Có một người chơi như thế… Ở chốn Sài thành, người chơi audio không hiếm, song audiophile ở cái tuổi thất thập cổ lai hy như chú có lẽ là rất ít. Khi hỏi chú đã bao nhiêu năm chú làm bạn với âm nhạc, chú cũng không nhớ nổi. Chỉ biết là lâu lắm rồi. Đam mê nào đến rồi cũng đi, chỉ có tình yêu âm nhạc là còn ở lại. Ở chú, tôi không muốn nói tới những thiết bị được săn lùng kỳ công, được chăm chút cẩn thận, mà chỉ muốn nói về cách chơi đầy bản lĩnh, hiểu biết và đậm tính sẻ chia.

Chọn cho mình một phong cách thật khoáng đạt, cởi mở, chú làm bạn với gần hết audiophile ở thành phố Hồ Chí Minh, anh em trong giới chơi audio thường gọi chú với cái tên thân mật: “chú Đại”. Có thể nói, chú là một trong những audiophile cao tuổi và giàu kinh nghiệm bậc nhất trong giới chơi audio hiện nay.
 
Thỉnh thoảng lại có những người bạn của… bạn xin phép đến thăm nhà chú để học hỏi kinh nghiệm chơi hay trao đổi về âm nhạc, sở thích. Câu trả lời của chú luôn thế này: “Sáng mai đến sớm nha, nhớ đừng ăn sáng”. Thế rồi từ tờ mờ sáng hôm sau, chú đã loay hoay với mấy tô bún riêu nhà nấu thật đặc biệt chờ khách. Ngôi nhà trong căn hẻm nhỏ đường Cách mạng tháng 8 luôn rộng cửa chào đón các bạn chơi như thế đó. Và có lần tôi buột miệng hỏi chú “con thích nghe nhạc xưa lắm mà không tìm được, hôm nào chú cho con mượn vài cuốn nha”. Ấy vậy mà chỉ hai hôm sau chú đã gọi tôi lại nhà, giao cho gần hai trăm chương trình gốc nhạc xưa mà chú dày công sưu tầm để tôi mang về chép vào vi tính… để dành.
 
Thiết bị nguồn chất lượng cao từ nhiều thương hiệu khác nhau.
 
Và còn nhiều nữa những niềm vui nho nhỏ chú mang lại cho người khác. Tôi có cảm giác chú xem niềm vui hay những mối quan ngại của mọi người trong cuộc chơi cũng như của chính mình.
 
Hiệu quả từ hệ thống loa hai đường tiếng
Hệ thống hiện thời của chú có cấu hình khá đơn giản. Sở dĩ nó gọn gàng như vậy bởi theo chú, để thỏa mãn nhu cầu nghe nhạc cổ điển và trong điều kiện đầu tư có hạn, không gì hiệu quả bằng dàn loa 2 đường tiếng với một bộ phân tần chủ động. Sau một quá trình xây dựng công phu, hiện hệ thống của chú đang dừng lại ở dàn loa JBL 2 đường tiếng với cặp củ LE175 gắn với còi 2380A đảm nhiệm phần trung cao, được đánh bởi âmly kỹ thuật số  A&D DA-9500. Chiếc âmly này từng là sản phẩm đầu bảng của AKAI vào những năm 90. Phần trầm của hệ thống được thể hiện qua cặp loa bass LE14A, kéo bằng chiếc âmly Power Mosfet odB No NFB do K.Hashioka chế tạo. Tiếng bass của hệ thống có tốc độ nhanh, chi tiết, khá sâu và ấm. Toàn bộ hệ thống loa con được lắp đặt trong thùng loa với thể tích lớn – 141 lít. Thùng loa với thiết kế ba lỗ thoát hơi có thể điều chỉnh để phù hợp với phòng nghe và gu thưởng thức. Kết quả mang lại thật khả quan so với một hệ thống loa DIY sử dụng phân tần chủ động: các bản nhạc giao hưởng được thểhiện hoành tráng với độ động cao, mộc mạc và chân thực.
 
Cặp loa DIY kèn, củ JBL 2 đường tiếng với bộ phân tần chủ động
 
Khi cất lại căn nhà, phòng nghe được ưu ái thiết kế với kích thước âm học chọn lọc: 1×1,2×1,6 (3,5m cao x 5,4m dài x 4,5m rộng). Dọc theo phòng nghe là hệ thống vách gỗ có kết cấu dạng chớp lật rất linh hoạt trong việc điều chỉnh độ tiêu tán ở từng vị trí. Thoạt nhìn, người ta sẽ tưởng bức tường phía sau loa là một khung tranh lớn, song thực ra, đó chính là hệ thống tiêu âm có chất liệu bằng bông thủy tinh rất hiệu quả. Sau vị trí ngồi nghe là một balcon lớn vách kính, được gắn lên những tấm xốp lỗ dạng tổ ong mô phỏng theo hoạt động của hộp cộng hưởng Helmholtz để triệt tiêu sóng đứng. Cặp loa được đặt dọc theo chiều dài của phòng cách bức tường phía sau một khoảng cách khá lý tưởng để hệ thống có thể tái tạo được trường âm rộng và sâu.
 
Âm thanh từ hệ thống thật ấn tượng, nó ấm áp, gần gũi và mộc mạc như tính cách của người chủ đã dựng lên nó vậy. Những bản ghi cổ điển được tái hiện sống động với không gian rộng rãi, rõ ràng, các bè tách bạch. Tiếng hát của ca sĩ, âm thanh của các nhạc cụ lồng lộng, bay bổng trong không gian phòng nghe.
 
Tâm tư một audiophile già
Với vẻ trầm tĩnh và điềm đạm, chú không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm quý về nghe nhạc sao cho đúng, cách phối ghép thiết bị sao cho thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức của người chơi… Trò chuyện cùng chú luôn mang lại cho các audiophile trẻ niềm hứng khởi đặc biệt. Chú thường tâm sự với chúng tôi như một lời nhắc nhở kín đáo, giúp chúng tôi luôn giữ được sự tỉnh táo trong cuộc chơi: “Đam mê là vô hạn, khả năng lại hữu hạn. Nên chớ có mong chi có được thứ âm thanh pha lê từ chiếc cốc thủy tinh.”
 
Chân dung người audiophile già.
 
Nhịp sống đầy hối hả của cái thành phố sôi động bậc nhất nước ta này dường như cũng ảnh hưởng tới lối chơi của không ít audiophile. Cái sự thôi thúc, gấp gáp ấy nhanh chóng cuốn họ vào cuộc chơi một cách mịt mờ vô định để rồi khi nhìn lại, người ta chợt nhận ra những gì đã làm không thực sự phù hợp với điều kiện, với đam mê và bản lĩnh của mình.
 
Ngược lại ở chú, tôi thấy được cái ung dung tự tại, thấy được chữ “TĨNH” trong lối chơi của một người từng trải và hiểu biết, biết rất rõ con đường mình đã qua và lối đi sắp tới. Và trên hết, tôi cảm được ở chú cái “TÂM” của người chơi: thú nghe nhạc – chơi đồ không chỉ đơn thuần là giải trí, nếu biết tận dụng, nó sẽ trở thành nét văn hóa mang bản sắc riêng, nâng tầm văn hóa trong mỗi con người.

Theo Minh Tâm/Sống mới