HFVN – Anh Cương, nhân vật được giới thiệu qua các bài viết về âm thanh đặc biệt với cách chơi âm thanh nhiều đường tiếng độc đáo, ngoài ra anh còn là nhà sưu tập cartridge với tổng cộng 15 chiếc kim đủ loại, đặc biệt có những kim cực quý với số lượng hạn chế mà trên thế giới tồn tại khoảng 16 chiếc.

ANALOG HAY DIGITAL, CẢM XÚC NGƯỜI NGHE MỚI LÀ QUYẾT ĐỊNH

Với hệ thống nguồn analog khá đồ sộ gồm đầ những đầu đĩa thanh quý như Micro Seiki SX8000, Thorens Prestige và một bộ sưu tập kim hoành tráng nhưng anh Cương không cho mình là tín đồ của analog mà đói với anh có một triết lý rất rõ ràng “cái gì có lý thì nó tồn tại”. Anh cho biết: “Đĩa than, băng cối (đại diện cho analog) và CD, DVD-Audio, SACD… (dại diện digital) vẫn đang tồn tại, vậy phải có cái lý của nó. Cái lý đói với tôi là có những bản thu tốt nhất là ở phiên bản đĩa than, có những bản thu khác tốt nhất là ở băng cối và tương tự như vậy đối với nguồn âm CD. Cụ thể, nếu muốn nghe nhạc cổ điển, tôi nghe những bản thu âm trên đĩa than từ khoảng năm 50 đến cuối những năm 70. Nếu nghe nhạc Việt Nam giai đoạn 60 – 80, tôi thích nghe băng cối. Còn đói với nhạc đương đại: jazz, country, pop… tôi thích nghe digital. Có thể tôi chưa được tiếp cận với những định dạng khác nên chưa biết thế nào. Nó cũng giống như “món ăn nào thì sử dụng nước chấm ấy”. Như vậy, anh không bị mắc vào cuộc chiến giữa hai định dạng analog-digital như những tín đồ “quá khích” khác mà biết tận dụng thế mạnh của chúng vào từng dòng nhạc cụ thể. Quả đúng như vậy, có những cá nhân hoặc nhóm audiophile đã tẩy chay hẳn CD, vì cho nó là quá khô khan, quá kỹ thuật số để rồi tự giới hạn mình trong số lượng bản thu đĩa than, băng cối rất hạn chế. Khác với những gì tôi nghĩ trong đầu, anh không hô hào hay tung hứng analog mà rất “tỉnh táo” trong cách chơi của một người nghe nhạc thật sự. Đã tham khảo qua rất nhiều tài liệu cũng như những tranh luận trong giới audiophile về việc so sánh giữa analog và digital, nhưng đối với anh, chúng đều có vai trò riêng của nó. “… Tôi thấy nghe nhạc có hay hay không (ngoài bộ dàn đừng để mắc những lỗi cơ bản làm đôi tai ta mất hứng) thì tâm trạng của người nghe gần như quyết định. Có những đĩa bạn nghe rồi bỏ xó, chẳng bao giờ rờ tới. Nhưng một ngày kia bạn gặp một sự kiện đặc biệt, bạn buồn, bạn nhớ đến một câu hát… và bạn về lục chiếc đĩa đó ra, rót một ly cognac (hay rượu thuốc), bạn thưởng thức… ôi sao nó hay đến thế… sao người nhạc sĩ tài thế, hiểu được tâm trạng của mình… sao cô ca sĩ này tuyệt vời thế, thể hiện bài hát mang đúng tâm trạng… Tôi coi đó là sự thăng hoa của tâm hồn, rất tiếc trong thời đại “vội vã” hiện nay, chúng ta không có được nhiều phút giây như thế. Nếu bạn vẫn cố gắng bắt tôi phải bỏ phiếu cho digital hay analog, tôi sẽ cố thống kê xem bao nhiêu thời gian tôi nghe đĩa than, bao nhiêu thời gian tôi nghe CD. Đương nhiên tôi sẽ bỏ phiểu cho định dạng nào tôi nghe nhiều hơn. Nhưng đã là thống kê thì nó khác nhau theo thời điểm. “Có thể năm nay là analog, năm sau lại là digital…”, anh Cương tâm sự.

Sưu tầm cartridge trước hết để nghe đĩa than. Sưu tầm một cái thú không thể phủ nhận trong cuộc sống đương đại. Những bộ sưu tập khác có thể lên đến hàng chục nghìn vật phẩm, tuy nhiên đối với đầu kim cartridge sở hữu đến 15 chiếc hoàn toàn xứng đáng được gọi là một bộ sưu tập hẳn hoi. Tôi đến với cartridge trước hết vì nó sử dụng để nghe đĩa than! Có những thứ sưu tập chỉ để ngắm, nhưng sưu tập cartridge nói riêng và thiết bị âm thanh nói chung  cho ta nhiều hơn thế. Ngoài mặt lịch sử, xuất xứ, chế tác, đầu kim cũng chứa đựng triết lý, văn hóa của nhà sản xuất thể hiện qua chất âm. Hoàn toàn có thể thấy sự khác biệt giữa đầu kim của Đức với Nhật cũng như các nước Đan Mạch, Anh, Mỹ…

Để nghe đĩa than tốt, chúng ta nên hiểu biết cấu trúc tái tạo âm thanh từ đầu kim ra đến hệ thống loa và những yếu tố ảnh hưởng đến nó. Mặc dù nguyên lý cực kỳ đơn giản cơ – điện – cơ, nhưng đằng sau nó thì cực kỳ phức tạp và tinh hoa.

“Quý vật tầm quý nhân”, cũng như các thứ sưu tập khác, chủ nhân tìm được vật quý đều do cái duyên. “Bạn cứ có lòng đi, rồi ngày nào đó đồ hay, đồ quý, nó sẽ tìm đến với bạn. Cái nào có duyên với bạn nó sẽ ở lại, còn không nó sẽ ra đi”, anh Cương nghiệm ra triết lý như vậy.

15 chiếc cartridge đến với anh Cương theo khá nhiêu đường. Những chiếc kim  mới thì mua ở hãng sản xuất trong những dịp đi công tác nước ngoài hoặc qua các website  mua bán trực tuyến. Nhưng đối với cartridge cổ thì phải kỳ công hơn. Có thể săn kim cổ qua eBay, Audiogon hoặc một cách hữu hiệu hơn là nhờ người thân hoặc bạn bè mua trên trang đấu giá Yahoo Auction của Nhật. Nói chung để sở hữu những chiếc kim hay, kim quý cần đến công thức: tài chính + thời gian + duyên. Chiếc kim “ngốn” nhiều thời gian và công sức nhất của anh nhất là chiếc Ortofon SPU Gold Limited. Đây là chiếc kim SPU sản xuất vào những năm 1970 của Ortofon xuất sang thị trường Đức với số lượng hạn chế 2000 chiếc (có số series từ 1 đến 2000). Điểm đặc biệt của nó sỏ hữu cuộn dây bằng bạc được ủ lâu ngày (aged silver), kim được mài bằng tay theo dạng hình elip cực kỳ tinh xảo, được bán kèm theo với  thẻ bảo hành chỉ dành riêng cho thị trường Đức. Những chiếc Ortofon loai này có số series trên 2000 chỉ sử dụng cuộn dây bằng đồng. Anh không sao tìm mua được chiếc kim này trong cả một thời gian dài lục lọi, săn đuổi bằng mọi cách nhưng cuối cùng nó lại đến với anh qua một người bạn, không phải vì tài chính, đơn giản vì người bạn ấy thấy anh quá có lòng với Ortofon SPU Gold Limited.

Ortofon SPU Gold Limited Living Stereo- “đầu đàn” trong bộ sưu tập
Ortofon SPU Gold Limited Living Stereo là cartridge quý hiếm nhất trong bộ sưu tập kim của anh Cương.  Đây là chiếc kim xuất phát từ chiếc kim Ortofon SPU Gold Limited bán ở thị trường Đức được ông D.Brakermier mang về nâng cấp và đặt tên cho nó là Living Stereo. Ông Brakermier là người chơi nổi tiếng trong giới audiophile của Đức. Ông là nhà sưu tầm đĩa than và là tác giả của cuốn sách Living Stereo nói về giá trị của tất cả các loại đĩa  than có trên thị trường. Cuốn sách này rất tiếc không được phổ biến rộng rãi và được xuất bản với số lượng rất ít do sự tranh chấp của Brakermier và RCA ở Đức về thương hiệu Living Stereo với kết quả phần thua thuộc về Brakermier, Brakermier cùng chế tạo ra hệ thống loa Brakermier Prometheus Speaker System và đầu đĩa than huyền thoại Apolyt sử dụng hệ thống chuyển động cơ học hoàn toàn bằng khí cả chiều ngang lẫn chiều thẳng đứng (Anh Cương cũng là chủ nhân của đầu đĩa than Micro Seiki SX8000 sử dụng đệm không khí theo chiều ngang).


Mân đĩa than Thorens Reference Serial No. 20 và cần SME 3012 series A

Brakermier có nâng cấp hai loại kim. Ông tuyển chọn những kim Ortofon SPU Meister (cuộn dây bằng đồng) để nâng cấp lên kim Living Stereo. Không phải kim Meister nào cũng có thể nâng cấp được vì phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn về độ thẳng giữa chiếc mũi kim và phần thân. Với chiếc kim Ortofon SPU Gold Limited, Brakermier có “nguyên liệu” tốt nhất cho việc nâng cấp của mình. Tuy nhiên, bản thân chiếc SPU Gold Limited đã khó kiếm, cộng với việc thua kiện của Brakermier nê hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 14 đến 16 chiếc. Theo anh Cương, Harry Pearson (tạp chí Absolute Sound) đang sở hữu một chiếc và Heiner Jakobi (tác giả bài báo về EMT 927 & 930 đăng trên tạp chí Sound Practice) cũng có một chiếc.

Vậy Brakermier đã làm gì với SPU Gold Limited? Ông ta đã bỏ hoàn toàn vỏ kim loại màu vàng của kim và thay vào đó thân titan. Ông ta cũng mài bớt phần bảo vệ dây nối từ cuộn dây đến 4 cực của cây kim. Một số vấn đề nữa là ông ta cắt bỏ toàn bộ đầu kim và gắn vào đó theo kiểu chân giả một chiếc đầu kim do ông  ta chế tạo bằng kim cương tự nhiên hình đầu con chim với phần mỏ là để phần tracking. Với phần mỏ này, trong khi cây kim nguyên thủy có thể để lực tì từ 3-5g (vốn là lực tì có biên độ dao động tương đối lớn) được tăng lên từ 3-6g. Theo Brakermier, tracking của SPU nguyên thủy chưa được hoàn thiện và việc có quá nhiều lớp vỏ bên ngoài đã làm cho âm thanh bị nghẹn lại và cảm giác bị bí. Ông cũng khuyến cáo khi sử dụng kim này, nên sử dụng với headshell Orsonic AV-1 để tận dụng khả năng dễ cân chỉnh của chiếc  shell và có thể cân chỉnh với mức độ hoàn thiện cao nhất. Ông còn khuyến cáo nên đi dây bên ngoài tonearm thay vì để dây bên trong tonearm cũng sẽ làm nghẹn âm thanh. Jean Hiagra, một Audiophlie nổi tiếng người Pháp đã làm điều này.


Bộ sưu tập Analogue của Anh Cương

Nhận biết về chất âm của cây kim SPU Gold Limited so với cây kim nguyên thủy, anh Cương nho biết: “Độ ồn do ma sát của kim với rãnh đĩa giảm đi, có thể nói là 50%. Tôi được nghe những tiếng piano, violon, percussion… gần như hoàn toàn nguyên chất. Trong tương lai, tôi sẽ đi dây bên ngoài tonearm để thử xem sao. Còn độ bền của đĩa do kim này mang lại, tôi chưa có thời gian để thử vì phải mua hai cái đĩa mới tinh, giống nhau, nghe bằng hai cây kim khác nhau với thời lượng như nhau. Rất tốn thời gian và công sức để làm phép thử này, nhưng nếu tạp chí Nghe Nhìn có ý tài trợ thì tôi sẽ tiến hành ngay… (cười)”. Có thể nói sưu tập luôn là thú chơi vừa mất thời gian, công sức, tổn hao tài chính nhưng đã là sưu tập thì người ta khổng thể dừng lại được. Hai chiếc cartridge Ortofon SPU C (mono) cổ và Neumann DST62 là 2 báu vật tiếp theo nằm trong kế hoạch sưu tập của anh Cương. Ortofon SPU C là cây kim mono có lực tì khá nhẹ nên sẽ không hại nhiều đến đĩa. Sở hữu những bản thu âm đĩa than mono rất quý nên khi có được Ortofon SPU C, anh sẽ sử dụng cây kim này để nghe những đĩa độc tấu mono được thu từ những năm 1950 của các nhạc công đại thụ. Nghe mono cũng rất hay vì không phải tìm điểm ngọt nếu dùng kim stereo phát đĩa mono vẫn được nhưng sinh nhiều tiếng ồn. Đối với Neumann DST62, đây vốn là cây kim được sử dụng để nghe kiểm tra các phôi đĩa do máy cắt của Neumann tạo ra.

PV: Theo anh đâu là một chiếc đầu kim hay?
Anh Cương: Theo tôi, một chiếc đầu kim hay trước hết tracking phải tốt, vừa ổn định, vừa không làm hại đĩa. Bộ nhún (suspension) phải bền, ít bị lão hóa. Tôi rất thihcs kim Koetsu, nhưng rất tiếc, kim này có bộ nhún không được bền lắm. Đó là lý do tại sao cho đến nay tôi vẫn chưa thể sở hữu 1 cây kim Koetsu.

Cũng nói về chất âm thì kim hay là phải tái tạo trung thực được chất giọng của ca sĩ, tái tạo được chất tự nhiên cảu từng loại nhạc cụ, tái tạo được không gian sân khấu, kết cấu cần phải bền vững cả luc tiết tấu chậm lẫn khi tiết tấu nhanh… mà tất cả những điều này thì không chỉ phụ thuộc vào đầu kim. Chúng còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố còn lại trong hệ thống của bạn.

Theo ý kiến của riêng mình, tôi cho rằng hầu hết những đầu kim hay đều do người châu Âu chế tạo. Đây cũng là cái nôi của nhạc cổ điển, trung tâm của văn minh nhân loại. Cuối cùng không thể phủ nhận một đầu kim hay là một đầu kim quý hiếm, khó tìm.

PV: Theo kinh nghiệm của anh, một người chơi cần tối thiểu bao nhiêu cây cartridge để có thể tối ưu hóa những dòng nhạc?
Anh Cương: Với tôi, nếu mục đích chỉ là thưởng thức âm nhạc, không phải phân tích cái hay cải dở của mỗi cây kim, thì Benz Micro LP là đủ. Còn nếu thiên về chi phí thì cây Denon DL – 103 với transformers lấy từ máy bán dẫn cũ. Thấp hơn nữa thì Shure V15 Type III, đỡ phải tìm transformers.

PV: Ngoài những chiếc kim đắt tiền, trong bộ sưu tập, anh cũng có những chiếc kim giá vừa phải nhưng thuộc hàng không có đối thủ trong tầm giá như Denon 103 chẳng hạn, anh có khi nào lắp chúng để nghe lại không?
Anh Cương: tôi nghe Denon 103. Chất âm của Denon 103 rất chi tiết và ấm áp. Tuy nhiên, mọi nhạc cụ có vẻ mất đi một số tần số cao nhất. Tôi cho rằng, Denon 103 rất phủ hợp với hững bản ballad. Với mức giá cả thì thật không có đối thủ. Việc tìm step-up nào cho Denon 103 cũng khá thú vị vì step-up hay thì giá gấp mấy lần cây kim. Tôi thích tìm những mc transformers trong các ampli bán dẫn đời cổ của Sansui, Pioneer… để mua với giá cả rất phải chăng và đặc biệt chúng rất hợp với Denon 103.

PV: Ngoài bộ sưu tập cartridge anh cũng sở hữu những cần tonearm quý?
Anh Cương: Cũng như cây kim Living Stereo, tôi có cần SME 3012 series A, là một trong 72 chiếc hàng mẫu đầu tiên của hãng SME. Đây cũng là cây cần duy nhấtcos thể sử dụng cho cả đầu headshell studio (hình chữ thập) lẫn EIA (hình vuông). Ngoài ra tôi còn có Thorens TP-97 và Fidelity Research FR 66s, Grado Signature và EMT 997 Banana đời cổ. Khác với nững cần thông thường chỉ cân bằng động, điểm đặc biệt của 997 Banana là vằ cân bằng động, vừa cân bằng tình nên cho dù turntable có bị nghiêng tới 30o nó vẫn hoạt độngt ốt như thường. Không hiểu sao tôi không thích những cây cần mới dù về mặt thông số kỹ thuật thì có vẻ hơn hẳn những cây cần cũ. Nhưng tôi nghĩ nên dành chủ đề cần cho dịp khác.

DANH SÁCH 15 CHIẾC KIM CỦA ANH CƯƠNG:

  • 1.    Audio Technica AT95E;
  • 2.    Shure MX97;
  • 3.    Denon 130;
  • 4.    Clearaudio Virtuoso Wood;
  • 5.    Clearaudio Melody;
  • 6.    Ortofon MC10;
  • 7.    Ortofon MC20;
  • 8.    Ortofon SPU Meister Silver Mk2;
  • 9.    Ortofon SPU Gold Limited;
  • 10.    Benz Micro L2 Wood;
  • 11.    Benz Micro Ruby3;
  • 12.    Benz Micro LP;
  • 13.    Grado Reference;
  • 14.    EMT XSD 15;
  • 15.    Ortofon SPU Gold Limited Living Sterreo.