Anh V là một trong những audiophile có thâm niên chơi hi-end ở Tp.HCM. Nhưng rất ít người biết tên anh và càng ít người có dịp đến phòng nghe của anh. Kể về cuộc chơi âm thanh hơn 20 năm qua, anh V chỉ gói gọn: Bộ dàn của audiophile thường “phình ra” theo thời gian, trong khi hệ thống của tôi lại càng “teo” đi đến mức không thể gọn hơn được nữa.

Hi-end – liệu pháp giảm stress

Ngoài công việc, hầu hết thời gian còn lại anh dành cho âm nhạc. Trong đó, phần nghe nhạc cũng như đọc, nghiên cứu tài liệu liên quan đến thiết bị âm thanh đã ngốn hết giờ nghỉ hiếm hoi của anh. Anh V tâm sự: “Tôi có cách giảm stress rất hiệu quả là đọc và tìm hiểu những công nghệ kỹ thuật, triết lý sản xuất của các thương hiệu audio, đặc biệt là những hãng mới xuất hiện, những sản phẩm mới “ra lò” cũng như những bài viết đánh giá thiết bị âm thanh. Nó giúp tôi bổ sung thêm kiến thức trước khi lựa chọn thiết bị, để có thể tìm được những sản phẩm ưng ý và phối ghép hiệu quả. Theo tôi, đó là một trong những phần hấp dẫn nhất của thú chơi hi-end bên cạnh thưởng thức âm thanh.

Audio Research, Roger, Accuphase, VTL, Manley, Purist Audio… là những thương hiệu mà anh xem là “cột mốc” của hơn 20 năm gắn bó với hi-end audio. Cũng như hầu hết audiophile khác, anh trở thành tín đồ của hi-end sau một lần nghe hệ thống audio với chất lượng âm thanh đặc biệt mà anh còn nhớ “Nó rõ từng nốt, không gian như vượt ngoài phòng nghe và rất thu hút”. Từ đó, anh bắt đầu tham khảo và xây dựng bộ dàn hi-end. Khởi đầu, anh gặp nhiều khó khăn trong việc tìm mua, phối ghép… Những công thức ban đầu khiến anh thất vọng. Nhưng kinh nghiệm đã giúp anh tìm được cách phối ghép hợp lý hơn với chất lượng âm thanh hoàn thiện hơn.

Phức tạp hóa bộ dàn

Với lợi thế về ngoại ngữ và thường xuyên công tác tại Hong Kong, anh đã mở rộng tầm nhìn qua các tạp chí âm thanh như: Audiophile Magazine, Stereosound. Anh học được nhiều điều từ những tạp chí này. Trong những năm 1990, thị trường audio Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu là các thương hiệu từ Mỹ và Nhật Bản. Tất cả là sản phẩm nội địa nhập về bằng đường xách tay. Qua các tạp chí hi-end, anh V biết thêm hàng trăm, hàng nghìn thương hiệu với nhiều triết lý sản xuất và công nghệ độc đáo. Anh đặc biệt thích các bài viết giới thiệu về audiophile tại Hong Kong. Từ những bộ dàn này, anh khám phá được cách phối ghép thiết bị sao cho ăn ý nhất, cách bày trí bộ dàn và kỹ thật trang âm phòng nghe…

Sau thời gian tham khảo, anh bắt đầu “phức tạp hóa” bộ dàn. Bởi anh từng quan niệm: các thiết bị càng được tách rời thì sẽ khử nhiễu tín hiệu tốt hơn. Việc xử lý từng kênh sẽ giúp âm thanh mạnh mẽ và chính xác hơn. Vậy là, từ bộ dàn cơ bản gồm bộ pre-power amp của Audio Research, CD player Accuphase, loa Roger, anh chuyển sang sử dụng bộ nguồn âm gồm cơ và D/A. Anh tiếp tục chuyển từ power stereo sang hệ thống khuếch đại monoblock. Ngay cả preamp anh cũng tìm những sản phẩm có phần nguồn power supply rời. Chưa hết, anh còn trang bị thêm hai power amp mono để thử nghiệm cách đánh bi-wire, rồi đầu tư thêm biến thế cách ly đa tầng, tubetrap, chân kim, kệ máy…. kết quả là một hệ thống đồ sộ hình thành gần như chiếm hết phòng nghe.

Trở về hệ thống đơn giản nhất

Trong quá trình biến hệ thống mà anh sở hữu trở nên đồ sộ và phức tạp, anh V nhận thấy dù chất lượng âm thanh có thay đổi, nhưng sự thay đổi này rất khó kiểm soát. Đôi khi “đi nhanh” quá khiến người chơi có thể bị ngộ nhận về sự khác biệt này. Theo anh V: “Khi thay một thiết bị, nó sẽ làm chất âm của bộ dàn khác đi. Nhưng người nghe phải đủ tỉnh táo để nhận biết sự thay đổi là tốt hơn hay tệ đi, cần dành nhiều thời gian để nhận biết những thay đổi này. Bass mạnh hơn, treble rõ hơn… những nhận định như vậy chưa đủ để đánh giá một thiết bị mới, người chơi cần nghe và hiểu thật rõ những track thử”. Anh rút ra triết lý khá đơn giản mà theo tôi rất chính xác: Khi so sánh hai thiết bị, người chơi đừng quá chú trọng chi tiết của các dải âm. Hãy cảm nhận xem thiết bị nào khiến người chơi cảm thấy bản thu hay hơn, thì thiết bị đó tốt hơn. Anh cũng nhận thấy khoản đầu tư để phức tạp hóa thiết bị rất lớn. Với cùng số tiền đầu tư cho hệ thống pre-power, người chơi có thể đầu tư ampli tích hợp thật tốt và có nhiều lựa chọn hơn về thương hiệu.

Khi so sánh hai thiết bị, người chơi đừng quá chú trọng chi tiết của các dải âm mà hãy cảm nhận xem thiết bị nào khiến người chơi cảm thấy bản thu hay hơn, thì thiết bị đó tốt hơn.

Từng trải nghiệm qua chất âm của nhiều thương hiệu, anh V đặc biệt thích sản phẩm có xuất  xứ từ Bắc Âu với đặc trưng âm thanh trung thực, không bị “màu” và đạt độ ổn định cao khi trình diễn. Anh V chọn Dynaudio C4, bởi “chất Dyn” gần như ăn sâu vào tâm thức anh. Một năm trước, anh đã tìm mua Gryphon Diablo và cũng vừa “sắm” đầu đọc Mikado Signature. Trong suốt buổi chiều ngồi thưởng thức bộ dàn toàn châu Âu này với cách phối ghép gọn nhẹ, tôi cảm nhận những tiêu chí mà anh V đặt ra đã được thể hiện trọn vẹn: âm hình rộng, âm nhạc từ tốn, nhưng giàu chi tiết, dải trầm dễ chịu, giọng hát êm mượt… Nó khiến người nghe quên rằng mình đang nghe thiết bị gì, hình ảnh hệ thống nhạt dần và chỉ để lại một sân khấu đúng nghĩa.

 

 Đầu đọc Gryphon Mikado Signature

 Ampli tích hợp Gryphon Diablo

Loa Dynaudio C4

 Hệ thống dây tín hiệu và dây loa mảnh mai của Crysta Cable nhưng cho âm thanh đầm ấp, rộng rãi

 Lọc nguồn cao cấp Hydra của Shunyata Research

Theo Tuấn Lương/Sống mới