và thưởng thức âm nhạc trong nhiều năm. Đó là một đôi Tannoy 12 inch với sub 18 inch, một pre-ampli Carver và một bộ phân tần Rane. Có thể nhiều người sẽ cười, nhưng lúc đó tôi không phải là một audiophile. Với tôi, như thế đã tốt hơn tôi hằng mong đợi rất nhiều.

Không ít lần tôi ‘chết lặng’ khi phát hiện ra số tiền mình có thể trả cho một sợi dây dẫn. Đó là lúc tôi chỉ còn vài xu trong túi, có một người mặt cắt không còn giọt máu, lộ rõ vẻ ‘không thể nào tin được’ và hỏi lại ‘anh có thể nhắc lại, anh đã mua thứ này hết bao nhiêu không?’, khi hỏi giá sợi dây to đen như một con rắn lớn tôi đang cầm trên tay. Vâng, rất nhiều lần như thế.

Đến nay tôi có đến năm dàn âm thanh trong nhà mình, hệ thống tôi dành nhiều thời gian để nghe và thích nhất có lẽ còn khá “nghiệp dư” với những người đọc bài viết này: loa Wilson Audio Sophia 3s, ampli và pre-ampli McIntosh, đầu đĩa than Rega Planar 3 và đầu CD Rega Valve Isis. Cuối năm 2012, hệ thống này sẽ được chuyển đến một phòng khác, tại tôi và vài đồng nghiệp tiếp tục nâng cấp, thử nghiệm.

Tại sao tôi lại bỏ nhiều thời gian và tiền của để mong muốn đạt được chất lượng âm thanh tuyệt hảo? Với tôi vấn đề này rất đơn giản: cuộc sống quá ngắn ngủi và âm nhạc là thành tựu vĩ đại của con người. Khi âm thanh hay được ngân lên, mọi chi phí bỏ ra đều rất xứng đáng.

Nghe nhạc có lẽ là nguồn cảm xúc hạnh phúc dồi dào nhất mà tôi được biết, và đã trải nghiệm điều này từ lúc còn là một cậu bé. Tôi sống trong một ngôi nhà chất đầy những bản thu, áp phích, tờ rơi, lịch diễn, tranh ảnh của suốt 30 năm qua. Tất cả album và nghệ sĩ đều được xem như thành viên thân thiết của gia đình. Dù thường xuyên phải đi xa, châu Phi, Trung Đông, Trung Á, Đông Nam Á, châu Âu… khi đi taxi về nhà, tôi luôn có kế hoạch sẽ nghe gì ngay tối hôm đó.

Nhiều người nghe nhạc luôn mang theo sự đánh giá và đôi lúc là phê bình, chê trách. Khi nghe một bản nhạc thật tuyệt vời, họ tự hỏi, không rõ giá của hệ thống âm thanh đang phát là bao nhiêu. Với tôi, họ ưa thích phần máy móc, phương tiện hơn là âm nhạc thực sự.

Và xin đừng để tôi thấy sự hoài nghi đó. Khi nghĩ về những gì các nghệ sĩ đã hi sinh, những xu hướng nào họ đang đi ngược lại, những đêm thao thức, sự chê cười, trách móc mà họ nhận được, chỉ bởi vì họ có một tài năng đáng ngạc nhiên và mong muốn chia sẻ với thế giới. Điều nhỏ nhặt nhất bạn có thể làm được cho các nghệ sĩ ngoài việc mua bản thu gốc là tỏ ra tôn trọng nhất có thể khi nghe âm nhạc phát ra từ bất kỳ dàn âm thanh nào.

Khả năng cảm thụ âm nhạc là một chủ đề nhạt nhẽo, vô vị. Tôi không bao giờ phí thời gian cố gắng đưa ai đó lên một trình độ nghe nhạc mới. Một người không thể biết người khác đang thiếu thứ gì, mà chỉ bản thân người đó hiểu. May mắn thay, người quản lý và tôi đều là audiophile và cả hai đều “nghiện” sưu tầm các bản thu. Chúng tôi đi khắp thế giới và dành vô số thời gian bàn luận về các chủ đề âm nhạc khác nhau.

Mọi người có thể hình dung, hoặc có định kiến về niềm đam mê của audiophile và cả người chơi âm thanh nói chung, tôi không quan tâm đến họ. Bởi lẽ tôi là một audiophile.”

Nguyên Khánh – Sohoa